Lý luận - phê bình

Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn

PGS.TS. Vũ Nho 09/11/2024 13:49

Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…

Nhưng nếu ở thơ có nhãn tự (chữ mắt), có cảnh cú (câu hay) thì trong văn xuôi không thể thiếu chi tiết. Chi tiết đắt làm cho câu chuyện được nhấn mạnh, nâng cấp và “đóng đinh” vào trí nhớ người đọc. Bởi thế mà nhà văn khi sáng tạo tác phẩm, ngoài tên gọi tác phẩm (nhan đề), tên nhân vật, tình huống truyện, thường mất nhiều công phu cho sáng tạo và sử dụng chi tiết.

Trong văn học, “chi tiết” theo định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Tùy theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hóa nghệ thuật nhất định” (“Từ điển thuật ngữ văn học”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997).
Như vậy, chi tiết nghệ thuật được xem như linh hồn của một văn bản nghệ thuật. Khái niệm chi tiết được đặt ra nhằm phân biệt với tổng thể nhưng nó không tách rời tổng thể.

anh-6.jpg

Trong truyện, nhờ chi tiết mà cốt truyện được triển khai và phát triển. Thông qua chi tiết mà tình huống, tính cách, tâm trạng, số phận của nhân vật được khắc họa và bộc lộ đầy đủ. Nhiều chi tiết trở thành những điểm sáng thẩm mĩ của tác phẩm, có vị trí không thể thiếu trong sự phát triển của cốt truyện, gắn liền với những bước ngoặt trong cuộc đời, số phận nhân vật. Ở góc độ người dạy văn trong nhà trường mà xét, những chi tiết đắt giá của tác phẩm chính là mảnh đất màu mỡ cho các thầy cô thả sức “dụng văn”, nhờ thế mà giờ dạy sinh động, cuốn hút học sinh.

anh-4.jpg

Ở đây chúng tôi đi sâu vào ý nghĩa và giá trị một số chi tiết nghệ thuật trong các tác phẩm văn xuôi đã từng có mặt trong sách giáo khoa Ngữ văn từ trước tới nay.

Trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, có nhiều chi tiết đắt giá. Chẳng hạn, sau khi lão Hạc bán cậu Vàng, lão rất buồn và ân hận. Ông giáo an ủi lão rằng cậu Vàng sẽ được người ta hóa kiếp. Lão Hạc đã cảm thán nói:“Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...”. Lão Hạc không nói hết ý nhưng rõ ràng kiếp người như lão thì chả sung sướng gì hơn nếu cậu Vàng được hóa kiếp làm… người. Chính vì hiểu cái ý không nói ra của lão Hạc nên ông giáo mới nói: “Kiếp ai cũng thế thôi cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?”

Một chi tiết khác là ông giáo định nghĩa về sung sướng: “Ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng”. Nhưng lão Hạc xin để dịp khác. Ông giáo đã nói một câu như một triết lý cuộc sống: “Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại.” Niềm hạnh phúc con con ít ỏi, nhỏ nhoi đó, lão Hạc đã xin hoãn và sau đó không có dịp nào thực hiện được nữa!

Cũng nhà văn Nam Cao nổi tiếng, trong truyện ngắn “Chí Phèo” đã cho bạn đọc một chi tiết đắt giá. Chí Phèo được một anh thả ống lươn tìm thấy “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không”. Đến cuối truyện Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn cái bụng lùm lùm của mình “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà và vắng người qua lại…”. Chỉ tiết này cho thấy sẽ có một Chí Phèo con ra đời, ở làng Vũ Đại… Cái xã hội phong kiến tù túng ấy là môi trường đẻ ra những Chí Phèo…

anh-3.jpg

Nhà văn Nguyên Hồng trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu” đã viết rất sâu sắc và cảm động về tình mẫu tử. Chú bé Hồng không tin vào những lời lẽ xúc xiểm của bà cô, chú vẫn yêu kính mẹ mình. Chỉ thoáng thấy bóng mẹ, chú bé đã vui mừng, líu ríu chạy theo. Khi đã ngồi trong lòng mẹ, chú bé sung sướng đến “ù cả tai” và quên hết những lời gièm pha của bà cô. Chi tiết “ù tai” là một chi tiết đặc sắc nói lên niềm hạnh phúc vô bờ của chú bé khát khao tình mẹ!
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là người viết giàu chi tiết độc đáo. Cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” trước đây được trích ba đoạn vào sách giáo khoa Ngữ văn THCS. Các giáo viên văn đều thành công khi biết khai thác các chi tiết đắt. Ví dụ chi tiết Trần Quốc Toản yết kiến các vị tôn thất đang hội họp. Trần Quốc Toản khi đặt gươm lên gáy xin chịu tội, chàng run bắn lên. Giáo viên được gợi ý đặt câu hỏi: Vì sao nhân vật Trần Quốc Toản lại run bắn lên? Đa số học sinh trả lời là do chàng quá xúc động! “Liệu có khả năng là chàng sợ chết không?”, giáo viên tiếp. Hầu hết học sinh đều khẳng định là chàng không sợ chết. Nhưng cũng có một vài em trả lời rằng chàng có sợ chết! Giáo viên tổng kết rằng chàng run bắn vì xúc động, nhưng chàng cũng run bắn vì sợ chết! Cái chết không phải trên chiến trường mà là cái chết vì vi phạm quân pháp, cái chết đó vị tướng nào cũng sợ hãi! Học sinh rất thích thú vì hóa ra là… như thế!

anh-5.jpg

Trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân có nhân vật ông Hai hay khoe làng mình. Cuối truyện, ông Hai sang nhà bác Thứ, nhà ông chủ, nhà nhiều người khác khoe: “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông Chủ tịch làng em vừa lên cải chính. Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà”. Chi tiết này cho thấy ông Hai không tiếc của, lại vui vì làng ông không phải Việt gian, mà là làng kháng chiến!

Một ví dụ khác là trong tiểu thuyết “Trùng Quang tâm sử” của Phan Bội Châu. Cụ Phan đã sử dụng “phương pháp tấm gương” để miêu tả nhân vật của mình. Cô Chí là một phụ nữ đẹp, can đảm. Để nói về sắc đẹp của cô Chí, Phan Bội Châu đã cho nhân vật Phấn, một người suốt đời chỉ hâm mộ anh hùng và đàn bà đẹp. Thế mà khi gặp cô Chí, Phấn thú nhận: “Khi đó mình rất luống cuống”. Cái “luống cuống” của Phấn cho thấy Chí đẹp đến mức nào!

Bây giờ xin nói một vài chi tiết trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã cao tay xử lí như thế nào so với nguyên tác trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân.

Chúng ta biết rằng văn xuôi có lợi thế để miêu tả tỉ mỉ và chi tiết hoàn cảnh, tính cách nhân vật. Văn xuôi rất chú trọng đến chi tiết. Còn thơ thì thiên về ấn tượng, có chú ý chi tiết, song nghiêng về khái quát, ước lệ. Nhưng một khi Nguyễn Du bỏ đi các chi tiết trong “Kim Vân Kiều truyện” không chỉ đơn thuần là về mặt diễn đạt, nhà thơ không thể viết kĩ như nhà văn xuôi. Nguyễn Du với thiên tài thi ca của mình, hoàn toàn có thể viết đầy đủ về chi tiết đó. Sở dĩ bỏ đi là vì chi tiết đó bất lợi, hoặc có hại cho việc thể hiện tính cách nhân vật. Ví dụ các chi tiết nói về quan hệ của Thúy Kiều với Tú Bà, sau khi Kiều bị đánh đập tàn nhẫn và phải hứa “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Trong “Kim Vân Kiều truyện”, Kiều hoàn toàn “tự nguyện” theo Tú Bà để làm ăn “Vậy con tình nguyện theo má để tính công chuyện làm ăn”. Kiều gọi Tú Bà bằng má và xưng con. Tú Bà gọi Kiều bằng con, con gái và xưng má. Cả đến khi Thúc Sinh nhờ Vệ Hoa Dương ép Tú Bà phải chịu cho chuộc Kiều ra, Tú Bà đến trả tờ hôn ước cũ và viết tờ hôn ước mới, Tú Bà vẫn gọi Kiều là con gái “Chúc mừng cho con gái yêu của ta đã lấy được người chồng phong lưu tử tế”. Còn Kiều thì nói: “Việc đó nhờ hồng phúc của má má đấy ạ” (trang 254 “Truyện Kiều đối chiếu”, Nxb Hải Phòng). Nguyễn Du bỏ các chi tiết ấy là để thấy rõ phẩm hạnh của Thúy Kiều. Kiều là người trong trắng, Kiều không dễ dàng thỏa hiệp, Kiều phải tiếp khách là bước đường cùng chứ không tình nguyện. Kiều không thể nhận làm con gái của kẻ độc ác, vô lương tâm Tú Bà.
Ví dụ khác, Nguyễn Du bỏ chi tiết Thúc ông cùng bạn bè Thúc Sinh và những người làm công đến tiễn Thúc Sinh. Nếu để ông bố tiễn ông con thì làm gì có đoạn “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” đầy lưu luyến và bịn rịn, một trong các đoạn cho thấy ngòi bút phân tích tâm lí bậc thầy và tấm lòng nhân đạo vô bờ của Nguyễn Du! Ví dụ khác nữa, Nguyễn Du bỏ hẳn nhân vật Vệ Hoa Dương với các cuộc thương thuyết, ép buộc Tú Bà. Đó chính là để cho Thúc Sinh có cơ hội chủ động trong việc chuộc Thúy Kiều. Và cũng là để sau này Thúc Sinh được Kiều nhớ báo ân đầu tiên với lễ vật “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” - một chi tiết mà trong “Kim Vân Kiều truyện” không hề có. Rất nhiều chi tiết bị Nguyễn Du lược bỏ không phải vì nhà thơ không thể diễn tả bằng thơ mà điều quan trọng là Nguyễn Du không muốn có những chi tiết không lợi hoặc có hại cho nhân vật. Đồng thời Nguyễn Du cũng không ít lần lại nói kĩ, nói chi tiết, nói tỉ mỉ, thậm chí thêm vào các chi tiết không hề có trong “Kim Vân Kiều truyện”.

Như vậy, Nguyễn Du khi cần sáng tạo, đã vượt qua hạn chế và ranh giới của thể loại thơ, để làm rõ hơn nhân vật cũng như tư tưởng của người viết. Chẳng hạn tài sắc chị em Thúy Kiều được Nguyễn Du miêu tả tỉ mỉ, chi tiết hơn rất nhiều những câu miêu tả trong “Kim Vân Kiều truyện”. Nguyên một nhan sắc Thúy Vân cũng cho ta thấy điều đó: “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.” Bảo rằng ước lệ thì có ước lệ. Nhưng chi tiết thì cũng vô cùng chi tiết: khuôn mặt, lông mày, làn da, nước tóc, nụ cười, tiếng nói. Điều này thì nhà thơ lại tỏ ra chi tiết hơn nhiều so với nhà văn xuôi trong “Kim Vân Kiều truyện”. Ví dụ khác, Nguyễn Du thêm chi tiết “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” cho Mã Giám Sinh. Nhà thơ cũng thêm chi tiết ngồi vắt nóc cho Tú Bà - “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay”. Hai chi tiết nhỏ nhưng góp phần khắc họa sâu thêm tính cách của hai con người “mạt cưa, mướp đắng”. Trong “Kim Vân Kiều truyện”, một lệnh của Từ Hải ban ra, tất cả người làm ơn, kẻ gây oán đều bị bắt giải về. Nguyễn Du không làm thế trong “Truyện Kiều”. Người có ơn thì phải đối xử đàng hoàng: “Lại sai lệnh tiễn truyền qua/ Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên/ Mụ quản gia, Vãi Giác Duyên/ Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời” Chi tiết nhỏ thôi. Nhưng rõ ràng chi tiết quan trọng nói rõ nàng Kiều của Nguyễn Du thật khác xa với nàng Kiều phu nhân của Từ Đại Vương trong “Kim Vân Kiều truyện”!

Cái làm nên tầm vóc của nhà văn không hẳn là quy mô tác phẩm mà chính là “chi tiết” - yếu tố đôi khi được coi là nhỏ, là vặt vãnh… Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc đời, nơi ký thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời./.

Bài liên quan
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
(0) Bình luận
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
  • Thơ về chiến tranh cách mạng 1946 - 1954 từ hướng nhìn Thủ đô Hà Nội
    Lịch sử thi ca chiến tranh cách mạng Việt Nam đã xác nhận có một khu vực tác phẩm oai hùng, chói sáng, đó là một di sản văn hóa quý báu: thơ viết về Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Thơ ca kháng chiến giai đoạn này bao gồm cả thơ viết về Hà Nội hoặc thơ liên quan đến Thủ đô. Số lượng tác phẩm phải đến hàng trăm. Nhiều tác phẩm đạt tới hiệu quả nghệ thuật nhất định, để lại giá trị lịch sử - văn hóa từ đó cho đến hôm nay và mai sau.
  • 70 năm văn học Thủ đô nhìn từ thế hệ và thành tựu
    Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có gần 700 hội viên thuộc các ngành sáng tác thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật và khảo cứu. Chưa có một thống kê cụ thể và đầy đủ số lượng các nhà văn chuyên môn hóa sáng tác khi lựa chọn thể loại văn học nhưng ước tính thì số người làm thơ và viết văn xuôi là không bên nào áp đảo bên nào. Nói hình ảnh thì thơ và văn xuôi là hai dòng chủ lưu thao thiết chảy tạo nên diện mạo cũng như khí sắc văn học Thủ đô trong vòng bảy thập kỷ qua (1954-2024). Đặc điểm của đội ngũ nhà văn Hà Nội thường là “2 trong 1” (vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Hà Nội là Thủ đô với ưu thế tập trung tinh hoa, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước. Tạo tác nên thành tựu văn học Thủ đô qua các chặng đường văn từ 1954 - 2024 là sự nỗ lực của các thế hệ nhà văn, theo quy luật tre già măng mọc.
  • Mấy đặc trưng trong thơ Thăng Long - Hà Nội
    Để xác định những khác biệt của thơ Hà Nội so với thơ các địa phương khác cần nhìn lại cả quá trình phát triển của thơ từ thuở lập kinh đô, phải tính đến những tác phẩm không chỉ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, mà còn của những nhà thơ từ những vùng quê khác về sống ở Thăng Long. Và chính họ, những nhà thơ bị (hoặc được) phong cách sống, phong cách thơ của Hà Nội đồng hóa, vốn đông đảo hơn các nhà thơ nguyên quán Hà Nội, đã đóng góp nhiều hơn để tạo nên phong cách trữ tình cho thơ đất đế đô.
  • Về Hà Nội cùng Nguyễn Đình Thi
    Tháng 10 năm 1954, Chính phủ kháng chiến và những đoàn quân chiến thắng rời Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 10/10/1954 chính thức đánh dấu Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO