Báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, việc nghiên cứu quy hoạch vị trí và thiết kế tổng mặt bằng ga C9 đã được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng suốt từ năm 2004 đến nay. Tuyến ĐSĐT số, 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, tới các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt..., gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận phù hợp với Quy hoạch mạng lưới ĐSĐT Hà Nội được nghiên cứu từ Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) thực hiện từ 12/2004 - 3/2007 trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Tiếp tục được phát triển tại nhiều nghiên cứu quy hoạch như năm 2007 - 2008 nghiên cứu đặc biệt hỗ trợ hình thành dự án (SAPROF) và Báo cáo nghiên cứu khả thi. Năm 2009 - 2010 Dự án phát triển UMRT gắn kết phát triển đô thị (JICA hỗ trợ nghiên cứu - HAIMUD); phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9/7/2008, được cập nhật hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Phương án hiện tại là tối ưu
Trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét 7 phương án đối với ga ngầm C9. Sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, khoảng cách giữa các ga C8, C9, C10; ảnh hưởng trong quá trình thi công đối với các công trình, tòa nhà có móng cọc trong khu vực, tác động tới môi trường, cảnh quan thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công đoạn từ khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình... đến đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa... tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của Nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam. Viện Khảo cổ học đã thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá khảo cổ học tuân thủ theo các quy định hiện hành của Việt Nam. Đồng thời đã tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân trong tháng 3/2018. Kết quả, đã tiếp nhận 1.718 Phiếu đóng góp ý kiến, kết quả 90,3% người được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ. Ý kiến các bộ, Ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng dân cư, các chuyên gia, nhà khoa học... đều thống nhất về vị trí hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9. Đặc biệt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ, cho ý kiến thống nhất, góp ý trong từng giai đoạn nghiên cứu.
Việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực không hề gây tác động phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích. Hà Nội cũng khẳng định không đánh đổi hồ Hoàn Kiếm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.
UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, xem xét lại các ý kiến của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để Dự án được tiếp tục triển khai theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, đảm bảo tiến độ.