Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Cây cầu, hồn quê gây thương nhớ xứ Đoài

Phan Ngọc Anh 11:58 27/08/2024

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng chừng gần ba chục cây số về phía Tây, xã Thạch Xá huyện Thạch Thất được mọi người biết đến là một miền đất cổ của xứ Đoài xưa. Nơi đây nổi tiếng với sáu mươi tư pho tượng cổ có tuổi đời mấy trăm năm ở trong ngôi cổ tự nằm trên núi Câu Lâu (chùa Tây Phương), trong đó có ba mươi tư pho tượng đã được nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia.

mai-cau-va-ban-tho-than-linh-trong-cau.jpg
Mái cầu và bàn thờ thần linh trong cầu

Không chỉ vậy, vùng đất này còn có nghề truyền thống làm chè lam (đặc sản), làm chuồn chuồn tre (trò chơi dân gian) và múa rối nước (nghệ thuật dân gian). Đặc biệt ở thôn Yên của xã còn có một cây cầu nổi bật lên với hình dáng kiến trúc rất kỳ lạ, độc đáo; bắc qua con ngòi (dẫn nước từ Hương Ngải, Canh Nậu, đồng Bùi ra sông Tích) để đi vào làng. Chính cái hình dáng nổi bật và độc đáo, kỳ lạ ấy mà cây cầu từ khi nào chẳng biết đã trở thành một mảnh hồn quê của mỗi người dân nơi đây và gây biết bao thương nhớ cho cả những người ngang qua.

Cây cầu, mảnh hồn quê gây thương nhớ của thôn Yên, xã Thạch Xá nằm ở phía Đông của làng, trên trục đường liên thông đến xã Hữu Bằng nên được rất nhiều người biết đến. Cây cầu có hình cong khum trên mái, giống như con thuyền úp ngược nên được người trong vùng gọi là cầu Khum. Đây là cây cầu rất cổ. Người làng chỉ biết là rất cổ thôi còn cổ như thế nào, có từ khi nào thì ngay cả những người già nhất trong thôn cũng không thể nào biết rõ. Các cụ bảo rằng khi sinh ra đã thấy có cầu rồi, chỉ nghe truyền lại, cây cầu này có từ lâu và lần trùng tu gần nhất là năm 1935 (niên đại sửa chữa còn ghi trên cửa đi vào, cửa phía Đông). Như vậy, tính từ mốc trùng tu lại, cây cầu cũng đã ngót trăm tuổi. Cổ kính quá đi rồi còn gì nữa! Ngồi trong lòng cầu nhìn lên bộ đòn tay và những cột kèo chúng tôi thấy có những vết màu đen. Cứ tưởng khói hương lâu năm trong cầu quấn quện làm thành những dấu tích thời gian bám trên vỏ gỗ nhưng không phải. Thấy khách ngắm nhìn, chỉ chỏ những mảng màu đen xám bám trên thân gỗ trong cầu, các cụ ngồi chơi liền kể lại cho chúng tôi nghe. Chẳng là, năm 1948, giặc Pháp càn quét qua Yên thôn. Không chỉ bắn phá, chúng còn đốt cây cầu. Cũng may, dân làng kịp thời đến dập lửa cứu chữa nên cầu mới còn lại đến bây giờ. Hóa ra những vết màu đen xám kia chính là những dấu tích của vụ đốt cầu, càn quét năm xưa còn xót lại.

Nhìn hình dáng bên ngoài, phần trên của cây cầu giống như con thuyền úp ngược, nét cong và kiến trúc theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (phía trên là nhà, phía dưới là cầu), giống như chùa Cầu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Cầu có chiều dài ước chừng khoảng mười hai mét, chia thành năm gian hai dĩ. Trong đó gian giữa dài khoảng ba mét rưỡi và nhô cao nhất ở giữa cầu, các gian bên mỗi gian dài khoảng hai mét, hạ thấp dần và cong đều về hai bên đầu hồi theo chiều Đông - Tây. Hai phía hai đầu hồi xây tường bít đốc, bổ bốn trụ, phía dưới mở cửa rộng kiểu cửa tò vò để làm lối vào (bên Đông) ra (bên Tây), phía trên có trang trí trụ đèn lồng, trụ hoa biểu, nghê chầu và các hoa lá khá tinh xảo, nhìn rất đẹp mắt. Chiều ngang của cây cầu ở gian giữa, các gian bên cùng những vì kèo và hai mái không giống nhau. Gian giữa rộng hơn, khoảng năm mét. Các gian bên hẹp hơn, thu dần về hai đầu hồi, chỗ hẹp nhất khoảng hơn bốn mét. Gian giữa mái bên mạn Bắc thiết kế khác bên mạn Nam, phía sau tường nhô lên cao hơn và xây kiểu tường hồi bít đốc để làm bàn thờ chính (thờ Quan Thần Linh). Mạn phía Nam mái chảy dốc xuôi như các gian bên nhưng tường hậu cũng xây kín lên tận mái để làm bàn thờ Thần Kim Quy và Thần Đại Bàng. Mái cầu được làm bằng gỗ tứ thiết nên rất bền bỉ. Nhà trên cầu (thượng gia), ngoài gian giữa và hai gian ngoài cùng xây bằng gạch từ mặt cầu lên tận mái ngói thì hai gian bên cạnh gian giữa xây gạch từ mặt cầu hất lên khoảng hơn nửa mét, phần còn lại lên đến mái nhà trang trí chắn song bằng các con tiện gỗ như cửa sổ và để không, để lấy ánh sáng và tạo sự thông thoáng. Ngoài tường gạch, ngôi nhà được còn được kết cấu với nhau bằng hai hàng cột cái và hai hàng cột quân. Các vì liên kết với nhau bằng kèo suốt, câu nối hai ngọn kèo, xà nách với cột cái và cột con. Trên mái gỗ có lợp ngói mũi hài nhìn rất cổ kính. Các gian hai bên, cạnh gian giữa, phía hai bên thành cầu, từ mặt cầu lên chỗ con tiện, có ghép sàn gỗ, cách mặt cầu khoảng hơn nửa mét. Sàn gỗ này được dùng làm chỗ ngồi nghỉ ngơi cho mọi người trong thôn đến hóng mát, ngắm cảnh (sàn gỗ mỗi bên rộng chừng một mét). Mặt cầu được lát gạch nung đỏ, bằng cách xếp nghiêng các viên gạch với nhau nên rất đẹp và bền.

cau-khum-thon-yen-xa-thach-xa-nhin-tu-phia-ben-trai.jpg
Cầu Khum (thôn Yên xã Thạch Xá) nhìn từ phía bên trái

Phía dưới thượng gia là hạ kiều, tức là phần cầu, được xây bằng gạch đá ong. Cầu được kiến trúc theo lối cuốn cống vòm bằng gạch đá ong đẽo hình múi cam (gạch đá ong là một vật liệu xây dựng đặc trưng của xứ Đoài). Đá ong ở phần chân cầu, chỗ cuốn vòm được xếp nghiêng nên chắc và rất khỏe, có khả năng chịu lực tốt. Toàn bộ chân cầu được thiết kế ba cửa cống uốn vòm. Trong đó cửa cống ở giữa rộng nhất, khoảng gần ba mét nên khi nước xuống thấp người ta có thể bơi thuyền nhỏ đi xuyên qua cống.

Trước kia, khi chưa có con đường phía bên tay phải cầu để đi vào thôn Yên thì cầu Khum chính là cổng làng, giống như là một con đường độc đạo dẫn vào làng. Các cụ già trong thôn có kể, vào khoảng giữa thập niên tám mươi của thế kỷ trước, khi đời sống của nhân dân phát triển, cầu Khum không đáp ứng được nhu cầu giao thông nên thôn phải mở con đường rộng hơn ở bên cạnh cầu để các phương tiện giao thông vào ra trong làng thuận tiện. Kể từ đó vai trò kết nối giao thông của cây cầu không còn nữa. Tuy nhiên người làng Yên vẫn lưu giữ cây cầu để hoài niệm. Theo đó cây cầu lại trở thành nơi vui chơi và thực hiện các nghi thức tâm linh của làng. Thường thì vào những ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng và các ngày lễ tết hoặc khi có việc cần thiết, người trong thôn thường hay ra cầu dâng hương cúng lễ thần linh xin phù hộ. Đặc biệt hàng năm, vào những “ngày xuân thu nhị tế”, hai mươi tháng Hai và hai mươi tháng Tám (âm lịch), nhân dân làng Yên thường tổ chức dâng hương, lễ rước thần linh từ bàn thờ ở trong cầu Khum vào trong làng để thể hiện lòng thành kính, đồng thời cũng cầu xin thần linh che chở cho dân làng, xin cho được mưa thuận gió hòa để nhân khang vật thịnh, sinh sôi phát triển, làm ăn thuận lợi. Có lẽ bởi vậy mà trên bàn thờ trong cầu và phía đầu cổng vào ngoài mặt cầu; lối cổng ra đằng sau cầu có viết các câu đối chữ Hán. Trong đó đáng chú ý là bức hoành phi và đôi câu đối chữ Hán ca ngợi thần linh ở gian giữa của cây cầu. Bức hoành phi ghi ba chữ: “Kính như tại” (kính thần như thấy thần tại đây), hai bên có đôi câu đối làm bằng gỗ có khắc chữ “Hùng trấn nhất phương tư địa mạch/ Mạc phù hạp hảnh gián xuân phong” (thần trấn giữ nơi này, mang lại điều tốt lành cho dân).

