Khu vực gia công Xưởng Nóng 1B - Nhà máy xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội chiều muộn 24/11 đã trở thành không gian nghệ thuật đặc biệt, gợi ký ức văn hóa về Ga Hà Nội qua chương trình biểu diễn âm thanh và ca nhạc, múa.
Chương trình đặc biệt này có tên gọi “Âm cảnh Ga Hà Nội” do nghệ sĩ Trí Minh và các nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, âm nhạc truyền thống của Việt Nam biểu diễn. “Âm cảnh Ga Hà Nội” đem đến bữa tiệc âm thanh, ánh sáng độc đáo, biến sự thô ráp, xù xì và gỉ sét của Xưởng Nóng 1B – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành không gian nghệ thuật đầy sức sáng tạo và cuốn hút, qua đó khoác chiếc áo mới cho di sản công nghiệp đã có hơn 120 năm tuổi đời.
Tại “Âm cảnh Ga Hà Nội”, các khán giả và du khách của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được thưởng thức phần trình diễn đa phương tiện bao gồm mẫu âm, hình ảnh, ngẫu hứng trình diễn tại chỗ, tạo sự tương tác, liên tưởng về Ga Hà Nội. Mẫu âm được sử dụng trong sự kiện được thu thanh chất lượng cao, tại thực địa khu vực Ga Hà Nội, Xưởng toa xe và xưởng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cùng với những chiếc còi đã gợi lại những ký ức đẹp đẽ với người thưởng thức. Dường như không gian trình diễn với những âm thanh của ngành đường sắt đã đưa cả Ga Hà Nội đến trước mắt khán giả.
Những thanh âm mẫu tại chương trình được sáng tạo và hòa phối trong không gian đa chiều của âm thanh và chuyển động, qua đó tái hiện một không gian âm thanh sống động và đặc biệt, cộng hưởng cùng những khung cảnh xưa cũ in dấu lên những chuyến tàu của Hà Nội.
“Âm cảnh Ga Hà Nội” giúp khán giả được đặt chân lên “chuyến tàu” lịch sử hơn 100 năm qua những con phố Thủ đô đầy ắp hoài niệm, qua Xưởng Nóng của Nhà máy toa xe lửa Gia Lâm và qua nhịp điệu của động cơ xoay vần. Đặc biệt, khán giả đã trực tiếp được tham gia vào các phần trình diễn và được tặng những vật phẩm để tương tác với tác phẩm, đó là những chiếc còi – vật dụng gắn liền với những nhân viên làm việc tại các nhà ga xe lửa của Việt Nam, của Ga Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Âm cảnh Ga Hà Nội” được thực hiện tương tự như một buổi trình diễn thực cảnh với sự xuất hiện của các nghệ sĩ, nhạc công của âm nhạc đương đại kết hợp với nghệ nhân nhạc truyền thống, vẽ truyền thần trực tiếp trên sân khấu cùng công nhân làm tại Ga Hà Nội, nhà máy toa xe Gia Lâm và những người liên quan trực tiếp đến các chuyến tàu hỏa, góp phần tạo nên trải nghiệm chân thực cho khán giả.
7 loạt âm cảnh của buổi trình diễn gồm âm nhạc, nhảy mang đến cho người xem bản hòa ca đặc sắc của cảm xúc, từ tiếng còi tàu xao xuyến, tiếng hát xẩm hoài cổ, tiếng đọc thơ dịu dàng đến tiếng động mạnh mẽ của máy móc. Loạt âm cảnh kết thúc bởi những nét giai điệu được sáng tác hoàn toàn mới, là chỉ dấu cho không gian sáng tạo mới, những phát triển mới của Thủ đô Hà Nội năng động và hiện đại.
Các nghệ sỹ tham gia chương trình có nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa (đàn nhị), Trần Hoàng Đại (múa hip hop đương đại), Minh Nghĩa (Kèn Trompet), ca sĩ Nguyễn Thúy Anh, nghệ sĩ và biên đạo múa Tú Hoàng đến từ Hà Lan.
Đặc biệt, tham gia chương trình còn có các nhân viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: 2 bảo vệ ga, 2 tiếp viên trên tàu Bắc – Nam, 1 nhân viên hướng dẫn, 2 công nhân khám chữa toa xe (phân đoạn khám chữa máy) và 4 người bán hàng rong (kẹo bông, kẹo mềm). Tất cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như các “diễn viên quần chúng” đã khiến người xem sao xuyến và có những cảm xúc đặc biệt từ không gian văn hóa nhà ga nói chung tại Việt Nam nói chung – Ga Hà Nội nói riêng.
“Âm cảnh Ga Hà Nội là một trình diễn đa phương tiện với những mẫu âm được nghệ tôi thu âm trong quá trình làm việc từ năm 2010 trong dự án của Viện Goethe Việt Nam về âm cảnh Hà Nội. Đây là một trình diễn âm thanh, hình ảnh và ngẫu hứng trình diễn tại chỗ, tạo sự tương tác, liên tưởng và phóng túng về Ga Hà Nội. Qua đây tôi cũng muốn tôn vinh những nét đẹp văn hóa của Hà Nội, mong muốn đem đến màu sắc mới lạ cho một di sản công nghiệp của Thủ đô”, nghệ sĩ Trí Minh, chia sẻ./.