Hà Nội xưa - nay

Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch

Nguyễn Hữu Thức 12:45 06/07/2024

Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.

tndp26.jpg

Đó là một làng quê trù phú từng được dân chúng trong vùng biết tới với nghề làm đồ chơi (đèn kéo quân) cho trẻ em, làm quạt giấy, những năm gần đây phát triển thêm nghề làm lồng chim.

Canh Hoạch nổi tiếng trong vùng là đất văn vật, nơi xuất hiện hai trạng nguyên thời phong kiến tự chủ: Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng đỗ đầu khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực và Trạng nguyên Nguyễn Thiến khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh. Dân làng gọi là Trạng cậu, Trạng cháu vì Nguyễn Đức Lượng là cậu của Nguyễn Thiến.

Nguyễn Thiến là cha của Nguyễn Quyện - một danh tướng lỗi lạc thời nhà Mạc. Tuy vậy, do cha bất mãn với nhà Mạc, Nguyễn Quyện giữ trọn chữ hiếu theo cha quy thuận nhà Lê. Sau khi cha chết, ông và em trai là Nguyễn Miễn trở lại nhà Mạc. Dân gian thời ấy có câu đề cao công lao của Nguyễn Quyện đối với triều Mạc:

“Quyện tồn Mạc tại Quyện bại Mạc vong”.

Sau những năm ở với triều Lê - Trịnh (1551 - 1557), Nguyễn Quyện còn mang một bộ phận quân về xây dựng căn cứ quân sự lớn và mở mang thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch từ ngã tư Vác đến hết làng Tảo Dương. Đại bản doanh là khu nhà để sắc hiện nay ở làng Canh Hoạch. Thời bấy giờ dân gian có câu:

“Gái thì bẩy huyện xứ Đông

Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường”

Bẩy huyện xứ Đông là quê hương của nhà Mạc, còn Gạo (làng Tảo Dương), Vác (làng Canh Hoạch) là quê quán và trú quán của Thường quốc công Nguyễn Quyện. Trai gái ở những nơi trên giỏi giang trung thành với nhà Mạc.

Lễ hội làng Canh Hoạch có liên quan mật thiết với Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Thường quốc công Nguyễn Quyện. Chính hội của làng tổ chức vào ngày 12, 13 tháng Ba âm lịch tại đình Canh Hoạch, xưa kia có tên là đình Đụn, nơi sinh hoạt chung cho cả 5 giáp của làng. Điều lưu ý là, hậu cung đình Đụn có đặt một quạt thờ, kiểu quạt giấy lớn, ghi nhận nghề thủ công truyền thống của làng, tương truyền do các vị Thành hoàng truyền dạy, nhờ vậy dân làng có đời sống kinh tế khá giả.

01.jpg
Rước quạt ở hội làng Canh Hoạch - Ảnh: Ngô Thị Hồng Giang

Đình Canh Hoạch thờ ba vị thần. Hai vị thần tên là Trình Lý, Cao Hàn tương truyền là tướng thời Hùng Vương thứ 18 đem quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang, khi dẫn quân qua đất Canh Hoạch thấy đất có thế đẹp, một mặt trông ra sông Đáy, cạnh làng lại có khe nước thay hào rất thuận lợi lập đồn lũy liền đóng quân ở lại. Đến thời nhà Trần có tướng Trần Uất con thứ hai tướng quân Trần Hưng Đạo đã sát cánh bên cha chống giặc Nguyên Mông, thấy Canh Hoạch là nơi đắc địa cũng đem quân về lập đồn binh ở làng. Sau đó, ba vị tướng Trình Lý, Cao Hàn thời Hùng Duệ Vương và Trần Uất tên hiệu Minh Lang đại vương ở thời Trần được dân làng thờ làm phúc thần - Thành hoàng bảo trợ làng.

Kể từ năm 1991, đình làng được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa, làng mở lại hội và trình tự hội được nhất trí diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng Ba âm lịch:

Ngày 11 tháng Ba (tương truyền ngày sinh của vị Thành hoàng Trần Uất) cả làng cùng ra đình sửa sang đồ lễ, dựng cổng chào và các cây nêu, thân nêu cắm bông tre nhuộm màu đẹp mắt. Sáng hôm đó dân làng tổ chức tế nghênh (tế mời) sang buổi chiều, khoảng 3 giờ dân làng mới cất vai kiệu tổ chức rước ra, đám rước lớn có đội cờ, đội trống, đội bát âm, bát bửu, gươm hầu, đội múa sênh tiền (12 đến 16 em gái), làng có 4 xóm rước 4 cỗ kiệu, theo trình tự sau: Đi đầu là kiệu đốn (kiệu cỗ) rước quan Trạng; tiếp đó là kiệu bát cống rước bài vị Đức Thánh Cả, choàng áo đỏ; rồi kiệu rước bài vị Đức Thánh Hai, choàng áo vàng; và cuối cùng là kiệu rước bài vị Đức Thánh Ba, choàng áo vàng.

Ngoài ra, các xóm lẻ và xóm chợ của phố Vác có các cỗ kiệu nhỏ rước cỗ, rước lẵng hoa đi kèm đám rước. Đặc biệt người làng Vác còn tạo đội hình rước quạt, một sản phẩm độc đáo của nghề làng, trong đó có một chiếc quạt thờ đặt trong hậu cung của đình làng được làm vào đầu thế kỷ XX. Quạt dài 83cm, khi xòe tạo thành nửa vòng tròn, đường kính 158cm. Hai nan cái bằng sừng trâu đánh bóng đen nhánh, hình mái chèo, chỗ rộng nhất của bản nan là 7,3cm. Đầu quạt to bằng trứng ngỗng. Mặt nan cái bằng sừng, khảm trai, ốc, hình hổ phù và rồng cuốn thủy. Mặt quạt bằng vải lụa.

Phù giá mỗi cỗ kiệu Thánh có 2 người vác quạt che bài vị. Hai đội múa rồng biểu diễn dẹp đám từ đầu đám đến cuối đám.

Ngày 12 tháng Ba âm lịch (chính hội), các cụ tổ chức tế, dân làng dâng 1 lễ mặn gồm thủ lợn và ván xôi đầy. Ngày 13 tháng Ba, các xóm trong làng ra đình lễ tạ, mâm lễ chỉ làm đồ chay (hương hoa, oản, quả...) tổ chức các trò chơi dân gian như đấu cờ, đánh gậy, hát chèo sân đình; đến chiều, sau tuần tế tiễn thì dân làng tổ chức rước kiệu đốn đưa bát nhang quan Trạng và quan võ Thường quốc công về yên vị, gọi là rước hoàn cung Thánh giá. Dân gian có câu: “Mười một rước ra, mười ba rước về” là vậy.

Hội làng Canh Hoạch là một hội lớn trong vùng. Việc cả làng đi rước Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và quan võ Thường quốc công Nguyễn Quyện là một hiện tượng văn hóa độc đáo đề cao truyền thống hiếu học và tinh thần thượng võ của làng. Ngoài ra, những yếu tố trong lễ hội tưởng nhớ các vị Thành hoàng thời Hùng Vương - thời Trần và yếu tố rước quạt tôn vinh nghề làng là những nét văn hóa đặc sắc khiến cho lễ hội làng Canh Hoạch trở nên sinh động, hấp dẫn dân chúng trong vùng./.

Bài liên quan
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
(0) Bình luận
  • Khai mạc triển lãm trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô”
    Triển lãm trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô” giới thiệu đến công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cuộc đấu tranh, kháng chiến chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố.
  • Tái hiện không gian Hà Nội thời chiến qua triển lãm trực tuyến 3D
    Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, vào ngày 20/9, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức khai mạc triển lãm trực tuyến 3D “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.
  • Ngọn đèn vàng trong căn bếp phố cổ
    Mỗi lần đi du lịch ở trong và ngoài nước, điều tôi không thích nhất ở các khách sạn là họ toàn dùng ánh sáng đèn vàng, cứ nhờ nhờ, sáng chả ra sáng, tối không ra tối. Đa phần mọi người đều nói dùng đèn vàng như thế mới sang trọng, nhưng tôi thì không. Cũng là bởi cứ mỗi khi gặp ánh đèn vàng, ký ức tôi lại dội về căn nhà xưa cũ trên phố cổ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước với căn bếp ám khói và ngọn đèn vàng mờ mịt.
  • Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ
    Chiều 12/7, Sở NNNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Khai mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 - đợt 2
    Tối 29/9, Lễ khai mạc "Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024 - Đợt 2" đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương với sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước.
  • Ra mắt Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế
    Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế ra mắt và hoạt động nhằm xây dựng không gian sách Huế để lan tỏa văn hóa đọc đến đông đảo người dân trên mọi miền Tổ quốc.
  • Những tà áo dài khoe sắc giữa trời thu Hà Nội
    Chương trình biểu diễn thời trang nằm trong khuôn khổ "Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức. Sự kiện với màn trình diễn mãn nhãn từ hơn 100 mẫu áo dài đến từ nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam và 12 NTK có tiếng khác.
  • Khởi động cuộc thi Piano mở rộng toàn quốc - Festival Piano Talent 2025
    Cuộc thi Piano mở rộng toàn quốc 2025 (Festival Piano Talent 2025) do Viện phát triển Giáo dục và Văn hoá Việt Nam tổ chức với sự ủng hộ và đồng hành của Cục Văn hoá Cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
  • 45 cây trăm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
    Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa tổ chức họp và xét duyệt 45 cây lâu năm của 6 tỉnh, thành phố đủ điều kiện được công nhận là cây di sản Việt Nam.
  • [Podcast] Di tích Nhà tù Hỏa Lò – “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
    Trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Nhà tù Hỏa Lò là một trong những nơi đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản trong những Ngày Giải phóng Thủ đô. Nằm độc nhất trên con phố Hoả Lò, di tích Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là "địa ngục trần gian", từng là nơi giam cầm hàng ngàn chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam.
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Quy định về phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng chức năng liên quan
    Tổ công tác rời UBND thành phố sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, ngày mai họ sẽ xuống các huyện, xã để tiếp tục công việc của mình. Đêm cuối tại thành phố nên Nam bảo mọi người tuỳ ý di tản đi chơi. Trời đêm phố biển sáng rực rỡ bởi ánh đèn ở khắp nơi, Nam và Hải đang vừa đi vừa nói chuyện thì chợt có tiếng gọi...
  • Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" - lời tỏ bày tình yêu với Hà Nội
    Từ 28/9/2024 đến 29/10/2024, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (đoạn đối diện tượng đài Vua Lê Thái Tổ), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Chi hội Nhiếp ảnh - Báo chí (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội) tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Hà Nội trong tôi”. Triển làm là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Liên hoan hát then - đàn tính và xòe Thái lần thứ VI
    Với chủ đề "Hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái Lai Châu - tinh hoa tỏa sáng", các hoạt động nghệ thuật diễn ra tại Liên hoan có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, thông qua hình thức hát Then, đàn Tính, múa trong Then và nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào dân tộc Thái.
  • Hội sách Hà Nội 2024: Cầu nối của tri thức, lan tỏa văn hóa đọc
    Tối 27/9, Hội sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố Vì hòa bình” đã khai mạc tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO