Hà Nội

Nâng cao trách nhiệm của Hà Nội trong thi hành Luật Thủ đô

Quỳnh Hoa 15:24 09/08/2024

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô với các nội dung cụ thể.

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô của UBND Thành phố Hà Nội nhằm xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật. Đồng thời nâng cao nhận thức về Luật Thủ đô, chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô, trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô.

hanoi34.jpg
Theo quy định trong Luật Thủ đô, Khuê Văn Các tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô

Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của Chính phủ: 6 nội dung (trong đó 3 nội dung cần ban hành trước ngày 1/1/2025, 3 nội dung cần ban hành trước ngày 1/7/2025). Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố 32 nội dung (28 nội dung cần ban hành trước ngày 1/1/2025, 4 nội dung cần ban hành trước ngày 1/7/2025). Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố 11 nội dung cần ban hành trước ngày 1/1/2025.

Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15). Luật có 7 chương và 54 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025). Gần đây, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã công bố Lệnh số 09/2024/L-CTN của Chủ tịch nước về việc Công bố Luật Thủ đô 2024.

Đối với nội dung cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền của Chính phủ: các Sở, ngành được giao nhiệm vụ tham mưu khẩn trương xây dựng văn bản của UBND Thành phố để đề nghị các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện.

Đối với nội dung cần ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền của Thành phố: Các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, khẩn trương tham mưu triển khai xây dựng văn bản theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên xây dựng những quy định chi tiết ban hành, có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thủ đô có hiệu lực (1/1/2025). Đối với những nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 là những nội dung phức tạp, cần thực hiện việc nghiên cứu kỹ và triển khai việc xây dựng văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quý I, II/2025.

Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết cần được xác định theo nội dung được giao có liên quan với nhau hoặc có tính chất tương đồng về phạm vi, lĩnh vực để đưa xây dựng, ban hành trong một văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thuận lợi, đồng bộ cho quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ lập danh mục VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND Thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 7/2024.

VBQPPL được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô

Nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố 21 nội dung; UBND Thành phố 4 nội dung; HĐND quận, thị xã 1 nội dung. Các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Đối với những nội dung còn cần nghiên cứu, đánh giá, bảo đảm các điều kiện thực tiễn, nguồn lực thực hiện, sự đồng thuận của xã hội thì thực hiện thận trọng, chắc chắn, đề xuất ban hành khi đã đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan, phù hợp để triển khai thực hiện.

Căn cứ quy định của Luật Thủ đô, các sở, ban, ngành có trách nhiệm thực hiện việc rà soát, tham mưu triển khai các nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án, văn bản cá biệt để thực hiện quy định giao trong Luật Thủ đô, bao gồm: nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (2 nhiệm vụ): các sở, ban, ngành Thành phố được giao tham mưu đề xuất văn bản đề nghị của UBND Thành phố gửi các Bộ, ngành thuộc Chính phủ được giao chủ trì để triển khai thực hiện.

Nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố (7 nhiệm vụ), UBND Thành phố (12 nhiệm vụ): Căn cứ tình hình thực tiễn, nguồn lực bảo đảm thực hiện, các sở, ban, ngành được giao chủ trì chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch của UBND Thành phố để triển khai thực hiện, trong đó phải xác định cụ thể nội dung nhiệm vụ, phân công trách nhiệm thực hiện, kết quả sản phẩm, tiến độ thực hiện, dự kiến nguồn kinh phí tổ chức thực hiện.

Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao trong Luật

Các Sở, ban, ngành Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND cấp huyện có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng các quy định về phân cấp, quyết định ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô trình HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành.

UBND cấp huyện chủ động xây dựng Đề án về phân cấp, ủy quyền, quy định về việc phân cấp để xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Thủ đô. Các sở, ban, ngành Thành phố chủ động thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực để đề xuất việc xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định có liên quan...

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Thủ đô phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng. Trước mắt, trong quý III, IV năm 2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

Tổ chức tập huấn thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô cấp Thành phố/cấp huyện bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội/cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp huyện/xã; doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Thành phố. Các sở, ban, ngành Thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước ở cấp Thành phố, huyện, xã trong các lĩnh vực về chuyên đề, nội dung chuyên sâu liên quan trong Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô.

Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Sở Tư pháp làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định của Luật Thủ đô; rà soát để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.

Các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các VBQPPL có liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.

HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô. Các Sở, ban, ngành, HĐND, UBND quận, huyện, thị xã chủ động triển khai thực hiện các nội dung đã được giao trong kế hoạch, gửi danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Sở Tư pháp trước ngày 30/8/2025 để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và phối hợp thực hiện theo quy định.

UBND Thành phố đề nghị Thường trực HĐND Thành phố chỉ đạo các ban của HĐND Thành phố rà soát, đề xuất HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND, các ban của HĐND các cấp của Thành phố, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.

Tổ chức theo dõi thi hành Luật Thủ đô

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô thuộc phạm vi quản lý; tham mưu UBND Thành phố trong việc đôn đốc, thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Luật Thủ đô và xử lý các vi phạm trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn Thành phố.

Sở Tư pháp tham mưu xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về Thủ đô nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện các quy định pháp luật về Thủ đô.

Các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật về Thủ đô trong các lĩnh vực; chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã liên quan tổ chức triển khai kế hoạch và báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền của Thành phố theo quy định… ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm của Hà Nội trong thi hành Luật Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO