Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Xưa, đây là nơi tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng. Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa Kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ “Phó” đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thuở ban đầu, con phố chỉ có một hai cửa tiệm buôn bán thuốc Bắc nhập từ các cửa hàng lớn về. Theo thời gian, phố Phúc Kiến trở thành con phố chuyên khám, kê đơn và kinh doanh các loại thuốc Bắc của người Hoa và các loại Đông Nam dược của người Việt do người dân làng Đa Ngưu (xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) lập nên. Sau đó, đã có hàng chục lương y người Việt thành danh ở đây, họ đến từ những làng nghề truyền thống làm thuốc như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm... hay những vùng đất nổi tiếng hiếu học như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện... Tới những năm đầu thế kỷ XX, phần lớn dân quanh đây đều mở cửa hiệu kinh doanh thuốc Bắc.
Sau đó, những người gốc Hoa dần dần về nước, con phố vẫn tiếp tục giữ được nghề truyền thống với những điều đã học hỏi được từ người Hoa cũng như những kiến thức mà các tổ nghề, các bậc tiền nhân người Việt truyền lại. Nét đặc biệt của nghề thuốc y học cổ truyền trên phố nghề Lãn Ông chính là mô hình kinh doanh nhỏ, theo hộ gia đình, thường là “cha truyền con nối”. Bác sĩ y học cổ truyền Bùi Thị Hân - thế hệ nối nghiệp thứ 4 của gia tộc họ Vũ, hiện là chủ nhà thuốc Đông y Nghi Hưng Long tại phố Lãn Ông chia sẻ: “Việc vận hành mô hình kinh doanh truyền thống giúp cho những người làm nghề có kinh nghiệm thực tế ngay từ những năm tháng thơ ấu, đồng thời giúp cho các gia tộc hành nghề giữ được những bài thuốc lâu dài”. Từ trong gia đình, những bài thuốc, kỹ thuật nghề, phương pháp điều trị được lưu giữ và truyền thụ suốt hàng chục, thậm chí hàng trăm năm: “Những kiến thức về phương thuốc từ ngày xưa ngoài trong sách vở thì toàn là đời trước truyền lại cho đời sau, rút kinh nghiệm của đời trước để điều chỉnh bài thuốc hợp với cơ địa của từng bệnh nhân”, bà Hân chia sẻ thêm.
Qua thăng trầm thời gian, những bài thuốc quý được các lương y ghi chép, sưu tầm và phát triển, từ những bài thuốc cổ phương (phương thuốc được các tổ nghề lưu trữ và truyền lại từ thời xưa cho đời sau ứng dụng vào để trị bệnh, ví dụ như lục vị địa hoàng hoàn, bát vị quế phụ, sài hồ sơ can thang... thường được ghi chép lại trong sách vở) đến những bài thuốc nghiệm phương (bài thuốc kê đơn theo kinh nghiệm đã được sử dụng có hiệu quả trong quá trong quá trình điều trị). Ngoài ra, còn có đối pháp lập phương tức là dựa theo việc khám bệnh cho bệnh nhân, sau đó đưa ra “đối pháp” với bệnh đó “lập thành phương thang” dựa theo bát pháp (thanh, ôn tả, bổ...) để trị bệnh. Phương pháp này là sự phát triển của thế hệ sau dựa trên những nghiên cứu xưa để đưa ra phương thuốc phù hợp và thường truyền miệng hoặc chỉ lưu truyền trong gia tộc.
Không chỉ được biết tới với những bài thuốc quý và những phương pháp trị bệnh hiệu quả, phố Lãn Ông còn nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo, mang những dấu ấn đặc trưng của nét văn hóa Đông Y. Những du khách qua đây hẳn sẽ không quên mùi thơm thuốc Bắc thoang thoảng từ xa, và cả những tấm biển bằng gỗ, đồng... ghi tên hiệu các nhà thuốc đã tồn tại trên dưới 100 năm. Các cửa hiệu nhỏ san sát nhau, chật ních những tủ thuốc và những bao giấy trước cửa hay treo phía trên đầu. Xen giữa không khí náo nhiệt tấp nập của những hiệu buôn thuốc là vẻ đẹp trầm tĩnh, kín đáo của các phòng chẩn trị. Bên trong phòng khám thường có bức họa chân dung Hải Thượng Lãn Ông được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Sát tường là những chiếc tủ gỗ màu nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo gắn quai đồng, mỗi ngăn đều ghi rõ tên thuốc bằng chữ Hán Nôm hay bằng chữ Quốc ngữ.
Bác sĩ Vũ Hữu Thỉnh - chủ hiệu thuốc trên phố Lãn Ông chia sẻ, những năm gần đây, các cơ sở khám chữa bệnh cũng dần cách tân, đổi mới, được trang bị những máy móc, trang thiết bị khám chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, tăng độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị cũng như nâng cao năng suất lao động. Trong đó, các phòng khám đã trang bị máy sắc thuốc thay cho phương pháp sắc thuốc truyền thống. Những chiếc cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng ngày xưa được thay bằng những chiếc cân đồng hồ để cân thuốc, chia thuốc. Thuyền tán xưa kia được dùng để sao sấy thuốc nay được thay bằng máy xay thuốc. Thuốc Đông y cũng đa dạng về hình thức hơn như thuốc bột, thuốc viên, cao thuốc...
Tuy vậy, phố nghề Lãn Ông đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hầu hết các bài thuốc quý của Đông Nam dược đều chỉ lưu truyền trong gia tộc, nếu thiếu người kế thừa thì phương thức rất dễ bị thất truyền. Mặt khác, do nền tảng Đông y là sự du nhập từ phương Bắc nên các loại cây - con thuốc trong Đông y Việt Nam chủ yếu đều có xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy nước ta bị phụ thuộc vào nguồn cung, tạo ra những bất lợi về giá thành, chất lượng sản phẩm... Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như sự cạnh tranh, sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng...
Để giữ nghề xưa trong cơn lốc đô thị, năm 2014-2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang khu phố Lãn Ông. Năm 2024, chuỗi sự kiện “Giữ nghề xưa trên phố” trong đó có các hội thảo, tọa đàm cũng đã gợi mở nhiều giải pháp phục hưng nghề y học cổ truyền cũng như phát triển phố cổ Lãn Ông. Theo các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn, việc cấp thiết nhất là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Đông y bao gồm những phong tục, phương pháp truyền thống để duy trì bản sắc văn hóa và lịch sử địa phương;đảm bảo những kiến thức, những bài thuốc hay và các phương pháp chữa bệnh không bị thất truyền và có thể kế thừa bởi thế hệ sau; bảo tồn các di tích lịch sử và những nhà thuốc cổ truyền - biểu tượng của lịch sử và văn hóa Đông Nam dược và là nơi quan trọng để học hỏi, trải nghiệm y học truyền thống.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền giá trị, lợi ích của y học cổ truyền với sức khỏe cộng đồng; xây dựng nguồn lực và hỗ trợ người làm nghề, khuyến khích con em các nhà nghề tiếp nối truyền thống ông cha. Các nhà nghề cũng cần đoàn kết, chia sẻ những bài thuốc hay, nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như gia tăng uy tín cho phố nghề. Về phía chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để phát triển phố nghề kết hợp du lịch, vừa nhằm cung cấp trải nghiệm y học truyền thống cho du khách thập phương, vừa phát triển kinh tế bản địa. Việc bảo tồn và phát huy truyền thống phố nghề Lãn Ông nói riêng và các phố nghề Thăng Long - Hà Nội nói chung chính là góp phần gia tăng sức mạnh truyền thống cũng như vun tình yêu đối nét đẹp văn hóa của quê hương./.