Văn hóa – Di sản

Phan Huy Chú - nhà bác học, nhà thơ lớn

Tạ Ngọc Liễn 21/11/2023 10:07

Dòng họ Phan Huy vốn ở xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An đến đời Phan Huy Cận (1722 - 1789) thân sinh ra Phan Huy Ích (1751 - 1822), dời tới xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), rồi nhập tịch ở đấy.

phan-huy-chu.jpg
Tranh minh họa danh nhân, nhà bác học Phan Huy Chú.

Phan Huy Chú là con trai thứ ba Phan Huy Ích và là cháu gọi Ngô Thì Nhậm bằng bác. Trong lịch sử nước ta, họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai và họ Phan Huy ở Quốc Oai (Sơn Tây) là hai dòng họ nổi tiếng có truyền thống khoa bảng và văn học, đã đóng góp cho đất nước nhiều tác giả, tác phẩm có giá trị.

Theo Phan tộc công phả, Phan Huy Chú có 6 anh em trai và 8 chị em gái. Người anh thứ hai là Phan Huy Thực (1779 - 1848) dưới triều Nguyễn từng làm tới Thương thư Bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc năm 1817, có tập thơ Hoa thiều tạp vịnh và được ghi nhận là dịch giả bản dịch Nôm Tỳ bà hành quen thuộc lâu nay.

Phan Huy Chú tự là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, sinh vào mùa đông năm Nhâm Dần (1782), mất năm 1840, mộ chôn ở xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Sơn Tây. Ông có 5 con trai và 1 con gái. Vợ Phan Huy Chú là bà Nguyễn Thị Vũ, con gái của tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch (tức là Nguyễn Gia Phan), Thượng thư Bộ Lại triều Tây Sơn, người ở làng Yên Lũng, Từ Liêm (nay thuộc Hoài Đức, Hà Nội).

Phan Huy Chú sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khê, tục gọi là làng Thầy. Đây là một vùng quê phong cảnh đẹp, có thắng tích nổi tiếng là Sài Sơn. Dưới khung cảnh thiên nhiên núi cao chót vót, cây cỏ u nhã ấy, Phan Huy Chú đã sống trọn tuổi trẻ với những năm tháng say sưa học tập, nghiên cứu. Vốn thông minh, sớm có chí tìm tòi, học tập, lại được sự dạy dỗ, rèn luyện cẩn thận của gia đình nên Phan Huy Chú học rất giỏi, nổi tiếng cả vùng Quốc Oai, Sơn Tây. Đặc biệt sống giữa mênh mang sách vở của bao đời mà gia đình lưu trữ được, Phan Huy Chú có điều kiện đọc nhiều và hầu như ông đã thâu tóm được đầy đủ đầu mối điển chương, tinh hoa của mọi sách vở. Nhưng mặc dầu Phan Huy Chú đọc sách hạng “vạn quyển”, uyên bác như thế mà hai lần đi thi chỉ đỗ tú tài nên người đời tthường gọi là ông “Kép Thầy”.

Dẫu không đứng trong hàng “đại khoa” nhưng thực học, thực tài của Phan Huy Chú vẫn nổi tiếng xa gần. Minh Mệnh nghe biết, năm 1821 cho triệu Phan Huy Chú vào Huế giữ chức Hàn lâm biên tu. Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), được sung vào sứ bộ sang Trung Quốc. Năm 1829 điều làm Hiệp trấn Quảng Nam. Sau đó bị giáng. Năm 1831, lại được cử sang sứ Trung Quốc lần thứ hai. Khi trở về do cả sứ bộ phạm tội “lộng quyền”, Phan Huy Chú bị cách chức. Năm sau, Phan Huy Chú bị Minh Mệnh bắt đi hiệu lực ở Giang Lưu Ba (thuộc Indonexia ngày nay). Sứ bộ này đi về chuyện buôn bán đường biển giữa nhà Nguyễn và Nam Dương. Xong nhiệm vụ trở về, Phan Huy Chú được khôi phục giữ chức Tư vụ Bộ Công. Nhưng chán cuộc đời làm quan, Phan Huy Chú lấy cớ đau yếu xin hưu trí, về dạy học ở Thanh Mai, rồi mất tại đó.

Nếu xét cuộc đời làm quan của Phan Huy Chú, có lẽ cũng không có gì đặc biệt ngoài chuyện mấy lần bị giáng chức, bị đẩy đi phục vụ một phái đoàn sang Indonexia. Đến khi chán cảnh quan trường thì xin về làng ẩn dật. Nhưng đứng về phương diện văn hóa, Phan Huy Chú có cống hiến rất lớn; ông đã để lại cho dân tộc một công trình khoa học đồ sộ, đó là bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Ngoài công trình quan trọng này, Phan Huy Chú còn có một số tác phẩm khác. Theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (Tập I, 1962), Phan Huy Chú còn có Hoàng Việt địa dư chí, Hoa thiều ngâm lục, Hoa thiều tục ngâm, Dương trình ký kiến (còn có tên Hải trình chí lược)...

Hoàng Việt địa dư chí là cuốn sách viết về địa lý nước ta ở thời Nguyễn. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), sách này được in ở hai nơi: Hội văn đường và Quảng văn đường, đời Thành Thái thứ 9 (1897). Sau đó nhà Tụ văn đường in lại.

Hoa thiều ngâm lục là tập thơ do Phan Huy Chú làm lần đi sứ thứ nhất (1825) có 2 quyển. Quyển thượng gồm có 1 bài Tựa của tác giả; 161 bài thơ và 3 bài phú. Quyển hạ gồm 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ.

Hoa trình tục ngâm là tập thơ do Phan Huy Chú làm lần đi sứ thứ hai gồm 127 bài.

Dương trình ký kiến là tập sách ghi chép những điều mắt thấy trong cuộc hành trình trên biển. Đây là cuốn sách Phan Huy Chú viết khi đi hiệu lực ở Indonexia. Cuốn Hải trình chi lược (ghi chép sơ lược trong cuộc hành trình trên biển) là một tên gọi khác của cuốn Dương trình ký kiến.

Ngoài ra Phan Huy Chú còn có 20 bài biểu, tấu, tựa... Trong số di cảo đó có 2 bài mang giá trị thông tin đặc biệt là Nam trình tạp ngâm tự tựTiến ngọc phủ biểu. Nam trình tạp ngâm tự tự là bài Tựa tự tác giả viết cho tập thơ Nam trình tạp ngâm làm năm 1821, trên đường ông từ Sơn Tây vào Huế để nhận chức theo chiếu gọi của Minh Mệnh. Phan Huy Chú viết: “Tôi chỉ là một gã thư sinh, đội ơn có chiếu chỉ của nhà vua gọi, không giám lấy cớ là một kẻ quê mùa đau yếu để từ chối. Vào cuối tháng đầu năm (tháng Giêng) tôi từ biệt núi cũ lên đường vào Kinh. Trên đường đi trải ngắm phong cảnh sông ngòi, đồng ruộng, núi, biển mênh mông, xúc cảm trước cảnh vật, đều có thơ ngâm vịnh... Nhân sắp xếp thơ đó lại được 36 bài, đặt tên là Nam trình tạp ngâm. Năm Tân Tị, tiết thanh minh, Hàn lâm viện Mai Phong chủ nhân, viết ở quán trọ bên sông Hương”.

Rất tiếc Nam trình tạp ngâm thất truyền từ lâu. Một thế kỷ rưỡi qua, đến cái tên của tập thơ cũng chưa được biết tới. Nhưng rồi cuối cùng chúng ta cũng tìm ra, không phải chỉ là một cái tên sách mà cả bài Tựa của tập thơ. Trên cơ sở này, chúng ta hy vọng trong tương lai, 36 bài thơ Nam trình tạp ngâm của Phan Huy Chú có thể sẽ được phát hiện.

Tiến ngọc phả biểu (Biểu dâng ngọc phả): Tờ biểu này Phan Huy Chú dâng lên Minh Mệnh khi ông và một vài người nữa làm xong cuốn Ngọc phả viết về dòng họ vua Nguyễn theo lệnh Minh Mạng. Mở đầu bài biểu

viết Tâu về việc cung kính tu soạn xong “Ngọc phả” biên chép đẩy đủ dâng lên nhà vua... Như vậy, Phan Huy Chú còn là tác giả sách Ngọc phả của nhà Nguyễn nữa.

Điểm qua các tác phẩm của Phan Huy Chú, chúng ta thấy Lịch triều hiến chương loại chí là công trình lớn nhất của ông. Có thể nói toàn bộ trí tuệ, tài năng, lòng say mê nghiên cứu, công sức lao động, nghị lực làm việc của Phan Huy Chú đã dồn hết vào công trình này. Sự nghiệp còn mãi của Phan Huy Chú cũng chính là ở công trình này.

Để hoàn thành bộ Lịch triều hiến chương loại chí, ông đã phải bỏ ra thời gian 10 năm, từ 1809 đến 1819; tức là bộ sách được khởi thảo lúc Phan Huy Chú 27 tuổi và tới khi ông 37 tuổi mới xong. Quả là phải có một lòng yêu tha thiết đối với lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc mới có được chí ấy.

Trong bài Tựa sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần, phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến nhà Lê kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa...

Duy điển lễ của các triều, từ trước chưa có sách sẵn. Trong quốc sử biên chép công việc hàng năm về điển lễ, còn sơ lược nhiều. Huống chi từ năm Bính Ngọ (1786) có việc binh đao đến giờ, sách cũ tan nát, chỉ còn được một ít của các cố gia thế tộc cất giấu đi. Các sách nát, còn lại biên chép lẫn lộn sai lầm chưa có đầu mối; có bàn về điển cố các triều thì lờ mờ không bằng cứ vào đâu. Vậy thì chép lấy những điều mắt thấy tại nghe, chia ra từng việc, từng loại để làm một quyển sách có khuôn phép há chẳng là nhiệm vụ của người học giả ư?...

Từ khi vào núi ở đến giờ mới đóng cửa tạ khách cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách được nhàn rỗi, thì lại tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn. Ngày tháng góp lại đến nay đã trải qua 10 năm, biên chép đã xong, cộng có 10 chí: Dư địa, Nhân vật, Quan chức, Lễ nghi, Khoa mục, Quốc dụng, Hình luật, Binh chế, Văn tịch, Bang giao. Chí nào cũng có lời nói đầu để kể rõ đại ý. Mỗi chí lại chia ra tiết, mục, chép riêng từng tập, nối liền với nhau gọi là Lịch triều hiến chương loại chí, cộng 49 quyển”...

Năm 1821, lúc làm Hàn lâm biên tu, Phan Huy Chú dâng Lịch triều hiến chương loại chí lên Minh Mệnh, được Minh Mệnh thưởng cho 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 cái bút, 30 thoi mực.

Như Phan Huy Chú đã nói, Lịch triều hiến chương loại chí là bộ sách bao gồm 10 chí; tức là 10 sách ghi chép 10 bộ môn được phân loại, nghiên cứu một cách hệ thống theo trình tự:

Dư địa chí: Nghiên cứu sự thay đổi về bờ cõi qua các đời, sự khác nhau về phong thổ của các tỉnh.

Nhân vật chí: Nói về tiểu sử các vua chúa, những người có công lao xây dựng các triều đại; những tướng lĩnh có danh tiếng, những trí thức có đức nghiệp.

Quan chức chí: Khái quát việc đặt quan chức ở các đời, sự thay đổi tên các quan chức, chức vụ của các ti, chế độ ban cấp bổng lộc, chế độ bổ dụng quan lại.

Lễ nghi chí: Chế độ áo mũ, xe kiệu của vua chúa chế độ phẩm phục, võng kiệu của quan lại, lễ thờ cúng, tang ma, lễ sách phong, tế cáo...

Khoa mục chí: Đại cương về phép thi các đời, thể lệ của các kỳ thi...

Quốc dụng chí: Việc làm sổ hộ khẩu, phép thu thuế, đánh thuế, tiền tệ, chế độ ruộng đất...

Hình luật chí: Khái quát về việc định luật lệ các đời, luật các loại.

Binh chế chí: Nghiên cứu về việc đặt các ngạch quân, phép tuyển chọn quân lính, chế độ lương bổng, quân trang, quân dụng, phép thi võ.

Văn tịch chí: Nói về tình hình sách vở các đời.

Bang giao chí: Chép việc bang giao của các đời, nghi lễ đón tiếp sứ thần các nước.

Tóm tắt qua cấu tạo sách Lịch triều hiến chương loại chí chúng ta thấy dung lượng của nó rất lớn. Đây quả là một bộ lịch sử văn hiến đồ sộ, một pho bách khoa toàn thư của đất nước. Một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam của Liên Xô, G.P. Mu-ra-sê-va đã đánh giá: “Lịch triều hiến chương loại chí là một bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến” (Tiếng Nga, 1973).

Mười bộ môn trong công trình của Phan Huy Chú là mười lĩnh vực khoa học riêng, có quan hệ với nhau và là những vấn đề thiết yếu của quốc gia thời xưa. Lĩnh vực nào Phan Huy Chú cũng tỏ ra uyên bác và có những quan điểm sâu sắc. Hơn nữa, với sự phân loại, hệ thống hóa từng bộ môn như thế, Lịch triều hiến chương loại chí đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học nước nhà hồi đầu thế kỷ XIX.

Ngày nay đi sâu tìm hiểu Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta có thể nói được khá nhiều về giá trị khoa học của bộ sách, như về thể tài, tính hệ thống, tính chính xác, tính sáng tạo, phương pháp trình bày... Đặc biệt, bên cạnh giá trị khoa học, giá trị cung cấp sử liệu hết sức phong phú, toàn diện, Lịch triều hiến chương loại chí còn là một công trình học thuật chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ của tác giả. Qua Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta thấy Phan Huy Chú là một nhà bác học có lòng yêu nước thiết tha và có một ý thức dân tộc sâu sắc. Lòng yêu nước ý thức dân tộc đó gắn quyện với nhau chặt chẽ, thể hiện qua cách suy nghĩ về toàn bộ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như qua cách nhìn nhận, đánh giá từng vấn đề, từng sự kiện lịch sử mà ông nghiên cứu.

Trong công trình của mình, Phan Huy Chú đặt Dư địa chí lên đầu, rồi tới Nhân vật chí. Qua cách sắp xếp thứ tự và qua lời bàn ở mỗi chí, chúng ta thấy rõ quan điểm của Phan Huy Chú: đối với một quốc gia, vấn đề lớn nhất là đất nước và con người. Đất nước tức là hoàn cảnh địa lý; cương vực núi sông, đất đai, phong thổ, tài nguyên. Còn con người là gốc của nước, ông nói: “Nước lấy người làm gốc” (Nhân vật chí). Bàn về con người, Phan Huy Chú chưa có được nhận thức quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Ông mới chỉ nhìn thấy vai trò của những cá nhân, những nhân tài tuấn kiệt. Song bàn về bờ cõi núi sông, về công lao xây dựng, bảo vệ giang sơn và quyền làm chủ bờ cõi đất đai của tổ tiên, Phan Huy Chú có những suy nghĩ rất sâu sắc, chí lý. Ông luận rằng:“Từ khi có trời đất thì có núi sông. Đất nào thuộc phận sao nào đã chia sẵn. Bờ cõi mỗi nước đều phân biệt. Nước nào có địa phận nước ấy. Việc định giới hạn để ngăn cách là việc cần phải làm trước tiên khi mới dựng nước: “Của báu của một nước không gì quý bằng đất đai. Nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra.... Nước Việt ta, từ đời Hùng Vương dựng nước, chia địa giới đặt kinh đô, núi sông nước Nam đã có giới hạn ở “sách trời”...

Ngọn bút của Phan Huy Chú khi chọn trích thơ văn, khi nhận xét, đánh giá các tác giả, các tác phẩm là ngọn bút của một nhà phê bình văn học tài năng, một nhà làm văn học sử sâu sắc. Có thể nói, phần Thi văn trong Văn tịch chí là một cuốn lịch sử văn học còn sơ giản bằng những trích dẫn tác phẩm có chọn lọc và hệ thống. Viết phần Thi văn, Phan Huy Chú đã làm việc tổng kết lịch sử văn học cổ nước nhà tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng là một phác họa quý giá.

Thực ra, Phan Huy Chú không chỉ tổng kết riêng lịch sử văn học mà với Lịch triều hiến chương loại chí ông đã tổng kết toàn bộ lịch sử nghìn năm văn hiến của nước ta. Làm Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có than: “Ôi! Công việc trước thuật người xưa vẫn phàn nàn là khó” và ông khiêm tốn nói rằng ông chỉ “tạm góp nhặt những điều mắt thấy tai nghe bổ khuyết vào chỗ thiếu sót” của sách vở thời trước. Nhưng thực tế Lịch triều hiến chương loại chí là bộ sách để người đọc một đời hiểu suốt các đời. Phan Huy Chú nói: “Cái thần diệu trong chế tác thể hiện ra ở điển lễ, hiến chương, cái hay trong tâm thuật ngụ vào văn chương, sách vở”. Đúng vậy, đọc Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta thấy rõ cái “thần diệu” của dân tộc Việt Nam trong việc sáng tạo ra nền văn hiến lâu đời giàu bản sắc, cũng như thấy cái hay, cái đẹp, cái cao sâu trong tâm thuật của nhà bác học Phan Huy Chú, đã được ông gửi gắm vào sách vở, văn chương.

Như đã nói ở phần đầu, Phan Huy Chú để lại hai tập thơ là Hoa trình ngâm lụcHoa trình tục ngâm, gồm hơn 400 bài, được ông sáng tác trong hai lần đi sứ sang Trung Quốc. Lần thứ nhất từ 1824 đến 1826; lần thứ hai từ 1830 đến 1832, dưới triều vua Minh Mệnh.

Đọc thơ Phan Huy Chú, chúng ta thấy thơ ông quả là mang đậm nét “kỷ sự”, “miêu tả những điều mắt thấy”, song không phải không có sức rung cảm sâu sắc của một tâm hồn thi nhân - bác học.

Dưới đây là ba bài trích trong tập Hoa thiều ngâm lục, do nhà thơ Trần Lê Văn dịch thơ. Bài thứ nhất nhan đề Kỳ Lừa phố (Phố Kỳ Lừa):

Nhà ngói, người tụ hội,

Sọt xanh, hàng hóa đầy.

Ngược xuôi, đất qua lại,

Phong vị mỡ màu thay.

Bài thứ hai Chu trung ngẫu vịnh (Trong thuyền, ngẫu hứng làm thơ):

Muôn dặm hành trình lên nẻo Bắc,

Hãy đưa thuyền sứ vượt sông dài.

Dòng men sườn biếc, con đường thẳm,

Nước chẩy hoa đào, cữ tháng hai.

Bức vẽ núi phơi, bờ dựng sáng,

Cung đàn cây rộn, thác xa khơi.

Lòng vui nảy hứng đề thơ đó,

Tựa cửa thuyền, trông xế ánh trời.

Bài thứ ba Tân Lạc dạ hoài (Tân Lạc, đêm cảm hoài):

Quán khách đêm thu lạnh,

Bâng khuâng canh sắp tà.

Ải Bắc trăng sáng buốt,

Biển Nam mây khuất xa.

Cương ngựa mải dò hỏi,

Gian nguy từng trải qua.

Nghĩ mỏi không thành giấc,

Đâu mộng núi quê nhà.

Thơ Phan Huy Chú có một đặc điểm khá rõ là giàu chất “kỷ sự” (ghi việc). Mở đầu tập Hoa thiều ngâm lục, Phan Huy Chú viết: “Người xưa nói: Không đọc muôn quyển sách thì nên đi muôn dặm đường... Tôi trong hơn mười năm qua, đọc sách, nằm mà chu du mọi miền. Nay được đến tận nơi, tầm mắt mở rộng, tinh thần sảng khoái... Bất giác nẩy ra thơ, miêu tả những điều mắt thấy, cũng chỉ cốt gửi gấm tình hoài, ca ngợi cảnh vật, chưa từng dùng sức nắn nót câu chữ, gò gẫm âm điệu...”./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Nhật Duật – võ tướng đa tài
    Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão (1255) tại kinh thành Thăng Long trong gia đình hoàng tộc nhà Trần. Ông là con thứ 16 của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Nghệ thuật múa Hàn Quốc “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại”
    Các nghệ sĩ Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn múa “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (TP Huế).
Đừng bỏ lỡ
Phan Huy Chú - nhà bác học, nhà thơ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO