Văn hóa – Di sản

Đoàn Lệnh Khương – nữ học sư

Nguyễn Vinh Phúc 28/11/2023 15:12

Nói về những người dạy học có tiếng của Hà Nội thời phong kiến, người ta thường nghĩ đến Chu Văn An, Nguyễn Siêu, Trần Huy Tích... Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII ở Thăng Long có một nhà giáo rất nổi tiếng mà lại là phụ nữ. Đó là bà Đoàn Lệnh Khương. Bà sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo dục: ông nội, cha và cô ruột đều là những nhà giáo đức độ, nhiều người biết tiếng. Ông nội bà là Đoàn Doãn Nghi đậu Hương cống nhưng không đi làm quan mà chỉ chuyên dạy học. Khi thì ngồi dạy học tại kinh đô Thăng Long, khi thì được mời đi dạy ở tứ trấn. Những năm cuối đời, ông Nghi về dạy tại Lạc Viên (nay thuộc thành phố Hải Phòng) và mất tại đó năm Kỷ Dậu (1729)...

doan-lenh-khuong.jpg
Hai cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Đoàn Lệnh Khương nổi tiếng hay chữ. Ảnh minh họa: IT.

Người cha của bà là Đoàn Doãn Luân đi dự sát hạch ở hàng xứ (lúc đó là xứ Kinh Bắc) đỗ đầu xứ, ông Luân cũng theo nghiệp cha, sống bằng nghề dạy học song mất sớm: ông mất vào lúc mới 30 tuổi. Còn người cô ruột của bà thì chẳng phải ai xa lạ, vì chính là người đã dịch bản Chinh phụ ngâm tuyệt diệu: Đoàn Thị Điểm (1706 - 1746). Bà Đoàn Thị Điểm trước khi lấy chồng (năm 37 tuổi) đã từng được vào dạy học cung phi của vua Lê, cũng lại đã từng mở trường ở làng Chương Dương (Hà Tây). Bà Lệnh Khương là con gái đầu lòng của ông Doãn Luân, sinh khoảng 1726. Sau khi cha chết, Lệnh Khương được bà Đoàn Thị Điểm nuôi dạy. Vừa học việc nội trợ, vừa học văn chương, Lệnh Khương rất mực chăm chỉ. Năm 16 tuổi đã nổi tiếng là nàng Ban, ả Tạ (hai phụ nữ hay chữ đời xưa bên Trung Quốc), so với học trò trai của bà Điểm thì còn hơn vô khối người. Chuyện cũ ở địa phương kể rằng: Một hôm Lệnh Khương đang đi chợ về thì có một ông lão tự dưng chạy ra đón đường, nghe tiếng cô là người hay chữ nên liều đón đường nhờ cô giúp cho một việc. Nguyên tôi đã già yếu, nhà nghèo lại không có con cái, không làm được việc nặng mà cũng không có nơi nương tựa. Vậy cô hãy làm phúc giúp tôi một việc. Số là tôi muốn xin cô nghĩ cho một đôi câu đối, để với câu đối ấy, tôi có thể kiếm miếng ăn. Tức là gặp bất kỳ đám hiếu hay đám hỷ, tôi đều có thể dùng đôi câu đối ấy để vào viếng hay vào mừng”. Chà, một đôi câu đối mà gặp dịp vui thì rõ là chia vui mà gặp dịp buồn lại rõ là chia buồn thì khó thật! Nhưng Lệnh Khương không chịu bó tay. Chỉ sau một lát suy nghĩ, cô đọc đôi câu đối sau:

Nhất đức tại thiên tuỳ sở phú

Thất tình ư ngã khởi vô tâm

Và cô giảng nghĩa vế thứ nhất: “Người ta ở đời gặp may hay rủi, vui hay buồn tất cả là tùy ở cái đức, vậy mà cái đức ấy là do trời phú cho. Phàm lấy vợ lấy chồng, làm nhà cửa hoặc mất người, mất của, tốt xấu, lành dữ đều là do cái đức mà ra”... Như thế là, vế thứ nhất đối với vui hay buồn đều hợp cả. Còn vế thứ hai thì nghĩa là thế này: “Con người ta có thể bẩy tình là hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn). Cho nên khi gặp việc vui thì lòng ta cũng vui được mà gặp việc buồn thì ta cũng buồn được chứ có vô tâm đâu”... Do đó cả vế thứ hai có thể cũng là lời chúc mừng mà cũng có thể là chia buồn.

Tiếng tăm của Lệnh Khương càng vang dội. Một người cung phi ở làng Bảo Vực cùng huyện muốn tiến Lệnh Khương vào cung làm vợ hoàng tử Duy Diêu (sau lên ngôi vua, tức là vua Cảnh Hưng), song cô từ chối..

Năm 31 tuổi, Lệnh Khương lấy kế ông Nguyễn Xuân Huy, Đốc đồng trấn Sơn Nam. Nhưng cuộc nhân duyên này thật ngắn ngủi, vì chung sống chưa được bảy năm, ông Huy mất. Trước đó ít ngày, người con riêng của ông Huy cũng bị bệnh qua đời. Lệnh Khương khi đó 37 tuổi khóc chồng bằng đôi câu đối:

Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử

(Dưới suối vàng vui vầy, biết chàng có con)

Mộng trung đối thoại, thuỳ vị thiếp vô phu

(Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng)

Câu đối này chép theo Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ. Theo Đoàn thị thực lục, thì có khác đôi chữ:

Tuyền hạ di nhan định tri quân hữu tử

Mộng trung thành thuyết tùy vị thiếp vô phu

Thật là xót thương và cũng thật là chung thuỷ. Sau khi chồng mất, bà về kinh đô Thăng Long mở trường học ở ngay làng cũ của bà nội. Theo diện mạo phố xá hiện nay thì trường của Lệnh Khương ở vào khu vực Hàng Buồm, vì bà nội của Lệnh Khương (tức là mẹ của bà Đoàn Thị Điểm) là con gái phường Hà Khẩu. Nguyên do là ông Doãn Nghi khi trẻ lên kinh đô du học, trọ ở phường Hà Khẩu. Cạnh nhà ông trọ là biệt thự của tước bá Thái Lĩnh họ Vũ. Thái Lĩnh bá có cô con gái rượu, đủ cả công dung ngôn hạnh. Ông muốn kén người tài trai làm rể nên chú ý tới cậu khoá xứ Đông. Ít lâu sau, Doãn Nghi đỗ Hương cống và trở thành chàng rể phường Hà Khẩu. Bây giờ đây, Lệnh Khương tìm về nơi bà nội đã từng ở để dạy học. Học trò theo học rất đông. Từ đấy cho tới khi mất vào năm Canh Thân (1800), bà đào tạo nên nhiều học trò vừa có đức vừa có tài. Nhân dân Thăng Long gọi bà là Nữ học sư./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Đoàn Lệnh Khương – nữ học sư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO