Chuyển động Hà Nội

Cơ hội phát triển kinh tế vùng với động lực từ Thủ đô Hà Nội

Phạm Quỳnh 07:20 06/11/2024

Theo ông Nguyễn Đăng Hưng - Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Lợi thế của Hà Nội về vị trí chiến lược, kết nối và vai trò dẫn dắt liên kết vùng, hợp tác kinh tế, đầu tư

Ông Nguyễn Đăng Hưng đánh giá, Hà Nội nằm ở trung tâm của khu vực phía Bắc và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vị trí địa lý này không chỉ mang lại lợi thế về kết nối giao thông, mà còn giúp Hà Nội trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế và liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng.

hanoi-234(1).jpg
Ảnh: Hùng Thập.

Thủ đô còn có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không phát triển bậc nhất cả nước, với các tuyến quốc lộ, cao tốc nối liền Hà Nội với các tỉnh trong vùng và các khu vực kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những cửa ngõ hàng không lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với các thành phố lớn trên thế giới.

“Hà Nội có vị trí quan trọng trong các hành lang kinh tế của Quốc gia, kết nối các hoạt động trao đổi, lưu thông trên khắp cả nước. Hà Nội đóng vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa và dịch vụ cho toàn bộ khu vực phía Bắc và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tất cả các tuyến di chuyển giao thông đi lại, các luồng hàng hóa của các tỉnh phía Bắc đều phải qua Hà Nội” – ông Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội có vai trò dẫn dắt liên kết vùng và hợp tác kinh tế, đầu tư. Thực tế phản ánh, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế tự nhiên mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía Bắc, trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.

Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định “phát triển vùng động lực phía Bắc, bao gồm Thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng”.

Trong khi đó, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu: “xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

ha-noi-fdi.jpg
Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI.Trong 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI.

Chuyên gia Nguyễn Đăng Hưng thông tin thêm, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và bất động sản. Thủ đô cũng là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng và dịch vụ công. Các dự án PPP tại Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo động lực cho các tỉnh lân cận áp dụng mô hình này, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng.

Cơ hội phát triển kinh tế vùng với động lực từ Thủ đô Hà Nội

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Hưng, bên cạnh các khó khăn và thách thức, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu “là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước” được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 15/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cụ thể, Hà Nội nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cầu nối quan trọng giữa miền Bắc và các miền khác trong cả nước. Hơn nữa, Hà Nội còn là trung tâm kết nối, giao thương quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và khu vực ASEAN. Cùng đó, Thành phố Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng hàng không, đường sắt. Sự phát triển này không chỉ giúp cải thiện kết nối nội đô mà còn hỗ trợ việc kết nối với các tỉnh lân cận và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

phoi-canh-hanoi.png
Phối cảnh nhà ga hành khách quốc tế T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sau khi mở rộng.

“Với môi trường chính trị ổn định và chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố đã thu hút hàng nghìn dự án FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và dịch vụ. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Panasonic tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ tại Hà Nội”, ông Nguyễn Đăng Hưng phân tích. Đồng thời, Hà Nội có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thu hút thêm đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, dệt may và thực phẩm chế biến.

Một trong những cơ hội khác của Thủ đô Hà Nội, đó là hiện nay Thành phố đang thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp và khu công nghệ cao như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử và nghiên cứu phát triển (R&D). Việc phát triển công nghệ cao sẽ giúp Hà Nội nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính quyền Thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, y tế, giáo dục và hành chính công. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế thông minh.

Không những thế, Hà Nội giàu tiềm năng phát triển ngành dịch vụ. Không khó để nhận thấy, Thủ đô đã, đang là trung tâm của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản, thương mại điện tử. Với sự phát triển của nền kinh tế số và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, ngành dịch vụ tại Hà Nội đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và thương mại trực tuyến.

Thêm nữa Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, đây là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ tại thành phố. Việc phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, sẽ giúp Hà Nội cải thiện chất lượng lao động và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. “Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các dự án đô thị thông minh, đô thị xanh,... bao gồm việc phát triển hạ tầng số, hệ thống giao thông thông minh, quản lý năng lượng và môi trường. Việc phát triển đô thị thông minh, xanh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ, bất động sản và dịch vụ” – chuyên gia Nguyễn Đăng Hưng, khẳng định./.

Bài liên quan
  • Linh hoạt điều chỉnh vốn Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
    Sáng 3/10, làm việc với UBND TP.Hà Nội, hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các bộ, ngành về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chủ động, linh hoạt trong xử lý những vấn đề liên quan đến điều chỉnh mức vốn đầu tư các dự án thành phần trong dự án theo đúng thẩm quyền.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
  • Hành trình “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đưa văn nghệ sĩ TPHCM đến Tây Bắc
    Hành trình "Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ" diễn ra từ ngày 26 đến 30/11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chương trình tri ân văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến... do các cá nhân hảo tâm là văn nghệ sĩ TPHCM và các đối tác của văn nghệ sĩ thành phố ủng hộ.
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phát triển kinh tế vùng với động lực từ Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO