Đền Khoan Tế là nơi thờ Bạch Mã đại vương - là một nhân vật quan trọng trong thần điện truyền thống của người Việt.
Đền Khoan Tế hiện nay toạ lạc trên khu đất rộng trong khu chợ cổ của làng, tính từ ngoài vào. Các kiến trúc của đền gồm: Tam quan, sân đền, hai dãy tả vu, hữu vu và khu thờ tự.
Khu đền chính có quy mô kiến trúc lớn, hình chữ “công”. Kiểu quy hoạch mặt bằng này có từ năm Đức Long thứ 4 (1634) do bà cung tần Trịnh Thị Ngọc Am cho xây dựng. Toà Tiền tế là dãy nhà ngang xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, hai tường hồi trước xây hai trụ biểu cao lưng chừng mái, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh đặt tượng nghê. Bốn ô lồng bên dưới đắp nổi đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng).
Bộ mái nhà Tiền tế lợp ngói ta, loại ngói mỏng, mũi hơi nhô lên như gợn sóng, các bộ vì mái có kết cấu kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ”, các rường chồng kiểu con nhị. Toàn bộ kết cấu này được đặt trên một quá giang to và dày.
Nối Tiền tế và Hậu cung là nhà cầu được xây gồm 3 gian tạo cho ngôi đền có bố cục kiểu chữ “công” cổ kính.
Cung cấm, nơi toạ lạc của thần Bạch Mã là một nếp nhà ngang 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Gian chính giữa có một khám gỗ lớn, trong khám đặt long ngai, bài vị của thần được thờ.
Sau thời gian dài tồn tại, trước bao thử thách của thiên nhiên, đền Bạch Mã ở Khoan Tế vẫn bảo lưu được bộ di vật văn hoá lịch sử phong phú và có giá trị nghệ thuật cao gồm: long ngai chạm rồng, sập thờ kiểu chân quỳ chạm nổi hổ phù, tứ quý, cửa võng, hương án, hai bức hoành phi, mười đạo sắc phong thần...
Cùng với chùa Cự Đà, chùa Đào Xuyên - nơi có pho tượng quan âm thiên thủ thiên nhãn nổi tiếng, đình Chử Xá..., đền Khoan Tế sẽ góp phần tạo nên tuyến tham quan du lịch rất có giá trị đối với những người quan tâm tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc.
Đền Khoan Tế đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01