Hà Nội xưa - nay

Dấu ấn Lý Nam Đế trên quê hương Hoài Đức

Cao Văn Tâm 14:48 24/05/2024

Hoài Đức là một huyện nằm ở phía Tây và Tây Nam của Thành phố Hà Nội, có lịch sử hình thành và phát triển trải qua hàng nghìn năm. Trong tiến trình lịch sử ấy, miền đất Hoài Đức đã sản sinh, tụ hội nhiều bậc hiền tài, nhà khoa bảng có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương trong đó có Lý Nam Đế - người anh hùng có công đánh đuổi giặc Lương, vị Hoàng đế khai sinh ra triều đại Tiền Lý và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ VI.

anh-1-den-giang-xa.jpg
Đền Giang Xá

Vị Hoàng đế đầu tiên nước Việt - Người khai sinh nhà nước Vạn Xuân

Lý Nam Đế (503 - 548) tên thật là Lý Bí/ Lý Bôn. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Bí người huyện Thái Bình, phủ Long Hưng. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi: “Bây giờ ở xã Tử Đường, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định còn có đền thờ Lý Bôn”. Theo thần tích Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền lưu giữ tại đình Giang Xá và Lưu Xá huyện Hoài Đức, Hà Nội thì quê của Lý Nam Đế là châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc.

Căn cứ vào một số nguồn tài liệu địa phương, các nhà nghiên cứu cho rằng, quê gốc của Lý Bí ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được một Pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo tự (nay là chùa Bảo Phúc, thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi).

Ông từng tham gia bộ máy chính quyền đô hộ nhà Lương ở Giao Châu, được cử là Giám quân ở châu Cửu Đức (Hà Tĩnh) nhưng bất bình trước sự tham tàn, bóc lột nhân dân vô độ của bọn quan cai trị nên ông từ bỏ chức Giám quân, trở về quê nhà chiêu tập hiền tài, xây dựng lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa sau đó lấy Lưu Xá (vùng Hoài Đức) làm đại bản doanh. Chỉ sau 3 tháng khởi sự, cuộc khởi nghĩa đã xóa bỏ chính quyền đô hộ của nhà Lương ở Giao Châu. Tiếp đó, Lý Bí cùng đại quân của mình tiếp tục tổ chức kháng chiến chống lại hai đợt tấn công của nhà Lương ở phía Bắc và cuộc xâm lấn của Lâm Ấp ở phía Nam. Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, xếp đặt triều nghi, dựng đài Vạn Xuân làm nơi triều hội.

Sự kiện Lý Nam Đế khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương, xưng đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân... thể hiện khát vọng, ý chí độc lập tự chủ mạnh mẽ của người Việt. Sử gia Nguyễn Nghiễm cho rằng vua Lý Nam Đế “dựng đô, đặt quốc hiệu, khôi phục bờ cõi nước ta, nếu không phải là người văn võ toàn tài thì chưa dễ đã làm được”.

Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời. Đặc biệt là ông đã xưng Nam Việt Đế, điều này thể hiện ý thức tự chủ, tự cường và tự hào dân tộc, để ngang bằng với quốc gia phương Bắc là Lương Vũ Đế thời bấy giờ. Đây chính là nền tảng quan trọng để các triều đại sau này khẳng định vị thế và ý thức dân tộc, khát vọng quốc gia trước Hoàng đế phương Bắc.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Trong lịch sử Việt Nam, việc nhà Tiền Lý đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ chứng tỏ ngay từ thế kỷ thứ VI, Lý Nam Đế đã sớm nhận ra vị trí trung tâm của vùng đất Hà Nội xưa. Tên nước mà ông đặt: Vạn Xuân, chứng tỏ ý muốn về sự tươi trẻ, sức sống thanh xuân của một nền độc lập mà nhờ thắng lợi sau cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nhân dân ta mới giành lại được”.

