Đình được xây dựng từ khá lâu đời. Đình thờ hai vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung là hai vị tướng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc, khi mất đã được phong là Đô Họ đại vương và An Lạc công chúa. Đình cũng thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hoá thế kỷ XVI. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên là Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Van tiên sinh, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông Thi đỗ Trạng nguyên dưới triều Mạc năm 1535, lúc đã 44 tuổi và ra làm quan với triều Mạc trong 8 năm. Trong thời gian làm quan ở kinh đô, ông đã đưa con cháu lên định cư tại làng Thanh Am bên dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) xây dựng thành một làng trù phú, lúc đầu có tên là Hoà Am. Sau khi ông mất, do có công với dân làng nên được tôn thờ cùng làm Thành hoàng làng.
Đình Thanh Am có quy mô kiến trúc lớn, chiều dài 29m, chiều rộng 11m. Đình có 4 mái lợp ngói ta, có các đầu đao uốn cong. Bờ nóc có đắpđôi rồng chầu mặt trời lửa trên đầu hổ phù ở giữa. Đình có 7 gian, các bộ vì được làm kiểu “chồng giường giá chiêng hạ kẻ” trên 6 hàng chân. Giả chiêng được tạo thành bởi 2 cột trốn đặt trên câu đầu to. Giường nách được chồng thưa, đầu ăn sâu chân mộng cột quân và cột hiên. Cột cái cao 5,1m, chu vi 1,8m, cột quân chu vi 1,4m, cột hiên chu vi 1,2m, cột được kê trên đá tảng to. Bộ khung gỗ của đại đình được chạm trổ, các con giường được chạm nổi hoa lá vẫn mây. Đầu kẻ được chạm sâu các hình rồng mây, phần trên có chạm tứ linh, tứ quý khắp bề mặt của kẻ.
Hậu cung gồm 3 gian, sát phương đình, kiến trúc đơn giản theo kiểu chữ “công”.
Đình còn lưu giữ được cuốn thần phả viết về Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm và cuốn Sấm ký, một quả chuông “Tạo chú hồng chung” có niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất (1793).
Đình Thanh Am đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990.