Cuối thế kỷ XIX, từ năm 1883, người Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1886 đã có một quy hoạch cho thành phố Hà Nội mới. Ban đầu tập trung cải tạo khu quanh hồ Gươm. Trên sát mái nhà số 3 Hàng Khay, nay vẫn mang dòng chữ 1886 là năm xây dựng. Sau đó có việc lấp hồ ao, lấp cả sông Tô Lịch và rồi phá toà thành cổ (năm 1894 - 1896) và toà luỹ đất. Các phố cổ được uốn cho thẳng hàng và thêm các công trình hạ tầng. Tại đây một số nhà cổ được xây lại kiên cố hơn vẫn theo kiến trúc cổ. Một số xây theo kiểu “Tây”, một hai hoặc ba tầng, chịu ảnh hưởng của vật liệu xây dựng mới và hình thức trang trí kiến trúc châu Âu.
Lần lượt xuất hiện của khu phố Tây, một ở quanh ngôi thành cũ vừa bị phá và một ở phía nam hồ Gươm, không kể khu Nhượng địa đã được quy hoạch từ những ngày đầu chiếm đóng. Ba nơi này, quen gọi gộp lại là “khu phố cũ”:
1. Khu Nhượng địa hình chữ nhật mà hai cạnh dài nay là đường Bạch Đằng và phố Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, hai cạnh ngang là đoạn đầu phố Tràng Tiền và phố Nguyễn Huy Tự. Đây nguyên là đồn Thuỷ quân của tỉnh Hà Nội cổ, tháng 8 năm 1875 bị buộc phải nhượng hẳn cho quân đội Pháp xây doanh trại, dinh thự và bệnh viện. Đây là những công trình kiến trúc kiểu “chính thống”, mái lợp ngói đá đen, mặt bằng có hành lang chạy bốn xung quanh, nhà cuốn hình cung. Dinh thự Tổng tham mưu trưởng quân Pháp (nay là Nhà khách Bộ Quốc phòng) còn mang trên nóc hàng chữ số ghi năm xây dựng 1874 - 1877. Bệnh viện Lanessan (nay là Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu Nghị) được xây dựng năm 1892 - 1893.
2. Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Vì việc giải phóng mặt bằng dễ dàng (đất trong thành cũ) nên việc xây dựng có nhiều thuận tiện. Đường phố rộng, dài, vỉa hè cũng rộng với hệ thống cây xanh phong phú.
Phủ Toàn quyền nay là Phủ Chủ tịch xây dựng trong những năm 1901 - 1906, bề thế, hài hoà. Công trình do kiến trúc sư Ch.Lichtenfelder thiết kế, gồm hai tầng chính thức đặt trên một tầng đế và dưới một tầng sát mái. Tầng đế là một tầng nửa hầm xây nổi, có kẻ mạch vừa giả đá thường thấy trong kiến trúc cổ điển Pháp, đặt các phòng phục vụ, tầng hai vốn là phòng khách, phòng làm việc và phòng đặt tiệc. Tầng ba là những phòng riêng và nơi ở của toàn quyền.
Mặt bằng đối xứng hoàn toàn, có một khối lớn ở giữa và hai khối bên nhô ra, kiểu bố cục ba khối kiến trúc.
Sự phân bố chức năng hoàn toàn theo nguyên tắc bố cục đối xứng, ngoài phần sảnh lớn ở giữa, hai khối hai bên có cách tổ chức mặt đứng xử lý kiến trúc hoàn toàn giống nhau, mặc dù công năng mặt bằng khác nhau (phần bên trái là không gian lớn để tiếp tân, phần bên phải là các không gian nhỏ để dùng làm việc). Chi tiết kiến trúc bên trong dùng cột Côranh diêm dúa, giữa các cột là vòm, lan can cầu thang dùng sắt uốn.
Ngoài ra, đặc biệt các biệt thự ở đây thường theo kiến trúc miền Bắc nước Pháp, mái dốc, các chi tiết trang trí ở cửa, ở nóc diêm dúa, tỉ mỉ, có thẩm mỹ cao (các chủ nhà biệt thự này phần lớn là người vùng bắc Pháp).
3. Khu nam hồ Gươm là một hình chữ nhật mà hai cạnh dài nay là Tràng Thi - Tràng Tiền và Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ song quy trình, quy hoạch có chậm hơn vì phải giải toả nhiều làng xóm.
Nhà hát Lớn do hai kiến trúc sư Boyer và Harvey thiết kế xây từ năm 1901 đến 1911, giống nhà hát Opéra Paris nhưng khối tích nhỏ hơn. Chi tiết bên trong của nhà hát tập trung chủ yếu ở trang trí vòm phòng biểu diễn và các sảnh lát gạch hoa kích thước lớn trong khi chi tiết bên ngoài cũng tập trung ở mái lợp ngói đá có các con giống ở các góc mái và mặt chính trang trí kiểu cột Côranh và các hoa văn sắt trang trí ở mái các lối vào hai bên.
Một số công sở quy mô lớn khác như nhà Ga Hà Nội và nhà Công ty hoả xa Vân Nam (nay là Tổng Công đoàn) được xây dựng xong năm 1902, trường Đại học Đông Dương năm 1904, Dinh Thống sứ và Phủ Thống sứ (nay là Nhà khách Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh Xã hội) năm 1919.
Trường Đại học Đông Dương được thành lập năm 1904 nhưng kiến trúc toà nhà chính được xây dựng vào năm 1923 và đến năm 1925 mới hoàn thành. Trường được xây dựng theo thiết kế mang từ Pháp sang, mặt bằng theo kiểu “chính thống” thường thấy, mặt đứng có được sửa đổi một ít, thêm những mái dốc chống nắng trên cửa sổ xây bằng ngói ta cho nhẹ và khối sảnh chính giữa được Đông phương hoá.
Kiến trúc trường Đại học này bấy giờ là hình thức có thể nói là đặc trưng cho kiến trúc Pháp trước thế kỷ XX, mặt bằng hoàn toàn đối xứng, nhấn mạnh những lối ra vào chính và cầu thang chính, trên mặt bằng không lấy gì phức tạp đó dựng lên mặt đứng khá cầu kỳ.
Dinh Thống sứ (Nhà khách Chính phủ hiện nay) và Phủ Thống sứ (Bộ Lao động Thương Binh Xã hội hiện nay) là hai công trình xây dựng vào những năm 1897 - 1906, (tới 1918 - 1919 có đại tu) với hình thức kiến trúc đánh dấu sự bắt đầu của việc rời bỏ phong cách kiến trúc địa phương, bắt đầu sự nhập cảng toàn bộ phong cách kiến trúc châu Âu như mái đá dốc có tầng áp mái và các cửa sổ nhỏ, dùng các hình thức kiến trúc cửa vào, đường xe lên, thường thấy trong các kiến trúc châu Âu. Phong cách này tồn tại trong loại hình kiến trúc dinh thự và công cộng dịch vụ cho đến những năm 1925 thì chấm dứt và được thay thế bằng phong cách kiến trúc có thể gọi chung là kiến trúc phương Đông.
Ngoài ra ở khu vực này đa số biệt thự có mái không dốc lắm và nhiều cửa, đó là theo kiểu kiến trúc phía nam nước Pháp.
Ở cả ba khu trên, tới những năm 20 và 30 của thế kỷ XX xuất hiện các công trình kiến trúc theo xu hướng kết hợp phong cách Á Đông. Một số có giá trị thẩm mỹ cao như Viện Bảo tàng Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử, 1928 - 1932), Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao, 1929 - 1931), Viện Pasteur 1930.
Nhà Bảo tàng Loius Finot tác giả là kiến trúc sư Héberard nay là Bảo tàng lịch sử, khởi công năm 1928 và khánh thành năm 1932, là một công trình kiến trúc phương Đông và nhiệt đới xuất hiện cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930. Công trình kiến trúc này cùng với viện Pasteur và Sở Tài chính là một biểu hiện của những tìm tòi mới chống lại hình thức sao chép nguyên bản kiến trúc Pháp. Mặt bằng bảo tàng chỉ gồm hai thành phần chính: Sảnh lớn bát giác phía trước và phòng trưng bày phía sau. Trên mặt bằng ấy dựng lên một hệ mái ngói nhiều mái, những ô văng đề chống mưa, chống nắng và chống gió.
Sở Tài chính Đông Dương nay là trụ sở Bộ Ngoại giao, tác giả cũng là kiến trúc sư Hébrerd là một ví dụ tiêu biểu nhất của xu hướng cách tânthịnh hành từ đầu những năm 1930. Nhà có dạng mặt bằng chữ I, phía trước là dãy các phòng làm việc kiểu hành lang giữa, phía sau là khu lưu trữ kiểu xuyên phòng, phần giữa là không gian cầu thang chính. Đáng chú ý sự cấu tạo hệ mái (với rất nhiều mái lớn nhỏ khác nhau) và cách xử lý cả ban công lớn, trên cửa có mái ô-văng nhỏ, và cách xử lý các khu cửa vào có sảnh thoáng. Do những yếu tố trên, cùng với kết cấu tường dầy, đã làm cho nhà rất mát, tạo hình kiến trúc ở đây cũng gây được ấn tượng khá bay bổng.
Viện Pasteur, nay là Viện Vệ sinh dịch tễ học, hoàn thành năm 1930, tác giả: kiến trúc sư Roger, là công trình có mặt bằng kiểu hành lang bên. Hành lang đặt ở phía nam so với các phòng thí nghiệm lớn. Bút pháp của tác giả tỏ ra thận trọng khi xử lý hình thức kiến trúc: mái lớn thành từng mảng, không nhấn mạnh sự bay bướm, cửa kính lớn hai tầng trên không chia nhỏ mặt đứng. Trang trí chi tiết chỉ chú trọng ở phần gác chuông trên mái tương ứng với sảnh chính, ở các gờ và cửa thông hơi dưới cửa sổ và mái hắt lợp ngói ta trên cửa sổ.
Việc lợp ngói ta có tải trọng nhẹ ở những mái ô văng dốc cũng là một đặc điểm thường thấy ở những công trình Viện Pasteur cũng như Sở Tài chính, nói lên việc dùng những vật liệu nặng ở những mái có độ dốc lớn là không thích hợp.
Tóm lại, cả ba khu trên nay được gọi là khu phố cũ hoặc “khu phố Tây”. Đấy cũng là một quỹ đô thị rất đặc trưng của Hà Nội.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01