Cùng với việc xưng ngôi Hoàng đế, lập ra bộ máy trăm quan hai bên văn - võ, Lý Nam Đế cũng là Hoàng đế đầu tiên sau hàng trăm năm Bắc thuộc đã chủ động in tiền của triều đại Thiên Đức. Ông là người có công phát triển Phật giáo quốc gia. Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã cho dựng chùa Khai Quốc (mở nước) ngay bờ sông Hồng. Sau này bờ sông sạt lở, người dân di chuyển chùa vào phía trong và đổi tên thành chùa Trấn Quốc (giữ nước). Việc ông cho xây dựng chùa đã thể hiện tinh thần Phật giáo là Quốc đạo, từ đó để mở đường cho Phật giáo nước ta phát triển ở những giai đoạn sau này.

Dấu ấn Lý Nam Đế trên quê hương Hoài Đức

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây trước đây, đến năm 2016, ở các tỉnh phía Bắc có gần 80 đình, đền thờ Lý Nam Đế. Trong đó, các địa phương thuộc tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) có đến 69 điểm phụng thờ Lý Nam Đế và các tướng của ông. Đặc biệt, vùng đất Lưu Xá, Giang Xá, Di Trạch, Đại Tự… thuộc tổng Kim Thìa trước đây (ngày nay thuộc các xã Di Trạch, Đức Giang, Kim Chung, thị trấn Trạm Trôi của huyện Hoài Đức, Hà Nội) còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, có gắn bó mật thiết với giai đoạn đầu trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí.

img_5007.jpg
Lễ hội làng Lưu Xá - đại bản doanh của Lý Nam Đế

Lý Nam Đế gắn bó mật thiết với Hoài Đức bởi đây chính là nơi ông đã theo chân Pháp tổ thiền sư từ Thái Nguyên về tu tại chùa Linh Bảo (nay là chùa Bảo Phúc, thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi). Tuổi thơ ông gắn liền với mảnh đất chùa, với ngôi làng này. Và chính nơi đây đã nuôi dưỡng ý chí, tinh thần yêu nước, là nơi ông xuất quân và từ đó nghĩa quân lan tỏa đi khắp nơi. Có thể kể đến một số di tích thờ Lý Nam Đế trên địa bàn Hoài Đức hiện nay như: đình - đền Giang Xá, đình Lưu Xá (xã Đức Giang), đình Đại Tự (xã Kim Chung), đền Di Trạch (xã Di Trạch).

Sách “Địa chí Hoài Đức” ghi rõ, sau khi Lý Bí từ quan về quê khởi nghĩa (vùng châu Dã Năng) đã chiêu mộ binh sĩ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Lương, nhiều nhân tài, hào kiệt ở Hoài Đức và các địa phương khác đã tham gia cuộc khởi nghĩa ngay từ buổi đầu, trong đó nổi tiếng có Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Lý Phục Man, Trịnh Đô, Tam Cô, Khoan Khoáng… Lý Bí chọn vùng đất làng Lưu Xá (gồm 3 làng Lưu Xá, Giang Xá, Lũng Kinh hiện nay) để đặt đại bản doanh, xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, luyện tập binh sĩ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Đến nay, ở vùng Lưu Xá và một số làng xã phụ cận vẫn còn nhiều địa danh ghi dấu về cuộc kháng chiến của Lý Bí như: Gò Mũi Mác là trạm gác của đại bản doanh, Gò Cờ là nơi cắm cờ của bản doanh, Gò Tấu Thư là nơi tiếp nhận văn thư, Gò Ấn là văn phòng giữ con dấu, Gò Lương Y là nơi để lương thực và thuốc men…

Đền Giang Xá ở thị trấn Trạm Trôi thờ Thành hoàng làng là Lý Nam Đế có tấm bia Giang Xá tự bia kí dựng năm Tự Đức thứ 6 (1853) ca ngợi sự nghiệp của Lý Bí. Trong khám có đặt pho tượng Lý Bí bằng đồng ở tư thế ngồi coi chầu. Thường ngày nhân dân thờ Lý Nam Đế ở đền, ngày Tết và ngày hội mới rước về đình Giang Xá.

