Nỗi nhớ tình yêu không dứt
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:28, 14/12/2022
Nguyễn Hồng Vinh
Nhớ cà phê phố
Tặng Phan Tiến Dũng
Phố xa
Anh ngóng đợi từng phút
Café nhỏ giọt
Em xa hút...
Từ ngày trở về
Anh lẻ bóng
Nuối tiếc ngày xưa trong cõi lặng.
Giá kim đồng hồ quay ngược
Em ơi!
Tháng 2/2022
Một “Tình say” với “Em rót vào anh tràn ly rượu/ Hai ta lên xuống giữa trời mây/ Sóng như tung lên rồi nhấn xuống/ Con thuyền cứ thế ngả nghiêng say”, một “Nhả tơ” với “Ngỡ em nhả tơ từ kiếp trước/ Để anh ám ảnh một kiếp tằm/ Kìa sông chảy xuôi, cá lội ngược/ Đôi mình như mắc lưới tình duyên”, một “Hoa sưa” với “Hoa sưa trắng nỗi niềm xưa/ Sáng-trưa - chiều-tối... đón đưa em về/ Hoa sưa bừng nở, còn nghe/ Tiếng chim líu ríu đầu hè... nhắc ai?” thật đáng nhớ. Sự say cháy của tình yêu trong “Tình say” đã đến độ. Sự kết hợp lứa đôi trong “Nhả tơ” như định mệnh. Còn “Hoa sưa trắng” đến cả “nỗi niềm xưa” trong “Hoa sưa” là một câu thơ tài hoa và cả tài tình nữa. Mỗi bài thơ hay mỗi vẻ và đôi khi phụ thuộc vào sự cảm nhận, chia sẻ của từng người, nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả là “Nhớ cà phê phố”.
Có thể nói, “Nhớ cà phê phố” là một bài thơ đặc sắc, được viết rất tự nhiên và viết như bắt được vậy. Từ xưa đến nay, những bài thơ đặc sắc kiểu này đều được hạ sinh như thế. Và nó lạ ngay từ cái tên: Không phải viết về một quán cà phê phố, mà viết về nỗi nhớ quán cà phê phố. Và nỗi nhớ ấy cũng không phải là nỗi nhớ quán cà phê phố, mà là nỗi nhớ em. Chính sự thiếu vắng, nói cụ thể là sự “thiếu em”, “vắng em” cùng sự tiếc nuối và ngậm ngùi như những tiếng thở dài đã trở thành điểm xuất phát, trở thành cái hồn cốt, cái căn cơ của tứ thơ.
Ngay ở khổ đầu, người đọc đã có ngay một cảm thức về thời gian rất rõ. Phố thì xa, anh thì ngóng đợi, thời gian thì trôi. Từng giây, từng phút như tương ứng với từng giọt cà phê nhỏ... trong một hiện thực cụ thể với một không gian: “Em xa hút”. Trong cái khoảnh khắc một đi không trở lại ấy, ánh hồi quang của quá khứ, của tình yêu đã trở về mãnh liệt đến khó hình dung ra nổi. Rồi anh cảm thấy cô đơn (lẻ bóng) trong sự im ắng (cõi lặng) hơn bao giờ hết, trong nỗi xót xa và “nuối tiếc ngày xưa” cũng hơn bao giờ hết.
Xa xưa, nhà thơ Hồ Dzếnh từng viết “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Ấy là nói về vẻ đẹp của một hành trình tới đích, cụ thể là hành trình tới đích của tình yêu. Chính hành trình tới đích của tình yêu mới tạo ra kịch tính, sự hồi hộp trong tình yêu. Trong “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, cũng vậy. Bài “Chùa Hương” được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp coi là “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Dưới bài “Chùa Hương”, tác giả còn chú thêm: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều”. Như vậy là khi “hai người lấy nhau”, về cơ bản, là hết chuyện và hành trình tới đích của tình yêu cũng kết thúc. Còn ở thời đương đại, Lubomirski (nhà thơ người Áo) lại viết: “Em ở xa tôi đến nỗi/ Nếu em không đến được/ Tôi không bao giờ gặp được tôi đâu”. Ấy là nói đến bản chất “là một” của tình yêu đôi lứa. “Tôi không bao giờ gặp được tôi đâu” là câu thơ độc đáo, câu thơ chốt, chi tiết thơ đắt mang chất khẳng định như dao chém đá vậy. Chắc chắn tứ thơ được “cất” lên từ câu này. Hay nói một cách khác: Không có câu này, bài thơ không còn ấn tượng nữa.
Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, đụng đến sự thiếu vắng hoặc trống vắng lứa đôi mà trở thành cội nguồn của những ca khúc hay, phải nói đến “Tuyết rơi” của một nhạc sĩ người Pháp mà tiếc tôi không còn nhớ tên, “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Bài ca hi vọng” của nhạc sĩ Văn Ký. Nếu “Ngoài kia tuyết rơi rơi...” mà “Em đến bên anh chiều nay” thì không có “Tuyết rơi”. Nếu không có sự khắc khoải đợi chờ hoặc đợi chờ gần như trong tuyệt vọng trong sự cách chia đằng đẵng của dòng Hiền Lương, cũng khó có “Tình ca”, “Xa khơi”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Bài ca hi vọng”...
Cho nên thơ tình, xét về mặt bản chất là thơ thất tình và trên thực tế, những bài thơ tình để lại dấu ấn thường có xuất phát và mang đặc trưng như vậy. Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng nói rất vui nhưng không phải là không có lý: “Khi đã có người yêu, lúc nào cũng ở bên người yêu, thì người yêu mình đã là một bài thơ tình tuyệt vời rồi, việc gì phải làm thơ tình nữa!”
Cuối cùng, chẳng có cách gì khác bằng cách ước điều không thể xảy ra: “Giá kim đồng hồ quay ngược/ Em ơi!”, cho dù tác giả biết: Có bao giờ, thời gian có thể “quay xe” được.
Rõ ràng, người xưa thì chưa thấy nhưng ngày xưa và những kỷ niệm xưa về người xưa thì vẫn còn. Nói theo Lý Bạch thì “Người” có thể “không bao giờ về” nhưng “Hương” (tình yêu) thì “không bao giờ mất”. Ở đây, khía cạnh bất tử của tình yêu chính là hương và tinh thần của nó.
Về mặt hình thức, bài thơ sử dụng nhiều vần trắc cùng nhịp ngắt, nhịp buông khá ăn nhập với nội dung thiên về diễn tả, tạo dựng tâm trạng. Chính nội dung đã sinh ra hình thức phù hợp và tương ứng với hình thức. Việc tạo dựng tâm trạng trong thơ nhìn chung không phải dễ, không phải muốn là được. Nhiều khi, nó cũng đến rất tự nhiên và cũng như bắt được vậy.
Đây là bài thơ tình hay của một người đã ở tuổi gần bát thập. Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh!