Cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị ghi chép lại những năm tháng đi B với nhiều trang viết chân thật, cảm động, chứa đựng giá trị lịch sử vừa được ra mắt nhân Ngày sách Việt Nam (21/4) tại số 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng tác giả Phạm Quang Nghị.
Tới dự buổi giới thiệu sách có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong…; cùng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam…
Tác giả Phạm Quang Nghị cho biết, trong suốt những năm tháng chiến tranh cho tới ngày rời thành phố Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng kể cả ánh trăng sao hoặc không có nơi ngồi để viết, còn lại hầu như mỗi ngày ông đều ghi nhật ký. “Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó như nó đã nằm yên suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề. Vì vậy, cách tốt nhất để lưu giữ lại những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung ấy là tôi phải in ra sách.”
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì chia sẻ: “Được tác giả tặng sách, tôi háo hức đọc đi, đọc lại mấy lần mới thẩm thấu chất văn chương, chất người, chất chân, thiện, mỹ trong tác phẩm dày gần 500 trang. Phải nói rằng nhật ký chiến trường thì đã xuất hiện nhiều, kể cả phía bên kia. Nổi lên một thời và đã thành phim ảnh là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”... Nhưng khi đọc “Nơi ấy là chiến trường” tôi vẫn thấy rưng rưng. Mỗi trang viết của ông làm tôi sống lại một thời hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước. Từ dấu mốc 17/4/1971 đến 6 giờ 30 phút ngày 23/9/1975 - 4 năm ở chiến trường với gần 500 trang viết, gói gọn trong 8 chương, tuần tự một cuộc hành trình trong khói lửa bom đạn, trong tấc gang giữa cái sống và cái chết, trong tình cảm yêu thương đùm bọc, che chở hết lòng của nhân dân, cả trong khung trời thơ mộng giữa hai chiến tuyến...”