Chùa Bảo Phúc (tên gọi ban đầu là Linh Bảo tự, sau đổi thành Bảo Phúc tự, còn được gọi là chùa Giang Xá) ở thị trấn trạm Trôi được xây dựng vào khoảng các thế kỷ đầu công nguyên. Đây là nơi Lý Bí tu tập, học hành và trưởng thành từ thuở niên thiếu dưới sự dạy dỗ, cưu mang của Thiền sư Pháp tổ sau khi rời quê hương Phổ Yên, Thái Nguyên về vùng Giang Xá, Hoài Đức cư trú. Tại chùa còn lưu giữ bản sao Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền - một trong những tư liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu tìm ra quê hương đích thực của Lý Bí.

Ngoài đình Giang Xá, ở Hoài Đức còn có 2 ngôi đình thờ Lý Nam Đế là đình Lưu Xá (xã Đức Giang) và đình Đại Tự (xã Kim Chung). Đình Lưu Xá còn lưu giữ 1 cuốn thần phả ghi chép về gia thế cuộc đời và sự nghiệp của Lý Nam Đế; 14 đạo sắc của các triều vua thời quân chủ ban phong cho Lý Nam Đế cùng với 2 hoành phi, đại tự và 10 câu đối có giá trị. Đình Đại Tự còn lưu giữ 14 đạo sắc phong từ thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đến thời Nguyễn có nội dung ca ngợi đức vua Lý Nam Đế. Ngoài ra, còn có đền Di Trạch (xã Di Trạch) thờ Thành hoàng là vua Lý Nam Đế. Trong đền thờ 3 ngai thờ, ngai chính giữa ghi rõ “Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế thánh đế”.

Từ việc thống kê các tư liệu, dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lý Bí trên địa bàn Hoài Đức, PGS.TS Phan Ngọc Huyền - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Nhân vật Lý Nam Đế được thờ trong nhiều di tích ở miền Bắc, nhưng số lượng nhiều, quy mô và dấu tích tiêu biểu, mật độ đặc biệt đậm đặc nhất thuộc vùng đất Hoài Đức, Hà Nội. Các di tích đình, đền, quán trên địa bàn huyện Hoài Đức chủ yếu thờ Lý Nam Đế và danh tướng Lý Phục Man, ngoài ra cũng có một số vị tướng khác được phối thờ cùng như Trình Đô Hộ quốc, Tam Cô Hộ quốc, Nhã Lang…”

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, với những giá trị cả về mặt vật chất và đời sống văn hóa phong phú, hệ thống di tích và các nghi thức, sinh hoạt văn hóa trên vùng đất Hoài Đức đã thể hiện rõ sự hiện diện của một vị anh hùng lịch sử trên quê hương Hoài Đức.
Trên cơ sở các dấu tích khá “đậm đặc” này, theo các nhà nghiên cứu khoa học, ngành du lịch địa phương có thể xây dựng đề án kết nối một số di tích tiêu biểu với nhau dưới dạng tour du lịch lịch sử - văn hóa mang tên “Dấu ấn cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và nhà Tiền Lý ở Hoài Đức”; lựa chọn các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp, sinh động, hấp dẫn để phổ biến, giáo dục cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ để họ hiểu dấu ấn của cuộc khởi nghĩa của Lý Bí trên địa bàn huyện Hoài Đức. Bên cạnh việc tạo điểm nhấn du lịch, gắn kết các tri thức lịch sử, văn hóa về dấu ấn cuộc khởi nghĩa Lý Bí ở địa phương thì việc bảo tồn, tôn tạo di tích cũng rất cần được quan tâm, chú trọng…

Bài liên quan
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
(0) Bình luận
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
    Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Lý Nam Đế trên quê hương Hoài Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO