Văn hóa – Di sản

Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc

Vũ Thanh Sơn 18/10/2023 16:00

Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, cha là Hùng Định, Lạc tướng Mê Linh, mẹ là Trần Thị Đoan. Sử nước ta đều viết bà Man Thiện là mẹ của Hai Bà Trưng, quê ở phía dưới ngã ba Bạch Hạc. Hai Bà sinh tại xóm Đường, trang Cổ Lai. Hùng Định mất sớm, bà Đoan nuôi dạy con gái theo tinh thần thượng võ, mượn những người tài giỏi về dạy văn võ cho hai con gái.

Trưng Trắc lớn lên là người tài sắc, kết duyên cùng Thi Sách là con viên Lạc tướng Chu Diên.

Đất nước bị nô lệ vào nhà Hán, từ năm Kiến Vũ (nhà Hán) năm thứ 10 (năm 34), khi Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ (Quận Giao Chỉ thời Hán là Bắc Bộ ngày nay có 10 huyện là Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Mê Linh, Chu Diên) thì sự tham lam, tàn bạo của hắn lên tới cực điểm. Nhân dân lầm than cơ cực không biết đâu mà kể, ngay Mã Viện cũng phải nói: “Tô Định giương mắt lên vì tiền”. Nhân dân Giao Chỉ uất hận, nhiều lần chuẩn bị khởi nghĩa nhưng đều bị Tô Định dìm trong biển máu. Thi Sách huyện trưởng huyện Chu Diên (gồm các vùng thuộc Hà Đông - Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, một phần Nam Hưng Yên ngày nay) cùng với em trai là Thi Huy và nhiều người khác chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng âm mưu bại lộ, Thi Sách, Thi Huy cũng nhiều người khác bị Tô Định giết chết.

khoi-nghia-hai-ba-trung.png
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ảnh minh họa

Nợ nước thù nhà chồng chất, tháng 2 năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát. Hát Môn chảy từ cửa sông Hồng ra, nay phù sa bồi lấp, sông Hát chỉ còn là một cái lạch nhỏ và vạt đầm hồ có tên là sông Cùng, bến Chúa, chỉ từ cầu Phùng trở xuống mới thành sông gọi là sông Đáy.

Khi đó ở khắp Giao Chỉ cũng có hàng chục cuộc khởi nghĩa đang âm ỉ, Hai Bà gửi hịch khởi nghĩa đi khắp các quận huyện, được hàng chục thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa như ở Hưng Yên có Trần Thị Mã Châu ở xã Quảng Châu (Tiên Lữ), Trần Lữu ở trang Đào Đầu (Tiên Lữ), Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở Hải Dương, Lê Chân ở Hải Phòng, Đỗ Năng Tế ở Hà Đông, Sơn Tây, Lê Thị Hoa ở Thanh Hóa, Thiều Hoa ở Phú Thọ, Vũ Thị Thục ở Sơn Nam... đã nhất tề kéo quân về Mê Linh hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Ở Nhật Nam Cửu Chân và ở cả Hợp Phố (trên đất Trung Quốc, cũng có những cuộc khởi nghĩa. Hai Bà lập đàn thề ở Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) tế cáo trời đất với lời thề:

Một, xin rửa sạch nước thù,

Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.

Ba, kéo oan ức lòng chồng,

Bốn, xin vẹn vẹn sở công lênh này.

(Thiên Nam ngữ lục)

Tháng 2 năm 40, Hai Bà chỉ huy các tướng lĩnh đưa quân từ cửa sông Hát đi hạ các thành trì của giặc, đồng thời các thủ lĩnh nghĩa quân khác cũng hạ thành giặc ở địa phương như Lã Văn Ất hạ thành Kênh Cầu (Văn Giang) sau đó hợp với đại quân của hai bà đến phá thành Luy Lâu của Tô Định (vùng Dâu, huyện Thuận Thành). Tô Định chống cự không nổi phải bỏ cả ấn tín, vàng bạc châu báu, vặt râu, thay áo, chui qua lỗ chó chui lần mò trốn về Nam Hải (Quảng Đông).

Dẹp xong giặc, bà Trưng Trắc lên làm vua đóng đô ở Mê Linh, xá thuế cho dân 2 năm, cắt đặt các tướng chia quân đi chiếm giữ những nơi hiểm yếu.

Về cuộc khởi nghĩa này, nhà sử học Lê Văn Hưu thế kỷ thứ XIII bàn: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà hô một tiếng mà cả Cửu Chân, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng. Bà dụng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay. Như thế thì thấy hình thế đất Đại Việt ta có thể được cơ nghiệp bá vương”.

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, nhiều tướng lĩnh, quân sĩ là nữ giành toàn thắng, thành lập vương triều. Một cuộc khởi nghĩa như thế chỉ có một lần ở Việt Nam và trên thế giới.

Hán Quang Vũ không cam chịu thất bại nhục nhã đã hạ lệnh cho các quận huyện ở Hoa Nam sắm sửa thuyền bè, xe cộ, khí giới, điều binh mã xâm lược nước ta. Vua Hán phong cho Mã Viện chức Phục Ba tướng quân, đem 20.000 quân, 2.000 chiến thuyền sang đánh. Mã Viện theo đường biên giới Lạng Sơn tiến sang đã bị nữ tướng Thánh Thiên đánh cho đại bại phải chạy về Trung Quốc. Mã Viện xảo quyệt chuyển hướng hành quân về Hợp Phố, Khâm Châu, Phòng Thành, Đông Hưng (Trung Quốc) chia làm hai cánh thủy, bộ cùng xâm nhập nước ta, trong khi vẫn nghi binh ở biên giới Lạng Sơn. Quân bộ của Mã Viện vượt sông Bắc Luân sang Móng Cái rồi theo đường 14, đến thị trấn Tiên Yên thì theo đường 18, qua Hòn Gai về cửa sông Bạch Đằng hợp với quân đi đường biển xuất phát từ Khâm Châu qua vịnh Hạ Long vào cửa sông Bạch Đằng để hợp với quân bộ, rồi cùng tiến về Lục Đầu giang, Phả Lại.

Hai Bà Trưng lập phòng tuyến ở Lãng Bạc - một vùng trũng giữa hai bờ sông Cầu từ Đông Triều đến Yên Phong. Trận đánh dữ dội, khoảng 10.000 quân của Hai Bà hy sinh. Quân ta tan vỡ, Hai Bà rút về lập phòng tuyến ở Cấm Khê. Cuộc chiến đấu ở đây kéo dài gần một năm. Cuối cùng quân ta thua to, tan vỡ.

Theo truyền thuyết các tướng sĩ có mặt ở Cấm Khê như Cả Lợi, Hai Lợi, Hà Tơ, Hà Liễu, năm anh em chàng Vịt với mục đích cứu chủ tướng đến cùng. Trận đánh diễn ra ác liệt, đẫm máu. Trưng Vương bị tử thương, voi của bà cũng bị quân giặc đâm nhiều nhát, uống nước rồi chết. Tướng sĩ liều chết cướp được xác chủ tướng đem tới nơi an toàn mai táng. Cũng theo truyền thuyết thì quân sĩ mang thi thể của Trưng Vương về an táng tại khu vực Đền Hùng.

Voi của Trưng Nhị cũng bị giặc đâm chết tại trận, quân ta tan vỡ, các tướng phần nhiều bị thương phải chạy về bản doanh. Theo truyền thuyết thì Hà Tơ đi cứu Hai Bà bị giặc chém vào vai, ông chạy về bản doanh ở Giàn Cẩm (Phong Châu), chưa về tới nơi thì hóa ở cánh đồng Miễn cách Giàn Cẩm 5 kilômét. Trước tình thế như vậy, bà Trưng Nhị gieo mình xuống ngòi Cấm Khê tự tử. Nhân dân ven sông Nguyệt Đức vớt được giải yếm, giải áo của bà Trưng Nhị lập miếu thờ bà ở Xuân Đài. Miếu Giá Phú, làng Cấm Viên xưa có mộ hai ông voi.

Sau thất bại ở Cấm Khê, một số tướng lĩnh vẫn còn tiếp tục cuộc chiến đấu.

Tuy tiêu diệt được Hai Bà, đặt ách thống trị ở nước ta, nhưng quân Đông Hán cũng bị thiệt hại nặng nề. Sách Hậu Hán thư cho biết: “Mùa thu năm sau, Mã Viện đem quân về Kinh, quân quan cũng chết bốn, năm phần”, tức là vào khoảng hơn một vạn tên.

Nhân dân Hạ Lôi, nhân dân Hát Môn lập đền thờ Hai Bà. Đền Đồng Nhân được xây muộn hơn, theo bia Sự tích Trưng Vương ở đền Đồng Nhân như sau:

“Trên đời có những sự nghiệp kỳ lạ làm cho người ta không thể ngăn được lòng hâm mộ và xúc động.

Nước Đại Nam ta từ thời Hồng Bàng đến thời Lê, trước sau trong khoảng mấy nghìn năm, có những bậc anh hùng nối tiếp nhau chiếm cứ các vùng châu thổ dựng lên các triều chính thống như bốn họ Đinh, Lý, Trần, Lê.

Than ôi! Đấng trượng phu phải là như thế.

Trong nữ giới mà trượng phu, chính là Hai Bà Trưng. Hai Bà là con Lạc tướng, cháu Lạc vương, vốn không phải người thường. Nhưng từ khi nước Văn Lang bị mất thế nước thuộc về nhà Thục, nhà Triệu, rồi đến nhà Hán lệ thuộc nước ngoài hơn 200 năm. Việc ấy không cần bàn luận. Thêm vào đó, bọn thái thú nhà Hán hoành hành bạo ngược, những bậc hào kiệt chưa ai nổi dậy. Buổi ấy trong nước có việc kỳ lạ lắm thay! Đó là bà Trưng chị vì chồng, bà Trưng em vì chị, xắn cánh tay, hô một tiếng, bọn thái thú bạo ngược bỏ chạy. Trong khoảng vài ngày, bình định được hơn 50 thành, oai vũ lừng khắp cõi nước Nam, thanh danh làm rung động đất Hoa Hạ. Mặc dù trí dũng như Phục Ba, mà Hai Bà vẫn ba lần đánh thắng, thanh thế làm cho người Hán bao phen ngày đêm vất vả. Đến lúc việc chẳng chiều lòng, cùng nhau xắn tay nhẩy xuống sông Hát. Trí tuệ như thế ai mà sánh kịp, tài lược như thế ai mà sánh kịp. Chị em một nhà, anh hùng muôn thuở, hai bà quả thực là bực anh hùng hiếm có trong nữ giới và việc làm của Hai Bà cũng khó mà có được trong nữ lưu.

Các đấng trượng phu làm việc vốn không cần bàn luận thành bại, mà việc làm của Hai Bà lại càng không nên lấy bà thành bại mà luận bàn. Nghìn đời sau, đọc trang sử cũ, khiến mọi người đều tăng thêm chính khí. Đến bản triều, Hai Bà vẫn được ghi vào từ điển. Ngoài ra miếu thờ Hai Bà đâu đâu cũng có, ấy là do uy thiêng của Hai Bà lưu truyền lại.

Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ miếu cũ, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương được ban cấp hơn 6 mẫu đất để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y. Thế là triều đình đã thể theo nguyện vọng của dân, điều đó có bằng cứ rõ ràng. Còn như việc thi thể không hóa và những điều linh ứng lạ lùng thì đều là những sự truyền miệng thêm thắt.

Nhân tìm được tấm bia bỏ không ở nơi đền mới, người ta cậy tôi viết bài văn, ý muốn mượn bia để truyền lại những việc đó. Tôi cũng mượn bia này để bày tỏ ý kiến giúp người xem bia hiểu cho đúng. Vậy có bài ký này. Còn tấm bia thứ hai Cử nhân Dương Duy Thanh soạn cũng có nội dung tương tự, nên chúng tôi không viết ra đây.

Năm Minh Mạng thứ 21 trong muôn vạn năm. Canh Tý (1840, trung tuần tháng năm, ngày tốt dựng bia.

Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826), nguyên Đốc học Bắc Ninh, Vũ Hoán phủ, hiệu Đường Xuyên soạn” (Lê Thước - Trần Huy Bá dịch)...

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO