Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
Trong tất cả các trước tác của Lê Quý Đôn, ông luôn khẳng định, đề cao văn hóa dân tộc và tự hào về nền văn hiến nước nhà. Rất nhiều tác phẩm của ông đã dành để mô tả cảnh đẹp quê hương đất nước, sản vật, phong tục tập quán… của các địa phương. Trong “Kiến văn tiểu lục”, ông dành hẳn một phần có tiêu đề là “Linh tích” để chép về sự tích những vị thần được thờ ở các đền miếu thuộc nhiều địa phương. Trên địa bàn Hà Nội ngày nay, ông đã mô tả khá chi tiết về sự tích của các vị thần được thờ ở một số di tích. Xin được dẫn chứng về 3 di tích đã được Lê Quý Đôn ghi trong mục “Linh tích” như sau:
1. “Miếu thờ Quảng Lợi linh hựu uy tế phu ứng đại vương ở bên cạnh chợ Cửa Đông thuộc Trung Đô (tức Hà Nội ngày nay). Trong U linh tập nói: Cao Vương xây dựng xong La Thành, một hôm đi đến Cửa Đông thành, chợt thấy năm khí sắc từ dưới đất vọt lên, trong ấy có người tiên mặc áo mũ như sáng mây, cưỡi rồng cầm giản điệp, phút chốc thì biến mất. Cao Vương lấy làm kì dị. Đêm nằm mộng thấy thần nhân bảo rằng: “Ta đây là thần vượng khí ở Long Đỗ”, thấy ông mới mở đô phủ nên mừng mà hiển hiện”. Cao Vương đem việc ấy nói rõ cho thuộc hạ biết, có người xin yểm trừ đi, bèn đem một ngàn cân vừa đồng vừa sắt chôn ở chỗ ấy. Chôn được một lát thì mưa gió nổi lên, đồng và sắt đều bật ra cả. Cao Vương lấy làm sợ hãi. Đến thời Thái Tông nhà Lý, mới đóng kinh đô ở Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, họp tập buôn bán, cùng nhau mở chợ Cửa Đông, lập đàn tràng đại hội sát liền ngay đền thờ thần, họ khởi công xây dựng nhà cửa suốt cả một phố dài, chỉ để một gian làm chỗ thờ. Chợt lúc ấy gió bấc nổi lên rất dữ, trốc cây, bay đá, một dãy nhà cửa hết thảy đổ sụp, chỉ có đền thờ vẫn trơ trơ như cũ, nhà vua nghe được việc này lấy làm kinh dị, xét hỏi duyên do, rồi sửa lễ tế tạ, hạ chiếu phong thần là Quảng Lợi vương. Hằng năm cứ đầu mùa xuân, làm lễ kì phước ở đền này. Hồi triều nhà Trần, chợ Cửa Đông ba lần thất hỏa, lửa cháy lan ra phố xá rất nhiều, duy đền thờ thần không bị tổn hại mảy may nào cả. Các triều vua đề gia phong tôn hiệu.” (Trích trong: Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, “Kiến văn tiểu lục”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 431 - 432).
Ngôi miếu mà Lê Quý Đôn nhắc đến chính là ngôi đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, tọa lạc ở số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội ngày nay. Đền Bạch Mã xưa nay vẫn được xem là trấn phía Đông (một trong 4 trấn Đông - Tây - Nam - Bắc) của kinh thành Thăng Long, Hà Nội.
Trong các di tích thuộc “Tứ trấn” ở Hà Nội thì đền Bạch Mã được xây dựng sớm hơn cả và đã có mặt từ thời Lý - Trần, được khẳng định qua chi tiết được nhiều sách cổ nhắc đến: khi đắp thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho người cầu khẩn ở đền Long Đỗ. Hệ thống bia đá hiện còn tại di tích cho biết đền được mở rộng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), đền được tu bổ. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), đền được sửa lại, dựng riêng văn chỉ ở bên trái, xây thêm phương đình ở phía trước đền để làm nơi cúng lễ trong các ngày tuần tiết. Đền được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1986.
