Văn hóa – Di sản

Di tích thành Cổ Loa: Huyền thoại và lịch sử

PGS.TS Nguyễn Quang Miên 07:53 22/10/2023

Khu di tích Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là một trong số những vùng đất hội tụ nhiều tinh anh văn hóa. Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia. Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn ngỡ ngàng khi tình cờ bắt gặp những di vật khảo cổ học độc đáo hay lắng nghe những truyền thuyết ly kỳ, huyền ảo và đẹp đẽ về thần Kim Quy, đức vua An Dương Vương và nàng công chúa Mỵ Châu.

anh-4-khu-di-tich-co-loa-dong-anh-ha-noi.-anh-tu-lieu.jpg
Khu di tích Cổ Loa.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 257 TCN, sau khi hợp nhất Văn Lang và Tây Âu thành nước Âu Lạc, vua An Dương Vương sai đắp thành ở Cổ Loa - một tòa thành vừa là nơi ở của vua và triều đình, vừa là nơi dân cư tập trung sinh sống, vừa đảm bảo quân giặc không thể đánh phá, đó cũng chính là kinh đô của nước Âu Lạc. Truyền thuyết dân gian kể rằng, thành này cứ khi vừa xây xong thì lại bị đổ sụp. Vua lấy làm lo, liền trai giới lập đàn khấn trời đất và thần linh sông núi phù hộ. Theo lời khẩn cầu của nhà vua, mùa xuân, tháng 3, chợt có một thần nhân đến trước cửa thành báo với nhà vua là “Cứ đợi giang sứ đến”. Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được tương lai”. Vua hỏi về nguyên do thành sụp, rùa vàng đáp: “Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù trước…”. Rùa vàng (thần Kim Quy) đã giúp vua diệt trừ yêu ma và đắp thành. Thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng vừa dày vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành. Vậy, Loa thành ấy ở đâu và đã được xây dựng như thế nào?

Đã có một số thư tịch cổ ghi chép về nơi đóng đô của vua An Dương Vương, song nhìn chung đều khá mơ hồ và không rõ ràng. Và tất cả đều giống nhau khi mô tả thành này có dạng xoắn như hình con ốc. Từ năm 1943 đến nay, di tích Cổ Loa ở Đông Anh (Hà Nội) đã thu hút quan tâm nghiên cứu của giới khoa học. Đặc biệt, là từ năm 1975 trở lại, tòa thành cổ này đã được tiến hành nghiên cứu khảo cổ học bởi nhiều đơn vị chuyên môn trong nước và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề nổi bật đặt ra là: thành Cổ Loa hiện tại với 3 vòng đất kỳ vĩ kia có phải là đã được đắp vào thời kỳ vua An Dương Vương hay không? Và tòa thành ấy đã được xây dựng như thế nào?

so-do-mat-cat-tuong-thanh-va-nien-dai-cac-lop-tram-tich-van-hoa-di-tich-co-loa.-trong-do-lop-1-3-la-giai-doan-giua-lop-4-la-giai-doan-muon.jpg
Sơ đồ mặt cắt tường thành và niên đại các lớp trầm tích văn hóa di tích Cổ Loa. Trong đó Lớp 1-3 là giai đoạn giữa; Lớp 4 là giai đoạn muộn. Nguồn: Phỏng theo Nam C.Kim 2005.

Kết quả hợp tác nghiên cứu nhiều năm (2005-2008) giữa trường Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã cho một hệ thống những số liệu đo tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ ở các vòng thành, từ đó cho lời giải thuyết phục là tòa thành trên đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN - thế kỷ II TCN (Nam C.Kim 2010). Nghĩa là hầu như trùng khớp với thời kỳ nhà nước Âu Lạc và vua An Dương Vương, định đô xây thành như các thư tịch cổ đã ghi chép.

so-do-danh-gia-hien-trang-khu-di-tich-thanh-co-loa-nam-2011.-nguoi-lap-nguyen-quang-mien-lai-van-toi-nguyen-dang-cuong-.jpg
Sơ đồ đánh giá hiện trạng khu di tích thành Cổ Loa năm 2011. (Người lập: Nguyễn Quang Miên, Lại Văn Tới, Nguyễn Đăng Cường).

Năm 2011, để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ đánh giá giá trị và quy hoạch bảo tồn khu di tích, giới khảo cổ học đã tiến hành khảo sát, xác định vị trí và lập sơ đồ đánh giá hiện trạng di tích thành Cổ Loa.

Theo đó, ở phía đông nam của thành là sông Hoàng Giang với vai trò quan trọng vừa là hào ngăn vừa là tuyến giao thông đường thủy dẫn ra với sông Hồng. Hiện nay, khu vực này là tuyến đường chính dẫn vào thành và rất có thể cũng là cổng chính của thành Cổ Loa xưa kia. Tòa thành có cấu tạo 3 vòng tường đất, các vòng thành bao bọc nhau, thứ tự từ ngoài vào trong.

Vòng thành Ngoài, còn gọi là thành Ngoại là một đa giác kín tự nhiên do được làm bằng cách đào và đắp nối hệ thống các gò, đống, doi đất cao sẵn có trước đó. Vòng thành này có chu vi dài khoảng 8.000m, cao khoảng 3-4m và rộng trên mặt khoảng 6m, rộng chân khoảng 12-20m. Lượng đất đào đắp ước khoảng 368.000m3.

Vòng thành Giữa, còn gọi là thành Trung cũng là một đa giác kín tự nhiên và được làm tương tự như ở vòng thành Ngoại. Vòng thành này có chu vi dài khoảng 6.500m, cao khoảng 5m và lượng đất đào đắp ước khoảng 510.900m3.

Vòng thành Trong, còn gọi là thành Nội, là vòng thành trong cùng, có kiểu dáng hình chữ nhật có chu vi khoảng 1.850m, cao khoảng 5m, rộng trên mặt khoảng 6-12m, rộng chân 20-30m. Lượng đất đào đắp ước khoảng 178.200m3.

Theo đó, tổng cộng lượng đất đã đào đắp cho cả ba vòng thành là 1.057.100m3. Ngoài ra, cùng với các vòng thành đắp bằng đất, trên mặt thành còn có các ụ phòng vệ (có người gọi là hỏa hồi), chẳng hạn ở thành Trong còn có 12 ụ phòng vệ. Thành Ngoài phía bắc và thành Giữa còn có một số gò đống, ụ phòng vệ khác như gò Cột Cờ, Ngự Xạ Đài, gò Vua, gò Đống Chuông… mà tương truyền là tất cả có khoảng 72 ụ.

Phía ngoài của các vòng thành đều có hào nước kết nối nhau tới Đầm Cả và nối thông ra sông Hoàng Giang thuận lợi cho di chuyển và giao thương giữa các khu trong thành cũng như xa hơn tới sông Hồng. Kết quả đào cắt đường hào ở khu thành Giữa cho thấy hào cách chân thành 6,5m, mặt hào rộng 10m, đáy hào rộng 1,0m và sâu 4,5m.

huhu.jpg
Một số hiện vật khảo cổ tiêu biểu phát hiện ở Cổ Loa (Trống đồng, lưỡi cày đồng, mũi tên đồng). Nguồn: Tống Trung Tín 2020.

Cùng với nghiên cứu theo chu vi, công tác khảo sát tường thành theo các mặt cắt ngang cũng được thực hiện và đều cho kết quả gần giống nhau. Đó là, những tường thành ở Cổ Loa đã được đắp theo 3 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 thuộc thời kỳ nhà nước Văn Lang, giai đoạn 2 thuộc thời kỳ An Dương Vương và giai đoạn 3 thuộc thời kỳ sau Cổ Loa (Nam C. Kim 2005).

Như vậy, với khoảng một triệu mét khối đất đã được đào đắp cho cả 3 vòng thành và giả thiết rằng mỗi lao động làm một ngày đắp được 1m3 - và nếu huy động 1.000 người làm thì sẽ phải cần khoảng 1.000 ngày, nếu có 5.000 người thì sẽ cần khoảng 200 ngày để hoàn thành. Thêm nữa, để có thể nuôi được một nhân công đắp thành thì cần có khoảng 10 người khác làm việc để cung cấp lương thực và các đồ thiết yếu. Đúng như ý kiến đánh giá của học giả Nam Kim: Trong thời kỳ An Dương Vương, khu vực Cổ Loa đã là một trung tâm tập trung dân cư lớn bậc nhất ở Đông Nam Á, có trình độ sản xuất khá cao, cuộc sống của người dân khá dư dả và những người quản lý quốc gia Âu Lạc và ở Cổ Loa đã có trình độ tổ chức cao đủ mạnh để có thể huy động một số lượng lớn người tập trung đông đúc cùng lao động đắp thành trong một thời gian khá dài (Nam C. Kim 2005). Bằng chứng về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần thời kỳ này trên đất Cổ Loa có thể được hình dung qua những hiện vật khảo cổ phát hiện được ở đây như: Trống đồng, lưỡi cày đồng, mũi tên đồng…

Điều này chứng tỏ, vào thế kỷ III TCN, Âu Lạc đã là một quốc gia phát triển có trình độ tổ chức xã hội đạt mức cao, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ. Theo đó, chúng ta có thể hình dung, cùng với câu chuyện về thần Kim Quy đã giúp nhà vua diệt trừ tà ma quấy nhiễu trong khi xây thành Cổ Loa, đó chính là thành công của những giải pháp củng cố và xây dựng sự đoàn kết, đồng lòng giữa các bộ lạc, các tộc người Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ dựng nước sơ khai.

Rõ ràng là suốt trong quãng thời gian của thời đại kim khí Việt Nam, khu vực Cổ Loa (Đông Anh) đã luôn là một trung tâm văn hóa lớn ở đồng bằng châu thổ sông Hồng và cũng là một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng vào loại bậc nhất của nhà nước Âu Lạc thời vua An Dương Vương. Nghiên cứu ở Cổ Loa đã cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn về quy mô, mức độ và cấu trúc xã hội của một vùng dân cư nông nghiệp tập trung đông đúc trong thời kỳ An Dương Vương ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong khu vực Cổ Loa - Đông Anh đã thấy rõ nhiều dấu vết về nền văn minh sông Hồng trong sự đan xen giữa những bằng chứng vật chất khảo cổ học và huyền thoại truyền thuyết dân gian. Có thể nói, những kết quả nghiên cứu và khảo cổ đã cho thấy, Cổ Loa là một trong những kinh đô cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á, được xây dựng bắt đầu vào khoảng thế kỷ III TCN với kỹ thuật truyền thống là tận dụng triệt để những ưu thế của địa hình tự nhiên để tạo nên những cấu trúc vòng thành và hào sâu bao bọc nhau. Các gò, đống, doi đất cao trong khu vực cũng đã được dùng để tạo thành một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược của tòa thành. Hệ thống sông, hồ trong khu vực cũng đã được tận dụng hết sức linh hoạt để giải quyết nhu cầu về nước ăn, nước tưới, tuyến hào phòng thủ, tuyến giao thông và thương mại qua lại giữa các bộ phận trong kinh thành cũng như giữa kinh thành với các vùng cư dân lân cận. Thành Cổ Loa là sự thể hiện sáng tạo độc đáo, đỉnh cao của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm; xứng đáng trở thành di sản văn hóa nhân loại với tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Di tích thành Cổ Loa: Huyền thoại và lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO