Viên Chiếu – thiền sư bậc thầy, thi nhân
Thiền sư, thi nhân Viên Chiếu (999 - 1090), tên thật là Mai Trực, sinh năm Kỷ Hợi (999), mất ngày 26 tháng Chạp, năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ sáu (1090). Quê ở huyện Phúc Đường, châu Long Đàm (sau đổi thành huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Ông là con người anh hoàng hậu Linh Cảm, vợ vua Lý Thái Tông (1000 - 1054). Sư thông thạo kinh sách, phép tắc tu hành và trở thành người đứng đầu thế hệ thứ bảy dòng thiền Quan Bích.
Sách Thiền uyển tập anh (1337) ghi rõ việc sư Viên Chiếu là bậc tu hành tài cao đức trọng và có công hoằng dương Phật giáo tại kinh thành Thăng Long: “Thuở nhỏ, ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học. Nghe tiếng Trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ. Trưởng lão xem kỹ tướng mạo rồi nói: “Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia tất sẽ là vị thiện Bồ tát, còn không thì thọ yểu chưa biết thế nào”. Sư cảm ngộ rồi từ biệt thân quyến đến thụ nghiệp với trưởng lão Định Không (? - 1050) ở núi Ba Tiêu. Trong những năm ấy, sư suy cứu Thiền học, chuyên chú trì tụng kinh Viên giác, tinh thông phép Tam quán. Một đêm sư đang ngồi Thiền định thì mơ thấy Văn Thù Bồ tát cầm dao mổ bụng lôi ruột sư ra rửa, rồi trao cho diệu dược để chữa vết thương. Từ đó sự hiểu sâu nghĩa lý kinh Tam muội, thuyết giảng trôi chảy. Sau sư đến gần vùng kinh kỳ dựng chùa trụ trì, người đến theo học đông nườm nượp”...
Sách Thiền uyển tập anh còn cho biết Viên Chiếu là bậc thông tuệ, viết sách đến vua nhà Tống còn phải khâm phục: “Sư từng soạn sách Dược sư thập nhị nguyện văn. Vua Lý Nhân Tông lấy bản thảo sách ấy đưa cho sứ giả nước ta đem sang Trung Quốc để tặng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống trao cho vị pháp sư cao tọa ở chùa Tướng Quốc xem. Pháp sư xem xong chắp tay tâu với vua Tống: “Ở nước Nam có vị Bồ tát sống đã ra đời, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi. Chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào”. Vua Tống sai chép lại một bản, còn bản chính giao lại cho sứ giả đem về. Sứ giả trở về tâu lại sự việc. Vua Lý Nhân Tông khen ngợi, ban thưởng cho sư rất trọng hậu”...
Tác phẩm chủ yếu có Dược sư thập nhị nguyện văn, Tán viên giác kinh, Thập nhị Bồ tát hành tu chứng đạo tràng, Tham đồ hiển quyết... song đều đã thất truyền. Riêng sách Tham đồ hiển quyết có lẽ đã được trích tuyển phần lớn trong sách Thiền uyển tập anh. Hình thức gồm những câu hỏi của đệ tử và câu trả lời của Viên Chiếu. Điều khác biệt là các câu trả lời được hiểu như những “công án”, những cách nói ngẫu nhiên, đột ngột nhằm khơi gợi trực giác của môn đệ, thậm chí có lúc sư thầy trả lời bằng cách ngược lại học trò. Tổng cộng có 26 đôi câu ngũ ngôn, 53 đôi câu thất ngôn, có 1 đôi câu sáu chữ và 1 đôi câu chín chữ. Nội dung hướng về các vấn đề Thiền học như mối quan hệ “thể” và “dụng”, “hữu” và “vô”, “lý” và “hình”, “sự nói” và “sự hiểu”, v.v... Các câu trả lời dường như đều lệch pha, không theo lô gic thông thường, không ăn nhập gì với câu hỏi. Tuy nhiên, cả người hỏi và người trả lời đều triệt để vận dụng các hình ảnh, hình tượng thiên nhiên (hoa cúc, chim oanh, ngọn gió, dòng nước...), các liên tưởng gần cận với thuật ngữ, điển cố nhà Phật (đáo ngạn - sang bờ, hồi đầu - quay đầu, ưng vô vấn - không nên hỏi, rồi những Như Lai, Tào Khê, luân hồi, kiếp, pháp, tâm...) in đậm cảm quan Phật giáo. Đáng chú ý nhất là những câu thơ tả cảnh sinh động, gần với đời sống tự nhiên, có thể coi là những áng thơ đẹp.
Với cách trả lời bằng những câu thơ in đậm hình thức công án, sư Viện Chiếu có được những hình ảnh thiên nhiên mỹ lệ, gợi cảm. Có khi đó là hình ảnh tương hợp đặc trưng của mùa thu với cúc vàng, mùa xuân với chim oanh:
Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.
Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu,
Xuân ấm về oanh náu đầu cành)
Có khi là sự nhân hóa, hòa nhập sự cảm nhận trực giác với không gian tâm tưởng, tạo nên tứ thơ độc đáo:
Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo,
Sơn nham đới nguyệt quá tường lai.
(Xuyên rặng trúc, còi theo gió tới,
Vượt bờ tường, núi đội trăng sang)
Nhiều câu thơ hướng đến tả cảnh chân thực, ngỡ như gặp lại chính cuộc sống người dân làng quê với tất cả những vui buồn thế sự. Cuộc sống vốn có cả những khúc mắc đời thường và được thi nhân quan sát, chiêm nghiệm cụ thể, tinh tế:
Nhất nhân hướng ngung lập,
Mãn tọa ẩm vô hoan.
(Một người quay mặt vào tường,
Cả nhà ngồi uống rượu suông vui gì)
Cuộc sống cũng có những thói quen bình dị, thân thuộc và phút giây thanh thản, yên bình:
Hứng lai huề trượng du vân kính,
Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng.
(Hứng lên xách gậy dạo đường quê,
Mỏi mệt buông rèm khểnh chõng tre)...
Theo sách Thiền uyển tập anh, Viên Chiếu còn để lại một bài kệ trước lúc mất theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Đặt trong tương quan giữa bài kệ - phần “tàng trữ giá trị thi ca” với phần “truyện tiểu sử” có thể thấy rõ dấu ấn hình thức thể tài “biến văn”:
“Ngày.., sư không bệnh, cho gọi đệ tử đến bảo rằng:
- Thân hình ta đây, xương thịt gân cốt đều do tứ đại [đất, nước, lửa, gió] hợp thành, tất không thể thường tồn được. Cũng như khi khung nhà đã hư hỏng thì rui, mè đều rơi rụng. Các người hãy trân trọng lời kệ của ta đây:
Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc, không, ẩn, hiện nhậm suy di.
(Thân như tường vách đã lung lay,
Lật đật người đời, những xót thay.
Nếu được “lòng không” không sắc tướng,
“Sắc”, “không”, ẩn, hiện mặc vần xoay)
Đọc kệ xong, sư nghiêm trang qua đời”...
Như vậy, có thể thấy lời dạy bảo của sư Viên Chiếu bằng đoạn văn xuôi rõ ràng có sự tương hợp chặt chẽ với lời kệ - bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, kể từ nội dung triết học về bản thể sắc – không của nhà Phật cũng như việc sử dụng lại những hình ảnh tượng trưng: lời văn xuôi tự sự là xương thịt, gân cốt, khung nhà, rui mè, rơi rụng… thì lời thơ chuyển hóa và nâng cấp thành tường vách lung lay, lòng không, sắc tướng, ẩn hiện, suy di... Bài kệ là một chứng dẫn sâu sắc cho định hướng thuyết giáo, tuyên truyền giáo lý nhà Phật vốn rất phổ biến ở loại hình văn học tôn giáo. Đây là hiện tượng nằm trong quy luật chung của loại văn học thuyết xướng tôn giáo, trong đó có sự phối hợp giữa văn xuôi và thơ ca - phần văn xuôi có chức năng thể hiện chất liệu tự sự, còn thơ ca để nâng các chất liệu này lên hình thức tinh luyện, dễ nhớ và dễ lưu truyền./.
Theo Doanh nhân Thăng Long - Hà Nội