Chùa Nền (quận Đống Đa)
Chùa Nền có tên chữ là “Đản Cơ tự” hoặc “Cổ Sơn tự”, cách Ngã Tư Sở 800m, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Nền nguyên trước là nơi lập đền thờ song thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cha của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh làm Tăng quan Đô sát triều Lý, mẹ là người họ Tăng, tên là Loan, người Yên Lãng (Láng). Do làm phật ý Diên Thành hầu, cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh đã bị đánh chết. Từ Đạo Hạnh bỏ nhà đi tu luyện một thời gian dài, sau đó về trả được thù cho cha. Mẹ của Từ Đạo Hạnh chuyển sang ở làng Thượng Yên Quyết (nay là phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), hàng ngày đi truyền giáo, khất thực. dựng chùa Hoa Lăng, khi mất được mai táng tại chùa.
Từ Đạo Hạnh đã làm đền trên nền nhà cũ để thờ cha mẹ. Khi Từ Đạo Hạnh trở thành nhà sư nổi tiếng thì đền trở thành chùa, đó là chùa Nền.
Chùa Nền gồm có Tiền đường và Thượng điện sắp xếp theo hình chữ “đinh”. Phía sau có nhà Tổ, điện thờ Mẫu, nhà vọng và tịnh xá. Kiến trúc chùa đơn giản, trên các bức cốn của chùa chính và nhà Tổ có chạm khắc hổ phù, hoa lá cách điệu. Chùa còn giữ được khám thờ chạm thủng đề tài tứ linh của thế kỷ XVII. Ngoài các pho tượng Phật, chùa Nền còn có tượng Từ Đạo Hạnh và song thân.
Chùa Nền cùng với chùa Láng, đình Ứng Thiên gắn bó liên quan mật thiết với việc tạo dựng kinh đô Thăng Long thời Lý (1009 - 1225). Chùa Nền nằm trong quần thể di tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, trong đó có chùa Láng. Chính hội ngày 7 tháng ba.
Trong lễ hội chùa Láng, bắt đầu là lễ rước bát hương đến chùa Nền, mang ý nghĩa Thánh về thăm nơi song thân đã ở, biểu hiện tấm lòng hiếu nghĩa đối với người sinh ra mình.
Chùa Nền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02