Tồn tại ngay trong lòng phố cổ với nhiều màu sắc, yếu tố nghệ thuật cùng một hệ thống truyền thuyết đầy tính lịch sử và linh thiêng về vị thần được thờ, đền Bạch Mã và Quảng Lợi vương được Lê Quý Đôn nhắc đến trong mục “Linh tích” trước sau vẫn giữ nguyên giá trị về một mốc giới linh thiêng của kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến.
2. “Đền thờ Chiêu Ứng phù vận đại vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa, hai phường Yên Thái và Bát Ân huyện Quảng Đức (nay là khu Ba Đình, Thành phố Hà Nội) cùng phụng sự. Tương truyền thần là vợ chồng Vũ Phục, người triều nhà Lý. Vũ Phục tên tự là Phúc Thiện người hương Minh Bạo, lộ Quốc Oai, làm nghề bán dầu. Lúc ấy vua nhà Lý bị đau mắt, thuốc chữa không khỏi, nghe nói ở vùng núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quỷ Cốc tiên sinh, là người sở trường về nghề bói dịch, bèn sai người đến bói. Tiên sinh nói: “Trong quẻ này hình như có tượng vua chúa, vì bệ hạ định kinh đô, xếp đặt lại vị trí kinh thành, nên nước vỡ vào phương Kiền, làm cho sức soi dáng của con mắt bị thương tổn, nếu biết trấn yểm, sẽ có thể giữ được yên lành”. Lúc ấy nước sông Cái chảy xoáy, sắp pháp vỡ góc thành Thăng Long, phòng bị sang hộ khó có thể cứu được. Nhà vua liền sai xá nhân tắm gội trai khiết, đến ngã ba sông, cầu đảo thần thổ địa, thần hà bá và tiên cung. Xá nhân đêm nằm mộng thấy thần nhân hình dung rất kì dị, nghi vệ rất trang nghiêm bảo rằng: “Sáng sớm ngày nào đó, hễ thấy người nào đến bến sông này trước nhất, thì nên theo ý muốn của người ta mà tiếp đãi một cách đầy đủ, rồi quẳng người ấy xuống sông và phong cho làm thần, lập miếu thờ tự, mới có thể trấn áp được”. Xá nhân tỉnh dậy, về triều tâu bày, nhà vua rất lấy làm than thở nghi ngờ, liền sai xá nhân theo nhật kì đi đón. Ngày hôm ấy, trời vừa mới sáng, quả nhiên thấy vợ chồng Vũ Phục gánh dầu từ hương Minh Bạo đi đến. Xá nhân đón mời lưu lại, rồi phi ngựa về Kinh tâu bày, nhà vua có ý thương xót, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Nên theo lời nói của thần, đem tình thật hiểu bảo người ta, không nên ức hiếp”. Bèn yên ủi rằng: “Từ trước đến nay, ai mà không chết, nhưng chết đi cần để danh tiếng lại đời sau. Ngày trước vua Vũ Vương có bệnh, Chu Công lập đàn cầu khẩn xin được chết thay, đời sau khen Chu Công là người trung. Ông bà không nên quyến luyến sống nơi ngõ hẻm hang cùng, mà nên cố sức làm bậc tôn thần sau khi đã mất, phù hộ thánh quân giữ vững ngôi báu, ngàn năm hương khói phụng thờ, để tiếng thơm trung nghĩa đến mãi đời sau. Như thế chẳng cũng đẹp đẽ lắm sao?”. Vũ Phục khảng khái nhận lời. Sứ giả hỏi: “Bình nhật ông bà thích thứ gì hơn cả?”. Vũ Phục nói: “Đồ gà mái, nấu cơm nếp”. Sứ giả liền sửa soạn và bảo nên ăn no. Khi ăn xong, Vũ Phục ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Vợ chồng già này bỏ mình theo nước, trời cao có thấu xin chứng giám cho”. Liền đó, tự gieo mình xuống nước. Lúc ấy là ngày 30 tháng 11. Từ đấy dòng sông phẳng lặng, nước lớn rút dần, bệnh tình nhà vua cũng được khỏi hẳn. Nhân đấy lập miếu thờ và sắc phong là Chiêu Ứng phù vận đại vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa, lễ nghi phẩm trật trọng thể”. (Trích trong: Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, “Kiến văn tiểu lục”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 433 - 434).
Ông bà Vũ Phục được Lê Quý Đôn nhắc đến được các làng của vùng Bưởi xưa gồm Yên Thái, Bái Ân, Thiên Thượng, Nghĩa Đô thờ phụng làm phúc thần với cái tên dân gian là ông Dầu, bà Dầu. Truyền thuyết về ông Dầu, bà Dầu có nhiều dị bản khác nhau cũng như được giải thích theo nhiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng sự tích này giải thích hiện tượng cạn dòng của sông Thiên Phù. Có ý kiến thì cho rằng nó phản ánh tập tục lấy người sống làm vật tế lễ trước kia… Nếu lược đi từng lớp văn miêu tả nhuốm màu huyền bí, kì dị, thì cũng có thể qua đó thấy được công cuộc trị thủy thời Lý vô cùng vất vả. Phải chăng, ông bà Vũ Phục cũng tham gia công cuộc trị thủy dẫn đến hy sinh thân mình và trên cơ sở đó mà truyền thuyết đã huyền bí hóa một hiện tượng của lịch sử.
Mặt khác, truyền thuyết về ông bà Vũ Phục cũng thể hiện quan niệm đề cao tư tưởng trung quân của một thời kì Nho giáo thịnh đạt. Bởi vậy, Lê Quý Đôn đã lựa chọn thần tích hai vị phúc thần này để đưa vào mục “Linh tích” trong “Kiến văn tiểu lục” của ông.
3. “Xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An (nay là huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) có miếu thờ thủy thần rất thiêng. Tương truyền, lúc Hoằng tổ Dương Vương chứa mấy trăm cây gỗ lớn ở bến sông Bồ Đề, một hôm bị mất hết không còn một cây nào cả. Người giữ gỗ báo tin ấy, vương thượng lấy làm lạ, sai người đi tìm khắp các bến sông, thì thấy hai người xã Độc Khê và Hữu Vĩnh, dâng nói: “ngày… tháng…, ở bến sông bản cảnh, bỗng dưng thấy mấy trăm cây gỗ lớn nổi trên mặt nước”. Vương thượng quát mắng rằng: “Thủy thần dám lấy trộm gỗ của ta à”, rồi truyền lệnh giáng phẩm vật vị thần này xuống hạ đẳng và sai trung sứ về miếu thu lấy sắc mệnh đã phong từ trước. Sáng sớm sứ giả bắt đầu ra đi, đến chiều, đã thấy chỗ chứa gỗ trước kia có vô số gỗ lớn ở bến sông, y số như cũ. Vương thượng cười nói: “Thần cũng biết sợ phép”, liền sai người phu ngựa gọi trung sứ trở về, tự điển vẫn để cho như cũ”. (Trích trong: “Lê Quý Đôn toàn tập”, tập 2, “Kiến văn tiểu lục”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 438).
Miếu thờ được Lê Quý Đôn nhắc đến ở trên là đền Đức Thánh Cả hay còn gọi là Thiên Vựng thuộc thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa ngày nay. Tương truyền, đền được xây dựng cách đây trên 1.500 năm. Đền thờ thần là vị tướng “Nhất phẩm đại vương” triều tiền Lý Nam Đế.
Các truyền thuyết về ngôi đền cũng kể rằng vào triều Đinh Tiên Hoàng, khi nhà vua đến đền cầu khẩn đã được thần báo mộng là sẽ âm phù giúp vua dẹp loạn 12 sứ quân. Nhớ ơn thần phù giúp, vua Đinh sắc phong “Thượng đẳng thần” cùng mỹ tự “Thượng linh tế thông cảm dực thánh hồng ân uy liệt hiển hựu trung minh quốc Thượng đẳng thần”. Đến thời nhà Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cũng đã vào đền làm lễ tế thần sau đó tiến đánh quân giặc giành đại thắng.
Trải qua những chặng đường lịch sử binh lửa, thế vận đổi thay của dân tộc, đền Đức Thánh Cả vẫn trường tồn như một biểu tượng về tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991./.