Lý luận - phê bình

Thơ về chiến tranh cách mạng 1946 - 1954 từ hướng nhìn Thủ đô Hà Nội

Nhà thơ Phạm Đình Ân 08:54 19/10/2024

Lịch sử thi ca chiến tranh cách mạng Việt Nam đã xác nhận có một khu vực tác phẩm oai hùng, chói sáng, đó là một di sản văn hóa quý báu: thơ viết về Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Thơ ca kháng chiến giai đoạn này bao gồm cả thơ viết về Hà Nội hoặc thơ liên quan đến Thủ đô. Số lượng tác phẩm phải đến hàng trăm. Nhiều tác phẩm đạt tới hiệu quả nghệ thuật nhất định, để lại giá trị lịch sử - văn hóa từ đó cho đến hôm nay và mai sau.

1. Dấu mốc mở đầu cuộc chiến tranh chống Pháp ấy cũng chính là dấu mốc chói ngời của lịch sử thơ ca Thủ đô Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) quê Hà Nội, thuộc số những người mở đầu (năm 1946) vẻ vang, vinh hạnh của thơ ca Hà Nội mang dấu ấn lịch sử trọng đại và huy hoàng ấy. Lời thơ - lời hát “Người Hà Nội” cuồn cuộn sóng trào dâng, thấm sâu vào trái tim, khối óc hàng triệu người Việt Nam: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long/ Đây Đông Đô/ Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên”. Nhiều năm qua cho đến hiện nay, bài thơ - ca khúc nổi tiếng này được xem như bài hát chính thức, hay nhất của Thủ đô, trở nên nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

ngay-ve.jpg
lai-ve-1.jpg

Được viết cũng khá sớm, chính là bài “Nhớ về Hà Nội vàng son” của Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976). Bài thơ được viết từ một điểm nhìn kép: vừa nhìn về quá khứ, vừa nhìn vào hiện tại, lấy quá khứ làm điểm nhìn bao quát và hướng dẫn tư tưởng nghệ thuật. Giọng thơ đậm chất anh hùng ca và tinh thần lãng mạn cách mạng, thi ảnh ngời sáng, đã ngân vang mãi mãi trong lòng bạn đọc: “Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/ Là những nhành sông đỏ bóng cờ/ Chói lọi vàng sao hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô”.

Với bài “Tạm biệt em nhà hát Thủ đô ơi!” viết “đêm 19/12/1946, trước giờ nổ súng”, thơ Trần Huyền Trân (1913 - 1989) hết sức xúc động. Tác giả ra đi trong tâm trạng ước mơ da diết ngày trở về: “Ngày mai... ngày mai thôi! Bước chân ta trong đoàn người áo vải! Lịch sử trên vai chưa hề biết mỏi/ Người Hà Nội sống cho ra Hà Nội/ Người Hà Nội hôm nay đã mang dáng Bác Hồ/ Dáng cả Thăng Long, Đông Đô/ Dáng cả thiên thần Phù Đổng/ Biết cất mình bay bổng thần kỳ/ Biết làm nên chiến thắng/ Biết ra đi và biết trở về!”
Cũng đêm 19 thiêng liêng ấy, Ngô Linh Ngọc (1922 - 2004) sáng tác bài “Trăng đêm mười chín” tại chiến hào Bạch Mai - Hà Nội khi tác giả chợt chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên huyền diệu: “Vọng tiếng cười vang bên ụ thép/ Trên tầng mây sáng giữa trời cao/ Một vành trăng mới vòng cung lượn/ Lấp lánh hai đầu hai ngôi sao// Cũng sao năm cánh như ta nhỉ/ Trăng đã cùng ta đánh trận đầu!”

2. “Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô” (Hoài Anh). Thơ kháng chiến được viết trên quê hương Việt Bắc luôn luôn hướng về Thủ đô. Chia xa Thủ đô Hà Nội để lên “Thủ đô” kháng chiến Việt Bắc cũng vì Thủ đô, vì ước muốn có ngày sớm nhất trở về với thành phố quê hương vô vàn yêu quý - trái tim của cả nước. Các tác giả cho rằng mình được ở nơi yên lành, còn Hà Nội bị tạm chiếm chính là mặt trận, ai ai cũng thương, cũng lo bởi nơi đó có nhiều dân thường, có người thân và cả những cán bộ hoạt động bí mật. Có nhiều trường hợp thơ vừa nói đến ngày ra đi vừa hứa hẹn ngày trở lại. Thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Đình Thi là những thí dụ tiêu biểu.

ho-guom-nam-1954-anh-tu-lieu.jpg
Hồ Gươm năm 1954

Bài “Hà Nội đêm nay” viết năm 1949 của Nguyễn Đình Thi có hai phần, phần II tràn đầy niềm yêu thương và hy vọng: “Hà Nội ơi! Một ngày mai súng sẽ nổ rung trời/ Xe giặc lăn trong bụi/ Hà Nội lại là Hà Nội/ Bao nhiêu lùm cây mảnh tường vẫy reo/ Bao nhiêu cô gái mặc áo đẹp nhất/ Hà Nội ngực đập thình thình/ Những người con trai năm trước/ Súng choàng vai hoa trên tay /Bước vào phố cũ khóc cười /Trán còn in bóng núi”.

Và đây, một góc nhìn Thăng Long - Hà Nội của Lưu Quang Thuận khi nhà văn trên đường công tác đi về biên giới ghé lại một nhà sàn ở Bình Gia (Lạng Sơn): “Thơ chép dăm bài trong sổ/ Mưa nhiều sổ ướt thơ loang/ Nhớ Thăng Long bên bếp lửa nhà sàn/ Quanh bếp lửa một đàn em ríu rít”.

vi-cac-con-ha-noi-da-ve-ta.jpg

Tại Việt Bắc xa xôi, ngày 14/3/1951, Bàng Bá Lân (1912 - 1988) viết những lời thơ “Mơ về Hà Nội” đầy ân tình, thành thật, thân thương: “Nghiên đá đền Sơn cỏ sẫm rêu?/ Kinh thiên bút nọ đã lên meo?/ Muốn về nâng bút dầm nghiên đá/ Pha nước Hồ Gươm viết thật nhiều// “Giấy lụa”: Trời anh trải phẳng ra/ Bao nhiêu tứ đẹp đợi chờ ta/ Phen này thơ múa trên Hà Nội/ Vang rộn kinh kỳ khúc lạc ca”.
Với giọng thơ tâm tình, tha thiết, Huyền Kiêu (1915 – 1995) nhắn gửi Hà Nội: “Ta đi ngày tháng đinh ninh/ Cũng như Hà Nội theo mình đâu đây/ Cờ bay, phấp phới cờ bay/ Nhiều khi mộng cả ban ngày nhớ nhung/ Nước non đâu cũng anh hùng/ Càng tin Hà Nội muôn lòng sắc son”.

3. “Trước đau thương, Hà Nội không buồn/ Hà Nội rắn như thanh sắt nguội” (Hoài Anh). Có một dòng thơ về mặt trận trong lòng Thủ đô. Có thể nói rằng thi phẩm “Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến” của Hoài Anh (1938 -2011) là một trường hợp tiêu biểu. Bằng thơ, tác giả tường thuật vừa khái quát vừa chi tiết về cảnh tượng chiến đấu của người dân Hà Nội. Có một chi tiết thú vị được nhiều người nhắc đến, đó là sau khi nghe kể về một người sau chín năm kháng chiến trở về, người bạn mời hút thuốc thổ lộ rằng đây là quà đã giữ suốt những năm xa cách, tác giả bèn lấy chuyện đó mà hư cấu. Thế là có mấy câu gần cuối bài tạo ra niềm thích thú đối với nhiều bạn đọc: Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/ Ra phố mua một bao thuốc lá/ Chín năm sau anh mới trở về.

“Đêm Hà Nội” (viết năm 1950) của Chính Hữu (1926 - 2007) cũng là một sáng tác nổi tiếng. Thơ Chính Hữu súc tích, lời ít ý nhiều, gợi cảm suy tư lắng đọng. Hình ảnh những người đã rời đi, nay trở lại, ẩn hiện trong đêm tối, họ có thể là chiến sĩ hoặc cán bộ, sẽ cùng nhân dân Hà Nội đánh giặc.

Đêm Hà Nội buốt tê
Mái buồn nghe sấu rụng
Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê
Ầm ì tiếng súng.
Ai về đó?
Trăng chếch, bóng đêm
Dài trên đường nhựa
Loáng đèn.

Những người con trai con gái
Hôm qua ra đi, hôm nay trở lại.
Hà Nội vẫn còn đây
Đứng lên từ gạch ngói
Hà Nội đang rầm rì
Đi trong từng ngõ tối.

4. Chỉ trong mấy tháng trong năm 1954, sự kiện đại thắng Điện Biên Phủ dẫn đến sự kiện kẻ thù phải rút khỏi Hà Nội. Niềm sướng vui Thủ đô được giải phóng vỡ òa. Tài năng thi ca lại được thử thách, bộc lộ, một cách tất yếu ở một số tài năng lớn, đó là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Chính Hữu... Bài thơ “Lại về” viết tháng 10/1954 của Tố Hữu (1920 - 2002) như nói thay tấm lòng, niềm ước ao của hàng triệu con người.

Hà Nội ơi, Hà Nội
Bao giờ
Giữa Thủ đô
Cụ Hồ về
Bộ đội
Tiến vào năm cửa ô?
Về đến đây rồi Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Giàn giụa vui lên ánh mắt cười!

Được quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mắt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...

Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh thấp, sao bay mặt hồ...

“Ngày về” của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ rất lạ về cách nói đặc biệt, khác thường. Xúc cảm thơ vừa quá đỗi mừng vui sau chiến thắng lại vừa bịn rịn buồn tủi, chạnh lòng thương yêu, xót xa về con người, rộng hơn là cả Hà Nội, đất nước và dân tộc.

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa.

Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi
Cùng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi.

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây Hà Nội ơi.
Em Hà Nội má em ửng đỏ
Áo hoa em cất tự bao giờ
Góc phố bờ tường bao máu đổ
Còn tươi nguyên như những lá cờ.

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta.

Một buổi chiều mưa tầm tã, Hồ Gươm xanh dịu, Tháp Rùa khóc và cười trong mưa; vậy thì Hà Nội khóc hay chính là tác giả ứa lệ hòa vào cơn mưa? Thương xót biết bao nhiêu, khi trở về thì bao người vắng mặt, nằm lại ở chân rừng, đầu núi hiu quạnh. Nhân vật trữ tình đứng khóc giữa trời mưa hắt bỗng nghe tiếng chuông tàu điện, sực tỉnh lại với hiện thực tươi lành, rực rỡ (Lòng ta bỗng như dòng suối mát/ Ta đã về đây Hà Nội ơi). Thương quá người con gái, áo hoa em cất giữ lâu rồi, hôm nay mới đem ra mặc... Tác giả ngầm nói rằng để có cuộc trở về này, chúng ta đã mất bao nhiêu người, bao nhiêu xương máu và nước mắt (Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu/ Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi – lời bài hát Người Hà Nội).

Với bài “Trở lại Thủ đô”, Xuân Miễn (1922 - 1990) có xúc cảm thật lòng: “Ôi! Những cái hôn nhòe nước mắt! Nhạc quấn bước chân, không gian vang khúc hát/ Của người Hà Nội vút cao/ Tháp Rùa đây, phố xá nọ năm nào/ Bỗng khác lạ trong tôi từng nét/ Đây mỗi viên gạch, mỗi góc tường còn dấu vết/ Mỗi gốc cây còn kể cùng tôi:/ Bạn hôm nay đi giữa nắng cười/ Có nhớ lại buổi đầu kháng chiến? (...) Tất cả ngày xưa hôm nay sống lại! Trên nóc Tháp Rùa một lá cờ bay”.

Bài “Về Hà Nội” của Trần Lê Văn (1923 - 2005) được nhìn hiện thực ở một góc độ riêng: “Hôm nay đứng giữa lòng Hà Nội/ Mở bừng con mắt ngỡ chiêm bao/ Đã biến đâu rồi những ụ đất? Bóng người tự vệ vuông cờ sao (...) Thư viện còn nguyên khóm trúc đào/ Dưới chân, đường sỏi lại xôn xao/ Mười năm trở lại tìm trang sách/ Bỏ dở từng trang một thuở nào”.

Có lẽ duy nhất, Phạm Hổ (1926 - 2007), sau này là một nhà thơ nổi tiếng viết cho thiếu nhi, từ năm 1954, với bài thơ “Vì các con, Hà Nội đã về ta”, ông đã quan tâm đến trẻ em. Nhà thơ viết: “Mới hôm qua trên tóc con gió thổi/ Còn bóng cây, bóng núi, chiến khu xanh, Mà hôm nay canh giấc mơ hai tuổi/ Đã Hồ Gươm, tàu điện chạy lanh canh (...) Trên trang sử thủ đô giải phóng/ Đẹp bao nhiêu những dáng ngủ măng thơ/ Những búp hoa sau một đêm báo động/ Trên nền trời chuyển sáng ngủ say sưa// Ngủ đi con! Ngủ đi các cháu!/ Vì các con! Hà Nội đã về ta! Từng góc phố còn chưa khô vết máu!/ Vì các con! Hà Nội sẽ thành hoa!”

Cũng như thơ chống Pháp nói chung, thơ viết về Hà Nội khi ấy là thơ trữ tình truyền thống, bắt rễ từ Thơ Mới nhưng mạnh về xúc cảm chân thật, gần dân gian, nhiều chi tiết đời sống. Cảm hứng thi ca về Thủ đô, hướng về thủ đô khi các tác giả đã rời đi, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và cảm hứng thi ca về ngày trở về thành phố thân yêu đã kết bện với nhau. Với một đội ngũ tác giả dồi dào sức trẻ, cũng là tinh hoa của giới văn chương nước nhà tham gia sáng tác, có thể nói, thơ ca về Hà Nội giai đoạn 1946 - 1954, đặc biệt là ngày đầu tiên mở đầu sự kiện toàn quốc kháng chiến và cuối cùng là ngày tiếp quản Thủ đô, là một phần quan trọng, giàu ý nghĩa về tư tưởng cùng nghệ thuật trong thơ ca chiến tranh cách mạng của Việt Nam nói chung./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thơ về chiến tranh cách mạng 1946 - 1954 từ hướng nhìn Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO