Hà Nội xưa - nay

Cháy cơm nếp làng Cổ Đô dâng Thành hoàng Vũ Minh

Phan Văn Đà 22/09/2023 07:30

Vũ Minh nguyên quán huyện Quế Dương, sinh vào giờ Ngọ ngày mồng 8 tháng Chín. Khi sinh Vũ Minh trời cao xanh không một gợn mây, trong nhà đầy ắp hào quang, cho nên cha mẹ mới đặt tên là Minh.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Vũ Minh học chữ từ năm 7 tuổi, sớm bộc lộ tư chất thông minh chăm chỉ, lại giỏi cung tên, am tường thơ phú, đến năm 16 tuổi dự khoa trường, trúng ngay lần đầu. Vua rất yêu quý tài năng một người trẻ, cho làm quan ở Viện Hàn lâm.

Năm Khai Hựu thứ 13 (1341) vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên thay. Trần Dụ Tông ham mê tửu sắc, yêu cô đào hát, đã có thai từ trước và sinh ra Dương Nhật Lễ. Năm Đại Trị thứ 12 (1369) khi vua Trần Dụ Tông sắp mất có di chiếu lại cho quần thần và triều đình để Dương Nhật Lễ kế vị ngôi vua. Dương Nhật Lễ là bậc cận thần bạo ngược, nên đã giết hại cả thái hậu và các đại thần. Tương truyền, trước cảnh bạo ngược đó, Cung Tĩnh Vương (con vợ thứ của Trần Minh Tông) và các tướng lĩnh bàn với nhau rằng: “Dương Nhật Lễ vốn là con nhà đào hát, không phải là con của hoàng hậu sinh ra, nếu không sớm trừ khử thì chúng ta còn mặt mũi nào để nhìn tiên đế nơi suối vàng”.

Việc bị lộ, Dương Nhật Lễ liền giết Thái tể (tức Cung Tĩnh Vương). Giai thoại kể rằng, Vũ Minh đem quân chống cự nhưng trong thế bức bách không có quân chi viện, lại bị thương nên phải nhờ lưng ngựa đưa ông đến trang Cổ Sắt (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì). Khi đến thấy có một quán nước, chủ quán là một bà cụ có tên là Ổn. Cụ hỏi: Tướng quân đi đâu mà một mình một ngựa thế này? Thấy ông bị thương nặng, người mệt mỏi, cụ liền mời ông tạm nghỉ chân và băng bó vết thương. Một lát sau, cụ Ổn về nhà đem cơm canh ra mời ông ăn cho đỡ đói. Cơm gồm có: Một nồi cơm nếp nấu vội có cả cháy, một bát canh rau cải và một miếng dưa hấu. Ông cảm ơn tấm lòng bà cụ và khi ăn xong thấy người đỡ mệt, ông ngẩng lên nhìn trời thấy có đám mây ảm đạm che bên trên, xa xa có một dải núi dài nhấp nhô tựa như một đàn con theo mẹ. Trước cảnh đẹp tráng lệ ấy đã làm ông xúc động, nhưng vì vết thương quá nặng nên Vũ Minh đã hóa tại đây. Hôm đó là ngày 11 tháng Chín.

com-chay-thit-ga.-hinh-anh-chi-mang-tinh-chat-minh-hoa.jpg

Thấy chuyện lạ ở đầu núi Cẩm Sơn, bà cụ Ổn về ngay trong làng báo cho các bô lão biết. Khi dân làng đến nơi thì đã thấy mối đắp kín thi hài của ông. Sau đó, ngay đêm ngày 12 tháng Chín các phụ lão trong trang đều mộng thấy có một người con gái mang binh mã đi tuần trong trang và báo với mọi người rằng: “Đầu núi có người hóa là tiền thân của anh em ta. Nay nước loạn, trung thần đã mất nhưng danh thì còn, cho nên được nắm quyền trong dân. Dân khu muốn yên ổn thì phải lập miếu thờ, thần sẽ phù hộ cho dân tránh được mọi tai họa”. Nói xong người con gái biến mất. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy thì mặt trời đã hửng đông, mọi người trong làng cùng kể giấc mộng đêm qua và tất cả đều giống nhau, cho nên các cụ phụ lão và dân làng đã quyết định dựng miếu thờ ngài.

Đến khi Cung Định Vương chạy lên Đà Giang chiêu tập những người tài tìm cách diệt Dương Nhật Lễ, nhờ sự âm phù trung dũng của ngài nên việc lớn đã thành công. Cung Định Vương lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiệu Khánh. Sau khi trừ được hiểm họa, triều đình xét phong tặng bách thần. Ngay sau đó nhờ có sớ tâu của trang Cổ Sắt ngài Vũ Uy công ở thôn Yên Bang trang Cổ Sắt được ban sắc “Trấn Yên Giang khẩu Vũ Uy đại vương”. Tất cả có tới 27 nơi dựng đền thờ phụng ngài.

Năm Nhâm Tý (1432) niên hiệu Thuận Thiên triều Lê, có quan Khâm sai vâng lệnh vua về chiêu mộ nghĩa quân và trú tại đầu núi Cẩm Sơn của trang Cổ Sắt. Truyền rằng, ban đêm vị quan này mộng thấy thần nhân hiện lên nói rằng: Nếu muốn dẹp xong quân giặc, giữ yên đất nước, tất phải tu sửa miếu thờ thần Vũ Uy đại vương, sau đó quan Khâm sai đại thần đã tâu lại sự việc lên vua. Đến năm Mậu Tuất triều đình ban cấp cho bản xã là nơi quốc tế (triều đình cử quan trong triều về tại địa phương tổ chức tế lễ thần), từ đó đã thành cổ lệ.

Tháng Giêng ngày 10 lễ cầu đinh. Lễ vật là mâm ngũ quả, trầu cau, rượu trắng.

Tháng Bảy ngày 4 lễ dâng mã. Lễ vật là vàng mã, trầu cau.

Tháng Chín từ ngày 8 đến 13 lễ đại tịch, làng mở hội lớn và tế hội đồng.

Hằng năm, làng cử một họ; họ cử một gia đình có phẩm hạnh sắm lễ vật dâng thần ngày hội là cháy cơm nếp và gà thờ. Để có nồi cháy cơm nếp đạt tiêu chí quy định của làng, ngay cả tháng trước đó, người đăng cai đã phải tìm mua gạo nếp cái hoa vàng, phải nhặt chọn không được lẫn một hạt gạo tẻ hay một hạt thóc bất kỳ. Cơm nếp phải nấu bằng nồi đồng rộng miệng, thường gọi là nồi tư hay nồi sáu (miệng nồi rộng 40 - 60cm). Nồi tư nấu 3kg; nồi sáu nấu 5 - 6kg gạo. Sau khi vo kỹ, cho gạo vào nồi với lượng nước vừa đủ rồi đun to lửa. Khi cơm sôi lắp tắp, người ta nhanh tay chắt bớt nước để cơm không bị nát. Sau đó, nồi cơm được vùi vào than củi hồng rực cho cơm chín đều và để quanh thân nồi cũng phải có cháy. Nồi cơm nấu xong được ngâm vào nước. Đến khi cơm nguội hẳn, người ta úp ngược nồi vào mâm đồng có lót lá chuối đã hơ qua lửa, toàn bộ nồi cơm trong nồi bong ra mâm mà vẫn giữ nguyên hình và có cả cháy bao quanh nhưng là cháy vàng. Trên mâm cháy cơm nếp người đăng cai đặt một con gà thờ. Ngoài ra, lễ vật còn có dưa hấu, canh rau cải là những món mà bà Ổn ngày xưa đã dâng ngài; tiếp nữa là trầu cau, rượu mộng (rượu nếp). Sau khi tế rã, một phần cơm nếp và gà dành biếu người đăng cai, phần còn lại toàn dân cùng thụ lộc.

Bên trái ngôi miếu thờ Thành hoàng, dân làng còn dựng một cái am để thờ cúng bà hàng nước, người đã có công chăm sóc khi ngài bị thương và kịp thời báo tin ngài quy hóa cho dân làng được biết. Vào các ngày tuần tiết, và ngày hội tưởng niệm Vũ Uy đại vương, trong miếu dâng cơm cháy gà thờ thì tại am, dân làng cung kính dâng lên ban thờ Bà Ổn oản quả, hương hoa, trầu rượu./.

Bài liên quan
  • Ký ức Ba Đình
    "Ba Đình trong tôi là niềm mong ước của tuổi học trò, của thời thanh xuân cầm súng đi ra chiến trường - và của ngày trở về khi đất nước bình yên. Tôi mang điều mong ước giản dị đó trong suốt hành trình theo đuổi nghề kiến trúc..."
(0) Bình luận
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
    Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cháy cơm nếp làng Cổ Đô dâng Thành hoàng Vũ Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO