Văn hóa – Di sản

Công bố Festival Huế 2024, tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn

Hà Oai 01/01/2024 18:49

Công bố, khởi động Festival Huế 2024 “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” và tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn theo hình thức sân khấu hóa tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế).

Công bố Festival Huế 2024 “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Ngày 1/1, tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế, TP Huế) diễn ra hoạt động Công bố Festival Huế 2024 và Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn. Đây là chương trình khởi động Festival Huế 2024 định hướng tổ chức lễ hội bốn mùa và mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng mới về sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch... tỉnh Thừa Thiên – Huế.

dji_0641-hdr.jpg
Hoạt động Công bố Festival Huế 2024 và tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Đại nội Huế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Festival Huế 2024 có chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm 2024 và mở đầu bằng Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn ngày 1/1/2024, kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12/2024 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra từ ngày 7 - 12/6/2024.

Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới. Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2024 (7/6 - 12/6) sẽ tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sĩ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc Quốc tế. Festival Huế 2024 định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống cùng các chương trình lễ hội mới phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên - Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

dsc02753(1).jpg
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế công bố Festival Huế 2024 và khởi động bằng hoạt động tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn.

Cụ thể, Festival Huế 2024 “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” gồm Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1-3) - bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù... với điểm nhấn là chương trình Công bố Festival Huế 2024 và Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô Huế xưa, kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế. Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6) - lấy Tuần lễ Festival Huế 2024 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 7 - 12/6/2024 làm điểm nhấn và Lễ hội mùa Thu “Huế vào thu” (tháng 7 – 9) - với các hoạt động vui Tết Trung Thu như Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024 kết hợp các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…

Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12) - sẽ tổ chức một số hoạt động lễ hội mới, tạo không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn với các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế, điểm nhấn là Tuần lễ Âm Nhạc quốc tế và Chương trình Countdown chào đón năm mới. Ngoài ra, Festival Huế 2024 còn có các chương trình hoạt động hưởng ứng như triển lãm nghệ thuật trưng bày, các hội thảo khoa học, các giải thi đấu thể thao…

Lễ Ban sóc theo hình thức sân khấu hóa

Ngay sau hoạt động Công bố Festival Huế 2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng Lễ Ban sóc theo hình thức sân khấu hóa tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế) với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản và tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới góp phần quảng bá hình ảnh khu di sản cố đô Huế.

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt, xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ và để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng và được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Trước đây, Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa vào năm Tân Sửu 1841 lần đầu tiên và được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn.

dsc02713.jpg
Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn.
dsc02804.jpg
Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn được tổ chức vào cuối năm âm lịch.
dji_0686-hdr.jpg
Toàn cảnh tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Ngọ Môn (Đại nội Huế).

Năm nay, Lễ Ban sóc triều Nguyễn sẽ được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế) là chương trình khởi động Festival Huế 2024 định hướng tổ chức lễ hội bốn mùa. Việc tái hiện lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới với nhiều hy vọng đang đến gần.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Thông qua quyết định về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tại Kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới
    Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
  • Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc
    Múa bồng đã xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều lễ hội và mỗi nơi múa bồng lại có dáng vẻ riêng. Tuy nhiên đến nay chỉ duy nhất ở làng Triều Khúc điệu múa này còn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.
  • Làm "sống lại" trò chơi được vua quan triều Nguyễn yêu thích
    “Đầu hồ” trò chơi truyền thống được vua, hạ thần, quan lại thời nhà Nguyễn yêu thích vừa được “Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) – Đi tìm Hoàng Cung đã mất” ra mắt và du khách có thể trải nghiệm trong Đại Nội Huế.
  • Đề nghị Lễ hội Sayangva vào danh mục Di sản văn hóa
    Lễ hội Sayangva còn gọi là lễ cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới. Đây là lễ hội lớn nhất của người Chơro, thường diễn ra từ rằm tháng 2 đến rằm tháng tư âm lịch hàng năm vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Lễ hội truyền thống này mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
  • Vẻ đẹp của ngôi chùa thờ vị thiền sư đầu tiên được phong hiệu Quốc sư
    Chùa Non Nước tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) không chỉ là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
  • “Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ
    Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Công bố Festival Huế 2024, tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO