Đình Hương Trầm toạ lạc ở khu đất rộng giữa làng Hương Trầm, ngôi đình bề thế với mái đao cong 4 góc bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, lân vờn phượng vũ ở bờ dải, mang đầy đủ nghi thức thiêng của công trình tín ngưỡng. Thành hoàng làng Hương Trầm thờ phụng là Quý Minh đại vương, người có công đánh giặc, bảo vệ triều Hùng. Thần phả sắc phong còn lưu giữ được ở đình cho biết: Ở đạo Châu Ái có nhà họ Cao tên là Hoằng vợ người họ Lê, ông bà làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và thường làm phúc chữa bệnh cho người nghèo. Thế nhưng ông bà tuổi đã cao mà chưa có con trai nên trong lòng không vui. Một lần đến vùng đất Hương Trầm trang Bằng Lâm nghỉ lại trong chùa, đêm bà nằm mơ thấy thần núi ở miếu tự xưng là con của Lạc Long Quân vâng mệnh trời đầu thai làm con ông bà. Bà tỉnh dậy biết là thần báo mộng đem chuyện nói với chồng. Từ đó bà có thai và sinh hạ được một người con trai vẻ mặt khôi ngô tuấn tú lạ thường. Ông mừng khôn xiết, biết đó là thần xuất thế nên đặt tên con là Quý Minh.
Ngày tháng trôi qua, Quý Minh lớn lên học hành giỏi giang, võ lược nổi tiếng một vùng. Năm 18 tuổi cha mẹ mất, mãn tang cha mẹ, nhân dịp vua Ái cử Quý Minh ứng thi và được vua ban phong làm chỉ huy sứ hữu lộ Hùng hạ chiếu truyền xuống các châu chiêu hiền đãi sĩ đi đánh giặc. Châu tướng quân. Quý Minh đã cùng Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc bảo vệ triều Hùng. Thắng trận trên đường trở về trang Bằng Lâm, đến phường Đông Hà, huyện Thọ Xương thì hoá, đó là ngày 9 tháng chín. Vua Hùng vô cùng thương cảm cho phép khu Hương Trầm là sở tại được lập miếu thờ và phong Quý Minh làm Thượng đẳng thần. Đến các đời vua sau đều phong sắc và mỹ tự cho thần và Hương Trầm thờ phụng cho đến ngày nay.
Đình Hương Trầm là nơi thờ thần, đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa song ngôi đình vẫn hội tụ đầy đủ những giá trị về lịch sử kiến trúc và nghệ thuật. Trên kiến trúc thể hiện những mảng chạm khắc với đề tài tứ linh hình ảnh hổ phù tượng trưng cho sức mạnh của thần linh bảo hộ cho dân khang vật thịnh. Các bức chạm khắc với kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng thể hiện các đề tài văn hoá long, hổ quần lân, phượng hàm thư, rồng cuốn thuỷ, long mã, rùa phun nước. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như 7 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, bức cửa võng sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XVIII và các đồ thờ khác như án gian, kiệu bát cống, hoành phi, câu đối.
Nằm bên cạnh đình là ngôi chùa Hương Trầm có tên chữ là “Viên Thành tự” có liên quan mật thiết đến Thần hoàng làng qua cuốn thần tích bằng chữ Hán. Chùa Hương Trầm thờ Phật theo dòng Đại Thừa, và là đường Phật giáo truyền vào nước ta sớm nhất ở Kinh Bắc.
Chùa Hương Trầm có kiến trúc đơn giản hơn các chùa khác. Số lượng tượng không nhiều, song, ở chùa bảo lưu di vật quý giá đó là chiếc khánh đá còn nguyên vẹn. Trên khánh được chạm hình rồng chầu mặt nguyệt, nội dung ghi trên khánh đá là ca ngợi cảnh đẹp của làng Hương Trầm, sự linh thiêng của khánh đá và ghi tên những người công đức. Khánh đá có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII có kiểu dáng đẹp, phát ra âm thanh. Đây là một trong những di vật ít thấy trong các di tích.
Đình và chùa Hương Trầm đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01