Sự kiện & Bình luận

“Hoạt động sáng tạo nhắc nhở mọi người gìn giữ di sản, làm ra sản phẩm sáng tạo độc đáo”

Phạm Hoa 26/11/2023 07:10

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đánh giá, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng đó, hoạt động sáng tạo nhắc nhở mọi người phải gìn giữ, phát huy giá trị của di sản, tạo ra những sản phẩm sáng tạo độc đáo cho Thủ đô Hà Nội và đất nước trong tương lai.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (17 – 26/11) đang đi đến những ngày cuối. Năm nay lễ hội diễn ra tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

a-hong-2.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng (người đeo kính) tặng hoa chúc mừng nhân viên công ty đường sắt và các nghệ sĩ tại chương trình “Âm cảnh Ga Hà Nội” tại Xưởng Nóng 1B - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chiều muộn ngày 24/11. (Ảnh: H. Quỳnh).

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất, tâm điểm nhất vẫn là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) – di sản công nghiệp của Thủ đô, không gian “chủ lực” lễ hội với của hơn 60 hoạt động sáng tạo chất lượng cao được hơn 200 nghệ sĩ, kiến trúc sư…, trong đó đa phần các không gian, hoạt động do cộng đồng sáng tạo Hà Nội thực hiện.

Di sản công nghiệp có tuổi đời hơn 120 năm của Thủ đô đã được “đánh thức” bởi những thiết kế không gian văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm, tương tác của cộng đồng sáng tạo trong những nhà xưởng đã phủ bụi thời gian. Nếu Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 không diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, du khách trong nước lẫn quốc tế sẽ khó có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng các máy móc thiết bị, đường ray xe lửa đã trở thành niềm tự hào của ngành đường sắt Thủ đô cũng như của cả nước trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Lễ hội diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tất cả đã nhìn thấy không gian bao la của “di sản sống” vẫn đang hiện hữu ngay cạnh trung tâm Thành phố Sáng tạo Hà Nội.

Liên quan đến Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, sau chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ca nhạc, múa “Âm cảnh Ga Hà Nội” tại Xưởng Nóng 1B - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tối 24/11 (Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin), Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã có trao đổi ngắn với một số cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có Tạp chí Người Hà Nội.

a-hong-4.jpg
Ông Đỗ Đình Hồng cho biết Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã nhận được sự nhập cuộc của cộng đồng sáng tạo, sự quan tâm của người dân rất lớn. (Ảnh: H. Quỳnh).

PV: Xin ông chia sẻ về kết quả Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã đạt được?

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội: Có thể nói, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã góp phần để Hà Nội đạt mục tiêu, kế hoạch và tầm nhìn về việc xây dựng Thành phố Sáng tạo Hà Nội. Chúng tôi rất cảm kích trước sự vào cuộc của cộng đồng sáng tạo, sự quan tâm của người dân cũng như các cấp lãnh đạo để cộng đồng sáng tạo thể hiện ở lễ hội năm nay. Tôi cho rằng đây là những tiền đề rất quan trọng để kết nối vào những năm tiếp theo.

Tất cả những người làm quản lý để tạo ra được không gian của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã hết sức cố gắng, đặc biệt là chính quyền cũng như các cơ sở. Chúng ta đã thấy những không gian sáng tạo của cộng đồng sáng tạo đã thể hiện. Chính sự nhiệt tình, quan tâm của chính quyền cũng như các sở ngành đã cổ vũ cộng đồng sáng tạo thể hiện hết mình trong không gian sáng tạo, đưa lại những trải nghiệm mới cho người dân Hà Nội, du khách đến với Thủ đô.

a8(2).jpg
Nghệ sĩ hát giữa không gian di sản công nghiệp - Xưởng Nóng 1B , Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Chúng tôi hy vọng với những tiền đề quan trọng đã có này sẽ được duy trì, tiếp nối vào các lễ hội sau. Trên nền tảng đó, chúng tôi cũng ý thức được việc xây dựng những sản phẩm mới để lưu giữ các hoạt động của cộng đồng sáng tạo, không chỉ là không gian nghệ thuật ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong lễ hội lần này mà còn ở nhiều không gian sáng tạo mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

PV: Thưa ông, ông có cho rằng những công trình của cộng đồng sáng tạo có thể làm “sống lại” những công trình lịch sử như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm không?

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội: Những hoạt động sáng tạo sẽ thổi hồn, nhắc nhớ lại ký ức. Thế hệ đi trước chúng ta không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn hình thành nên những di sản văn hóa. Kể cả những di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng nhắc nhở thế hệ tiếp nối phải gìn giữ, phát huy giá trị của di sản, tạo ra những sản phẩm sáng tạo độc đáo của Thủ đô Hà Nội cũng như Việt Nam nói chung trong tương lai.

PV: Ông có nghĩ rằng những địa điểm như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có thể trở thành những không gian sinh hoạt văn hóa của người dân Hà Nội, thậm chí trở thành tour du lịch cho khách đến Hà Nội hay không?

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội: Chúng tôi cũng hy vọng như vậy và cũng rất mong muốn tạo dựng những sản phẩm trước hết cho người dân Hà Nội, sau đó là những du khách đến với Thủ đô để mọi người có những trải nghiệm mới. Đặc biệt là những sản phẩm mới mà chúng tôi đang hướng tới và đang chú trọng trong cộng đồng sáng tạo của Hà Nội - Thành phố Sáng tạo.

tho.jpg
Thợ máy nhà máy xe lửa tái hiện hình ảnh làm việc trong chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023. (Ảnh: H. Quỳnh).

Cùng với việc tạo ra sản phẩm, chúng ta còn phải hướng tới thị trường khách hàng. Nếu khách hàng hài lòng thì những sản phẩm sáng tạo của Hà Nội sẽ thành công. Một điểm nữa chúng tôi cũng rất mong muốn, đó là những dịch vụ phục vụ cho việc kết nối sản phẩm đến với khách hàng để tốt hơn trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội về cuộc trao đổi này!

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Hoạt động sáng tạo nhắc nhở mọi người gìn giữ di sản, làm ra sản phẩm sáng tạo độc đáo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO