Nỗi nhớ tình yêu không dứt

Lời bình của Đặng Huy Giang| 14/12/2022 08:28

“Vang âm tiếng sóng” - tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh khá dày dặn và đầy đặn. Điều làm tôi ngạc nhiên là trong tập có nhiều bài thơ tình ấn tượng, cho thấy sự say cháy và bừng rộ nhờ lối viết, cách triển khai rất riêng. Chất ngẫm cảm, liên tưởng cũng được đẩy lên ở mức cao. Đó là các bài: “Tình say”, “Nhả tơ”, “Hoa sưa” và “Nhớ cà phê phố”.

Nguyễn Hồng Vinh

Nhớ cà phê phố



Tặng Phan Tiến Dũng



Phố xa
Anh ngóng đợi từng phút
Café nhỏ giọt
Em xa hút...

Từ ngày trở về
Anh lẻ bóng
Nuối tiếc ngày xưa trong cõi lặng.

Giá kim đồng hồ quay ngược
Em ơi!



Tháng 2/2022

Một “Tình say” với “Em rót vào anh tràn ly rượu/ Hai ta lên xuống giữa trời mây/ Sóng như tung lên rồi nhấn xuống/ Con thuyền cứ thế ngả nghiêng say”, một “Nhả tơ” với “Ngỡ em nhả tơ từ kiếp trước/ Để anh ám ảnh một kiếp tằm/ Kìa sông chảy xuôi, cá lội ngược/ Đôi mình như mắc lưới tình duyên”, một “Hoa sưa” với “Hoa sưa trắng nỗi niềm xưa/ Sáng-trưa - chiều-tối... đón đưa em về/ Hoa sưa bừng nở, còn nghe/ Tiếng chim líu ríu đầu hè... nhắc ai?” thật đáng nhớ. Sự say cháy của tình yêu trong “Tình say” đã đến độ. Sự kết hợp lứa đôi trong “Nhả tơ” như định mệnh. Còn “Hoa sưa trắng” đến cả “nỗi niềm xưa” trong “Hoa sưa” là một câu thơ tài hoa và cả tài tình nữa. Mỗi bài thơ hay mỗi vẻ và đôi khi phụ thuộc vào sự cảm nhận, chia sẻ của từng người, nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả là “Nhớ cà phê phố”.

Có thể nói, “Nhớ cà phê phố” là một bài thơ đặc sắc, được viết rất tự nhiên và viết như bắt được vậy. Từ xưa đến nay, những bài thơ đặc sắc kiểu này đều được hạ sinh như thế. Và nó lạ ngay từ cái tên: Không phải viết về một quán cà phê phố, mà viết về nỗi nhớ quán cà phê phố. Và nỗi nhớ ấy cũng không phải là nỗi nhớ quán cà phê phố, mà là nỗi nhớ em. Chính sự thiếu vắng, nói cụ thể là sự “thiếu em”, “vắng em” cùng sự tiếc nuối và ngậm ngùi như những tiếng thở dài đã trở thành điểm xuất phát, trở thành cái hồn cốt, cái căn cơ của tứ thơ.

Ngay ở khổ đầu, người đọc đã có ngay một cảm thức về thời gian rất rõ. Phố thì xa, anh thì ngóng đợi, thời gian thì trôi. Từng giây, từng phút như tương ứng với từng giọt cà phê nhỏ... trong một hiện thực cụ thể với một không gian: “Em xa hút”. Trong cái khoảnh khắc một đi không trở lại ấy, ánh hồi quang của quá khứ, của tình yêu đã trở về mãnh liệt đến khó hình dung ra nổi. Rồi anh cảm thấy cô đơn (lẻ bóng) trong sự im ắng (cõi lặng) hơn bao giờ hết, trong nỗi xót xa và “nuối tiếc ngày xưa” cũng hơn bao giờ hết.

Xa xưa, nhà thơ Hồ Dzếnh từng viết “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Ấy là nói về vẻ đẹp của một hành trình tới đích, cụ thể là hành trình tới đích của tình yêu. Chính hành trình tới đích của tình yêu mới tạo ra kịch tính, sự hồi hộp trong tình yêu. Trong “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, cũng vậy. Bài “Chùa Hương” được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp coi là “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Dưới bài “Chùa Hương”, tác giả còn chú thêm: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều”. Như vậy là khi “hai người lấy nhau”, về cơ bản, là hết chuyện và hành trình tới đích của tình yêu cũng kết thúc. Còn ở thời đương đại, Lubomirski (nhà thơ người Áo) lại viết: “Em ở xa tôi đến nỗi/ Nếu em không đến được/ Tôi không bao giờ gặp được tôi đâu”. Ấy là nói đến bản chất “là một” của tình yêu đôi lứa. “Tôi không bao giờ gặp được tôi đâu” là câu thơ độc đáo, câu thơ chốt, chi tiết thơ đắt mang chất khẳng định như dao chém đá vậy. Chắc chắn tứ thơ được “cất” lên từ câu này. Hay nói một cách khác: Không có câu này, bài thơ không còn ấn tượng nữa.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, đụng đến sự thiếu vắng hoặc trống vắng lứa đôi mà trở thành cội nguồn của những ca khúc hay, phải nói đến “Tuyết rơi” của một nhạc sĩ người Pháp mà tiếc tôi không còn nhớ tên, “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Bài ca hi vọng” của nhạc sĩ Văn Ký. Nếu “Ngoài kia tuyết rơi rơi...” mà “Em đến bên anh chiều nay” thì không có “Tuyết rơi”. Nếu không có sự khắc khoải đợi chờ hoặc đợi chờ gần như trong tuyệt vọng trong sự cách chia đằng đẵng của dòng Hiền Lương, cũng khó có “Tình ca”, “Xa khơi”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Bài ca hi vọng”...

Cho nên thơ tình, xét về mặt bản chất là thơ thất tình và trên thực tế, những bài thơ tình để lại dấu ấn thường có xuất phát và mang đặc trưng như vậy. Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng nói rất vui nhưng không phải là không có lý: “Khi đã có người yêu, lúc nào cũng ở bên người yêu, thì người yêu mình đã là một bài thơ tình tuyệt vời rồi, việc gì phải làm thơ tình nữa!”

Cuối cùng, chẳng có cách gì khác bằng cách ước điều không thể xảy ra: “Giá kim đồng hồ quay ngược/ Em ơi!”, cho dù tác giả biết: Có bao giờ, thời gian có thể “quay xe” được.

Rõ ràng, người xưa thì chưa thấy nhưng ngày xưa và những kỷ niệm xưa về người xưa thì vẫn còn. Nói theo Lý Bạch thì “Người” có thể “không bao giờ về” nhưng “Hương” (tình yêu) thì “không bao giờ mất”. Ở đây, khía cạnh bất tử của tình yêu chính là hương và tinh thần của nó.
Về mặt hình thức, bài thơ sử dụng nhiều vần trắc cùng nhịp ngắt, nhịp buông khá ăn nhập với nội dung thiên về diễn tả, tạo dựng tâm trạng. Chính nội dung đã sinh ra hình thức phù hợp và tương ứng với hình thức. Việc tạo dựng tâm trạng trong thơ nhìn chung không phải dễ, không phải muốn là được. Nhiều khi, nó cũng đến rất tự nhiên và cũng như bắt được vậy.

Đây là bài thơ tình hay của một người đã ở tuổi gần bát thập. Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh!

Bài liên quan
  • Nỗi cô đơn hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật
    Hoàng Vũ Thuật là một nhà thơ có sức viết bền bỉ, hầu hết những tác phẩm của ông đều được lấy chất liệu từ cuộc sống buồn vui của chính mình và những phận đời xung quanh. Với sự trải nghiệm của mình và sự sáng tạo riêng độc đáo, ông đã khắc họa nên những nỗi khổ đau phận người, nỗi cô đơn hiện sinh trong rất nhiều tác phẩm.
(0) Bình luận
  • “Con đường tương lai ” – Hành trình trí tuệ nối dài khát vọng Việt
    Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường kết hợp với Sàn văn hóa Học và Đọc Việt Nam, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tập 1 và định hướng tập tiếp theo của dự án sách “Con đường tương lai”.
  • Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”
    Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” tại Thành phố Huế.
  • Thơ Lữ Hồng - vị buồn dưới một đồng cỏ thơm
    Tình yêu trong thơ Lữ Hồng không ồn ào hay cháy lửa. Nó là thứ tình thì thầm, âm ỉ từ bên trong, càng đọc càng cảm nhận được sự đằm sâu, nồng nàn và chân thật. Đó không chỉ là cảm xúc của một cô gái trẻ lần đầu biết yêu mà là tâm hồn của người phụ nữ đã trải qua những mất mát thấu hiểu lặng im và khát vọng được yêu trọn vẹn.
  • Nguyễn Chính và những trăn trở “nắng đã qua thu”
    “Nắng đã qua thu” là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Chính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2025, với lời giới thiệu trang trọng, hấp dẫn của nhà thơ Đặng Huy Giang.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hà Nội: Ấn tượng chương trình nghệ thuật chào mừng thành lập phường Sơn Tây
    Chào mừng thành lập phường Sơn Tây (thành phố Hà Nội) đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tối 5/7 tại sân khấu chính Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Đảng ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Sơn Tây tổ chức chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.
  • Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang
    Con vàng anh yếm cam nghiêng đầu rỉa cánh. Trong ánh nhập nhoạng của ngày vừa vào sáng, nhúm lông vũ bé bỏng như đốm lửa hoang dã bập bùng trong chiếc lồng treo trước nhà chú Xè.
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Diễn viên nhí Khôi Nguyên gây xúc động trong phim “Dịu dàng màu nắng”
    Mới chỉ sáu tuổi, Khôi Nguyên – diễn viên nhí vào vai bé Khoai trong phim truyền hình “Dịu dàng màu nắng” đã có diễn xuất chạm đến trái tim hàng triệu khán giả bằng lối diễn tự nhiên, chân thật, cảm xúc và đầy bản năng.
  • Mô hình y tế ba trụ cột đưa Phương Đông vào Top 3 Bệnh viện tốt nhất Việt Nam 2025
    Trong bối cảnh ngành y tế không ngừng chuyển mình, mô hình bệnh viện hiện đại, thông minh và lấy người bệnh làm trung tâm đã trở thành tiêu chuẩn mới. Danh hiệu Top 3 Bệnh viện tốt nhất Việt Nam 2025 là minh chứng cho hành trình bền bỉ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông – nơi chất lượng điều trị đến từ sự cộng hưởng giữa môi trường trong lành, công nghệ hiện đại và đội ngũ tận tâm. Cũng chính ba trụ cột ấy đã làm nên dấu ấn khác biệt của Phương Đông giữa một môi trường y tế ngày càng cạnh tranh
Đừng bỏ lỡ
Nỗi nhớ tình yêu không dứt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO