Các nguồn tư liệu Hán - Nôm hiện còn được bảo quản tại đền như: thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối... cho biết đền Hương Tượng thờ Nguyễn Trung Ngạn - một nhân vật nổi tiếng dưới triều Trần. Làm quan trải 5 đời vua đến chức Đại học sĩ, Trụ quốc khai huyện bá, Thân quốc công, ông từng là Đại doãn kinh sư. Ông là một nhà chính trị, một nhà văn có tài, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời: “Giới Hiên thi tập”, “Ma Nhai kỹ công bỉ”, “Hoàng Triều đại điển”, “Hình thư”. Hiện nay, thư viện Khoa học Xã hội còn giữ một tập thơ chép tay lại sách năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) với nhan đề “Vựng tập Giới Hiên thi cảo toàn trật”.
Tập thơ của ông được chép toàn bộ trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.
Theo tấm bia “Hương Tượng giáp trùng tu bi ký” dựng năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6 (1825) thì “.Miếu Đại vương áo tía của giáp ta được sáng lập từ triều Trần đến nay hơn 400 năm, tưởng rằng từ khi các bậc tiên hiền của giáp ta bỏ tiền của ra làm, phía trong là thần điện, trước thần điện là trung điện, trước trung điện là tiền điện liền nhau đều là 3 gian. Bên ngoài là cửa, xung quanh xây tường gạch, giáp ta quanh năm thờ cúng…”.
Khi nói về đợt trùng tu năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái năm thứ 16 (1904), tác giả văn bia cho biết thêm: “Ngôi đình của giáp ta sáng lập từ triều Trần, trang nghiêm rộng rãi. Phía trên để thờ các vị phúc thần, phía dưới để thờ các vị anh hùng của dân tộc...”.
Như vậy, qua các nguồn tư liệu thư tịch cổ nói trên, có thể thấy di tích đền Hương Tượng được khởi dựng từ triều Trần. Trải qua các triều vua đều được ban sắc phong thần và được trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các năm: Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737), Gia Long (1802 - 1820), Minh Mệnh năm thứ 6 (1825). Tự Đức (1848 - 1883), Thành Thái năm thứ 16 (1904). Diện mạo của ngôi đền hiện nay mang dấu vết của lần trùng tu dưới triều Nguyễn.
Đền Hương Tượng được xây dựng theo hướng tây, trông ra phố Mã Mây. Các công trình kiến trúc của đền được tập trung trong một khoảng không gian thoáng mát, ẩn mình dưới gốc cây si già cổ thụ quanh năm tán rủ um tùm. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: một cổng nhỏ phía trước, sân gạch phía sau, tiếp theo là khu kiến trúc chính.
Chính giữa Hậu cung là một sàn gỗ cao: 148cm, rộng: 240cm, ván bưng ba mặt, bên trong bài trí long ngai bài vị thờ thần Nguyễn Trung Ngạn có mỹ tự là Tử Y đại vương.
Đền Hương Tượng hiện còn bảo lưu bộ sưu tập di vật văn hoá có giá trị lịch sử. Trong đó, 6 đạo sắc phong thần của ba triều đại Lê - Tây Sơn - Nguyễn có giá trị đặc biệt hơn cả, sớm nhất có đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ (1783), Chiêu Thống thứ nhất (1787), Quang Trung thứ tư (1791), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Tự Đức thứ 18 (1865) và Khải Định thứ 9 (1924).
Phần đóng góp không nhỏ để nâng cao giá trị của di tích là hệ thống bia đá cổ gồm 7 tấm, bia sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737). Đặc biệt tấm bia niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6 (1825) có nội dung ghi việc xây dựng ngôi đền.
Đền Hương Tượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01