Văn hóa – Di sản

Vũ Nhự - quan chức, nhà giáo hiền tài

Nguyễn Minh Tường 19/11/2023 14:59

Vũ Nhự, hiệu là Đông Phần, nguyên quán làng Hoa Đường, từ tháng 3-1841, vì kỵ húy bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị (1841-1847) đổi gọi là Lương Đường; và từ tháng 12-1885, thì lại đổi tên là Lương Ngọc (vì vua Đồng Khánh, 1886-1888, húy là Ưng Đường), huyện Đường An, trấn Hải Dương, trú quán tại phường Kim Cổ, huyện Thọ Xương, tỉnh thành Hà Nội. Ông sinh ngày 28 tháng 6 năm Canh Tý (1840).

Vũ Nhự còn để lại cho hậu thế một số tác phẩm dưới đây: Quốc sử lãm yếu (sử), Bảo huấn tập yếu (triết), Lâm Lang di thảo tập (văn), Yêm bác khoa văn (văn), bài dẫn sách Phương Đình tùy bút lục của Nguyễn Văn Siêu (Tiểu dẫn), Kim cổ Đông Phần di tập (văn)...

vu-nhu.jpg
Quan văn thời phong kiến.

Theo Vũ tộc gia phả, hồi nhỏ tuổi, Vũ Nhự học ông cậu là cụ Tú, lớn lên theo học cụ Dương Phượng Đình (?) và cụ Nguyễn Phương Đình (tức danh sĩ Nguyễn Văn Siêu) (1796-1872). Năm 1856, Vũ Nhự thi đỗ đầu xứ, bấy giờ ông 17 tuổi. Sách Quốc triều đăng khoa lục của Cao Xuân Dục cho biết về Vũ Nhự như sau: “Khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868)... Sắc ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp): Vũ Nhự, quán xã Kim Cổ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Sinh năm Canh Tý (1840). 29 tuổi trúng Cử nhân khoa Tân Dậu (1861)...” (Bản dịch, 1961). Khoa thi Mậu Thìn năm ấy lấy đỗ 4 Tiến sĩ, 2 Phó bảng, không lấy đỗ Đệ nhất giáp, nên Vũ Nhự là người đỗ đầu: Đình nguyên Hoàng giáp.

Sau khi thi đỗ, Vũ Nhự làm Hành tẩu (tập sự) ở Nội các, tiếp đó sơ thụ Hàn Lâm viện Tu soạn.

Năm 1869, Vũ Nhự lãnh chức Hàn Lâm viện Thừa chỉ, rồi được bổ làm Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), sau chuyển sang Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Trong thời gian này, Vũ tộc gia phả cho biết có một biến cố tác động đến cuộc đời của Vũ Nhự: Cụ làm Tri phủ Từ Sơn. Bấy giờ phủ ấy có tên Đồ Tịch khởi loạn; cụ đến phủ bèn mộ quân phòng tiễu. Tháng 11 đánh nhau tại thành Cổ Loa; cụ thua, bị quân giặc bắt. Khi chúng giải đi, qua một cái giếng, cụ kêu khát, xin xuống uống nước, nhân đấy nhẩy xuống giếng tự tận. Giặc lấy giáo đâm theo, không thấy gì, bèn bỏ đi. Giếng ấy có một cái hang, vừa người đứng. Khi cụ nhẩy xuống, hình như có người đưa vào cái hang ấy, ngồi một đêm mà không việc gì”. Sau cũng vì việc không ngăn cấm được dân trong bản hạt “để nó theo giặc”, nên Vũ Nhự bị cách chức, suýt phải đi “tiền quân hiệu lực”. Nhưng rồi Vũ Như cáo bệnh, xin về nhà phụng dưỡng mẹ già.

Năm Nhâm Thân (1872) nhân mùa màng thất bát, nhân dân đói kém, khốn khổ, Vũ Nhự xướng xuất việc quyên tiền phát chẩn, nhờ đó mà nhiều người dân sống qua được nạn đói. Việc này được báo lên triều đình, vua Tự Đức (1848-1883) hạ chỉ ban khen Vũ Nhự. Tháng 4 năm ấy, thân phụ của Vũ Nhự qua đời.

Tháng 4 năm Quý Dậu (1873), Vũ Nhự được triệu vào Kinh đô Huế, khai phục chức Hàn Lâm viện Biên tu, tháng 6 lãnh chức Chủ sự Bộ Lễ. Tháng 8, Vũ Nhự lãnh chức Đốc học tỉnh Quảng Nam. Năm 1873, thực dân Pháp ở Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra uy hiếp Hà Nội. Ngày 19-11-1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Bấy giờ ông còn mẹ già vẫn trú tại phường Kim Cổ, huyện Thọ Xương, nên Vũ Nhự xin cho ra Bắc để thăm nhà.

Tháng Giêng năm Giáp Tuất (1874), Vũ Nhự được bổ giữ chức Đốc học Hà Nội. Tháng 9 năm ấy, ông được sung làm Phân khảo trường thi Hương tỉnh Nam Định. Tháng 11 năm Ất Hợi (1875), Vũ Như nhận được chỉ sung làm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, nhưng ông xin ở gần nhà để phụng dưỡng mẹ già. Vua Tự Đức thương tình, chấp thuận lời xin, lại cho nguyên lãnh chức Đốc học Hà Nội.

Trong thời gian giữ chức Đốc học Hà Nội, Vũ Nhự là bậc sư biểu đạo cao, đức trọng, đã có công đào tạo được nhiều học trò, sau này không ít người trở thành những danh sĩ nổi tiếng. Sách Quốc triều đăng khoa lục ghi nhận công lao này của Vũ Nhự như sau: “Vũ Nhự [giữ] chức Đốc học tỉnh Hà Nội, học trò tín ngưỡng theo học rất đông”. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cũng nhận xét về Vũ Nhự: “Trước ông làm Tri phủ Từ Sơn, sau được bổ chức Đốc học Hà Nội. Học trò của ông đều có kiến thức uyên bác, thường đỗ đầu trong các kỳ thi” (1993). Trong số các học trò của Vũ Nhự, có một danh sĩ nổi tiếng, đó là Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906). Vũ Phạm Hàm đỗ Đình nguyên Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Nhâm Thìn (1892). Vua Thành Thái ban sắc cho ông là “Nhất giáp Tam nguyên Thám hoa”. Theo Mộng hồ gia tập do Vũ Phạm Hàm biên soạn vào năm 1888, thì khoảng năm 1875-1876, ông chừng 12, 13 tuổi đã được quan Đốc học Hà Nội Vũ Nhự rất chú ý, yêu mến nhận làm con nuôi, đích thân dạy dỗ (Phạm Vũ Thảng: Thanh Oai tấn thân phả liệt).

Tháng 10 năm Bính Tý (1876), Bộ Lại sát hạch học thần (quan phụ trách việc học các tỉnh, tức Đốc học), Vũ Nhự tham dự, trúng hạng ưu. Tháng 11 năm ấy, các quan đứng đầu tỉnh Hải Dương dâng sớ lên triều đình đề cử Vũ Nhự thuộc hạng người có “học hạnh thuần chính kham sung vào Quán các (tức Nội các) để phòng cố vấn...” (Vũ tộc gia phả).

Năm 1877, vì quan đứng đầu tỉnh Hà Nội cũng dâng sớ nói Vũ Nhự là người có tài học kiêm ưu, có thể sung “chức trong” như vào Quán các còn nếu bổ “chức ngoài” thì làm Án sát của tỉnh lớn (Vũ tộc gia phả). Tháng 10 năm Đinh Sửu (1877), triều đình có chỉ dụ đòi Vũ Nhự về Kinh sung chức Tham biện các vụ, nhưng ông lại tâu vì có mẹ già nên xin được ở gần phụng dưỡng mẹ.

Năm 1878, Vũ Nhự được sung làm Giám khảo trường thi Hương Nghệ An. Vũ Nhự là người vừa có tài văn chương vừa có đức độ, nên dẫu làm quan bên ngoài, nhưng vua Tự Đức vẫn thường chú ý và quý trọng. Năm ấy, vua Tự Đức (sinh năm Kỷ Sửu - 1829) vừa tròn 50 tuổi, triều đình tổ chức “Ngũ tuần khánh tiết”, các tỉnh trong cả nước đều dâng biểu mừng. Biểu mừng của quan tỉnh Hà Nội do Vũ Nhự soạn hộ. Vua Tự Đức đọc tờ biểu này, nhận ra văn của Vũ Nhự nên hạ chỉ ban khen.

Năm Canh Thìn (1880), vua Tự Đức muốn Vũ Nhự làm quan ở Kinh đô để thường xuyên được gần người bề tôi tài năng đức độ, nhà vua dụ Bộ Lại nhắn hỏi Vũ Nhự: “Nuôi mẹ đã xong chưa, có người con trai lớn nào có thể nuôi thay không?” (Vũ tộc gia phả). Quan tỉnh Hà Nội tâu rằng: “Viên ấy lòng yêu mến cha mẹ như đứa trẻ con!”.

Năm Tân Tỵ (1881), quan tỉnh tiến cử Vũ Nhự có thể giữ chức Tuần phủ, vua ra chỉ dụ đòi ông về Kinh. Tháng 9 năm ấy, Vũ Nhự vào bệ kiến, vua Tự Đức dụ bảo trực tiếp ông rằng: “Đem hiếu làm trung, người nên nghĩ đấy! Sao cho đừng hổ với khoa danh!” (Vũ tộc gia phả). Tháng ấy, vua mở khoa thi thử về văn học, xem sức học uyên bác của các quan trong triều đình ra sao? Vũ Nhự ứng hạch, đỗ đầu. Sách Đại Nam liệt truyện chép về sự kiện này như sau: “Vũ Nhự... được triệu về triều thử về văn học, quả là uyên bác, được cất lên Quang lộc tự khanh, sung biện Nội các sự vụ. Năm Tự Đức thứ 35 (1882), quyền sung Tuần phủ Hà Nội... Sau dời đến đóng ở huyện Từ Liêm... Năm sau, hòa ước nghị thành, kiêm lãnh Tổng đốc” (Bản dịch, 1993). Năm 1884, Vũ Nhự được triệu về Kinh nhận chức Hàn Lâm viện Trực học sĩ, sung Toản tu Quốc sử quán. Vào năm này, ông được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (1884).

Năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), Vũ Nhự được thăng làm Tham tri bộ Lễ nhưng vẫn giữ chức Toản tu Quốc sử quán. Vũ Nhự mất ngày 20 tháng 8 năm Bính Tuất (1886) tại Kinh đô Huế, hưởng thọ 47 tuổi./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Vũ Nhự - quan chức, nhà giáo hiền tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO