Hà Nội xưa - nay

Rước quạt thờ ở hội làng Canh Hoạch

Nguyễn Hữu Thức 12:45 06/07/2024

Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.

tndp26.jpg

Đó là một làng quê trù phú từng được dân chúng trong vùng biết tới với nghề làm đồ chơi (đèn kéo quân) cho trẻ em, làm quạt giấy, những năm gần đây phát triển thêm nghề làm lồng chim.

Canh Hoạch nổi tiếng trong vùng là đất văn vật, nơi xuất hiện hai trạng nguyên thời phong kiến tự chủ: Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng đỗ đầu khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực và Trạng nguyên Nguyễn Thiến khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh. Dân làng gọi là Trạng cậu, Trạng cháu vì Nguyễn Đức Lượng là cậu của Nguyễn Thiến.

Nguyễn Thiến là cha của Nguyễn Quyện - một danh tướng lỗi lạc thời nhà Mạc. Tuy vậy, do cha bất mãn với nhà Mạc, Nguyễn Quyện giữ trọn chữ hiếu theo cha quy thuận nhà Lê. Sau khi cha chết, ông và em trai là Nguyễn Miễn trở lại nhà Mạc. Dân gian thời ấy có câu đề cao công lao của Nguyễn Quyện đối với triều Mạc:

“Quyện tồn Mạc tại Quyện bại Mạc vong”.

Sau những năm ở với triều Lê - Trịnh (1551 - 1557), Nguyễn Quyện còn mang một bộ phận quân về xây dựng căn cứ quân sự lớn và mở mang thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch từ ngã tư Vác đến hết làng Tảo Dương. Đại bản doanh là khu nhà để sắc hiện nay ở làng Canh Hoạch. Thời bấy giờ dân gian có câu:

“Gái thì bẩy huyện xứ Đông

Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường”

Bẩy huyện xứ Đông là quê hương của nhà Mạc, còn Gạo (làng Tảo Dương), Vác (làng Canh Hoạch) là quê quán và trú quán của Thường quốc công Nguyễn Quyện. Trai gái ở những nơi trên giỏi giang trung thành với nhà Mạc.

Lễ hội làng Canh Hoạch có liên quan mật thiết với Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Thường quốc công Nguyễn Quyện. Chính hội của làng tổ chức vào ngày 12, 13 tháng Ba âm lịch tại đình Canh Hoạch, xưa kia có tên là đình Đụn, nơi sinh hoạt chung cho cả 5 giáp của làng. Điều lưu ý là, hậu cung đình Đụn có đặt một quạt thờ, kiểu quạt giấy lớn, ghi nhận nghề thủ công truyền thống của làng, tương truyền do các vị Thành hoàng truyền dạy, nhờ vậy dân làng có đời sống kinh tế khá giả.

01.jpg
Rước quạt ở hội làng Canh Hoạch - Ảnh: Ngô Thị Hồng Giang

Đình Canh Hoạch thờ ba vị thần. Hai vị thần tên là Trình Lý, Cao Hàn tương truyền là tướng thời Hùng Vương thứ 18 đem quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang, khi dẫn quân qua đất Canh Hoạch thấy đất có thế đẹp, một mặt trông ra sông Đáy, cạnh làng lại có khe nước thay hào rất thuận lợi lập đồn lũy liền đóng quân ở lại. Đến thời nhà Trần có tướng Trần Uất con thứ hai tướng quân Trần Hưng Đạo đã sát cánh bên cha chống giặc Nguyên Mông, thấy Canh Hoạch là nơi đắc địa cũng đem quân về lập đồn binh ở làng. Sau đó, ba vị tướng Trình Lý, Cao Hàn thời Hùng Duệ Vương và Trần Uất tên hiệu Minh Lang đại vương ở thời Trần được dân làng thờ làm phúc thần - Thành hoàng bảo trợ làng.

Kể từ năm 1991, đình làng được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa, làng mở lại hội và trình tự hội được nhất trí diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng Ba âm lịch:

Ngày 11 tháng Ba (tương truyền ngày sinh của vị Thành hoàng Trần Uất) cả làng cùng ra đình sửa sang đồ lễ, dựng cổng chào và các cây nêu, thân nêu cắm bông tre nhuộm màu đẹp mắt. Sáng hôm đó dân làng tổ chức tế nghênh (tế mời) sang buổi chiều, khoảng 3 giờ dân làng mới cất vai kiệu tổ chức rước ra, đám rước lớn có đội cờ, đội trống, đội bát âm, bát bửu, gươm hầu, đội múa sênh tiền (12 đến 16 em gái), làng có 4 xóm rước 4 cỗ kiệu, theo trình tự sau: Đi đầu là kiệu đốn (kiệu cỗ) rước quan Trạng; tiếp đó là kiệu bát cống rước bài vị Đức Thánh Cả, choàng áo đỏ; rồi kiệu rước bài vị Đức Thánh Hai, choàng áo vàng; và cuối cùng là kiệu rước bài vị Đức Thánh Ba, choàng áo vàng.

Ngoài ra, các xóm lẻ và xóm chợ của phố Vác có các cỗ kiệu nhỏ rước cỗ, rước lẵng hoa đi kèm đám rước. Đặc biệt người làng Vác còn tạo đội hình rước quạt, một sản phẩm độc đáo của nghề làng, trong đó có một chiếc quạt thờ đặt trong hậu cung của đình làng được làm vào đầu thế kỷ XX. Quạt dài 83cm, khi xòe tạo thành nửa vòng tròn, đường kính 158cm. Hai nan cái bằng sừng trâu đánh bóng đen nhánh, hình mái chèo, chỗ rộng nhất của bản nan là 7,3cm. Đầu quạt to bằng trứng ngỗng. Mặt nan cái bằng sừng, khảm trai, ốc, hình hổ phù và rồng cuốn thủy. Mặt quạt bằng vải lụa.

Phù giá mỗi cỗ kiệu Thánh có 2 người vác quạt che bài vị. Hai đội múa rồng biểu diễn dẹp đám từ đầu đám đến cuối đám.

Ngày 12 tháng Ba âm lịch (chính hội), các cụ tổ chức tế, dân làng dâng 1 lễ mặn gồm thủ lợn và ván xôi đầy. Ngày 13 tháng Ba, các xóm trong làng ra đình lễ tạ, mâm lễ chỉ làm đồ chay (hương hoa, oản, quả...) tổ chức các trò chơi dân gian như đấu cờ, đánh gậy, hát chèo sân đình; đến chiều, sau tuần tế tiễn thì dân làng tổ chức rước kiệu đốn đưa bát nhang quan Trạng và quan võ Thường quốc công về yên vị, gọi là rước hoàn cung Thánh giá. Dân gian có câu: “Mười một rước ra, mười ba rước về” là vậy.

Hội làng Canh Hoạch là một hội lớn trong vùng. Việc cả làng đi rước Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và quan võ Thường quốc công Nguyễn Quyện là một hiện tượng văn hóa độc đáo đề cao truyền thống hiếu học và tinh thần thượng võ của làng. Ngoài ra, những yếu tố trong lễ hội tưởng nhớ các vị Thành hoàng thời Hùng Vương - thời Trần và yếu tố rước quạt tôn vinh nghề làng là những nét văn hóa đặc sắc khiến cho lễ hội làng Canh Hoạch trở nên sinh động, hấp dẫn dân chúng trong vùng./.

Nguyễn Hữu Thức