Những món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ
Đặc sản miền Tây Nam Bộ là kho tàng ẩm thực quý giá của Việt Nam, các món ăn nơi đây dân dã nhưng lại mang hương vị khiến thực khách khó thể nào quên.
Bánh canh Vĩnh Trung
Bánh canh Vĩnh Trung (tên một xã ở huyện Tịnh Biên, An Giang) có sợi dẹt nhỏ chứ không tròn to như ở nhiều vùng khác của Việt Nam. Nhìn qua, sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà đầy lẳn, trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột và dai mềm, lạ miệng.
Người dân vùng này kể lại, loại bánh canh này được một phụ nữ Khmer tên là Neang Oanh Na chế biến ra cách đây hàng chục năm, vì mê hương vị gạo Neang Nhen.
Sở dĩ bánh canh ở đây ngon là do nước súp đậm đà và sợi bánh dai tỏa hương thơm. Nước súp là sự kết hợp vị mặn ngọt tự nhiên từ các loại rau củ: củ cải trắng, củ sắn và 4 loại thịt cá gồm: thịt gà thả vườn vùng Bảy núi, giò heo, cá lóc và bò vò viên.
Để có một nồi súp nóng hổi thơm ngon, người nấu phải chuẩn bị từ khuya và nấu theo trình tự nhất định. Nước đun sôi, cho bò vò viên, gà, giò heo, cá lóc vào hầm lửa riu riu độ 30 phút thì vớt cá ra trước. Riêng giò heo, gà, bò vò viên phải hầm cho đến khi thịt mềm. Sau đó nêm nước mắm, đường, muối, bột ngọt… cho vừa ăn.
Nước lèo của món bánh canh Vĩnh Trung có vị ngọt tự nhiên vì được hầm từ cá đồng, xương gà, xương heo và tôm. Với sợi bánh canh tự làm từ loại gạo đặc biệt của người Khmer cùng nước cùng ngọt thanh chất lượng, nên bánh canh Vĩnh Trung được xem là món đặc sản chỉ có vùng Thất Sơn - An Giang mới có.
Mắm bò hóc
Một trong những nơi làm mắm bò hóc ngon, không thể không kể đến đó là Trà Vinh. Một phần có lẽ là do Trà Vinh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi được bao bọc bởi 2 nhánh sông nên có nguồn nước ngọt rất thuận lợi cho việc đánh bắt bắt cá. Cũng chính vì có được nguồn nguyên liệu dồi dào mà món mắm ở đây cũng ngon, bổ dưỡng hơn.
Mắm bò hóc được làm từ cá nước ngọt, sau khi làm sạch và nêm nếm gia vị, người dân sẽ mang cá đi sấy khô, ướp lần nữa với thính rồi cho cá vào hủ, ủ trong khoảng 4 - 6 tháng cho đến khi lên men thành mắm là có thể mang ra để ăn.
Món mắm bò hóc không chỉ để ăn với cơm và được xem như 1 món ăn để giúp bổ sung protein mà người dân Khmer còn dùng mắm bò húc như một loại nguyên liệu để tăng thêm hương vị cho các món ăn như: bún mắm, bún nước lèo, đặc biệt là bún num bò chóc.
Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta thường dùng mắm bò hóc để làm nước chấm món cuốn, để làm gia vị cho các món ăn và đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong món lẩu mắm huyền thoại của miền Tây Nam Bộ.
Bồn bồn
Bồn bồn là một loại thực vật quen thuộc của người dân Tây Nam Bộ, nên các món ngon từ bồn bồn luôn có nét hương vị dân dã, khiến ai đã ăn đều luôn nhớ mãi không quên.
Bồn bồn là một loài cây dại mọc bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm nên trong khoảng thời gian này bạn có thể dễ dàng mua ở các sạp bán rau trong các khu chợ lớn hoặc mua trên các trang thương mại điện tử uy tín.
Sẽ thật tuyệt nếu dùng gỏi bồn bồn chua ngọt thơm ngon để đổi vị cho cả gia đình. Từng miếng bồn bồn giòn ngon sần sật hòa cùng các loại thịt được trộn chung tươi ngon vô cùng thấm vị. Ăn kèm với bánh phồng tôm giòn rụm sẽ vô cùng bắt vị và lôi cuốn.
Bún nước kèn
Bún nước kèn dừa là món ăn ngon nổi tiếng của vùng Châu Đốc, có cách nấu khá đặc biệt. Với các món bún cá miền Tây thông thường, chúng ta thường khử mùi cá bằng cách xào sơ với hành, tỏi phi. Riêng với bún nước kèn dừa, bạn luộc cá chín rồi tách xương. Sau đó, ướp thịt cá với tỏi, sả, nghệ để vừa khử mùi tanh, vừa tạo màu cho món ăn thêm hấp dẫn.
Món ăn có vị nước dùng beo béo nhờ nấu từ cốt dừa nguyên chất - nguyên liệu nấu ăn phổ biến của người miền Tây. Thịt cá lóc được tách xương, luộc chín ngọt và ướp gia vị thấm đẫm, tạo nên sự quyện hòa hương vị độc đáo cho món ăn mà mới nhìn thôi đã thấy muốn ăn ngay để thưởng thức vị mới lạ.
Bún nước kèn ăn đúng điệu là nên ăn cùng rau muống bào, bắp chuối và giá. Có thêm rau, vị béo của bún kèn sẽ được trung hòa và tạo ra một hương vị cuốn hút vị giác. Dân” sành ăn” sẽ luôn có một chén muối ớt chanh kế bên để chấm cùng cá và rau, để hương vị của món bún thêm ngon, thêm đậm đà.
Bánh tầm cay
Bánh tằm cay là món ăn đặc trưng của đất mũi Cà Mau, nhưng nếu bạn chưa biết hoặc chưa thưởng thức món ăn này bao giờ thì bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm món bánh tầm cay Cà Mau thơm ngon tại nhà.
Bánh tầm cay hay bánh tằm cà ri cay, nhìn khá giống cà ri gà nhưng có mùi vị đặc trưng. Đây là món đặc trưng của Cà Mau, xuất xứ từ món bánh tằm ngọt ăn chơi miền Tây sông nước nhưng biến tấu với cà ri chà và của người Khmer tạo nên món bánh tằm cay ai ăn vào điều thương nhớ.
Bánh tầm cay sẽ được ăn với giá, rau sống và húng quế, bên cạnh có thêm một chén muối tiêu chanh để chấm kèm./.