Nỗi cô đơn hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật

Lê Nga| 01/12/2022 14:55

Hoàng Vũ Thuật là một nhà thơ có sức viết bền bỉ, hầu hết những tác phẩm của ông đều được lấy chất liệu từ cuộc sống buồn vui của chính mình và những phận đời xung quanh. Với sự trải nghiệm của mình và sự sáng tạo riêng độc đáo, ông đã khắc họa nên những nỗi khổ đau phận người, nỗi cô đơn hiện sinh trong rất nhiều tác phẩm.

Có lần Hoàng Vũ Thuật tự bạch: "Với tôi, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Cô đơn là một đặc tính của con người. Trong ý niệm tương đối, cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp. Tôi coi trọng cái riêng con người, chất cá thể con người, nên có lúc bài thơ bật ra trong trạng thái vô thức. Thơ chính là mảnh tâm trạng, cõi riêng thân phận, một cảnh huống đơn độc của con người". Có lẽ cũng chính vì điều này nên trong thơ của ông thường thấy hình bóng của những con người, những phận đời, số kiếp cô đơn.

  Trên giá đỡ những trang sách mở ra số phận cay đắng hạnh phúc

                                                                      chiến tranh hòa bình

Trên bả hư danh thừa mứa quyền uy hăm hở dối lừa

                                                                    ngông nghênh tăm tối

Trên pháp trường lởn vởn hồn oan xơ xác mong nhìn thấy ánh sáng

Trên sương mù bóng mẹ liêu xiêu sớm khuya đi về quang gánh oằn vai

Trên giường chiếu khổ đau bần hàn lam lũ hết đời này sang đời khác

Trên mâm cơm đầu mùa bung nở ríu rít trẻ con bát đũa lanh canh

Anh đợi

Trên hứng khởi người tìm bóng tối với những ngôi sao cuồng chết

                                                                              bên gốc dứa dại

Trên cánh bay giấc mơ hoang tưởng và hiện thực chồng chéo tan chảy

Trên tuyệt vọng rơi rơi rơi hun hút chín tầng âm u

Anh đợi

Đứa bé ngây ngô đợi bụt hiền hiện ra ban phép lạ

Anh đợi

(Anh đợi)

Trong cuộc sống không ai không mong cho mình được sống hạnh phúc, tự do nhưng ước nguyện ấy không phải ai cũng đạt được. Có những phận đời bị đẩy vào chiến tranh loạn lạc, có những người mẹ sớm khuya đi về quang gánh oằn vai, có những người khổ đau bần hàn lam lũ hết đời này sang đời khác, lại có những người vì tuyệt vọng mà rơi rơi rơi hun hút chín tầng âm u… Bằng trải nghiệm của mình, nhà thơ đưa ra quan điểm về những cuộc chiến tranh tàn khốc, về những trò chơi quyền lực tăm tối. Đồng thời, ông đã nhìn thấy sự bất lực, cô đơn của những phận người bị đẩy vào lửa đạn chiến tranh, những con người yếu thế.

Cái chết được thử nghiệm

I rắc

Giờ thì Li Băng

Máu xoáy sẹo đen lòng biển

Những ngày thảm khốc tôi vùi chân bên dòng Nêva

Chẳng đủ để răn dạy kẻ khác

Cuộn tròn mình lo lấy thân xác hơn chăng

Ngày anh tôi không về

Tôi đứa trẻ chỉ biết hát

(Cái chết)

tac-gia-hoang-vu-thuat.jpg
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Nỗi cô đơn trong thơ Hoàng Vũ Thuật được chắt lọc từ những gì nhà thơ cảm nhận được trong cuộc sống hiện tại, trong quá khứ và cả tương lai với những sự liên tưởng, so sánh:

những cánh tay chọc thủng gạch ngói

những chiếc nón vẫy mưa

những tiếng kêu đứt đoạn

những hốc mắt đói nhìn

mỏi mòn đêm tối

kiệt quệ rạng ngày

...

mẹ thắp hương chờ

những đứa con không trở lại

những đứa con khát sữa gào lên khuya khoắt

sạp giường lạnh tanh

đôi vòng tay trơ rỗng

sách vở trộn bùn đất

rơm rạ trộn thây người

(Lá cứ hồn nhiên)

Lá thì cứ hồn nhiên, nhưng không lẽ mỗi con người trong kiếp đời này lại có thể hồn nhiên như lá? Không, con người có ý thức và sự cô đơn thường sẽ tác động mạnh đến tâm thức của mỗi người. Khi người mẹ mất đi những đứa con sẽ đau đớn, cô đơn, quằn quại và quãng thời gian tương lai của mẹ sẽ là đối diện với sạp giường lạnh tanh/ đôi vòng tay trơ rỗng, cuộc sống của những đứa con khát sữa sẽ ra sao khi thế giới ngoài kia là sách vở trộn bùn đất/ rơm rạ trộn thây người? Bằng lối gợi và liên tưởng, Hoàng Vũ Thuật đã nói lên nỗi đau nhân thế, đây cũng chính là cảm thức hiện sinh sâu sắc trong thơ của ông.

Không chỉ là những phận đời phải trải qua chiến tranh, loạn lạc mà ngay cả những hình ảnh rất đời thường, Hoàng Vũ Thuật cũng nhìn thấy được nỗi cô đơn trong tâm khảm, trong cuộc sống của từng số phận.

mười lăm phút một gương mặt hiện ra

Á Úc Mỹ da đen da trắng

không giống nhau

nhưng không hề khác

trên trang giấy phẳng phiu tuyết trắng

mười lăm phút gương mặt hiện ra

mười lăm phút vòng quanh năm châu lục

Trung Hoa Đan Mạch Thái Bình Dương

thế giới hiền hòa yên ả

mười lăm phút dư thừa đói nghèo khôn dại

chiếc gương phản chiếu hành tinh

trẻ và già gái và trai hiền và dữ

tóc nâu tóc vàng tóc xanh

cuối mùa thu rừng phong trút lá

trơ trọi mình họaH sĩ giữa khung đêm.

(Họa sĩ trong công viên Kultura)

Họa sĩ trong công viên Kultura giống như một khắc họa về cái tôi nhìn đời bằng lăng kính hiện sinh. Họa sĩ cảm nhận được sự tồn tại của những người khác, với những diện mạo, gốc gác, độ tuổi khác nhau. Họ cùng đến trong thế giới này, "không giống nhau/ nhưng không hề khác", vì họ cùng chịu chung một bàn tay run rủi của số phận. Người họa sĩ khắc họa lại những gương mặt ấy. Nhưng sau cùng, mọi sự gặp gỡ với những con người trong thế gian cũng sẽ phai đi. Tha nhân và bản thể vẫn chỉ là những tồn tại riêng biệt. Cuối cùng còn lại chỉ còn "ta với ta" trong khung cảnh tồn tại riêng mình. Một không gian hiện sinh thực sự tinh tế đã được xây dựng bằng lối thơ giản dị của Hoàng Vũ Thuật.

một chiếc ghế bện mây bên chiếc ghế bện mây cũ

hai mái tóc ông chải sáng

rẽ đôi chút khí trời hiếm hoi

bức tranh quê Đông Hồ bày nơi ngưỡng cửa

và nàng như ngày tháng xếp chồng lên nhau

ẩn trong gam lạnh

cứ thế ban mai hay chiều tà ông mở ra cuộn lại

người qua ngắm nghía bỏ đi

không mặc cả hỏi han

ông hiểu chẳng ai nhìn thấy vẻ đẹp nàng sau làn vải mộc

lẽ nào rao bán hoặc đem biếu không

hay treo giá tận chót cùng đi nữa

ông đưa về làm của quý riêng mình

vì ông biết những đêm dài nàng bay ra cùng khói sương buốt giá

ánh sáng

hơi thở

tiếng đàn

bởi nàng là bức tranh Đông Hồ ấm áp khắc họa cuộc đời ông

(Bức tranh mùa đông)

Nhìn rộng ra, thân phận cô đơn của người họa sĩ trong đêm thu hay sự cô đơn vì không có người hiểu để chia sẻ, thưởng thức nét đẹp văn hóa, nét đẹp của tranh Đông Hồ như ông già cũng chính là nỗi cô đơn thường thấy của con người trên thế gian. Con người, ai cũng muốn được quan tâm, chia sẻ nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận được tình cảm của những người xung quanh để rồi chúng ta tự mình lạc lõng, cô đơn trong nhân thế. Đây chính là một hiện thực được Hoàng Vũ Thuật nhìn nhận và khai thác rất tinh tế.

tac-pham-cua-hoang-vu-thuat(1).jpg
Một số tác phẩm của Hoàng Vũ Thuật

Lạc lõng trong cuộc sống đã là một sự cô đơn đáng sợ. Nhưng còn đáng sợ hơn khi cuộc sống làm cho con người ta cảm thấy chán ngán, thấy mất niềm tin vào nó, để rồi mỗi người tự sống với cuộc sống riêng của mình, bất lực hoặc thờ ơ trước những đắng cay, hạnh phúc, xảo trá, lọc lừa, tội ác… thờ ơ trước tất cả những gì xảy ra xung quanh mình và sau đó lại tự hỏi mình: Ta là ai?:

chán ngán chuyện ô uế hàng ngày diễn ra trên tờ báo to

đứa trẻ vừa bị kẻ hãm hiếp nơi ngã ba thành phố

muốn đi tìm lại cái bản mặt thật mình

cho ngày mai kịp đến với cõi thiền ngôi chùa cổ

những viên ngói mở mắt nhìn

cái thẻ bài nhà tu hành nói với tôi

anh là anh không là ai khác

chính anh đã làm nên cuộc sống của mình

còn bạn thì sao

hỡi người bên kia nửa trái đất

bạn học được gì khi sự xảo trá đang ngự trị

lên mỗi sợi tóc trắng chúng ta

(Sự xảo trá đang ngự trị lên mỗi sợi tóc trắng)

Vâng, ta chính là ta không là ai khác, chính chúng ta đã làm nên cuộc sống của chính mình. Nhưng cuộc sống của mỗi người có do họ toàn quyền quyết định? Nếu như có thì cũng biết phải làm thế nào cho đúng, cho xứng với kiếp người? Biết về đâu khi dòng sông ngang qua đời/ ta/ không bọt/ về đâu những con sóng vỗ chân cầu/ đừng nói nữa/ chiếc hộp trà đêm đêm/ đối diện/ dấu đi/ thi thể ngàn năm/ trôi / sóng truyền kiếp/ chiều nay/ dạt phía chân cầu (Trà đạo). Những câu hỏi đầy trăn trở: về đâu, về đâu cứ liên tục xuất hiện, liên tục vang lên mà tìm được ở đâu, ở ai một lời đáp, một câu trả lời? Để rồi ta cô đơn đối diện với chính mình với hàng trăm ngàn câu hỏi. Có người tìm ra đáp án, tìm ra lối đi, tìm được chính mình đó là những người may mắn. Tuy nhiên, điều may mắn ấy không phải sẽ đến với tất cả mọi người, bởi có những người đi trọn một năm vẫn không/ ra khỏi vùng ám tượng để rồi lưỡi hái thần chết/ đốn ngã linh hồn/ đố kỵ mờ xa gương mặt/ chữ nghĩa đánh bóng mạ kền… /đi trọn một đời vẫn không/ ra khỏi cuộc tranh giật/ nghìn cánh tay giơ cao/ biểu quyết/ không biết nữa cái gì xảy ra… (Ý nghĩ vụt hiện).

Dường như tất cả những bài thơ của Hoàng Vũ Thuật đều mang lại cảm giác buồn, cô đơn. Có khi là nỗi cô đơn chung của nhân loại, có khi lại là những nỗi niềm riêng, những cô đơn của một con người lạc lõng trong cuộc đời. Nó được ông diễn tả bằng nhiều hình ảnh, tứ thơ độc đáo. Đọc thơ ông người đọc như thấy rằng nỗi cô đơn đó là của chính bản thân mình, là nỗi buồn của chính mình. Ví dụ như trong Bài thơ ban mai ông viết:

mùa đông đến bất ngờ

không báo trước

tôi không kịp mặc áo ấm quàng khăn đi tất

như sự lạnh lùng của em

không báo trước

tôi đi qua những hoàng hôn

những trận mưa đêm đột biến

những lối phố rộng rênh

những quảng trường quá hẹp

những chiếc quán lẻ loi

tôi đi như một lời độc thọai

….

Tôi đã qua một mùa đông lạnh nhạt

một mùa đông không báo trước

như dáng em ngồi đan áo trong khuya

tôi cần sự bù đắp

sự bắt đầu

nhưng không bao giờ là sự cuối

(Bài thơ ban mai)

Ở đây, người đọc có thể cảm nhận, thấm thía khi tôi đi qua những hoàng hôn - những trận mưa đêm đột biến rồi những hình ảnh lối phố rộng tênh, những chiếc quán lẻ loi càng làm cho con người trở nên nhỏ bé trong không gian và còn nỗi buồn nào buồn hơn khi trong mùa đông lạnh giá lại thấy mình, lại phát hiện ra mình đang đi như một lời độc thọai. Cũng từ đó, con người cô đơn ấy cảm thấy cần một cái gì đó để làm cho lòng mình ấm lên, đó có thể là sự bù đắp, sự bắt đầu nhưng không bao giờ là sự cuối.

Là một con người tinh tế, nhạy cảm, Hoàng Vũ Thuật đã lắng nghe con tim mình, lắng nghe tiếng nói của mình qua những trải nghiệm cá nhân. Đồng thời, với nhãn quan tinh tường nhìn nhận quy luật cuộc sống thông qua các sự kiện, nét văn hóa, các biến động lịch sử, ông đã khắc họa nên những nỗi cô đơn hiện sinh của con người và chính mình.

Bài liên quan
  • Góp phần làm sáng tỏ  tiểu sử và thành tựu thơ  Hồ Xuân Hương
    PGS. TS Vũ Nho là chủ nhân của 116 đầu sách gồm cả sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục. Ở tuổi 75, cây bút dồi dào năng lượng này vẫn không ngừng làm việc để có thêm những tác phẩm trình công chúng... Cuốn sách mới nhất của ông “Hồ Xuân Hương đời và thơ” vừa ra mắt như một minh chứng cho niềm say mê của “lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ. Cùng Người Hà Nội lắng nghe những chia sẻ của ông để hiểu sâu hơn về tập sách này.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nỗi cô đơn hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO