Đình Đông Thanh (huyện Thạch Thất)
Đình Đông Thanh (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) tọa lạc trên một thế đất đẹp ở đầu làng nhìn theo hướng tây nam. Hiện tại đình gồm có: Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung.
Nghi môn đình xây dựng theo hình thức trụ biểu với 3 lối đi. Thân trụ biểu được đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công trạng của thành hoàng làng và cảnh đẹp của ngôi đình. Tả - Hữu mạc là 2 dãy nhà dọc với 3 gian hai mái chảy lợp ngói mũi, tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp bờ định, hai đầu bờ nóc đắp đấu đỉnh, cuối bờ dải xây giật cấp. Các bộ vì trong nhà Tả - Hữu mạc được làm đơn giản theo kiểu thức “vì kèo giá chiêng” trên quá giang chốn hàng cột cái thiên về bào trơn đóng bén. Đại bái đình là một dãy nhà ngang 3 gian 2 chái với 4 lá mái cùng các góc đao cong lợp ngói mũi nhỏ. Nhìn từ bên ngoài Đại bái, bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm kiểu rồng lá Makara há miệng ngậm bờ nóc. Gấp khúc bờ dải đắp nghệ, đầu guột đắp rồng nước, tiền nhân đã đắp cách điệu nhiều chi tiết tạo cho bộ mái đạo cong thêm phần mềm mại. Từ Đại bái qua một khoảng sân lọng là Hậu cung là toà nhà vuông được làm 2 tầng 8 mái đao cong. Bên trong, phần chính giữa được làm sàn lửng, bưng văn 3 phía, phía trước mở hệ thống cửa bức bàn, các cánh cửa đều được chạm tứ linh và tứ quý, diềm trên, diềm dưới chạm lưỡng long chầu nguyệt mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Đình Đông Thanh thờ phụng Thành hoàng làng là: Chu Đàm, người em thứ nhất của Chu Khiêm thời vua Hùng Duệ Vương. Bấy giờ ở đất Ba Trung có người họ Chu sinh được 3 người con và đặt tên là Tuấn, Hùng và Liệt. Bấy giờ vua Hiến Đế ban lệnh cho các quan Châu mục ở các địa phương phải tiến cử các bậc hiếu liễm hiền tài, lại thêm võ nghệ kiêm toàn, tri thức uyên bác. Ở đất Ba Trung bèn tiến cử 3 anh em ngài đến dự tuyển và đổi là Cẩn, Khiêm và Đàm. Nhà vua đã phong cho ba ngài giữ chức Thị ngự sử, Trung lang lệnh. Cùng lúc ấy, ba nước Nguỵ, Thục và Ngô tranh hùng. Hiếu Đế nhà Hán cử ba ngài về vùng Thạch Thất để chinh phạt một cánh quân Mạnh Hoạch. Về tới vùng giáp ranh giữa trang Thuý Lai và Hương Ngải, ba ngài đã dựng sinh phần ở đây, trong những trận giao tranh, ba ngài đều tỏ rõ là những vị lương tướng, lại giúp dân chăn tằm dệt vải. Sau này, các ngài hoá, để tưởng nhớ tới công lao của các ngài đã có công giúp dân giúp nước, các triều đại đều ban sắc phong thần là Đệ nhị Đô hộ vũ mãnh đại vương.
Đình Đông Thanh còn bảo lưu lại được: 3 cổ long ngai bài vị, 2 kiệu mui luyện phong cách Nguyễn, 4 đôi câu đối gỗ, 1 bộ bát bửu và một số tấm bia thời Lê.
Lễ hội làng Đông Thanh diễn ra cùng thời điểm với thôn Giang cùng xã. Đình Đông Thanh đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01