Văn hóa – Di sản

Vũ Trinh - cây bút canh tân thể loại truyền kỳ trung đại

Vũ Thanh - Lê Văn Tấn 22/11/2023 17:19

Vũ Trinh (1759 - 1828) tên tự là Duy Chu, hiệu là Nguyên Hanh, biệt hiệu là Lai Sơn, Lan Trì Ngư giả, đạo hiệu Hải Âu Hoà thượng, người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân từ một gia đình có nền nếp thi thư. Ông nội của Vũ Trinh hiệu là Nghi Huy, đỗ Tiến sĩ đời Lê, làm quan đến Thượng thư bộ Binh; cha tên là Triệu (có sách ghi là Thiệu), cũng đỗ Hương tiến, làm đến chức Tham nghị. Vũ Trinh là người thông minh từ nhỏ, 17 tuổi dự thi Hương, đỗ Hương tiến, được tập ấm chức Tri phủ Quốc Oai, tước hiệu là Lan Trì bá.

Ông làm Tri phủ Quốc Oai trên dưới mười năm, khi tuổi còn rất trẻ. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc, năm 1786, với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, Chiêu Thống được nối ngôi, vời Vũ Trinh về triều. Tình hình chính trị lúc này khá rối ren. Các thế lực, phe phái cát cứ, đánh lẫn nhau. Nguyễn Hữu Chỉnh ban đầu có công ổn định trật tự trong ngoài cõi nhưng sau đó lại muốn thâu tóm mọi quyền hành lấn át vua Lê. Chiêu Thống muốn giết Chỉnh để “nhất thống” quyền lực, mật bàn với Vũ Trinh, nhưng Vũ Trinh đã can: “Chỉnh cố nhiên là đáng giết, nhưng bên ngoài có giặc dữ mà bên trong lại giết kẻ cường thần, chưa nên tự gây biến trước”. Chiêu Thống nghe theo, Bắc Hà tạm tránh được sự tổn thất của một cuộc thanh toán nội bộ lớn.

Do Nguyễn Hữu Chỉnh lấn át quyền hành của vua Lê nên vào năm 1787, Tây Sơn đã phải ra Bắc lần thứ hai, Hữu Chỉnh bị giết, Chiêu Thống bỏ ngai vàng chạy, Vũ Trinh cùng cha đón về nhà, dốc hết gia sản để lo việc quân. Trong khi nhóm Lê Quýnh chạy sang nhà Thanh cầu viện, cha con Vũ Trinh phò Chiêu Thống chạy quanh khắp các vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ rồi ẩn náu trong vùng núi Huyền Đinh chờ đợi. Khi quân Tôn Sĩ Nghị sang, các cựu thần nhà Lê đều tránh, một mình Vũ Trinh vâng mệnh Chiêu Thống đem trâu rượu “khao quân”, trả lời trôi chảy mọi tình hình trong nước, khiến cho người Thanh phải “khen là rành mạch”. Từ những sự việc như vậy, có thể nói Vũ Trinh là người có bản lĩnh và cũng có tài tổ chức, đặc biệt là hết lòng với nhà Lê. Vì lẽ đó, sau khi núp bóng quân Thanh trở lại ngai vàng, Chiêu Thống đã trao cho Vũ Trinh chức Tham tri chính sự. Tuy nhiên, dường như Vũ Trinh không có trách nhiệm trực tiếp giao tiếp với người Thanh, không phải có mặt trong đoàn vua tôi nhà Lê hằng ngày đến chầu chực ở dinh Tôn Sĩ Nghị. Có lẽ đó là điều may mắn với ông chăng?

