Sự kiện & Bình luận

Bộ Chính trị: Văn hóa là nguồn lực, động lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô

Trung Kiên 26/05/2024 11:30

“Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) được Thành phố Hà Nội triển khai bài bản, công phu, cùng nhiều điểm mới có tính đột phá mạnh mẽ. Trong đó nhấn mạnh Văn hóa và Di sản là 1 trong 5 trụ cột phát triển Thủ đô. Nội dung này cũng đã được Bộ Chính trị thống nhất trong Kết luận số 80 - KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

1 trong 5 trụ cột phát triển Thủ đô
Quy hoạch Thủ đô của UBND Thành phố Hà Nội, thể hiện phương hướng phát triển các lĩnh vực văn hóa Hà Nội theo định hướng của Bộ Chính trị, đó là: “Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”. Thành phố Hà Nội đã xác định Văn hóa và di sản là 1 trong 5 trụ cột phát triển Thủ đô cùng với Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; Xã hội số - đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - việc làm trong Quy hoạch Thủ đô.

hoang-thanh-tlong.jpg
Các nghệ nhân Câu lạc bộ ca trù Hà Nội biểu diễn ca trù tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Thực tế chứng minh, Thủ đô Hà Nội đã khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy giá trị. Theo thống kê, Hà Nội đã thực hiện xếp hạng được 2.624 di tích/5.922 di tích (chiếm khoảng 1/3 tổng số 9.000 di tích xếp hạng của cả nước), trong đó, có 1.163 di tích/cụm di tích xếp hạng quốc gia (chiếm 1/4 trong tổng số 4.000 di tích xếp hạng quốc gia của cả nước); 21 di tích/cụm di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và 1 di tích được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới (Khu di tích Hoàng thành Thăng Long).

Số di sản được UNESCO ghi danh hiện nay chiếm 1/8 số di sản văn hóa thế giới cả nước; 2/3 số di sản tư liệu thế giới cả nước; 4/15 di sản văn hóa phi vật thể.

Thủ đô Hà Nội có mạng lưới thư viện phát triển toàn diện nhất cả nước, gồm 1 Thư viện quốc gia, gần 200 Thư viện các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; 1 Thư viện Hà Nội; 29/30 thư viện cấp huyện; 54/579 xã, phường, thị trấn có thư viện. Cùng đó, Hà Nội có 31 bảo tàng công lập (gồm 7 bảo tàng quốc gia; 24 bảo tàng chuyên ngành), có 19 bảo tàng tư nhân; 23 đơn vị nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp; 10 cơ sở sản xuất phim nằm trong hệ thống cơ sở điện ảnh quốc gia, có 45 rạp/cụm rạp chiếu phim quy mô hàng trăm chỗ ngồi. Thủ đô cũng có 3 cơ sở triển lãm văn hóa nghệ thuật quốc gia. Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD (theo tính toán của chuyên gia) vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Phát huy nguồn lực để phát triển văn hoá xứng tầm

Với những lợi thế này, Quy hoạch Thủ đô cũng như Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra phương hướng để Văn hóa và di sản là một trong những trụ cột phát triển Hà Nội. Trong đó, Thủ đô phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tiếp thu tinh hóa văn hóa thế giới, các xu hướng văn hóa thời đại để văn hóa trở thành nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô. Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa, là trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.

Chăm lo xây dựng con người Thủ đô hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, khơi dậy niềm tin, khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Quy hoạch Thủ đô hướng đến xây dựng văn hóa công vụ - doanh nghiệp - doanh nhân - nhân dân để tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa dành cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

hoahau.jpg
Thí sinh dự cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023 tại Việt Nam đến tham quan Chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) ấn tượng với sự mến khách, gần gũi của người dân địa phương.

Xây dựng, phát huy giá trị các không gian văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên các không gian văn hóa đặc trưng Thăng Long - Hà Nội: không gian văn hóa khu vực phố cổ, phố cũ, kết nối khu vực cầu Long Biên lịch sử; không gian văn hóa khu vực Hoàng thành Thăng Long - Ba Đình - khu vực hồ Tây; không gian văn hóa công viên lịch sử Cổ Loa; không gian văn hóa đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) kết nối đền Hai Bà Trưng (Mê Linh); không gian văn hóa xứ Đoài (Thị xã Sơn Tây), huyện Ba Vì và vùng phụ cận; không gian di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức); không gian văn hóa Tứ trấn Thăng Long.

Thường xuyên thực hiện công tác xếp hạng các cấp đối với hệ thống di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Trong đó, nghiên cứu, xác định một số không gian di sản, văn hóa đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới như: quần thể di tích Cổ Loa; quần thể thắng cảnh Hương Sơn; khu di tích quần thể Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, K9 - Đá Chông; Cầu Long Biên… để bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu.

Quy hoạch Thủ đô còn nhấn mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ưu tiên các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xâm hại di tích, mở rộng không gian các hạng mục công trình phụ trợ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.

Để văn hóa và di sản là trụ cột phát triển, Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh nội dung chú trọng ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa; phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa để tái hiện lịch sử, nâng tầm di sản bằng công nghệ. Thực hiện số hóa và lập bản đồ số các di tích được xếp hạng, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Phát triển hệ thống các thư viện số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.

Phục hồi, tôn tạo, phát triển không gian văn hóa làng nghề, trong đó chú trọng các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian, cảnh quan làng nghề…); khôi phục tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, hoạt động trải nghiệm phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa.

Đồng thời tổ chức chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề, làng cổ. Xây dựng Trung tâm “Tinh hoa Bách nghệ” (có chức năng bảo tồn, triển lãm di sản nghề thủ công truyền thống, thiết kế sáng tạo, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch)…

Với các phương hướng phát triển về văn hóa và di sản trong Quy hoạch Thủ đô, có thể khẳng định Quy hoạch đã thể hiện tầm nhìn mới - tư duy mới, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo đúng tinh thần của Kết luận số 80 - KL/TƯ của Bộ Chính trị vừa được ban hành./.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thảo luận “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Trong khi đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6).

Bài liên quan
  • Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
    Ngày 24-5, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị: Văn hóa là nguồn lực, động lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO