Yên Sơn cách trung tâm Hà Nội chừng 18km. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc qua cầu sông Đáy tới km16 + 600 gặp ngã tư, rẽ trái theo đường liên thôn khoảng 1km là tới di tích.
Đình Cù Sơn Trung nằm sát sông Đáy, vốn nơi đây có bến đò Cù Sơn được ghi trong văn bia được lưu giữ tại Viện Hán Nôm nói về việc mở bến đò này vào năm Thống Nguyên 4 (1525). Cửa đình nhìn về hướng tây, xung quanh có nhiều cây cổ thụ, phía trước là một chiếc hồ (Liên Trì) lớn ngào ngạt hương sen. Đình có bố cục không gian mặt bằng kiến trúc dạng chữ “tam” gồm Đại bái, đình Trung và Hậu cung.
Toà Đại bái bị mai một trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp nên ngôi đình Trung là trung tâm kiến trúc của di tích. Ngôi nhà này dàn ngang hình chữ “nhật”, gồm ba gian hai dĩ, các vì kèo theo kiểu chồng rường, giá chiêng liên kết vì, xà nối đều là mộng mang cá. Bộ mái được đỡ bởi những hàng chân cột, trong đó có loại cột vuông và tròn, tất cả đều được làm bằng đá xanh độc đáo. Cột to có chu vi 1,22m, cao 4,5m, cột nhỏ thấp hơn một chút. Bề mặt của những cột vuông được chạm khắc các đề tài hoa lá và tứ linh, mảng đục chạm khắc trên đá hết sức tinh xảo, tựa hồ khảm trên gỗ vậy. Trên bốn bức cốn ở gian giữa chạm rồng, phượng, long mã, rùa và các đề tài dân gian: cá hoá rồng, rồng máy... sau cùng là một bức cốn lộng lẫy với hình chim phượng giang rộng cánh, trên nền máy nước mênh mang, một chú rùa được khoác lên mình một chiếc lá sen đang bơi trong dòng nước, tạo nên cảnh quan sống động.
Ngôi đình Trung nối sát với Hậu cung gồm ba gian dài 8,35m, rộng 5m. Lòng nhà có 12 cột gỗ và 4 cột đá vuông vủa 4 bộ vì. Ban thờ được làm bằng gỗ, bài trí long ngai, bài vị và hòm đựng mũ áo của thần. Cửa võng của Hậu cung được chạm khắc công phu với các đề tài tứ linh và hoa lá. Nghệ nhân dùng kỹ thuật chạm lộng, cắt thủng từng mảng gỗ để lộ ra những khối trang trí nổi rất khoẻ nhưng lại rất mềm mại, tựa như bức tranh lụa.
Theo truyền thuyết, đình Cù Sơn Trung xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, được tu sửa vào thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII), cuối cùng được làm lại thay thế bằng các cột đá vào thời Nguyễn. Hiện tại, đình còn lưu giữ được nhiều dấu tích của các lần xây dựng và tu sửa như những mảng chạm rồng, phượng mang phong cách thời Lê, những bài vị, kiệu thờ được sắm lại vào thời Tây Sơn, những cột đá chạm tứ linh thời Nguyễn.
Đình thờ Lý Phục Man một danh tướng thời Lý Nam Đế thế kỷ thứ VI. Thần tích của làng ghi lại rằng: thần người làng Cổ Sở, sinh thời có tài võ nghệ, nhà vua đi dẹp giặc ngoại xâm, thắng trận trở về, được vua phong thưởng. Vì ông có công chinh phục dân Man di, nên được ban quốc tính, lấy họ vua là Lý và đặt tên là Phục Man, nhà vua gả con gái là Lý Nương cho. Ông là một trong hương đống của triều đình, được sai trấn giữ biên ải. Trong một trận chiến đấu với quân thù, ông đã anh dũng hy sinh. Tương truyền hài cốt của ông đã được chuyển từ bến đò Cù Sơn này về Cổ Sở. Vì vậy dân Cù Sơn lập miếu thờ ông.
Lý Phục Man không chỉ được dân Cù Sơn phụng thờ mà được khá nhiều địa phương khác ven sông Đáy thờ cúng. Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam tiếp sau đều ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Hiện tại, đình Cù Sơn còn lưu giữ được 12 đạo sắc của thời Lê và thời Nguyễn. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội, diễn lại sự tích của Thành hoàng làng, tổ chức đấu vật, hát cửa đình....
Đình Cù Sơn trung khá độc đáo về kiến trúc bằng chất liệu đá. Lại có lịch sử văn hoá đầy niềm tự hào, thật là một di tích hiếm thấy ở xứ Đoài. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01