Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
53 năm sống và làm việc tại Hà Nội, PGS.TS Trần Mạnh Tuân (nguyên giảng viên khoa Công trình, trường Đại học Thủy lợi) vẫn nhớ như in những cái Tết thời bao cấp mà các nhà đều có hoàn cảnh kinh tế tương đồng nhau, đón Tết cũng theo cách thật giống nhau. Và nhớ nhất trong tâm khảm ông là gói hàng Tết: “Người người xếp hàng để mua hàng Tết. Gói hàng Tết năm nào cũng sẽ có: mứt Tết, kẹo, chè cám/ chè bồm (chè vụn), 1-2 bao thuốc lá (sang là Điện Biên, còn không là thuốc lá Tam Đảo), miếng bóng bì để nấu canh và một gói nhỏ đựng 20 hạt tiêu Bắc. Gói hàng có thể có thêm một gói mì chính cánh khoảng 50 gram”.
Theo dòng ký ức của ông Tuân, ngày ấy bánh kẹo rất hiếm, các nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gồm bột mì, 1-2 quả trứng gà mà nếu không có thì thay bằng trứng vịt rồi mang đến nhà làm bánh kẹo gia công để làm bánh quy gai và bánh quy xốp. Nếu nhà ai mua được thêm 1-2 lạng bơ ở chỗ có nhiều người nước ngoài sống như gần khách sạn Kim Liên thì bánh quy sẽ giòn, thơm hơn rất nhiều. Bánh quy xốp nhỏ nhỏ vuông vuông, bánh quy gai thuôn thuôn như ngón tay, viền ngoài có gai như con kỳ nhông. Đám trẻ con háo hức, chỉ cần thấy những chiếc bánh quy bố mẹ mang về là mắt sáng như sao, háo hức chờ đến Tết để được thưởng thức.
Gắn bó với phố cổ Hàng Đường từ những ngày thơ ấu, cho đến giờ đã xấp xỉ tuổi thất tuần, mỗi khi Tết đến xuân về, ông Hoàng Văn Ngọc vẫn hoài niệm bao kỷ niệm. Ông bảo, xưa các nhà dù khó khăn đến mấy cũng không thể thiếu cành đào, chậu quất, bình hoa nhỏ với vài bông thược dược điểm thêm nhành violet tím. Và công việc gói bánh chưng cũng rộn ràng không kém khi nhà nhà chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt, đậu xanh, hạt tiêu… cùng nhau gói bánh rồi nấu bằng bất cứ xoong nồi nào nhà mình có. Nhưng ít hay nhiều, nồi nào cũng phải có đôi ba chiếc bánh chưng cóc cho đám trẻ con.
Ấn tượng khó phai nhất với những người đàn ông Hà Nội tóc nay đã hoa tiêu còn là chuyện ăn mặc. Sau ngày miền Nam giải phóng, có thêm nhiều loại vải, người ta bán thêm nhiều áo lụa, áo bay, áo gió đủ màu sặc sỡ… Cả phố Khâm Thiên bán quần áo, gần Tết là nô nức người dân qua lại. Ngày ấy, có chiếc áo khoác để diện Tết là hãnh diện lắm! Ông Tuân bồi hồi kể về chiếc cái áo mút đặc biệt mà ông phải dành 3 tháng lương để mua: “Hồi đó lương của tôi chỉ có 64 đồng còn áo là 180 đồng. Cũng buồn cười là có những năm dành tiền để mua được cái áo khoác diện Tết, đến Tết thì trời lại nóng, vậy là chán lắm!”.
Khung cảnh Hà Nội ngày Tết đỏ thắm, tưng bừng. Các gia đình đi du xuân, lên bờ Hồ, đi vào Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền plaza) nhìn ngắm đủ loại hàng hóa, rẽ vào các cửa hiệu ảnh như Nắng xuân hay các hiệu ảnh quốc tế… để cùng chụp một tấm ảnh. Dù là tấm ảnh đen trắng (mãi đến sau năm 1975 mới có ảnh màu)… nhưng chắc chắn là kỷ niệm khó quên với bất cứ ai.
Khác với nhiều người, ký ức Tết của chị Nguyễn Thùy Linh - CEO Tân Mỹ Design, truyền nhân đời thứ 3 của cửa hàng thêu có tuổi đời hơn 50 năm tại phố Hàng Gai lại là những lời chỉ dạy mà bà ngoại và mẹ trao truyền. Trong ngôi nhà vỏn vẹn 20m2 khi ấy, có cô gái nhỏ học bắt đầu học về công dung ngôn hạnh, cầm kỳ thi họa. “Bà và mẹ tôi là những người vô cùng kỷ luật, đòi hỏi phải chú ý từ cách ăn, nói, đi lại. Có những ngày Tết, vài quy tắc có thể được nới lỏng như giờ giấc đi ngủ, cách ăn uống… nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ”, chị Linh kể.
Những phép tắc, lễ nghĩa tưởng như khó học, khó nhớ nhưng bây giờ lại trở thành thói quen của chị Linh và được chị dạy lại cho con gái. Chị thấy biết ơn người bà khéo léo, biết đủ những ngón nghề như thêu thùa, may vá, cầm kỳ thi họa và đã tạo ra một nếp nhà đặc trưng phố cổ. Một ký ức Tết khác mà chị Linh nhớ mãi không quên là có năm, cả gia đình đang chuẩn bị đón giao thừa bỗng một vị khách nước ngoài gõ cửa. Thì ra đó là lần đầu tiên ông ở lại Hà Nội dịp Tết, ông không biết là các cửa hàng sẽ đóng cửa. Dù trước đó gia đình chị Linh đã nhờ một người đến xông đất nhưng cũng không cảm thấy phiền hà vì vị khách lạ đến mà không báo trước, ngược lại còn mời ông cùng ăn cơm.
Chính vì mối duyên lành đặc biệt ấy, đến sau này, nhà chị Linh duy trì phong tục là sẽ mời khách nước ngoài đến dùng bữa trưa và tối ngày mùng hai. Những người khách đã trở thành bạn bè của gia đình chị, cũng yêu luôn văn hóa Việt Nam và ngày Tết cổ truyền Hà Nội. Nay bà ngoại đã khuất bóng nhưng chị Linh và mẹ vẫn giữ những phong tục xưa, cùng nhau đi chợ hoa để chọn từng bông hoa về cắm, kỹ càng trong chuẩn bị từng món ăn như lời bà dặn năm nào./.