Hà Nội xưa - nay

Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội

Nguyễn Sinh 08:19 03/07/2024

Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

le-hoi-thi-tha-dieu-lang-ba-duong-noi-2-.jpg
Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội.

Lễ hội thả diều nghìn năm tuổi

Theo sách “Tên làng xã Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” thì vào thời Nguyễn, làng Bá Dương Nội thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Nay làng thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây vốn là vùng đất cổ bên dòng sông Nhĩ Hà, vẫn in đậm dấu tích về thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta qua hàng ngàn năm lịch sử. Căn cứ vào các di chỉ khảo cổ và cấu tạo địa tầng, địa chất cho thấy vùng đất này là nơi người Việt cổ sinh sống thuộc giai đoạn Phùng nguyên thời đại đồng thau cách đây khoảng 3500 đến 4000 năm.

Trải qua hàng ngàn năm khai phá, phát triển xóm làng, người dân nơi đây cần cù, chịu khó lao động và xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của địa phương mình như: chùa Già Lê, đình Bá Dương, miếu Diều…

lang-dieu-5-1689242495288671637823.jpg
Làm diều là thú chơi, cũng là hình thức tri ân thần linh Châu Thổ của người làng Bá Dương Nội.

Theo hồi cố của các bô lão và tư liệu hiện còn lưu giữ tại di tích đình Bá Dương Nội thì miếu Diều thờ vị Thần Linh Châu Thổ, hiệu là “Giang Châu Chi thần” (sắc phong năm Đồng Khánh thứ 2 - 1887) và “Giang Châu Tôn thần” (sắc phong năm Khải Định thứ 9 - 1924).
Theo truyền thuyết được truyền tụng nhiều đời nay, làng Bá Dương Nội xưa là một vùng bãi phù sa, cây cối rậm rạp, có nhiều gò, đống bên dòng Nhị Hà. Hằng năm vào mùa nước lũ dâng cao cả vùng này chìm trong nước; lâu dần phù sa bồi đắp thành vùng đất bãi rộng lớn. Hằng ngày nhân dân trong làng ra bãi sản xuất, trẻ em thì cắt cỏ chăn trâu. Trong khi chăn trâu, chúng thường tranh thủ rủ nhau bơi lội, bắt cá hoặc tổ chức kéo co, chơi ô ăn quan... Khi nằm trên thảm cỏ ngắm nhìn đàn chim diều hâu bay lượn trên bầu trời, bọn trẻ liên tưởng rồi nghĩ ra trò chơi mới như hình con chim trên cao kia. Vì vậy, chúng tìm tre vót nhẵn uốn thành hình con chim đang bay, ở giữa dùng thanh tre buộc chặt tạo hình đôi cánh chim dang rộng rồi dùng giấy dán vào khung tre, sau đó dùng dây níu thăng bằng thân chim. Khi có gió thì tung con chim giấy ấy lên bầu trời, lạ thay cứ cho dây dài ra bao nhiêu thì chim giấy lại bay cao bấy nhiêu.

Những cánh chim giấy ấy chính là sự phôi thai của những cánh diều mà chúng ta biết đến ngày nay. Từ chỗ chim giấy chỉ bay được nhưng không kêu được, bọn trẻ lại nghĩ cách dùng mảnh gỗ khoét miệng sáo rồi gắn vào hai bên ống tre thành tiếng sáo vi vu, trầm bổng.

Không rõ từ khi nào, việc làm tuy nhỏ của đám trẻ chăn trâu đã được Thần Linh Bản Thổ cảm động và linh ứng ngự giá tại ngôi miếu nhỏ trên bãi cùng dòng Nhĩ Hà từ thuở đó. Xét theo câu chuyện được huyền thoại hóa trong truyền thuyết đang được lưu truyền rất phổ biến tại làng Bá Dương thì lễ hội vốn xuất phát từ trò chơi của con trẻ ngây thơ. Dựa trên ghi chép của các nguồn sử liệu, lễ hội đã tồn tại cách đây cả nghìn năm cho đến tháng 3/1965, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc thì lễ hội không được tổ chức. Đến năm 1980 lễ hội được khôi phục và duy trì đến ngày nay, tổ chức thường niên vào ngày rằm tháng Ba âm lịch hằng năm.

Vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa

Để làm ra những chiếc diều to đẹp, sáo kêu vang, người làng Bá Dương Nội phải chuẩn bị trong nhiều tháng dài. Những người chơi diều thường đi đốn tre vào khoảng tháng 8 tới tháng 10 âm lịch, đúng vào thời điểm tre rụng lá, thân tre chắc chắn mà vẫn có độ dẻo dai. Phần thân tre bên dưới được chẻ dọc, tạo nên các tay tre dài, mỏng tùy theo kích cỡ cụ thể của một chiếc. Phần ống tre nhỏ phía trên ngọn dược dùng để làm sáo. Độc đáo nhất vẫn là công đoạn chế tác sáo diều, mỗi chiếc diều được gắn một bộ sáo, người Bá Dương Nội thường dùng bộ ba sáo hoặc năm sáo, phổ biến nhất vẫn là loại ba sáo.

untitled-3.jpg

Theo kinh nghiệm của những người chơi diều làng này, để làm sáo diều phải chọn những cây tre chết sóc (già đến độ đã chết đứng trong) lá vàng úa, vỏ ngả màu cánh gián với những sọc trắng ngà, óng ánh, thịt tre đỏ au song không bị nứt nẻ. Việc kết hợp các ống sáo có những tiếng kêu khác nhau để tạo thành bộ sáo phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng tạo mặt sáo, kỹ năng thẩm âm của chủ sáo diều.

Qua các truyền thuyết được truyền tụng lại, có thể thấy rằng, thú chơi diều sáo của người làng Bá Dương Nội thể hiện mong muốn mưa thuận gió hòa, ước mơ về mùa màng bội thu của người nông dân. Để đạt được mong muốn đó, họ cần sự ủng hộ của tự nhiên, người sống gắn bó với tự nhiên, dựa vào tự nhiên và đối mặt với tự nhiên từ đó hình thành nên văn hóa ứng xử hướng tới việc đảm bảo sự cân bằng giữa con người và môi trường.

Không chỉ vậy, thả diều sáo còn là thú vui thanh tao, biểu hiện tâm hồn trong sáng, bay bổng cao sang của người nông dân. Mặc dù đời sống nông nghiệp còn rất vất vả và gian nan trước thiên tai dịch họa, nhưng người dân vẫn đầy lạc quan và hy vọng. Thông qua từng công đoạn tỉ mỉ để hoàn thiện một chiếc diều sáo, chơi diều cũng được coi là sự “tu nhân tích đức” hướng tới “Chân - Thiện - Mỹ”, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của làng. Nói cách khác là rèn luyện nhân cách, phẩm chất tốt, giữ gìn thanh danh. Bên cạnh đó, người làm diều sáo và chơi diều sáo còn rèn luyện được tính cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo. Lễ hội diều sáo truyền thống hằng năm cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, định hướng văn hóa ứng xử của con người với tự nhiên và các mối quan hệ xã hội khác.

Theo ông Nguyễn Hữu Khiêm, đại diện làng nghề làm diều sáo truyền thống Bá Dương Nội, để giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta đã để lại, ngày nay làng Bá Dương Nội vẫn luôn ra sức bảo tồn duy trì thú chơi diều sáo bằng cách tổ chức lễ hội thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu cùng các câu lạc bộ diều trong và ngoài Thành phố Hà Nội. Đồng thời, làng cũng tích cực tham gia các chương trình Festival diều Quốc tế tại hơn 60 quốc gia, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đại diện làng nghề làm diều sáo truyền thống làng Bá Dương Nội cũng đề xuất UBND huyện Đan Phượng nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản, hướng tới quy hoạch nơi đây trở thành “không gian văn hóa sáng tạo” của Thủ đô. Đồng thời, giúp đỡ, nghiên cứu sáng tạo các dịch vụ mới, hấp dẫn để phục vụ lễ hội, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm mang tính biểu tượng văn hóa di sản. Từ đó hướng đến mục tiêu đưa di tích trở thành một điểm tham quan, du lịch kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm diều sáo truyền thống xã Hồng Hà ngày càng phát triển./.

Bài liên quan
  • Một con phố vẫn thơm mùi thuốc Bắc
    Phố nghề Lãn Ông kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội và đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (nghĩa là phố Phúc Kiến) do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến di cư về đây sinh sống. Vào năm 1949, con phố này được đổi tên thành Lãn Ông - lấy theo biệt hiệu của vị danh y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
(0) Bình luận
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
  • Giới thiệu 150 bức ảnh quý về “Hà Nội ngày tiếp quản”
    150 bức ảnh quý về ngày đoàn quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954) vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm ảnh “Hà Nội ngày tiếp quản” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO