Đình Yên Nội, chùa Thánh Quang (quận Bắc Từ Liêm)
Đình Yên Nội, chùa Thánh Quang thuộc địa phận phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Đình Yên Nội được xây dựng từ rất lâu đời. Đình còn giữ được đạo sắc phong vào năm Hoàng Định 10 (1610) và sắc phong muộn nhất là thời Khải Định 9 (1924), như vậy có thể đình được xây dựng vào thời Lê và qua nhiều lần trùng tu vào năm 1797, 1915, 1934, năm 1989, ...
Vị thần được thờ là Bạch Hạc Tam Giang thổ lệnh chi thần. Vị thần này trong Việt điện u linh và cả trong Lĩnh Nam chích quái có chép sự tích. Đó là theo quan niệm người xưa thờ thuỷ thần.
Chùa Thánh Quang, theo truyền thuyết và sắc phong thì sau khi chiến thắng quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258) vua Trần Thánh Tông cho các vương công chiêu dân để khai hoang. Con gái thứ 4 của nhà vua là Túc Trinh đã về Yên Nội lập ấp. Khi đã thành làng, bà dựng chùa, tạc tượng, đặt tên là Sùng Quang tự. Khi bà mất, dân làng thờ trong chùa và gọi là Thánh Quang tự. Như vậy chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo năm 1420 và dựng gác chuông năm 1931. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế.
Hàng năm dân làng vẫn cúng bà Túc Trinh vào ngày 1 và 2 tháng tám âm lịch.
Đình xây kiểu chữ “công”. Đại đình có quy mô kiến trúc lớn gồm 5 gian, dài 22m, ngang 12,5m. Bờ nóc có rồng chầu hổ phù, kiểu ghép mảng sứ, đầu hồi còn có con kìm. Phía trước đầu hồi có trụ biểu. Các vì kèo đình theo kiểu chồng rường giá chiêng kẻ hiện trên 6 hàng chân, cột hiên xây gạch. Hậu cung nối từ gian giữa Đại đình gồm 5 gian, 3 gian giữa được xây tôn cao ở giữa để làm bệ thờ. Các vì Hậu cung theo kiểu chồng rường giá chiêng. Trên kiến trúc Đại đình và Hậu cung được chạm các đề tài tứ linh và hoa văn thực vật, các đầu dư được tạo tác tỉ mỉ, mang phong cách của thế kỷ XIX.
Bố cục chùa theo kiểu nội công ngoại quốc. Tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Phía trước có trụ biểu, trên nóc có đề “Thánh Quang tự”. Các cửa phía trước làm theo chấn song ở gian giữa, các gian bên làm kiểu bức bàn. Các vì kèo theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, trụ cốn. Kẻ được đặt trên trụ gạch. Thượng điện nối liền với Tiền đường ở gian giữa tạo thành chữ “đinh”. Gác chuông nối với Thượng điện, kiểu chồng diêm.
Khu nhà thờ bà Túc Trinh nằm sau Thượng điện, song song với Tiền đường, trước đây là nơi thờ Mẫu, khi bà Túc Trinh mất được dân đưa bà vào thờ ở chùa. Về chạm khắc ở chùa có ít hơn nhưng cũng có những mảng cốn chạm rồng, phượng và các loại hoa lá cách điệu.
Trong số tượng của chùa có một số được tạo từ thời Lê và số còn lại là thời Nguyễn sau này. Ngoài những tượng chùa còn 1 số tượng thờ thánh Mẫu và một tượng bà Túc Trinh.
Các đồ thờ tự còn có thần phả, sắc phong, hoành phi câu đối, hương án, bát bửu, kiệu, ở đình có bia đá, chuông. Trước đây chuông do bà Túc Trinh bỏ tiền thuê thợ đúc có khắc lời di chúc của bà, về sau chuông này mất đi và dân đã đúc lại quả chuông khác và khắc lại bài di chúc đó.
Đình và chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02