Hà Nội xưa - nay

Ngọn đèn vàng trong căn bếp phố cổ

Vũ Thị Tuyết Nhung 07:16 17/09/2024

Mỗi lần đi du lịch ở trong và ngoài nước, điều tôi không thích nhất ở các khách sạn là họ toàn dùng ánh sáng đèn vàng, cứ nhờ nhờ, sáng chả ra sáng, tối không ra tối. Đa phần mọi người đều nói dùng đèn vàng như thế mới sang trọng, nhưng tôi thì không. Cũng là bởi cứ mỗi khi gặp ánh đèn vàng, ký ức tôi lại dội về căn nhà xưa cũ trên phố cổ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước với căn bếp ám khói và ngọn đèn vàng mờ mịt.

3anh-1.jpg
Dấu xưa trong ngôi nhà phố cổ Hà Nội.

Tôi nhớ ngày ấy, đã rất nhiều lần chị em tôi nói với bố đổi cái bóng đèn bếp cho sáng hơn một chút (cốt để làm bếp khỏi nhầm lẫn mắm muối, tương cà hoặc khi dọn cơm đỡ làm vỡ bát đĩa hay vịt dấm, liễn dưa), nhưng bố tôi kiên quyết không:

- Nấu ăn thường ngày chứ có tết nhất cỗ bàn gì đâu mà cần đèn đóm. Mắt con gái sáng choang như thế, cần gì. Tốn điện lắm. Mẹ các con cứ đến kỳ trả tiền điện nước lại kêu ca nhức đầu.

Thời bấy giờ tiết kiệm là quốc sách. Cái bóng đèn vàng trong căn bếp ấy có nhẽ chỉ sáng độ 20W, mà lại được mắc tít trên trần bếp, thêm một cái lồng sắt tròn úp chụp bên trên để cho ánh sáng không tản mát. Đôi khi gió thổi mạnh, cái bóng đèn đung đưa, cái chụp đèn va lắc cắc, nghe đầy những âu lo.

3anh-2.jpg
Một góc không gian căn bếp trong ngôi nhà cổ 87 Mã Mây

Xưa, mỗi sáng sớm, khi trời còn chưa rạng mặt người, bà ngoại tôi đã lọ mọ vào bếp đun nước pha trà. Bà ngoại tôi lúc ấy đã ngoại bảy mươi, thế mà bà vào bếp khơi hé lò than quả bàng đun nước siêu nước nhỏ trong bóng tối mà chẳng hề bật đèn. Sau đó bà ngồi độc ẩm trên chiếc tràng kỷ kê bên hiên nhà ngang sát bếp chừng vài ba mươi phút trong ánh sáng mơ màng từ khoảng sân trời hắt vào. Bà cũng chẳng bật cái đèn sân mắc phía dưới hiên nhà ngang, ngay trên bức tường kê chiếc tràng kỷ. Uống trà sáng cần gì phải bật đèn chứ? Tốn điện báu ngọc gì? Bà tôi hay nói thế nếu mẹ hay dì tôi thức giấc đi qua nhắc nhở:

- Sao bà không bật đèn cho sáng? Tối thế này bà lập cập đun nước khéo mà bỏng tay, bỏng chân.

- Phỉ phui cái mồm. Bỏng làm sao được. Ừ thì bật đèn lên! Gọi các con dậy đi. Khơi hộ tôi cái bếp than lên. Tôi đi rang cơm cho chúng nó ăn rồi đi học.

Bà ngoại tôi rang cơm khéo lắm. Mỗi khi rang cơm, bà cho một đôi thìa mỡ lợn vào chiếc chảo gang to đun sôi rồi thả hành khô thái nhỏ phi thơm lên, đổ cơm nguội vào chảo và đảo nhẹ nhàng để cơm thấm mỡ đều. Tiếp đó, bà cho thêm một đôi thìa nước mắm hay xì dầu, nắm dưa cải chua đã vắt ráo và mươi cái tóp mỡ vàng ươm. Rồi bà lại kỳ công đảo cơm lần nữa trước khi rắc vào dúm hành hoa đã thái nhỏ.

- Nào các cháu đã đánh răng rửa mặt xong chưa? Vào ăn cơm rồi đi học kẻo muộn. Tắt hộ bà cái đèn bếp. Tắt luôn cả đèn sân nữa. Trời sáng rõ mặt người rồi còn gì.

Mùi cơm rang thơm phức dậy lên. Chị em tôi rào rào xúc cơm trên chiếc tràng kỷ trong ánh sáng tinh mơ thoáng hiện từ khoảng không của mảnh sân trời trước gian nhà ngang. Đứa nào may mắn vớ được miếng tóp mỡ trong bát thì “ngậm hột thị” sướng âm thầm chả dám khoe, sợ chị em ghen tỵ. Ừ mà trời đã sáng hẳn đâu mà nhòm thấy chứ. Sợ gì! Ngày ấy cứ 6 giờ sáng là học sinh đã cắp cặp đến trường, chứ không đi học muộn như bây giờ.

Cũng như những gia đình thị dân Hà Nội vào những năm ấy, bếp nấu nhà tôi thường là dùng củi gỗ hay than cám hoặc bếp mùn cưa. Có khi đun cả trấu hoặc lá rụng quét ở ngoài đường về. Khói nhiều lắm. Nhất là vào những khi trời mưa ẩm, củi ướt, than nhão. Thi thoảng bố tôi lại bắc cái ghế nhỏ lấy chiếc giẻ cẩn thận lau chiếc bóng đèn cho sáng lại, rồi vặn cái bóng cho chắc chắn thêm.

Tôi không nhớ là cái bóng đèn ấy đã tồn tại bao năm, nhưng tôi nhớ là cả thời con gái của tôi, nó chưa bị cháy hỏng phải thay thế bao giờ. Mà nói chi đèn bếp, đèn nhà trên, nhà dưới, đèn cầu thang, mỗi nơi cũng chỉ độc nhất một cái bóng đèn vàng chỉ đủ sáng. Có nhẽ chưa thấy cái bóng đèn nào đủ 100W, trừ mỗi dịp lễ tết, bố tôi lấy từ trong ngăn tủ chùa trên gác 2 cái dây điện dài và bóng điện sáng quắc đem mắc ngoài sân nhà cho mẹ con dì cháu tôi thức đêm vo gạo, tẩy bóng, luộc măng, đồ xôi. Và thêm nữa, một dây đèn nhấp nháy xanh đỏ để giăng lên cây quất cây đào trong phòng khách nhà ngoài. Những thời khắc tuyệt vời ấy cũng chỉ thoáng chốc vài ba ngày là chấm dứt. Những chiếc bóng đèn, dây đèn ấy lại trở về ngủ yên mơ màng trên ngăn tủ chùa trên gác 2. Và cái một điệp khúc mà tôi nhớ nhất là trước khi đi ngủ, tối nào cũng như tối nào vẫn là câu hỏi giọng khàn khàn của bố:

- Đèn bếp, đèn sân, đèn cầu thang đã tắt hết chưa các con?

- Dạ. Tắt hết rồi bố ạ.
Bố hỏi vậy thôi, chứ bố biết là chị em tôi đã chia phiên tắt đèn cả tuần rồi. Chứ nếu tối khuya hay sáng sớm bố bất chợt thức dậy mà thấy trong nhà còn le lói chút ánh sáng đèn thì có đứa ăn đòn là cái chắc.

Tôi về sống ở làng Giáp Nhất quận Thanh Xuân đã vừa tròn 20 năm. Ngay từ ban đầu, hệ thống chiếu sáng trong nhà đã được trang bị khá đầy đủ, chủ yếu là ánh sáng trắng, trừ đèn ở các khung tranh trang trí và đèn phòng ngủ là ánh sáng vàng. Sau này, theo trào lưu, nhà tôi cũng thay bóng điện thường bằng bóng điện cảm ứng để tiết kiệm điện. Đèn trong bếp và phòng ăn thì toàn ánh sáng trắng, nhặt rau thái thịt sạch sẽ tiện lợi, màu sắc món ăn thức uống nhìn cũng nổi trội hấp dẫn hơn. Thế mà không hiểu sao, khi nghe bước chân các con lên cầu thang lúc đã quá khuya, tôi bất chợt mơ màng tỉnh giấc và hỏi vọng:

- Các con đã tắt hết đèn bếp, đèn sân và đèn cầu thang hay chưa?

- Ơ kìa mẹ, toàn đèn cảm ứng rồi. Mẹ quên à?

Ừ nhỉ? Đúng là quên thật rồi. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua còn gì nữa. Tiết kiệm vẫn là quốc sách. Tuy nhiên nay đã khác xưa nhiều lắm. Đôi lúc tôi ngậm ngùi nhớ lại căn bếp xưa, cái chạn gỗ tróc sơn, chiếc cối đồng nặng trịch, khúc chày gỗ nham nhở, vành khuôn tráng bánh cuốn mỏng manh… tất thảy không có bất cứ vật dụng nhà bếp nào gọi là máy móc dùng tay chứ chưa nói đến vật dụng chạy điện. Chỉ có mỗi ngọn đèn vàng có thể gọi là hiện đại nhất trong căn bếp. Nhưng ánh sáng của nó lại gợi lên nỗi buồn của một thời khó khăn thiếu thốn mà tất thảy ai ai cũng không bao giờ muốn phải trải qua thêm một lần nữa trong đời. Và mỗi lúc ngọn đèn vàng hiện về trong ký ức, tôi hằng thương bố mẹ, thương bà đến quặn thắt ruột gan./.

Bài liên quan
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
(0) Bình luận
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
    Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngọn đèn vàng trong căn bếp phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO