“Bến chờ” đưa di sản công nghiệp Hà Nội đến gần công chúng
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, Pavilion “Bến chờ” trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) là điểm dừng chân của du khách. Tại “Bến chờ”, tất cả được “chạm” vào không gian di sản công nghiệp của Thủ đô đã hơn trăm năm tuổi.
Pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) Bến chờ là một triển lãm mô phỏng lại dấu ấn của thời gian hiện hữu trong di sản trăm tuổi. Thực hiện Pavilion này là kiến trúc sư (KTS) Lê Quang Thạch và các cộng sự công ty kiến trúc nội thất Avalo.
Bến chờ tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có chức năng làm công trình biểu trưng cho lễ hội, đồng thời là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế pavilion Bến chờ được lấy cảm hứng từ ký ức của nhà ga đường sắt. Công trình được KTS Lê Quang Thạch đặt trên một đoạn đường ray chờ trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nơi có những nhà xưởng công nghiệp đã phong kín bởi thời gian và cây cỏ.
Khiêm nhường và trân trọng vẻ đẹp có sẵn của di sản công nghiệp, pavilion Bến chờ không muốn xuất hiện như một thực thể kiến trúc xâm lấn, thay vào đó là một hình thái vừa hữu cơ vừa tan biến. Kiến trúc sư sử dụng những đường nét tối giản, hình khối cơ bản, kiến tạo không gian thay vì tạo dựng chi tiết. Chất liệu cấu thành Bến chờ chủ yếu là thép, nguyên liệu chính cấu thành nhà xưởng. Trong đó, lớp vỏ của công trình sử dụng chất liệu phản quang, để ẩn mình vào bối cảnh xung quanh.
Trong suy nghĩ của KTS Lê Quang Thạch, nhà ga không chỉ là nơi để di chuyển. Đây là nơi mà người mẹ chờ đến khi tàu sắp chuyển bánh mới rời khỏi toa tàu, tiễn biệt người con đi học xa. Đây là nơi tuổi trẻ chờ đợi hằng giờ đồng hồ, có khi đến cả ngày, chỉ để mong người kia bước xuống từ khoang cửa của toa tàu. Bởi nhà ga là nơi của chia xa, là nơi của gặp lại, nơi đọng lại những kỷ niệm buồn vui từ những cuộc đợi chờ.
“Di sản là những thứ tôi muốn mọi người hướng tới sự hoài niệm. Nhà ga bến tàu không chỉ đơn thuần là nơi di chuyển, đó còn là nơi của chờ đợi, chia xa, của sự đoàn tụ, gặp mặt. Những thế hệ trước có rất nhiều hoài niệm, kỷ niệm ở những nhà ga. Vì thế tôi muốn tái hiện lại cảm xúc đó trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Đó cũng là cách để chúng ta tôn vinh lại di sản công nghiệp và tôi đặt tên cho Pavillon này là Bến chờ”, KTS Lê Quang Thạch chia sẻ.
Anh Thạch cho biết thêm, thời gian cùng cộng sự thực hiện Pavillon này, có hai hôm gặp trời mưa nên có vất vả một chút, song tất cả đã cố gắng hoàn thành thiết kế theo ý tưởng đặt ra. KTS Lê Quang Thạch thông tin, Bến chờ được đặt ngay trên đường ga xe lửa đang hoạt động trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, mang ý nghĩa kiến trúc. Pavillon này được thiết kế như một nhà ga thật sự, người dân và du khách có thể ngồi, ngắm, trú mưa và chờ đợi những chuyến tàu.
“Hình thái Bến chờ xuất hiện tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm rất đẹp nhưng không hiện hữu mà là “tan biến”, để làm sao người dân, du khách đến với Bến chờ cảm thấy vẻ đẹp của di sản công nghiệp – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chứ không phải là vẻ đẹp của không gian Pavillon”, KTS Lê Quang Thạch tiết lộ.
Vì thế, để thể hiện hình thái Bến chờ không phải đơn giản. Như việc một sợi dây căng lên một thời gian sẽ bị chùng xuống, KTS Lê Quang Thạch dùng một tấm thép đặt phẳng và cho nó chùng xuống giống như một sợi vải được căng bốn mặt. Qua đó đội ngũ thiết kế muốn nói di sản có thời gian quá dài thì sắt thép cũng bị chùng xuống.
Tham quan tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, nếu muốn hồi sức, mọi người có thể dừng lại Bến chờ, ngồi đây để được ngắm di sản công nghiệp – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm rất xinh đẹp của Thủ đô. Từ Bến chờ, du khách được được tiếp cận gần hơn với văn hóa di sản công nghiệp của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Di sản công nghiệp là bảo tàng sống, lưu giữ sự phát triển của văn minh loài người thời hiện đại. Dù đã bước sang thời đại thứ 4, nhưng những nhà máy công nghiệp vẫn là một thực thể kiến trúc biết nói. Bảo tồn di sản công nghiệp, chúng ta có thể cho nó một đời sống mới”, KTS Lê Quang Thạch nhấn mạnh.
Bởi vậy, Bến chờ là một trong những điểm nhấn thiết kế sáng tạo tại lễ hội năm nay. Đây không chỉ là một pavilion mang tính hoài niệm mà còn là thiết kế cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để lắng mình lại giữa tấp nập của thời cuộc, ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp đang bị lãng quên của của một thời xưa cũ.
Kiến trúc sư Lê Quang Thạch có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Anh đã giành Giải thưởng “Kiến trúc sư Xanh châu Á 2017” (Specgo Green International Award 2017). Nhiều triển lãm chuyên ngành của Lê Quang Thạch được chú ý có thể kể đến: Hanoi Architect, Phù Sa No1, Learn&Do HAU, LỘ - triển lãm kiến trúc và nghệ thuật đương đại.