Từ ngôi đình làng Vạn Phúc
Họa sĩ Nguyễn Nghiêm thật có lý, khi chọn tấm ảnh đình làng Vạn Phúc, như một biểu tượng, để trình bày bìa cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc”. Xưởng in Viện Điều tra - Quy hoạch rừng, với máy ốp - sét hiện đại đã thể hiện được gần như trọn vẹn, đường nét và màu sắc, hơn thế nữa, tôn lên vẻ đẹp vốn có của ngôi đình, từ búp bàng non đến lớp rêu phong cổ kính...
Cầm cuốn sử làng trên tay, đâu chỉ riêng người Vạn Phúc mà biết bao lớp chiến sĩ cách mạng đã từng coi quê lụa là quê hương thứ hai của mình đều cảm thấy xốn xang. Vạn Phúc từng vinh dự được nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh và nhiều thế hệ cán bộ ưu tú của Đảng. Là “an toàn khu” của xứ ủy Bắc Kỳ và tỉnh ủy Hà Đông, Vạn Phúc đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu trong nhiều trang hồi ký cách mạng. Ngôi nhà Bác ở và làm việc 16 ngày, viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã trở thành “Nhà lưu niệm Bác Hồ”.
Nhiều sự kiện lịch sử, in trong sách giáo khoa, hoặc trong trí nhớ sâu thẳm của các đồng chí lão thành cách mạng đều ít nhiều gắn bó, đan dệt với tên làng Vạn Phúc; và ngôi đình như một nhân chứng sống, hơn thế nữa là người trong cuộc, tạo không gian, địa điểm, lưu giữ, hội tụ tầng tầng lớp lớp sự kiện chính trị sôi động của quê hương.
Chính ở đây, 86 năm trước, vào lúc 9 giờ sáng ngày 7/2/1937, hàng trăm quần chúng Vạn Phúc tập dượt cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên, nhất tề giờ tay trái lên chào theo kiểu Mặt trận bình dân, hô vang các khẩu hiệu đòi tự do đi lại, hội họp, báo chí, giảm thuế cho dân nghèo, thả hết chính trị phạm, trao bản “dân nguyện” cho Gỗ - Đa, trước con mắt hằn học của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, khét tiếng xảo quyệt...
Cũng tại nơi đây, với tổ chức chặt chẽ hơn, sau khi chi bộ Đảng ra đời, ngày 12/7/1939, hàng trăm quần chúng lại tập trung tại sân đình, đấu tranh trực diện với tên thực dân cáo già Cút - sô, chống lại âm mưu cướp ruộng công của phủ thống sứ Bắc Kỳ, trước mặt toàn bộ “Hội đồng quản thủ điền thổ Bắc Kỳ”, và bọn tay sai đầu tỉnh, đầu phủ ở Hà Đông và Hoài Đức... Báo chí công khai của Đảng đã kịp thời phản ánh, cổ vũ, và đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương đã phân tích ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh chính trị này.
Và mãi mãi sẽ là sự kiện lịch sử hào hùng nhất, sáng ngày 17/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung cánh, trước cuộc mít tinh lớn tại sân đình, mở đột phá khẩu trong toàn tỉnh, đồng chí Hà Xuân Tý tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ trịnh trọng tuyên bố chính quyền thuộc về nhân dân và trân trọng giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt, giữa tiếng hoan hô vang dội của hàng nghìn người.
Thật không phải ngẫu nhiên, năm đầu tiên kỷ niệm Quốc khánh, thị xã Hà Đông làm con đường lụa vàng óng, nối từ sân đình Vạn Phúc đến vườn hoa “Cửa cấm” mang tên “đường cách mạng”. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, dẫn đầu đoàn đại biểu về châm ngọn lửa cách mạng ở đình Vạn Phúc, cùng hàng nghìn quần chúng rước đuốc qua “đường cách mạng”, nguyện đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và tài sản để giữ vững nền tự do và độc lập. Ngọn lửa truyền thống ấy, được Đảng gieo mầm, mãi mãi tỏa sáng, tạo bản lĩnh và niềm tin cho lớp lớp người dân quê lụa, vững bước và biết tự vượt mình, trên con “đường cách mạng”.
Hướng về thành đồng Tổ quốc, ngay sau ngày “Nam Bộ kháng chiến” 12 cán bộ, chiến sĩ của Vạn Phúc đã gia nhập đội quân Nam tiến, trong đó có hai anh em ruột là Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Văn Quy.
Ngôi đình làng Vạn Phúc lập tức trở thành cơ sở sản xuất vũ khí của xưởng quân giới Phan Đình Phùng và lại vinh dự được Trung ương chọn mở Lớp huấn luyện chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các tỉnh trong cả nước, chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp về đây giảng bài, bồi hồi trở lại “an toàn khu”, từng muôn phần thân quen, gần gũi.
Vạn Phúc luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng, trước cách mạng từng xây dựng “trận địa lòng dân”, nhất mực thủy chung cùng cách mạng; trong kháng chiến, càng bền gan vững chí, thực hiện lời hịch thiêng liêng của Hồ Chủ tịch “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đúng là lửa thử vàng, ở sát căn cứ quân sự đầu tỉnh của địch, chỉ cách Hà Nội 11 km, Vạn Phúc sớm trở thành mục tiêu truy quét, trọng điểm bình định, vùng tạm chiếm sâu, chỉ điểm, mật vụ cài cắm, hệ thống đồn bốt dày đặc, có lúc mật độ lính địch đông hơn dân địa phương. Ngoài một tiểu đoàn thiết giáp, một đại đội Com Măng đô, một đại đội lính Bảo Đại, sau chiến dịch Hòa Bình, lại thêm một tiểu đoàn lính Mường co cụm, đóng chốt trong làng. Người Vạn Phúc không bao giờ quên địch từng hùng hổ huy động một đại đội quân cơ động, phối hợp với quân chiếm đóng và bọn đao phủ chuyên uống máu ăn gan người ở sở AT Hà Đông lùng sục vây giáp, càn quét phục kích suốt ngày và đêm 9/5/1949. Chúng cày xới, thăm dò, đào khoét từ khóm tre, góc vườn, bể nước, bắn chết 7 đồng chí cán bộ, đảng viên, du kích, thúc lưỡi lê lùa mọi người, từ em bé đến cụ già ra sân đình, đánh đập, tra khảo. Tình thế nhiều lúc gieo neo, đen tối, tưởng đã nguy ngập cùng đường. Nhưng kỳ diệu thay là “trận địa lòng dân” mạch máu giao liên từ Vạn Phúc đi Mỗ Lao, Ngọc Trục, Triều Khúc vẫn giữ vững; chi bộ Đảng và chính quyền kháng chiến vẫn bám dân, bám đất hoạt động, vượt qua 11 lần vây ráp, khủng bố, xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, đập tan âm mưu xây bốt, lập tề vũ trang, đoàn thể phản động, gây nhân mối, làm binh vận, đẩy mạnh tuyên truyền vũ trang, phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh nhiều trận lớn, đặc biệt trận tập kích sở chỉ huy chiến đoàn thiết giáp làm chấn động hậu tuyến kẻ thù.
Suốt 8 năm o ép, kìm kẹp với bao thủ đoạn nham hiểm từ khủng bố đẫm máu đến cạm bẫy chính trị lừa bịp, địch cũng không thể áp đặt được bộ máy phản động tay sai, không thực hiện được âm mưu vơ vét, bóc lột, không bắt đủ phu, không thu đủ thuế, không bắt được một thanh niên Vạn Phúc đi lính. Ngược lại, chỉ riêng đêm 20/10/1950, 30 thanh niên Vạn Phúc đã vượt qua hệ thống đồn bốt giặc, đến chân núi Quan Sơn, thuộc xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, xin nhập vào tiểu đoàn 164 của tỉnh. Cùng với con em mình, Vạn Phúc đã gửi ra vùng tự do 12 lạng vàng, 60 tấn thóc, nhiều thuốc men, vải vóc, máy chữ để ủng hộ kháng chiến. Nhưng trên hết cả là “tấm lòng vàng” của người quê lụa, giữ trọn lời thề danh dự trong cuộc mít tinh lớn ngày 24/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Gia đình ông Đỗ Văn Khắc tiễn cả 3 con đi bộ đội trong đó có 2 người là liệt sĩ Nam tiến. Bà Đỗ Thị Quy, Hoàng Thị Hoàn trở thành giao liên xuất sắc, mưu trí, bình tĩnh dẫn đường cán bộ chuyển tài liệu mật qua mũi súng địch. Các đồng chí: Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Chi bộ, Đỗ Văn Học - xã đội trưởng, Nguyễn Văn Ngãi - xã đội phó lặn lội hoạt động, nhen nhóm phong trào, gặp phút nguy hiểm dũng mãnh như cảm tử quân, dao găm lựu đạn xông thẳng vào địch chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Còn bao tấm gương dũng cảm và sự hy sinh thầm lặng của 47 gia đình cơ sở cách mạng, 72 gia đình cơ sở kháng chiến, 115 gia đình liệt sĩ, 28 gia đình thương binh.
Những ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hai trung đội dân quân trực chiến sát cánh cùng ba trận địa pháo cao xạ “vững tay thoi, tay cày, tay súng”. 1071 người con quê hương đã tham gia lực lượng vũ trang, chiếm 23% dân số. Cũng như bao làng quê Việt Nam, Vạn Phúc đã gắn bó với cách mạng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc như thế đó. Đúng lễ kỷ niệm lần thứ 52 ngày Toàn quốc kháng chiến, Vạn Phúc đã long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Truyền thống càng sâu, sự hy sinh càng lớn, thì trước hết, trách nhiệm của Đảng bộ Vạn Phúc hôm nay càng nặng nề gấp bội. Có vinh dự là “An toàn khu”, Vạn Phúc may mắn sớm được tiếp thu sự giáo dục trực tiếp của các đồng chí lãnh tụ, từ bài học lý tưởng cách mạng, phương pháp công tác đến lối sống của người cán bộ quần chúng. Tình cảm nhân ái, nếp sống giản dị của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt và bao lớp cán bộ ưu tú của Đảng là những kỷ niệm đẹp, tấm gương sáng, bài học sống động cho các thế hệ cán bộ Vạn Phúc hôm nay.
Cách đây 23 năm, nhân kỷ niệm 55 ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, Đảng bộ Vạn Phúc đã xuất bản tập sách “Vạn Phúc xưa và nay”, dày 334 trang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2001. Tình cảm và hình ảnh của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với quê hương Vạn Phúc qua các thời kỳ cách mạng là kỷ niệm thiêng liêng và dấu ấn sâu sắc nhất trong “Vạn Phúc xưa và nay”. Đây là tài sản tinh thần vô giá, một hành trang quý báu để Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc, hôm nay và mai sau, mãi mãi giữ tấm lòng thơm thảo, nghĩa tình, thủy chung cùng cách mạng, thêm niềm tin và lòng tự trọng, luôn biết tự hoàn thiện mình trên con đường đổi mới, phấn đấu từng bước trở thành làng hạnh phúc, xứng đáng với chính tên Vạn Phúc của mình…