Theo truyền kể, trước kia ở Tam Thôn (Chàng thôn, Thạch thôn, Yên thôn - đất Thạch Xá xưa) có hai cây cầu làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều”. Đó là cầu Bạch Đa ở phía Tây, bắc qua chỗ hẹp nhất của đầm Chàng (trên đường đi ra đường cái quan); cầu Khum ở phía Đông tức cây cầu vào làng Yên. Nay chỉ còn cầu Khum ở Yên thôn. Cầu Bạch Đa đã bị hư hại, không còn. Cũng theo sử sách xưa ghi lại thì đất xứ Đoài xưa còn có ba cây cầu khác cùng làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều”. Đó là hai cầu Nhật Tiên Kiều, Nguyệt Tiên Kiều giữa hồ nước dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn huyện Quốc Oai) và một cây cầu ở Đường Lâm, bắc qua một nhánh của sông Tích. Tuy nhiên cây cầu ở Đường Lâm cũng bị hư hại và không còn. Như vậy cùng với hai cây cầu ở chùa Thầy (tương truyền do Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan cung tiến), cầu Khum ở làng Yên có thể xếp vào loại những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại. Đó là những cây cầu thuộc vào loại hàng “hiếm” và “quý” của quê hương xứ Đoài nói riêng và của Thủ đô nói chung. Cây cầu làng Yên ngày nay vẫn sừng sững và duyên dáng giữa dòng nước như một nét chấm phá và hoài niệm của người kẻ Nủa về một làng quê thời xa xưa giữa bốn bề làng xã đang ngày càng hiện đại hóa với những đường to trải nhựa và nhà cao tầng mọc lên san sát theo hướng phát triển của đô thị hóa. Cây cầu ấy, ngày nay, dẫu chức năng giao thông không còn nữa nhưng niềm tự hào một thủa về hình dáng độc đáo, cổ kính cũng như vai trò dẫn lối vào làng thì vẫn còn được lưu truyền trong ký ức của các thế hệ người Yên thôn qua câu ca đầy tự hào, thích thú: “Khom khom lưng tôm/ Lồm nhồm những vảy/ Nước chảy tuôn qua/ Nuốt người vào lại nhả người ra”.

Ngang qua làng Yên, nét xưa cổ kính của xứ Đoài vẫn còn đó. Cây cầu vẫn đêm ngày lặng lẽ soi mình xuống bóng nước xanh mát của con ngòi uốn lượn quanh co bên làng để làm nơi ngự trị tối cao của những đấng thần linh tối thượng. Nó không còn đưa chân người ta đi vào vào làng nhưng vẫn còn là nơi che chở cho sự bình an của dân thôn trong niềm tin tâm linh của mọi người. Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi trên những thân gỗ, màu gạch, sắc ngói nhưng nét duyên thầm của cây cầu vẫn không hề bị phai nhạt theo năm tháng. Chẳng những thế, giữa bao thay đổi thay hiện đại của làng quê, sắc màu cổ kính, rêu phong của chân đá ong, của mái ngói mũi hài cùng dáng hình cong cong, khum khum độc lạ của cây cầu giữa hồ nước trong xanh vẫn làm nao lòng và gây bao thương nhớ cho những người qua. Cứ như vậy, hẳn trong bao tâm trí của người dân thôn Yên, cây cầu đã trở thành một mảnh hồn quê, một nẻo đi về với những nỗi nhớ thương mỗi khi phải xa làng, cách mặt. Rồi mai đây, tháng năm cứ lặng lẽ trôi theo dòng thời gian bất tận, cây cầu sẽ vẫn còn duyên dáng, đáng yêu nơi đầu làng bến nước để làm bạn với những người già, trẻ thơ để lại đi vào trong ký ức và trở thành một chứng nhân cho quá trình phát triển của một vùng Tam thôn. Vậy đấy, hồn quê của cây cầu đơn sơ, mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng sẽ mãi là một báu vật của làng Yên, của kẻ Nủa, của xứ Đoài, của Hà Nội ngàn năm văn hiến./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Ngọc Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nhớ Bưởi
    1. Chúng tôi về Bưởi, khi Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thành lập vào năm cuối thập niên 60, thế kỷ XX. Các phòng nghiên cứu công nghệ của Viện làm việc trong các dãy nhà cấp bốn của Xí nghiệp giấy Dân Việt, Hợp tác xã giấy Đông Thành, còn phòng thiết kế làm việc tại chùa Hồ Khẩu, xưởng cơ khí đặt ở căn nhà tranh tre gần cổng làng.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cây cầu, hồn quê gây thương nhớ xứ Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO