Hà Nội xưa - nay

Đền Lê bên dòng sông Tích

Nguyễn Thị Thiện 17:30 19/07/2023

Đền Lê nằm ở tả ngạn sông Tích, thuộc địa phận thôn Lại Thượng, xã Lại Thương, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Xưa đây gọi là thôn Hạnh Đàn (hay Kẻ Sàn), cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Tây.

anh-3-pho-tuong.jpg
Pho tượng Trịnh Kiểm làm bằng đất nện dù trải qua gần 400 năm nay vẫn còn nguyên vẹn.

Đền thờ danh nhân Trịnh Kiểm (1503 – 1570). Ông là con của Trịnh Lâu và bà Hoàng Thị Dốc đều làm nghề nông ở Thanh Hóa. Lên 6 tuổi, Trịnh Kiểm mồ côi cha, đến năm ông 16 tuổi thì mẹ ông qua đời, nên ông đi ở cho nhà quan võ trong vùng, đảm nhiệm việc chính là chăn và huấn luyện ngựa. Năm ông 25 tuổi, nghe tin Nguyễn Kim dựng cờ phò Lê diệt Mạc, ông mang một con ngựa tốt trốn đi theo. Được Nguyễn Kim tin dùng, ông càng phấn chấn và quyết tâm, tỏ rõ năng lực quân sự và tài năng nhiều mặt của mình. Ông được chủ yêu quý, gả con gái cho và tiếp tục giao nhiều trọng trách, việc gì ông cũng hoàn thành xuất sắc. Khi Nguyễn Kim bị hạ độc chết, ông được vua Lê giao thống lĩnh quân đội. Trong nhiều trận chỉ huy tướng sĩ đánh quân nhà Mạc, ông đều giành chiến thắng.

cong-vao-den-le.jpg
Một góc không gian đền Lê.

Trong trận đánh quan trọng nhất (diễn ra những năm 1549 – 1550) giữa quân đội nhà Lê do Trịnh Kiểm làm thống soái (gồm 6 vạn tướng sĩ) và quân đội nhà Mạc do Mạc Kinh Điển chỉ huy, ông cho quân sĩ hành quân từ Thanh Hóa ra, hạ trại đóng trú ở vùng Lại Thượng và khu vực Thạch Thất, Sơn Tây. Từ đây, ông cho đào hào, đắp lũy, mai phục. Cuộc giao tranh diễn ra rất quyết liệt và kết thúc thắng lợi về phía Trịnh Kiểm, góp phần quyết định chấm dứt cuộc nội chiến Lê - Mạc. Nước nhà được bình yên, ông lại dốc sức chăm lo việc triều chính và chấn hưng đất nước: cho người đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khóa, khuyến khích phát triển nông tang, mở các khóa thi chọn người hiền tài. Ông được vua Lê Anh Tông phong làm Thái sư, chức Thượng Tướng quân Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ. Năm Canh Ngọ, ông bị ốm nặng vì quá lao lực việc dân việc nước và mất (ngày 10/2/1570 Âm lịch), thọ 68 tuổi. Do có công lao 40 năm giúp sức, xả thân cho sự nghiệp Lê Trung hưng, phục vụ 3 đời vua Lê là: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, nên khi ông mất ông được vua Lê Anh Tông phong là Minh Khang Thái Vương và ban hiệu Thụy Trung Huân.

Năm Mậu Thìn (1623), Thanh Đô vương Trịnh Tráng (cháu nội của Trịnh Kiểm) đã tâu trình với vua Lê và được chuẩn y. Tưởng nhớ và tri ân công lao các bậc tiền nhân trong cuộc diệt Mạc, vua Lê cho xây cất, dựng Đế miếu ở Thanh Hóa, Nghệ An và các nơi khác, rước bài vị hoàng đế và tiên vương về phụng thờ. Do được vua ban và cấp tiền của xây cất đền nên dân trong vùng gọi là đền Lê. Hằng năm cứ đến ngày 18/2, ngày kỵ của Thái Vương Trịnh Kiểm, vua Lê lại cắt cử các quan về tổ chức lễ hội trọng thể và đông vui. Các địa điểm bia đá ong hiện nay vẫn còn in dấu: nơi các quan binh Hạ mã (xuống ngựa), nhà Quan cư (nơi các quan ở), ao Quan (3 thửa, nơi các quan tắm rửa trước khi vào làm lễ), Văn chỉ… Đặc biệt, bức tượng Trịnh Kiểm làm bằng đất nện dù trải qua gần 400 năm nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngắm pho tượng sống động, dáng ngồi đường bệ, thư thái nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng, quyết đoán, người về lễ càng thêm ngưỡng mộ, khâm phục Trịnh Kiểm. Ông quả là một danh tướng, để lại cho con cháu một vương nghiệp truyền nối kéo dài 188 năm tính từ đời chúa Trịnh Tùng đến Trịnh Khải (năm 1787). Vào thời ông, hành dinh khu vực Lại Thượng được gọi là Biện Dinh và sau đó, lễ hội Đền Lê được xem là Quốc lễ.

Hội đền Lê thường diễn ra trong 3 ngày, được tổ chức đông vui. Phần lễ tiến hành trang trọng, tôn nghiêm, phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh. Vào ngày 16/2, diễn ra Hội bắt đầu bằng cuộc thi dập sào đánh cá trên sông Tích. Hôm đó cũng tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các thôn. Ngày 17/2, nhân dân và du khách dâng lễ vào đền. Các xóm rước kiệu, cỗ chay và dâng hương. Sau đó tổ chức các trò chơi: thi vòng loại kéo co nam, nữ, thổi cơm thi; trao giải thưởng các môn thi đấu. Trước khi diễn ra lễ hội ít ngày, Lại Thượng tổ chức các giải: Bóng đá thanh niên mở rộng, Bóng đá lão niên, Bóng chuyền hơi nữ… chào mừng lễ hội đền Lê. Đúng ngày 18/2 (chính hội) thì tổ chức tế chính tiệc (buổi sáng) và tế tạ (buổi chiều).

Lễ vật dâng cúng trong hội đền Lê gồm hai loại chính: lễ chay và lễ mặn. Lễ mặn đặt ở ban trong cung còn lễ chay dâng ban bên ngoài. Mâm lễ chính cả mặn và chay được giao cho Ban Khánh tiết và Ban Câu đương chuẩn bị.

Lễ mặn gồm xôi trắng và thủ lợn, phải đủ cả đầu và đuôi. Thủ lợn từ 6 đến 8kg cùng đuôi lợn kèm theo, có ý nghĩa là toàn phần con lợn, được lựa chọn từ con lợn to vừa phải của gia đình song toàn, đề huề con cháu, có phẩm chất đạo đức tốt chăn nuôi. Gia đình nào được lựa chọn có thủ lợn tiến lễ là một niềm vinh dự. Xôi trắng được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng trước đây, giờ là loại nếp nhung thơm, hạt mẩy đều, những hạt gãy được loại đi. Gạo nếp được đãi thật sạch, ngâm kỹ để có xôi dẻo thơm. Xôi được dỡ ra mâm, nén chặt, dàn tròn đều. Thủ lợn bày lên trên mâm xôi ép chặt, dàn tròn đều. Lễ chay thường là mâm ngũ quả gồm những sản vật quý ở địa phương như: chuối, phật thủ, bưởi, cam quýt, thanh long và hoa tươi, được sắp xếp khéo léo, cách điệu đẹp mắt. Có khi còn được sắp xếp theo hình linh vật rồng phượng, cá. Toàn bộ lễ vật được dâng cúng vào sáng sớm ngày kỵ của ngài Đức Thái Minh Trịnh Kiểm hiệu Thuỵ Trung Huân, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà, người người có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, xóm làng đoàn kết.

Ngoài những mâm lễ vật do Ban Khánh tiết chuẩn bị, các thôn xóm gia đình và du khách cũng dâng lễ rất nhiều loại: bánh, oản, hoa tươi, quả ngọt, phần nhiều lựa từ cây trái vườn nhà dâng thánh: cam quýt, bưởi, na, chuối, oản, bánh kẹo, nến hương...

Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đền Lê vẫn giữ được tường, móng, hình dáng không thay đổi. Tượng thần và đồ thờ vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Vào những ngày tuần tiết, đền mở cửa đón khách, nhân dân địa phương và con cháu các chi họ Trịnh về tế lễ, chiêm bái. Đền Lê được xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Sau khi sáp nhập về Hà Nội, năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép sửa chữa và trùng tu đền phần gỗ. Nhân dân địa phương, doanh nghiệp, các chi họ Trịnh, nhà hảo tâm đã công đức: tiền, rồng đá, bậc đá, chiếu Cửu long tranh châu đá, bức bình phong đá có giá lớn./.

Bài liên quan
  • Đánh thức nghề thủ công khu phố cổ Hà Nội
    Tìm hiểu về làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc tới khu phố cổ Hà Nội - nơi xưa kia thợ thủ công tứ xứ kéo về mang theo những đặc sắc của nghề truyền thống quê hương mình tới nội đô. Trải qua thời gian, nghề truyền thống nơi đây đã mai một đáng kể. Trong bối cảnh TP. Hà Nội tập trung đầu tư trọng điểm vào 6 lĩnh vực để trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa thì việc đánh thức nghề thủ công mỹ nghệ trong khu phố cổ là hết sức cần thiết.
(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đền Lê bên dòng sông Tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO