Chính sách & Quản lý

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô

Phạm Quỳnh 09:58 25/08/2024

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa vừa ban hành Quyết định kèm Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Đây là việc làm để cụ thể hóa Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô theo Quyết định số 762/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6, gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

thu-do-luat.jpg
Luật Thủ đô thể hiện “tầm nhìn mới – tư duy mới”, hướng tới khát vọng phát triển Hà Nội về tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. (Ảnh minh họa).

Liên quan đến việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô của Bộ vừa được ban hành nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô. Đồng thời xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp với thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô.

“Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tổ chức kịp thời, hiệu quả việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủ đô” - Thứ trưởng Trịnh Thủy Thủy, nhấn mạnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì trong việc phối hợp các cơ quan chuyên môn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công việc. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa chủ trì thực hiện, phối hợp với các đơn vị liên quan, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô, Điều 39, Khoản 1: Áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo.

Theo Kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định quy định chi tiết về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (khoản 1 Điều 39). Nội dung phối hợp bao gồm nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc xác định các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc soạn thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 1 Điều 39 Luật Thủ đô về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

thu-do22.jpeg
Luật Thủ đô có nhiều chính sách phát triển văn hóa Hà Nội, khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Thăng Long - Hà Nội.

Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định chi tiết Luật Thủ đô khi được các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các nội dung của Luật Thủ đô, trọng tâm là những quy định có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch bằng các hình thức cụ thể, phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị và đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có quy định liên quan đến Luật Thủ đô; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành của Luật.

Luật Thủ đô, Điều 41, Khoản 5: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương quyết định danh mục công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình được nhượng quyền khai thác, quản lý; quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác công trình, hạng mục công trình thực hiện nhượng quyền khai thác, quản lý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2, Điều 50, Luật Thủ đô quy định: Khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật, nghị quyết đó. Cơ quan thẩm định, thẩm tra văn bản có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về nội dung này trong dự án, dự thảo.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện khoản 5 Điều 41 Luật Thủ đô với nội dung nghiên cứu, tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định danh mục công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình được nhượng quyền khai thác, quản lý; quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác công trình, hạng mục công trình thực hiện nhượng quyền khai thác, quản lý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 (khoản 5 Điều 41 Luật Thủ đô).

Thực hiện Điều 50 Luật Thủ đô. Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 50) và tham mưu thực hiện các nhiệm vụ khác quy định tại Điều 50 Luật Thủ đô./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO