Văn hóa – Di sản

Vũ Thạnh – vị sư biểu của Kinh thành Thăng Long

Vũ Thanh 09/11/2023 15:19

Vũ Thạnh (1664-?) sinh ra ở một miền quê kề cận Kinh đô nhưng cả đời ông gắn bó với mảnh đất Thăng Long yêu dấu. Ông sinh ra tại làng Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Bên cạnh là làng Mộ Trạch, tương truyền vốn là nơi phát sinh dòng họ Vũ của ông, nổi tiếng về sự học hành, thi cử từ bao đời nay. Họ Vũ ở Đường An có nhiều người đỗ đạt cao được ghi tên ở Văn Miếu Thăng Long. Nhiều người, nhiều đời có công với nước, hoặc tài trí đặc biệt hơn người, trở thành trụ cột của quốc gia.

vu-thanh.jpg
Tranh minh họa danh nhân Vũ Thạnh.

Vũ Thạnh sinh ra trong một dòng họ có truyền thống học hành nhưng gia đình ông rất nghèo, đến mức không lo nổi việc đèn sách cho con. Từ nhỏ Thạnh đã có trí thông minh hơn người, ông thường theo các anh em trong họ đi học lỏm các lớp học trong làng, đứng ngoài Quán khảo văn để tự làm những bài thi của các bậc đàn anh. Từ bé cậu bé Thạnh đã mơ ước trở thành một ông đồ hay chữ, dạy chữ thánh hiền cho con em trong thiên hạ, nối nghiệp ông tổ của mình. Ông người nhỏ bé yếu đuối, nhà lại khốn khó không đủ tiền đóng xuất phu dịch. Quanh năm, suốt tháng lính lệ đến nhà hạch sách về chuyện tiền nong, thuế má. Biết thế không trụ nổi ở làng, lại thương cậu bé hiếu học không được học hành, vì vậy gia đình đã phải đưa Thạnh trốn khỏi làng, đến ở chùa Báo Thiên, huyện Thọ Xương, sát Kinh thành, nơi gia đình ông quen biết sư trụ trì. Trước khi trốn khỏi làng, quyết đi theo con đường mình đã lựa chọn, Vũ Thạnh đã lẻn đến đình làng, nơi thờ ông tổ mình để thắp nén hương, cầu tổ tiên phù hộ cho mình đạt được ước nguyện trên con đường chắc chắn đầy chông gai gian khổ. Thời gian tá túc trong chùa, cậu bé họ Vũ đã được sư trụ trì giảng giải thêm cho nhiều chữ nghĩa, dạy cho cách sống hoà thuận với mọi người, rồi cho nơi ăn, chốn ở để từ đó đi tầm sư, học đạo ở bên ngoài. Vị hoà thượng hết sức mến tài học, ý chí, tính tình khiêm nhường, chắc chắn của cậu bé nhưng biết mình không đủ chữ để dạy cho thần đồng. May mắn cho Vũ Thạnh, thời gian này ông được Tiến sĩ Vũ Công Đạo, người làng Mộ Trạch, cũng là chỗ họ hàng xa gần với ông, đang mở lớp học ở Kinh đô thu nạp làm môn đệ, lại cưu mang không bắt nộp tiền học, tạo điều kiện để cậu bé tập trung học hành, mặc dù so với bạn bè cùng học cậu lại là người ít tuổi nhất và cũng bé nhỏ nhất. Dân Mộ Trạch, đặc biệt người họ Vũ nổi tiếng về đường quan lại, học hành, nhưng cũng rất nổi tiếng trong thiên hạ về nghề dạy học. Tất nhiên nếu đã học giỏi, hay chữ thì đa phần sẽ dạy giỏi và có nhiều môn đồ theo học. Thày đò Chằm (tên Nôm làng Mộ Trạch) vốn nổi tiếng về tài năng học sâu hiểu rộng và trọng nhân cách, đã đào tạo ra biết bao cử nhân, tiến sĩ cho đất nước. Gặp được thày giỏi, lại đồng hương, cùng họ, với khí chất thông minh thiên bẩm, việc học hành của Vũ Thạnh lên nhanh như diều gặp gió. Tiến sĩ Vũ Công Đạo hết sức tin tưởng ở sức học và tài năng của người học trò nhỏ tuổi. Ông tin rằng, Vũ Thạnh sẽ còn đi xa hơn những gì ông mong đợi, chỉ tiếc có một điều, vốn là người đi trước nên ông hiểu rõ, đây không phải là thời cho những người tài năng thi thố sở học của mình. Xã hội loạn lạc, lòng người ly tán, quyền hành nằm trong tay Chúa, người giỏi hay bị nghi kỵ, không được tin dùng, kẻ khôn ngoan, cơ hội, dốt nát thừa cơ chen lấn nhau trên đường hoạn lộ. Chàng thanh niên họ Vũ không chỉ học được ở thầy mình những kiến thức uyên bác mà còn rèn luyện được nhân phẩm của kẻ sĩ, bản lĩnh và trách nhiệm của kẻ có học đối với dân, với nước. Cuối cùng Vũ Thạnh cũng đã trả được ơn sâu rộng của những người đã cưu mang mình: ông đỗ đạt cao từ rất sớm. Hơn mười tuổi đã đỗ Hương nguyên. Khoa Ất Sửu (1685) đời Lê Hy Tông, mới 22 tuổi đã đỗ Đình nguyên Thám hoa. Chàng thanh niên sớm bước chân vào con đường hoạn lộ với biết bao ý tưởng tốt đẹp, mong muốn được mang tài năng của mình cống hiến cho dân, cho nước. Ông làm quan đến chức Hồng lô tự khanh (Trưởng quan, chủ yếu giữ việc lễ nghi trong triều đình), Thiêm đô Ngự sử (Chức quan trong Ngự sử đài - cơ quan có chức năng giám sát trăm quan, có thể thẩm phán án kiện), Bồi tụng (Thực chất là Á tướng, đứng sau Tể tướng, một chức quan có nhiều quyền hành). Với những chức vụ quan trọng trong triều, Vũ Thạnh đã có nhiều dịp đem hết khả năng của mình đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước, của triều đại, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật, nghi lễ, giáo dục, thi cử và văn học. Ông ưa chuộng thực nghiệp, ghét lối hư văn, có những cải cách khá táo bạo trong việc thực hành luật pháp của triều đình trong nhiều lĩnh vực. Đương thời, nhiều việc làm của Vũ Thạnh cũng được các Chúa Trịnh ủng hộ. Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn trong thực hành chính sự của ông, cũng như những cải cách của ông đôi khi đã động chạm đến uy quyền của Chúa và trong một lần làm trái ý Chúa, ông đã bị bãi chức. Đến lúc này quan Bồi tụng họ Vũ mới thấm thía hết lời thày dạy buổi thiếu thời về nỗi khó nhọc, cô độc của kẻ làm quan hết lòng vì sự nghiệp. Không phải lúc nào con chim bằng muốn tung đôi cánh cũng gặp được trời xanh, đôi khi nó lại phải bay liệng trong chiếc lồng sắt của quyền lực độc tài. Phải khuất phục trước thần quyền, luồn cúi nhục nhã để hưởng lộc của Chúa là điều mà Vũ Thạnh không bao giờ cam chịu. Nhưng thực lực làm việc của ông, cùng những kết quả thiết thực mà những công việc đó đem lại đã khiến cho Chúa Trịnh phải nhớ đến ông trong những ngày ông rời triều chính. Chỉ một thời gian ngắn sau ông lại được khởi phục, bổ chức Tự khanh. Nhưng ông cũng chỉ ra làm quan một thời gian ngắn, sau đó lại trở về mở trường dạy học, công việc mà ông đã tiến hành ngay sau khi bị biếm chức trước đó. Những va chạm lớn nhỏ trên hoạn lộ đã cho ông những kinh nghiệm xương máu, càng có tâm huyết với công việc càng rơi vào ngõ cụt, thực tế môi trường vua chúa luôn gầm ghè nhau, nghi kỵ lẫn nhau đương thời không cho phép những người có nhân cách thực thi ý nguyện của mình.

Vũ Thạnh tìm thấy trong nghề dạy học những ý tưởng cao đẹp mà ông ấp ủ từ thưở hàn vi. Ông không tìm đến chốn rừng xanh, hay mảnh ruộng nhà để đi ở ẩn như bao bậc tiền nhân đáng kính khác. Đầu óc của một con người ưa chuộng thực tế, muốn đem chút tài mọn của mình cống hiến cho đời đã khiến ông tìm đến nghề dạy học, vốn là một nghề nghiệp cao quý mà người dân quê ông hết sức coi trọng. Ông thấy mình rất hợp với môi trường dạy người hữu ích và vẫn còn trong sạch giữa chốn trần đời bụi bặm này. Những cặp mắt long lanh của các sĩ tử đầy tự tin vào một tương lai tươi sáng, hăm hở bước vào đời như ông thuở nào, khiến cho ông cảm thấy thêm yêu cuộc đời mà đôi lúc ông đã cảm thấy chán nản. Trường học của Vũ Thạnh mở ở trại Hào Nam, Thăng Long, giáp liền với hồ Bảy Mẫu. Tiếng tăm về ngôi trường của một ông thầy nổi tiếng với những tri thức uyên áo, hết lòng vì học trò ấy nhanh chóng lan ra khắp nước. Có những người ở cách xa ngàn dặm vì mến tiếng thầy, trọng văn chương, đức hạnh, học nghiệp của thầy cũng lặn lội cơm nắm muối vừng đến học quan Thám hoa nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt cao thuở nào. Mỗi khi giảng tập, nhà học không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đi thuyền nan cập vào bờ hồ để nghe giảng. Đệ tử đông tới hàng ngàn, cả kinh thành ai cũng xưng danh là học trò của thày Vũ Thạnh. Cách dạy đến nguồn đến gốc của ông thấm nhuần ra khiến cho học trò tìm đến học ông ngày càng đông. Kẻ đỗ đạt cao làm quan trong triều, hàng văn, hàng võ là học trò Vũ Thạnh đếm đến trăm người. Tiếng tăm về việc dạy học của ông vang dậy đến mức có cả thái tử, thế tử mặc giả thường dân đến nghe giảng. Trường học của ông trở thành một trung tâm văn hóa, tư tưởng, giáo dục, học thuật mang tính cải cách đương thời.

Ông ra sức cải cách văn phong, được nhiều người noi theo, học trò của ông đều theo bước thày, khiến cho thể văn từ đó có phần thay đổi. Văn chương ít đi sự sáo rỗng, tán tỉnh tầm thường, người làm văn đã biết nghĩ tới những vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Vũ Thạnh được đời bấy giờ coi là bậc sư biểu. Nhận xét về học vấn của ông, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí viết: “Học vấn của ông rộng rãi. Làm văn, ông cốt tao nhã lưu loát, ông ra sức sửa chữa thói quen viết văn thời bấy giờ. Vì từ Trung hưng trở về sau, các học giả theo lối học tầm chương trích cú, văn chương ngày càng hèn kém, thô bỉ. Văn ông làm ra thì chuyên về thay đổi lối cũ, đổi lối quê kệch vụng về thành trôi chảy, đổi cũ rích thành ra thanh nhã mới mẻ. Thời bấy giờ xô nhau hướng theo, thể văn từ đấy thay đổi”...

Vũ Thạnh là thế hệ thứ hai trong năm thế hệ thầy trò nổi tiếng trong lịch sử Nho học, lịch sử giáo dục Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII. Trong đó Vũ Công Đạo là thế hệ thứ nhất, người khởi xướng cuộc vận động cải cách văn thể, chấn hưng Nho học, khoa cử, học thuật, pháp luật theo hướng đề cao học vấn thực tiễn. Vũ Thạnh là thế hệ thứ hai hết sức quan trọng, đóng vai trò hiện thực hóa cuộc vận động này, đưa nó trở thành cuộc vận động của toàn xã hội, trực tiếp và gián tiếp đào tạo ra những thế hệ học trò - nhà giáo xuất chúng sau ông. Tinh thần thực tiễn của cuộc cải cách đã làm xuất hiện những nhà văn hóa lớn, với những tác phẩm học thuật đồ sộ, tạo nên học phong của một thời, với những nhà văn - nhà bác học tiêu biểu như Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích...

Văn chương Vũ Thạnh cũng nổi tiếng một thời. Ông thường sáng tác trong những lúc nhàn rỗi, hay những khi quá bức xúc vì một việc gì đó trong đời. Đáng tiếc tập thơ Hào Nam văn tập và một số bài văn bia của ông đến nay không còn nữa, chỉ còn lưu lại được vài chục bài thơ. Với số lượng ít ỏi còn lại khó mà đánh giá hết được những đóng góp của ông cho văn chương đương thời, đặc biệt là những cách tân về văn phong và thể tài mà sử sách còn ghi lại. Thơ Vũ Thạnh bộc lộ tâm sự của một trí thức ước mong một cuộc sống thanh cao, nhàn dật, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ cho mình sự trong sạch, không chịu bán rao nhân phẩm, thể hiện một nhân cách cứng cỏi trước những bất trắc của cuộc đời. Điều đó thể hiện rất rõ trong bài Vô cầu ngâm :

Thủ tố vị, lãn doanh cầu,

Ngoại khước cùng thông nhượng hỷ ưu.

Cam thiển chuyết, quả mưu du,

Lượng tài xủy phận giác nghi hưu.

Mỹ ngọc minh châu phi bất trọng,

Na kham năng dục dữ khinh đầu.

Vô hạ tảo môn hậu Tề tướng,

Huống dục thúc đái kiến Đốc Bưu.

Xỉ thuyết nhị thiên thác Kế quận,

Cảm nhân hoan ẩm ngoạn Thư Châu.

Tạo vật phú dữ dĩ tiền định,

Không sử thân tâm dịch dịch sầu.

Kham lân táng tâm toả hạch lão,

Thủ dạ ngạch ngạch chấp nha trù.

(Giữ cương vị sẵn có của mình, biếng nhác mưu cầu,

Gác ngoài sự cùng quẫn hay hanh thông, gạt đi mừng rỡ lo lắng.

Đành cam nông cạn vụng về, ít mưu cầu toan tính,

Lượng tài xét phận biết rằng nên ngừng nghỉ.

Ngọc sáng châu tốt không phải là không biết trọng,

Đâu chịu bán rao với giá rẻ mạt!

Rỗi gì quét cửa để chầu chực vị tướng quốc nước Tề,

Huống chi lại thắt đai lưng ra mắt viên Đốc Bưu sao.

Xấu hổ nói đến “nhị thiên” mà ký thác vào quận Kế,

Dám đâu nhân việc uống rượu vui vẻ mà nhởn chơi Thư Châu.

Tạo hoá phú cho cái gì, điều đó đã là tiền định,

Chẳng nên để cho thân tâm mình buồn rầu về nỗi tất ta tất tưởi.

Đáng thương cho những kẻ toan tính lợi hại mà táng tận lương tâm,

Ngày đêm cứ khư khư cầm mấy con toán bằng ngà mà tính thiệt hơn)

(Khúc ngâm không cầu cạnh)

Bài thơ có nhắc đến điển tích “Tướng quốc nước Tề”, chỉ Quản Trọng làm Tướng quốc nước Tề khí lượng hẹp hòi, chỉ mưu cầu lợi ích mà không tính đến đạo đức nhân nghĩa nên bị hậu Nho coi khinh. Danh nho Đào Tiềm đời Tấn tính tình cao thượng, sống phóng khoáng, khi làm quan ở huyện Bành Trạch, có viên Đốc Bưu do quan trên phái xuống kiểm tra, y rất hống hách. Nha lại khuyên ông chịu khuất mà yết kiến hắn, ông không chịu, bèn treo ấn từ quan về ở ẩn. Người đời sau dùng điển này để chỉ nhân cách khảng khái, cứng cỏi trước cường quyền. Điển “Nhị thiên” (Hai trời), đời xưa thường dùng từ ấy để ca ngợi xưng tụng nhau. Tô Chương đời Hậu Hán làm Thứ sử châu Ký, có người bạn làm Thái thú. Chương mở cuộc thanh tra, xét xử các vụ tham ô. Viên Thái thú đặt đại yến thết đãi Chương. Y tỏ vẻ vui mừng tâng bốc bạn: “Mọi người chỉ có một trời, riêng tôi có hai ông trời”. Tô Chương khẳng khái đáp: “Ta uống rượu với cố nhân là tư ân, ngày mai xét xử là công pháp”. Khi Tô Chương xét xử, viên Thái thú không vì là bạn ông mà thoát được tội tham ô. Địa danh Thư Châu chỉ vùng đất của nước Tề cổ, nơi từng diễn ra việc Trần Hằng nước Tề bắt sống Tề Giản Công. Điển này ý chỉ những người công minh chính trực, không vì tư ân mà coi nhẹ quốc pháp.

Thơ ông thường nói về nhân tình thế thái, đôi lúc cũng than thở về sự túng thiếu khó khăn, điều mà ngay cả khi làm đến chức quan to trong triều ông vẫn không tránh khỏi do bản tính thanh liêm chính trực của mình, nhưng trong hoàn cảnh nào Vũ Thạnh cũng tỏ ra an bần lạc đạo, giữ trọn tình nghĩa ở đời.

Kham ta quai nhai ốc xúc ông,

Linh đinh lạc phách tử hà cùng.

Vân bình gia kế tụ hoàn tán,

Trào tịch sinh nhai hữu toàn không.

Tuấn vũ khung lung đồ tứ bích,

Cự hàng đăng dạng chỉ cô bồng.

Lục thân ma ti phu nan yểm,

Bách khẩu khang tì phúc vị sung.

Kiến diện linh nhân tăng yếm dịch,

Tài giao tự kỷ kiệt hoan trung.

Nhiên my thượng tác thái bình thoại,

Tướng cốt do hy hiệp quý phong.

Thuỷ đáo ốc tiêu vô thặng trích,

Ngọc điêu chử diệp uổng thi công.

Tôn tiền vinh tuy quan thân thượng,

Ninh cảm phao tâm bất mãn đồng.

(Tự thuật)

(Đáng than cho ông lão trái khoáy trục trặc này,

Long đong lận đận mà suy nghĩ không cùng.

Kế sinh nhai cho gia đình như mây như bèo hợp rồi lại tan,

Như nước triều hàng ngày lên xuống, có rồi lại không.

Nhà cửa cao đồ sộ mà trơ bốn bức tường,

Cái thuyền to đi trên làn nước mênh mông mà chỉ còn mái chèo đơn chiếc.

Lục thân thưa thớt như mảnh vải gai khó che đậy kín da,

Trăm miệng ăn dù tấm cám cũng chưa no lòng.

Nom thấy mặt khiến người ta thêm chán ngán,

Vừa mới chơi với nhau mà tự mình đã dốc lòng vui vẻ trung thành.

Gấp rút như cháy sém lông mày mà còn nói những câu chuyện thái bình,

Ngắm xem cốt cách con người còn mong có phong cách hào hiệp quý hiển.

Nước đến mức tưới lên tàu chuối không còn có giọt nào rớt lại,

Ngọc đem chạm trổ trên tờ giấy chỉ uổng thi công.

Trước chén rượu có quan hệ đến sự tươi héo của thân thế,

Đâu dám phung phí lòng chẳng thương tiếc)

(Tự nói nỗi lòng mình)

Vũ Thạnh đau đời nhưng vẫn tin tưởng vào đời. Lời thơ ông tao nhã, chân thực, có phong vị của nhà hiền triết hiểu mọi lẽ của đời; đề tài, thể thơ ông viết tự do, ít gò gẫm.

Đóng góp của Vũ Thạnh cho sự hưng thịnh của triều đại, cho sự đổi mới văn chương, cho nền giáo dục đương thời thật không thể giản đơn nói trong một vài lời mà hết được./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
    Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.
(0) Bình luận
  • Huế đề nghị công nhận 4 hiện vật quý thời Nguyễn là Bảo vật Quốc gia
    Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và Tượng rồng thời Thiệu Trị đã được lập hồ sơ trình cơ quan chuyên môn thẩm định để công nhận bảo vật Quốc gia.
  • 45 cây trăm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
    Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa tổ chức họp và xét duyệt 45 cây lâu năm của 6 tỉnh, thành phố đủ điều kiện được công nhận là cây di sản Việt Nam.
  • Giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc về tiếp quản Thủ đô
    Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), sáng 24/9 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức sự kiện “Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia và Tiếp quản Thủ đô”. Đây là minh chứng góp phần tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô từ khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết.
  • Từ ngôi đình làng Vạn Phúc
    Họa sĩ Nguyễn Nghiêm thật có lý, khi chọn tấm ảnh đình làng Vạn Phúc, như một biểu tượng, để trình bày bìa cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc”. Xưởng in Viện Điều tra - Quy hoạch rừng, với máy ốp - sét hiện đại đã thể hiện được gần như trọn vẹn, đường nét và màu sắc, hơn thế nữa, tôn lên vẻ đẹp vốn có của ngôi đình, từ búp bàng non đến lớp rêu phong cổ kính...
  • Nghệ thuật trang trí, chạm khắc ở bảo vật Quốc gia “Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân”
    “Cửu vị thần công” được đúc bằng đồng tại Kinh đô Phú Xuân (TP Huế ngày nay) dưới thời vua Gia Long (1762 - 1820) với nghệ thuật trang trí và chạm khắc đỉnh cao thời Nguyễn.
  • Làng gốm cổ Kim Lan - điểm du lịch mới của Thủ đô
    Đầu tháng 8 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội có quyết định về việc công nhận điểm du lịch xã Kim Lan, huyện Gia Lâm. Đây là bước cộng hưởng tuyệt vời trong nỗ lực không mệt mỏi của người dân, nghệ nhân làng nghề gốm cổ, các nhà khoa học, chính quyền địa phương với mục tiêu phát triển bền vững làng nghề nhờ tài nguyên văn hóa độc đáo ở Kim Lan.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế đạt giải Chuyển đổi số Việt Nam
    Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện một Hà Nội hào hùng, văn hiến
    "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Quận Long Biên: Gắn biển tuyến đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy
    Ngày 5/10, quận Long Biên tổ chức khánh thành và gắn biển dự án “Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy” với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
  • [Video] Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội: tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử
    Nằm trong chuỗi các hoạt động cao điểm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), tối 4/10 tại Trung tâm Di sản văn hóa Thế thế giới Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài”. Chương trình nghệ thuật đem đến cho các đại biểu, người dân và du khách quốc tế các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử.
  • Những hình ảnh ấn tượng trong buổi tổng duyệt "Ngày hội văn hoá vì hoà bình"
    Để chuẩn bị cho "Ngày hội văn hoá vì hoà bình" trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các đơn vị tham gia chương trình đã có buổi tổng duyệt vào chiều 4/10.
  • Tây Hồ gắn biển 2 công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Ngày 5/10, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức gắn biển 2 công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp trường Tiểu học Xuân La; Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ (cơ sở 2).
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình - Kỷ Niệm 70 năm Giải Phóng Thủ Đô và 25 năm danh hiệu Thành phố vì hòa bình
    Chương trình sẽ diễn ra từ 7h00 – 10h00 sáng ngày 6/10/2024 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô...
  • "Bay qua Hồ Gươm": Khắc họa Hà Nội qua những vần thơ
    Tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” của tác giả Huỳnh Mai Liên ra mắt ngày 4/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giống như bức “ký họa” về Hà Nội xưa và nay ở nhiều sắc độ, phong vị.
  • Ký ức phía sau bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”
    Thời khắc các cánh quân của Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954 mãi mãi đi vào lịch sử và in đậm trong ký ức của bao người Hà Nội. Đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ghi dấu thời khắc hào hùng “đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” ấy trong đó có tác phẩm “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” của ông Lê Sửu (một người dân Hà Nội). Bức ảnh giản dị, chân thực, có ý nghĩa lịch sử không chỉ với riêng gia đình ông mà còn là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Vũ Thạnh – vị sư biểu của Kinh thành Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO