Chùa Nành (huyện Gia Lâm)
Chùa thuộc địa phận xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Xưa kia nơi đây là thôn Phù Ninh (tên nôm là Nành), tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Chùa có nhiều tên: chùa Cả (chùa lớn); chùa Nành (chùa của làng Nành, cũng được xem là chùa của tổng Nành xưa); chùa Ninh Hiệp (gọi theo tên địa danh ngày nay); Đại Thiền tự (tên ghi trong phả ký của chùa) và Pháp Vân tự (chùa thờ Pháp Vân).
Về niên đại xây dựng chùa: Có ý kiến cho rằng tiền thân của chùa Ninh Hiệp là đền Nành - thờ bà chúa Nành (vốn là một nữ thần nông nghiệp đã dạy dân làng trồng đậu/ đỗ nành). Đền chắc chắn đã có từ rất lâu đời, có lẽ từ trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta, song quy mô, diện mạo ra sao thì đến nay hoàn toàn không thể xác định được. Sau này, khi có sự ảnh hưởng của Phật giáo, cũng như một số ngôi đền khác như đền Dâu (Bắc Ninh), đền thờ bà Nành biến thành chùa và thờ Phật Pháp Vân (một trong tứ pháp của người Việt) mà dân địa phương vẫn quen gọi là bà Nành. Lúc đó vùng này gắn với rừng Mả Mang ở núi Phật Tích và khu chùa Dâu tạo thành một trung tâm Phật giáo lớn.
Theo bài thơ tương truyền, sư Vạn Hạnh nghe được từ mộ của Hiển Khánh Vương: “Chính Nam: Phù Ninh hộ trạch thần...” thì lúc này ở làng Nành có đền thờ thần bảo hộ cho nhà cửa ruộng vườn. Phật giáo do gắn với tín ngưỡng bản địa nên đã gắn quyện đền Thần với chùa Phật. Làng Nành hẳn đã là một làng lớn bởi “trai gái đầy thôn nức tiếng lành”, do đó ngôi đền (chùa) của làng phải có quy mô không nhỏ. Theo “Phả ký chùa Đại Thiền”, thời Tiền Lê đã rước tượng Pháp Vân từ chùa Dâu về thành Đại La để làm lễ cầu đảo, sau khi trời mưa rước tượng trả lại chùa Dâu, về đến nơi thì không thấy tượng đá Thạch Quang, nhưng chùa làng Nành khi đó bỗng thấy ánh sáng lạ, mọi người ra xem thấy trên cây mận trong vườn chùa có pho tượng đá. Dân làng bèn rước tượng đá vào thờ rồi hạ cây mận lấy gỗ tạc tượng Pháp Vân. Từ đó, việc cầu đảo ở chùa rất linh ứng.
Như vậy, chùa Nành có nguồn gốc từ rất lâu đời, đến thế kỷ IX, X đã nằm trong khu trung tâm Phật giáo Cổ Pháp và hệ thống chùa tứ pháp. Rất tiếc là dấu vết của những thời kỳ này và cả thời Lý, Trần, Lê ở chùa đều không còn gì mà chỉ có từ thời Mạc về sau. Dưới triều Mạc, chùa được triều đình và quan lại quan tâm sửa chữa nhiều lần.
Hệ thống bia ký lưu giữ tại chùa cho biết rõ những lần trùng tu, sửa chữa và xây dựng lại chùa, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các hoàng hậu, công chúa, quận công, phò mã và những vị quan lớn trong triều như Hoàng hậu Trần Thị Trân, Phúc Thành công chúa, Mạc Kính Thuận, Phúc quận công Thạch Anh Hào, Ninh quận công Nguyễn Thọ Tràng... được ghi lại trên những tấm bia dựng năm 1583, 1675, 1733, 1743, 1784, 1790... cho đến cuối thế kỷ XVIII, Chiêu nghi Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền - thân mẫu của Công chúa Ngọc Hân cũng có công trong việc tu bổ chùa và dựng nhà thuỷ đình phía trước. Trải qua nhiều thăng trầm, song chùa vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Lê với quy mô lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc” - dạng chùa “trăm gian” thế kỷ XVII, tuy nhiên công trình này chủ yếu được làm lại vào thời Nguyễn.
Do sự kết hợp giữa đền và chùa với nhân vật trung tâm là bà Nành được Phật hoá thành Pháp Vân nên lối vào chùa Ninh Hiệp không bắt đầu bằng Tam quan mà bằng Ngũ môn (mang tư cách như nghi môn của các ngôi đền lớn). Sau Ngũ môn là hai dãy nhà 5 gian và một số công trình phụ trợ. Qua sân rộng tới khu kiến trúc chính của chùa, được bố trí kiểu chữ “quốc” bao gồm: Tiền đường nối với Hậu đường bằng hai dãy hành lang, bên trong là hình chữ “công” bao gồm: Tiền đường trong, Thiêu hương và Thượng điện. Nhiều ngôi chùa lớn ở miền Bắc cũng có dạng “nội công ngoại quốc” song đến chùa Ninh Hiệp ta mới thấy đúng như tên gọi của kiểu kiến trúc này bởi có thêm toà Tiền đường trong. Vẻ độc đáo của chùa Ninh Hiệp không chỉ được thể hiện ở 2 gian giáp với gian hồi (chái) của toà Tiền đường ngoài nổi lên hai lầu chuông và khánh kiểu chồng diêm đăng đối, trên có 4 mái với 4 đao cong toả bốn phía cùng nhìn xuống sân trước chùa, mà còn ở kiểu vì nóc duy nhất được kiến trúc này làm theo lối “thượng cốn, hạ kẻ”. Đặc biệt còn có 3 pho dụng trong toàn bộ tượng Tam thế Phật được làm dưới dạng phù điêu rất đẹp gắn trên tấm gỗ ngăn giữa toà Thiêu hương với Thượng điện.
Chùa hiện lưu giữ một khối lượng tác phẩm nghệ thuật cực kỳ có giá trị, đó là 10 tấm bia có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII; các sắc phong; thần phả; chuông đồng đúc năm 1653; khánh đồng do Ninh quận công Nguyễn Thọ Tràng đúc năm 1733... và bức hoành phi lớn treo gian giữa toà Tiền đường có đề 6 chữ “Bắc Giang đệ nhất thiền môn” (ngôi chùa bậc nhất lộ Bắc Giang) trên có dòng lạc khoản: Long Đức ngự đề. Long Đức là niên hiệu của vua Lê Thuần Tôn (1732 - 1735). Đây là một trong số rất ít các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam có hệ thống tượng Phật giáo đầy đủ nhất. Ngoài những lớp tượng phổ biến vẫn thấy ở các chùa như toà tượng Tam thế Phật, Tây Phương tam thánh, Phật Thích Ca, Bồ tát Tuyết Sơn, Bồ tát Di Lặc, Thập bát La Hán, Hộ pháp..., chùa Ninh Hiệp còn có sự hiện diện của các pho tượng này đều được tạo tác ở trình độ cao, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX, trong đó phải đặc biệt kể đến 3 pho Tam thế Phật và tượng Pháp Vân. Bộ Tam thế chùa Ninh Hiệp là một trong số bộ tượng Tam thế có niên đại sớm nhất, đến nay chỉ còn rất ít, tượng có lẽ được tạc vào năm 1583, sau khi Hoàng hậu Trần Thị Trân tu sửa chùa. Còn tượng Pháp Vân, khác với tượng Pháp Vân ở chùa Dâu được tạc với hình tượng vải cuốn kín từ bụng đến chân, ngực lép, nét mặt già dặn và nghiêm trang, ít biểu cảm thì tượng Pháp Vân ở chùa Nành được thể hiện khá “táo bạo” với phần trên hoàn toàn để trần, chỉ có miếng vải quấn từ bụng dưới đến đùi trên, phô ra hầu như toàn bộ cơ thể. Tượng có thân hình cân đối, ngực nở, nét mặt trẻ trung, đôn hậu và gần gũi, khiến ta có cảm giác như khuôn mặt của một thôn nữ. Đây thực sự là một tác phẩm điêu khắc đẹp, đặc biệt là đã đưa được cái đẹp dân dã vào các pho tượng thờ tôn nghiêm, thể hiện tài năng và khát vọng của những nghệ nhân xưa.
Phía sau Thượng điện là nhà Động - nơi trước đây đắp các động đất để răn dạy người ta tu thiện nhưng động đã bị phá hỏng. Dưới nền nhà Động còn có căn hầm bí mật trước kia đã từng là nơi hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt trong thời kỳ 1942 - 1945.
Những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử ở chùa Ninh Hiệp đã hoà quyện lại với nhau để biến ngôi cổ tự này trở thành một bảo tàng điêu khắc của các thế kỷ từ XVI - XVIII vô cùng quý giá, một di sản văn hoá đặc biệt có giá trị của thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chùa Nành đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989. Nơi đây còn là một địa điểm di tích cách mạng - kháng chiến./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02