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung ra Bắc đánh tan quân Thanh, Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Bắc quốc. Vũ Trinh không theo kịp, về lẩn trốn vùng thôn dã, không chịu ra làm quan với Tây Sơn. Nhưng sau đó, vào khoảng cuối những năm chín mươi của thế kỷ XVIII, Vũ Trinh đã có mặt tại Thăng Long, giao du mật thiết với nhóm trí thức Thăng Long xung quanh Thiền viện của Ngô Thì Nhậm ở phường Bích Câu. Đây là một nhóm “đa nguyên” về tư tưởng; song hoạt động nghiên cứu kinh sách, giáo lý khá nghiêm túc. Thành quả chính là Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh nghiên cứu về Kinh Viên giác. Vũ Trinh là một trong hai người đã viết phần Thanh chủ cho tập sách này.

Năm 1802, Tây Sơn bị diệt, Gia Long ra Bắc Thành, xuống chiếu vời các cựu thần nhà Lê, Vũ Trinh cùng với Lê Duy Đản, Nguyễn Duy Hợp, Phạm Quý Thích... gồm tất cả mười người được triệu đến yết kiến ở Hành tại, được ban thưởng. Vũ Trinh được trao chức Thị trung học sĩ, đem theo về Phú Xuân. Ông đã trở thành đình thần của vương triều mới. Tuy vậy, năm Gia Long thứ hai (1803), hài cốt Chiêu Thống được đưa về nước, Vũ Trinh đã xin Gia Long ban lễ hậu và cho giữ nguyên tên hiệu để tỏ rõ cái nghĩa đối với triều đại đã mất. Được Gia Long ưng thuận, Vũ Trinh lại vì cớ là “bề tôi cũ của nhà Lê”, xin thôi chức về Bắc lên cửa quan đón tang. Gia Long khen là người có nghĩa nên chuẩn y lời xin nhưng không cho từ chức mà nhân đó giao cho việc khám xét đê điều Bắc Thành, xong việc lại triệu về kinh. Năm 1807, Vũ Trinh được giao làm Giám thí trường thi Sơn Tây, lại có dịp trở ra Bắc. Hai năm sau, năm 1809, được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh mừng thọ. Trong lần đi này, ông đã viết cuốn Sứ Yên thi tập; khi về được giao cùng Trần Hựu biên soạn bộ Hoàng triều luật lệ dưới sự Tổng tài của Nguyễn Văn Thành. Đây chính là bộ luật đầu tiên của triều Nguyễn, thường gọi là Bộ Luật Gia Long, gồm 398 điều thuộc công việc của cả sáu Bộ (Hộ, Hình, Lại, Binh, Lễ, Công). Gia Long đích thân viết lời Tựa, cho in và ban hành ngay trong năm 1813. Cũng năm này, Vũ Trinh được thăng chức Hữu Tham tri Bộ Hình và được giao làm Giám khảo trường thi Quảng Đức. Qua công việc, Nguyễn Văn Thành trọng tài ông, đã cho con là Nguyễn Thuyên theo học ông. Năm 1816, Nguyễn Thuyên bị cáo giác có âm mưu phản nghịch. Vũ Trinh đã gắng sức để biện minh cho học trò. Triều đình còn đang bàn bạc thì có vụ Lê Duy Hoán khôi phục nhà Lê, bị bắt. Hoán khai là do Thuyên xúi giục, cha con Nguyễn Văn Thành bị bắt giam và xử tội chết. Thành không kêu xin, phẫn uất uống thuốc độc tử tận. Vũ Trinh bị cho là a dua với phản nghịch cũng bị cách hết chức tước, giam vào ngục. Có người khuyên Vũ Trinh nên theo cách của Nguyễn Văn Thành, nhưng ông nói: “Nếu phải tội với triều đình thì vươn cổ chịu chém, còn không có tội thì việc gì tự hại thân mình để mang tiếng xấu”. Ngay năm sau, Vũ Trinh được giảm tội chết, đem đi an trí ở Quảng Nam. Đến chỗ lưu đày, ông giảng sách, dạy học trò, lấy văn chương làm vui, sống ẩn nhẫn giữ mình. Mười hai năm sau, Minh Mạng tới Quảng Nam, Vũ Trinh sai con dâng biểu trần tình, xin về quê quán. Bấy giờ ông đã già yếu, được vua chấp thuận lời tâu, nhưng về quê chẳng được bao lâu thì ông mất, năm 1828, hưởng thọ 70 tuổi.

Vũ Trinh là người theo Nho học, kiến thức uyên thâm, đạo lý trung quân được ông thấm nhuần từ nhỏ. Gia đình lại chịu ơn nhà Lê sâu nặng nên ông đã giữ tình cảm thuỷ chung với nhà Lê. Tham gia chính sự với ba triều đại nhưng có lẽ thời gian này đóng góp lớn của ông là đối với cuộc sống nhân sinh thông qua Luật Gia Long. Có điều, Vũ Trinh là một tài năng không may mắn, sinh bất phùng thời. Mười hai năm lưu đày, về đến quê hương vài ngày thì mất, chức tước cũng không được phục hồi là một kết thúc quá bi thảm đối với một kẻ sĩ có năng lực và phẩm chất ngời sáng. Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, tên của Vũ Trinh còn bị ra lệnh xoá đi trong bộ luật Hoàng triều vì “kẻ có tội không nên làm bẩn luật”. Có điều luật đã được in ra và lệnh có lẽ cũng không được thực hiện quyết liệt nên ngày nay hậu sinh vẫn biết được tên đầy đủ của cả ba soạn giả.

Vũ Trinh là kẻ sĩ sinh ra trong buổi tạo loạn của đất nước. Chọn một con đường hành đạo, thực hiện hoài bão lý tưởng lớn lao của kẻ sĩ cũng chưa có gì chuẩn xác và cũng thật quá khó với một sự lựa chọn lúc bấy giờ, không chỉ với riêng Vũ Trinh. Do đó mà trên lĩnh vực chính trị, đóng góp của ông cho đất nước chưa dễ gì luận bàn và cần thiết phải có những công trình chuyên sâu. Chúng tôi cho rằng, đóng góp rõ nhất ở Vũ Trinh chính là tư cách của một nhà văn nổi tiếng đương thời.

vu-trinh.jpg.jpg
Tác phẩm Lan Trì kiến văn lục của danh nhân Vũ Trinh.

Vũ Trinh là một quan văn, sính văn chương, lại là con rể của “đại thần phong lưu” Nguyễn Khản, anh em đồng hao với nhà thơ Nguyễn Huy Tự, gọi đại thi hào Nguyễn Du bằng chú nên Vũ Trinh là người có ý thức sáng tác thơ văn và bình luận văn học. Các tác phẩm của ông gồm có: Lan Trì kiến văn lục, tập truyện ngắn truyền kỳ viết bằng chữ Hán; Sứ Yên thi tập được viết ra trong thời gian đi sứ nhà Thanh tại Yên Kinh; Cung oán thi gồm 100 bài thơ Nôm viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật (tác phẩm này còn nghi vấn vì có người cho là của Nguyễn Huy Lượng, có người cho là của Nguyễn Hữu Chỉnh). Ngoài ra, tuy chưa viết thành sách nhưng Vũ Trinh cũng tham gia bình luận Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du một cách nhiệt thành.

Trong khi bình chú Đoạn trường tân thanh, Vũ Trinh đã có những chú ý hết sức tinh tế và khá đặc biệt. Các nhà Kiều học ngày nay rất quan tâm đến nhân vật Hoạn Thư và mối quan hệ giữa nàng với Thuý Kiều thì ngay từ thế kỷ XVIII, XIX, Vũ Trinh cũng đã từng chú ý đến. Trong nhận xét của ông, Hoạn Thư là nhân vật không đơn điệu, nàng rất ghê gớm và có bản lĩnh. Khi Nguyễn Du viết: Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già, Vũ Trinh nhận xét: “Thật đúng là bậc mệnh phụ chủ trì gia đình. Ta với nàng sống không cùng thời, ở không cùng đất, mà nay đọc đến câu này còn không rét mà run”. Khi Hoạn Thư tự bào chữa, ông khen: “Câu nào lý lẽ cũng chính đáng”... Vũ Trinh cũng dành nhiều ưu ái cho nhân vật Kim Trọng. So sánh với Thúc Sinh, thấy nhân vật này có vẻ dễ quên: Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê, ông nhận xét: “Xem thế đủ thấy Thúc Sinh không chung tình bằng Kim Trọng hậu tình”. Vũ Trinh tỏ ra rất hiểu Kim Trọng, khi chàng thuyết phục Kiều trong đêm hợp hoan: Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường thì ông khen Kim Trọng là người “tri kỷ” của Kiều: “Kim Trọng phân tích chữ Trinh, thật là người tri kỷ của Kiều. Người đời cả tâm và tích đều trinh là bậc cao nhất. Nhưng ở đời cũng có người tâm trinh mà tích không trinh, cũng có người hình tích bề ngoài thì trinh mà trong tâm không trinh. Thế thì làm sao mà biết rõ điều đó ở từng người một?”... Nhìn chung, qua những lời bình ngắn gọn, súc tích, có thể thấy ở Vũ Trinh cái nhìn khá cấp tiến về một số vấn đề nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều và qua đó có thể đánh giá, Vũ Trinh (cùng với Nguyễn Huy Lượng) là những người “phê bình” tác phẩm này sớm nhất, cách làm của hai ông không giống với Phạm Quý Thích hay Mộng Liên Đường chủ nhân và Nguyễn Văn Thắng vì hai ông là những người đã chạm tới những vấn đề nghệ thuật khá căn bản mà các nhà Kiều học sau này không thể không quan tâm.

Trong sự nghiệp văn chương của ông, Lan Trì kiến văn lục là tác phẩm có giá trị hơn cả. Qua lời Tựa có thể biết được đây là tập truyện được Vũ Trinh viết trong thời gian “ẩn náu nơi nhà tranh”, “nơi núi chằm”, “im tiếng không bàn đến chính sự”. Về cơ bản có thể luận đoán tác phẩm được hoàn thành trước năm 1794. Đây là thời gian mà Vũ Trinh đã nếm trải sự thất bại cay đắng của một loạt hành động “kinh bang tế thế” lầm lỡ của mình. Sách gồm 3 quyển, 45 thiên, được coi là loạt tác phẩm của loại hình truyền kỳ Việt Nam thời trung đại. Tiếp nối truyền thống của thể loại, song ở Vũ Trinh, ông không kéo quá dài về mặt dung lượng của các thiên (truyện ngắn) để xen vào giữa hàng loạt bài thơ, phú, từ như cách làm của Truyền kỳ tân phả chẳng hạn. Đề tài của tác phẩm khá phong phú và đa dạng, đề cập đến nhiều chuyện, mà phần lớn là truyền ngôn trong xã hội thời đại bấy giờ.

Điều đặc biệt là trong Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh dường như không bàn gì đến thế sự, cũng không ghi chép về các trung thần mà chỉ ghi chép về các tiết phụ, chỉ muốn ghi lại “những điều tai nghe mắt thấy”. Đó là những chuyện lạ nhưng có thật, thường xảy ra, rất gần gũi, ngay trong xứ, trong vùng mà tác giả cư trú hoặc do những người thân quen nghe thấy kể lại. Có những chuyện hằng thường, nằm trong khuôn khổ đạo lý, con người có thể nhận biết và phán xét như chuyện cuộc đời bất hạnh của con gái quan Quận quân Liên Hồ, chuyện người ca kỹ họ Nguyễn... Nhưng cũng có những chuyện biến, nằm ngoài, xa lạ với hiểu biết hoặc tâm lí bình thường của con người, ví như chuyện gái đổi thành trai, sinh nở dưới mồ, người ngủ nhà ma... Ở đó nhiều điều trái ngược, mũ giầy đổi chỗ, những kẻ dưới đáy xã hội, những người bình thường, ít học, “nhi nữ khó dạy”... lại toả sáng những nét đẹp nhân văn, đáng làm gương cho đời. Trong khi đó, các bậc quân tử, các hàng con quan cành vàng lá ngọc lại bạc nhược, thất tín, dựa dẫm, thậm chí du đãng hư hỏng. Tất cả các truyện đã được Vũ Trinh ghi chép lại theo kiểu gặp gì ghi nấy, nghe gì ghi lại. Có truyện là người thực việc thực, có truyện pha thêm chút ly kỳ, nửa hư nửa thực, mang màu sắc huyền thoại nhưng đều toát lên ý nghĩa biểu dương hay phê phán, thể hiện triết lý dân gian về thiện và ác. Có những truyện, bề ngoài là cái vỏ huyền thoại, siêu thực nhưng ý nghĩa khái quát của truyện là một lẽ sống đầy tình nghĩa, ơn đền oán trả. Nét đẹp tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm Vũ Trinh chính là đã khắc họa được những hình ảnh, những bức chân dung, những mối quan hệ, những lối ứng xử, những hành động mang ý nghĩa của một thứ chủ nghĩa nhân văn, vừa truyền thống, vừa tân kỳ, giàu sức sáng tạo.

Phần lớn những truyện về mối tình đôi lứa được tác giả hết sức trân trọng và dụng công nghệ thuật. Tình yêu say đắm, chân thành, chẳng cần mai mối hay môn đăng hộ đối, thường gặp trắc trở, chủ yếu là do họ tự vượt lên để đến bến bờ hạnh phúc. Truyện Trạng nguyên họ Nguyễn không chỉ gây ấn tượng vì chàng tài năng đáng đậu Trạng, mà chính cái “gan lỳ tướng quân” của chàng đeo đuổi bằng được con gái đại gia Ngô hầu cũng xứng đáng là “Trạng”! Nhiều chuyện khác tô đậm phẩm chất cao quý của các thiếu nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết lại có lòng chung thuỷ son sắt như Thanh Trì tình trái. Có điều “khối đá đỏ” trong lồng ngực là của tiểu thư Trần chứ không phải là trái tim của Nguyễn Sinh như trong truyện Trương Chi. Truyện Người ca kỹ họ Nguyễn là một tấm gương về tính chủ động trong tình yêu, lòng vị tha và tinh thần tự trọng của người thiếu nữ xuất thân từ tầng lớp xướng ca. Hầu hết những truyện thể hiện ở đề tài này, sự chú trọng của Vũ Trinh là vào nét đẹp tâm hồn và những bất hạnh của số phận nhân vật: “Trái tim kiên trinh, khí tiết hào hiệp, con mắt tinh đời, cô gái trong truyện trên đây có đủ cả. Vô luận là trong đám quần thoa hay bậc mày râu cũng không có nhiều. Lưu lạc lỡ duyên đến thế thì thực là cùng cực rồi. Phải chăng những người tài mỹ kiêm toàn thì dẫu là con gái cũng bị con tạo ghét ghen!” (Người ca kỹ họ Nguyễn). “Con tạo ghét ghen” - đây chính là điều mà Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI chưa đề cập tới. Tinh thần tự ý thức về tài tình và tình thương người “đa tài đa tình” như thể thương thân là điểm mới, cách tân của Vũ Trinh so với Nguyễn Dữ. Truyện Tháp Báo Ân thì thuật chuyện nam nữ đã dành cho nhau tất cả không chút ngập ngừng, chính vì vậy mà nàng được “đền ơn” sau khi qua đời vì căn bệnh nghiệt ngã. Truyện Sống lại thì khẳng định chỉ có tình yêu chân chính mới có hạnh phúc lâu bền...

Qua đề tài tình yêu, Vũ Trinh đã tự bộc lộ là một khách hào hoa phóng khoáng. Ông đã sống với thời đại và đã cuốn hút vào trào lưu nhân văn chủ nghĩa của thời đại khởi sắc về văn hoá và tư tưởng. Trong trào lưu ấy, Vũ Trinh đã giữ một vị trí quan trọng.

Về mặt ý tưởng nghệ thuật, có thể thấy qua Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh muốn mở rộng kiến văn cho mình, cho người và thông qua đó để chiêm nghiệm lẽ đời, lẽ trời, gửi gắm tâm sự, nỗi niềm về thân phận con người, về cuộc đời dâu bể và chút ước vọng mong manh nào đó ở mai sau. Trong tập truyện, Vũ Trinh đã cố gắng nhấn mạnh tới cái xác thực. Ông rất thích ghi ở cuối truyện một câu làm chứng cho sự xác thực, đại loại như: năm ấy, tôi làm quan nơi ấy, “được ông Mỗ kể cho nghe chuyện này”, còn nói “đã trông thấy”... Tác phẩm của Vũ Trinh không theo sát cách viết của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục và cũng không đồng nhất với cách viết của Đoàn Thị Điểm trong Truyền kỳ tân phả. Ông đã có cách viết khác các tác giả đi trước và do đó có những đóng góp thêm những nét mới cho thể loại.

Về nghệ thuật, nổi bật lên trong Lan Trì kiến văn lục ba đặc điểm cơ bản: tính chất ký sự, tính chất truyện ký lưu giữ nhiền bản sắc dân dã và tính chất truyền kỳ.

Trước hết chính là tính chất ký sự. Tác phẩm có thể xếp vào dạng “ghi chép những điều tai nghe mắt thấy”, những kiến văn. Ở tác phẩm, chất ký vì thế khá đậm mà đặc điểm chính là thiên về “xác thực”, cập nhật, đương đại, gắn bó với cuộc sống đời thường, với những hiểu biết cơ bản là có giới hạn của con người. Tác phẩm chú trọng đến sự việc, sự kiện mà không đòi hỏi phải có cốt truyện, có nhân vật văn học theo đúng tiêu chí của nó. Đó là các thiên như Lân tinh, Nữ biến thành nam, Con lai rắn, Yêu trên cây, Rắn thần, Thần Chiêu Trưng... Trong ghi chép, Vũ Trinh chủ yếu quan tâm đến sự việc, cả những “kỳ tình dị sự”, mỗi thiên thường ghi chép về một việc, một sự việc, một biến cố hay một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật. Ngôn ngữ giản dị, ít điển cố, đôi chỗ dùng một vài thành ngữ quen thuộc. Không gian, thời gian cũng gần gũi, không xa lạ, trong vùng, trong xứ, trong trần thế này mà thôi...

Đặc điểm nghệ thuật thứ hai của Lan Trì kiến văn lục là tính chất truyện ký lưu giữ nhiều bản sắc dân dã. Thông thường, một tác phẩm được gọi là truyện thì cần phải có cốt truyện. Tác phẩm của Vũ Trinh có nhiều thiên đạt được tiêu chí này. Có một số thiên hoàn chỉnh về một sự kiện như Chuyện khỉ, Con giải; nhiều hơn là những truyện kể về một nhân vật lịch sử hay một người đồng thời với tác giả như Chuyện quan Quận ở Liên Hồ, Chuyện tình ở Thanh Trì, Tháp Báo Ân... Vũ Trinh hầu như ít sử dụng những tình tiết xa đề, lời trữ tình ngoại đề và những đoạn tả cảnh nhằm phụ giúp cho diễn tiến truyện. Ông cũng từ chối việc sử dụng kết cấu xen biền văn và vận văn, cách viết giản dị ít điển cố nên truyện trở nên gần gũi và khá dễ đọc. Và ấn tượng sâu đậm nhất chính là đội ngũ nhân vật trong truyện. Khác với các tác phẩm truyền kỳ trước, nhân vật ở Lan Trì kiến văn lục đông đảo, đa dạng nguồn gốc, đa thành phần, nhưng nhìn chung mộc mạc, gần gũi với nhân vật chuyện kể. Không thấy dấu vết gia công của tác giả ở các nhân vật, cũng không chú ý lắm đến khắc họa tâm lý. Dường như nhân vật của Vũ Trinh “có sẵn” ngoài đời, cứ tự nhiên “đi” vào tác phẩm, song chúng lại được nâng cấp hơn nhiêu so với truyện kể dân gian. Ông là nhà văn có biệt tài trong việc nắm bắt những nét nổi trội, bộc lộ bất chợt, xuất thần, tạo nên những nét độc đáo của nhân vật. Hai nhóm nhân vật mà Vũ Trinh dành sự ưu ái nhất đó chính là phụ nữ và trẻ nhỏ. Viết về cả hai nhóm nhân vật này, Vũ Trinh không đưa ra một viễn cảnh thần kỳ lãng mạn mà thường là ghi chép xác thực mà tỏ lòng cảm thông sâu sắc.

Về tính chất truyền kỳ, Lan Trì kiến văn lục không có nhiều chi tiết kỳ ảo lãng mạn như các tác phẩm trước đó. Ông là nhà văn có quan niệm mới về cái kỳ. Kỳ có nghĩa là những sự việc, sự vật khác lạ mà nói như Ngô Thì Hoàng thì đó là “những điều không thường thấy, những việc không thường nghe mà không thể khiến cho chúng thường tồn tại” nhưng nó vốn có “trong khoảng trời đất”. Cái kỳ ảo ở tác phẩm của Vũ Trinh đơn thuần, hoặc là những sự việc, sự vật vượt quá ngưỡng thông thường; hoặc là những sự việc khác lạ mà người ta “không thể lấy kiến thức hẹp hòi của ta như cái ống nhòm bầu trời, vỏ trai đong nước biển mà bàn cãi sự việc có hay không” (Tựa Lan Trì kiến văn lục của Tín Như Thị). Nhìn chung, Vũ Trinh đã canh tân thể loại truyền kỳ trung đại theo hướng mang lại cho người đọc cảm giác tin cậy, cảm xúc về “chuyện có thật”, cảm xúc xã hội lấn át cảm xúc văn chương. Đó có thể là một nhược điểm xét trong quá trình phát triển của thể loại song nó lại là vẻ đẹp riêng của Lan Trì kiế văn lục.

Với bảy mươi tuổi đời và một cuộc đời trải qua quá nhiều dâu bể và sóng gió, thăng trầm, buồn nhiều hơn vui, tên tuổi của Vũ Trinh mỗi khi nhắc đến thường mang lại nhiều ngậm ngùi, xót xa và không phải không có những suy nghĩ trái chiều đối với hậu sinh. Một cuộc đời tài năng đến như ông mà phải chịu một chung cục như vậy cũng là bi thảm. Có điều, nếu như lịch sử chưa ghi danh ông thì trong văn học ông xứng đáng được coi là một cây bút, một nhà văn tài năng, là người canh tân thể truyền kỳ trung đại, để lại dấu ấn không phai mờ trên một số thể loại tương đối mới mẻ của văn học trung đại. Đó chính là chỗ mà lịch sử văn học nói riêng và lịch sử dân tộc sẽ nhắc mãi đến tên tuổi của ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Quang Khải – thượng tướng, nhà thơ
    Trần Quang Khải là con trai thứ ba Trần Thái Tông, sinh năm 1240, mất năm 1294. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu Minh đại vương. Năm 1274, ông được giao chức Tướng quốc thái úy.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Vũ Trinh - cây bút canh tân thể loại truyền kỳ trung đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO