Văn hóa – Di sản

Di sản công nghiệp Hà Nội: Nguồn lực vô giá để xây dựng công nghiệp văn hóa

Hải Truyền 29/11/2023 19:57

Những ngày qua, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm - cơ sở công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Thủ đô đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Những không gian thiết kế, sáng tạo mới mẻ đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan chỉ trong thời gian rất ngắn. Từ thực tế của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, đã đến lúc Hà Nội cần có định hướng cho những nhà máy, xí nghiệp đã trở thành biểu tượng của Thủ đô một thời để phục vụ công nghiệp văn hóa.

Tái thiết di sản công nghiệp- kinh nghiệm của các quốc gia đi trước

dsc02738.jpg
Mô hình "Gian hàng phố đi bộ" phục vụ khách tham quan tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm những ngày vừa qua chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những đổi thay đang hiện hữu. Trong mỗi nhà kho, trạm điện không chỉ còn là những cỗ máy im lìm bất động, những tiếng máy, tiếng khoan chát chúa mà thay vào đó là cả một không gian sôi động, rực rỡ sắc màu. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 không chỉ mang đến cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm sự đổi thay mạnh mẽ mà nó còn mở ra một tương lai mới cho rất nhiều cơ sở công nghiệp trăm năm tuổi của Thủ đô trong tương lai.

Ở châu Âu, nhận thức về vai trò lịch sử của các công trình công nghiệp được nhắc tới lần đầu tiên từ những năm 1960 của thế kỷ trước ở Vương Quốc Anh - cái nôi của Cách mạng Công nghiệp châu Âu. Khái niệm “di sản công nghiệp” ra đời từ đây. Ở Pháp, ý thức việc giữ gìn loại hình di sản này tuy muộn hơn ở Anh, nhưng lại có sức lan toả lớn. Nhiều tác nhân, từ sử gia đến các kiến trúc sư quan tâm đề cập, chính quyền cũng nhanh chóng có những động thái cụ thể để ghi nhận, gìn giữ. Nhờ việc sớm được xếp hạng công trình lịch sử, nhiều toà nhà đã tránh khỏi số phận bị san phẳng khi các dự án mới mọc lên. Đến những năm 1980, một số địa điểm ở ngoại ô Paris, chứng tích của ngành công nghiệp chế tạo ô tô Pháp, hay hầm mỏ còn lại của khu công nghiệp khai thác than đá ở vùng Lorrain và Nord-Pas-de-Calais, mà sau này được Unesco xếp hạng di sản thế giới vào năm 2012.

Tiếp đó phải kể đến “la Condition publique” ở Roubaix - khu kho bãi và đóng gói nguyên vật liệu cũ, được chuyển đổi thành một trung tâm văn hoá, nhà triển lãm, biểu diễn, hội họp… Để khẳng định mạnh mẽ hướng đi này, vào năm 2004 vùng Lille đã ứng cử và được chọn làm Thủ đô văn hoá châu Âu.

Ở các quốc gia khác cũng dễ dàng để tìm thấy những không gian nghệ thuật được hình thành từ quá trình tái thiết di sản công nghiệp như nhà máy đường Eridania (Italia) chuyển đổi thành phòng hòa nhạc Niccolo Paganini. Nhà máy điện Bankside (Vương Quốc Anh) được chuyển đổi thành Trung tâm trưng bày nghệ thuật Tate.

Tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone (Trung Quốc) được tái thiết trên nền tảng một khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu nhà nước. Việc tái tạo này đã biến các bến tàu, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, thậm chí là kho bãi,... thành các bảo tàng hoặc trung tâm văn hóa, sáng tạo nghệ thuật mới, địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Gần với chúng ta nhất, trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã công bố 16 ngành kinh tế sáng tạo cần được tập trung phát triển trong thiên niên kỷ mới. Trong đó, “Tái thiết các di sản công nghiệp” là một trong những dự án được đầu tư nghiên cứu công phu. Trong buổi tọa đàm cùng các nhà khoa học của trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, TS.KTS Mongkol Khan, giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (Thái Lan), người chuyên nghiên cứu về không gian phố và văn hóa phố truyền thống ở các nước châu Á cho biết, khoảng 20 năm nay những dự án “Tái thiết các di sản công nghiệp” của quốc gia này được ưu tiên cho tất cả những cơ sở công nghiệp có đủ những điều kiện để tái thiết dựa trên các tiêu chí như bề dày lịch sử, biểu tượng kiến trúc, biểu tượng văn hóa,…

Nguồn di sản công nghiệp vô giá của Hà Nội

Hà Nội từng là trung tâm công nghiệp lớn nhất của miền Bắc từ những năm cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc và buổi đầu miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rất nhiều những cơ sở công nghiệp trong suốt hàng trăm năm được coi như những biểu tượng của Thủ đô. Những nhà máy, xí nghiệp đã hằn sâu vào ký ức của bao thế hệ. Ngoài nhà máy xe lửa Gia Lâm thì còn đó những Nhà máy Bia Hà Nội (Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, số 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình), tiền thân là nhà máy bia Hommel của người Pháp thành lập năm 1890; Nhà máy rượu Hà Nội (số 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng), do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ, nay là Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội; Nhà máy điện Yên Phụ (quận Tây Hồ), do người Pháp khởi công xây dựng năm 1925; Nhà máy in tiến bộ (quận Ba Đình), thành lập năm 1946; Nhà máy May 10 (quận Long Biên), thành lập năm 1946; khu công nghiệp Thượng Đình (quận Thanh Xuân), là khu công nghiệp quy mô đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Trãi, gồm các nhà máy chủ lực như Thuốc lá Thǎng Long, Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội - thường được gọi là khu Cao Xà Lá, Cơ khí Hà Nội và một số nhà máy khác;…

Đây là các nhà máy, công xưởng tiêu biểu đại diện cho một giai đoạn lịch sử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, được xem là hiện đại và đẹp nhất Hà Nội cũng như miền Bắc thời điểm được xây dựng.

dsc02240.jpg
Một không gian nghệ thuật tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Hiện nay, đa số các nhà máy, xí nghiệp từng vang bóng một thời này đều nằm trong diện đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội cho phép di dời khỏi nội đô, mặt bằng của nhiều địa điểm được dự kiến thu hồi một phần diện tích để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội là trường học, khu vui chơi công cộng hoặc nhà ở,…

Tuy nhiên, từ kết quả thu được sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đối với Nhà máy xe lửa Gia Lâm và trước đó là Nhà máy in Công đoàn (quận Đống Đa) thì cần phải có định hướng lại đối với một số nhà máy, xí nghiệp hội tụ đủ các điều kiện thích hợp để tái thiết thành di sản công nghiệp, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Việt Nam là quốc gia đi sau, song lại chưa quan tâm nhiều đến vấn đề tái thiết các công trình công nghiệp cũ. Nhiều di sản công nghiệp đang bị bỏ hoang hoặc phá bỏ như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3,… gây lãng phí quỹ không gian và tiềm năng kinh tế.

Tại tọa đàm Tái thiết di sản công nghiệp ở Hà Nội ngày 23/11, KTS Đinh Hải Yến, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết thành phố có 185 cơ sở công nghiệp có giá trị nhưng hiện chỉ còn lại 95. Trong đó, 6 cơ sở thành lập trước năm 1954; 36 cơ sở từ năm 1954 đến 1986; 42 từ năm 1986 đến 2015; 11 không có thông tin. Bia Hà Nội, Rượu Hà Nội, Điện Yên Phụ, Xe lửa Gia Lâm là các nhà máy được thành lập dưới thời Pháp thuộc (trước năm 1954).

Đã đến lúc Hà Nội cần cân nhắc, lựa chọn các công trình công nghiệp có giá trị và đủ các điều kiện để tái thiết nhằm tạo ra dòng chảy xuyên suốt theo thời gian, vừa bảo đảm cho đô thị có chiều sâu bằng những di sản gắn liền với lịch sử vừa phát huy những lợi thế mà những công trình xây mới không có được.

Việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp lâu đời vào nỗ lực bảo tồn di sản ở Việt Nam mới được bàn đến trong những năm gần đây, nhìn vào những cơ sở công nghiệp lớn ra đời từ những những năm 1960 trở về trước có thể thấy những nhà máy, xí nghiệp này không chỉ giàu có về mặt kiến trúc, các cơ sở công nghiệp này đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị của chúng ta, bản sắc của chúng ta và lịch sử của những người lao động, người dân quanh khu vực mà cơ sở công nghiệp đó tồn tại.

Trong Tọa đàm với chủ đề “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp” được tổ chức trực tuyến vào tháng 10/2021, ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, là đại diện của EUNIC (Viện Văn hóa Quốc gia Châu Âu) chia sẻ: “Rất nhiều ví dụ thành công tại Châu Âu và trên thế giới đã cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo là mô hình có tính đạo đức bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ. Tôi tin rằng tọa đàm này được tổ chức đúng lúc, góp phần nâng cao nhận thức của những nhà hoạch định, trong thời điểm sẽ có sự di dời hàng loạt các cơ sở công nghiệp tại Hà Nội trong những năm tới”.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước có thể thấy, quá trình chuyển hướng ứng xử với công trình công nghiệp đã diễn ra không dễ dàng. Nó là thành quả của rất nhiều chính sách từ trung ương đến địa phương, nhằm hạn chế phá dỡ và hỗ trợ kinh phí bảo tồn. Mặt khác, không kém phần quan trọng, là sự tác động vào dư luận kiểu bền bỉ “mưa dầm thấm lâu” của các sử gia, giảng viên, chuyên gia về di sản, kiến trúc quy hoạch, các cơ quan báo chí,... Bằng cách thu thập, truyền tải các giá trị và vai trò của di sản công nghiệp trong ký ức cộng đồng, họ đã dần tạo sự gắn bó tinh thần, niềm tự hào của người dân và các nhà quản lý với lịch sử công nghiệp của quê hương mình.

Thủ đô Hà Nội của chúng ta với lịch sử nghìn năm văn hiến, từng là cái nôi của nền công nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa với rất nhiều nhà máy, công xưởng mang tính biểu tượng, có giá trị về mặt kiến trúc. Nếu được đánh giá một cách toàn diện để chọn ra những công trình đầy đủ các điều kiện chuyển đổi thành các di sản công nghiệp thì không những có thể tiết kiệm được tiền của, thời gian mà còn có thể giữ lại nguyên vẹn nhiều công trình có gí trị lịch sử, tạo ra nguồn lực to lớn để xây dựng công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Di sản công nghiệp Hà Nội: Nguồn lực vô giá để xây dựng công nghiệp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO