Văn hóa – Di sản

Nguyễn Trung Ngạn – một hồn thơ hào phóng, giàu khí phách

Tạ Ngọc Liễn 14/11/2023 10:27

Trong văn học đời Trần, Nguyễn Trung Ngạn là một thị gia có cốt cách riêng rất rõ, được Phan Huy Chú đánh giá cao, cho rằng thơ ông nhiều bài hay, nhiều câu hay, lời thơ “hùng hồn, phóng khoáng”, gần với khí phách thơ Đỗ Phủ nhà Đường.

Nguyễn Trung Ngạn hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thị, nay là Ân Thi, Hưng Yên, sinh năm 1289, mất năm 1370. Ông đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi (1304) cùng khoa thi với Mạc Đĩnh Chi.

nguyen-ngan.jpg
Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn.

Nguyễn Trung Ngạn là người có chí lớn và tài năng lớn, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới các triều vua Minh Tông, Hiến Tông. Dụ Tông như Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Đại hành khiến, Thượng thư hữu bật, kiêm công việc Viện khu mật... Đặc biệt đối với Thăng Long, năm 1341, Nguyễn Trung Ngạn được cử giữ chức Đặc doãn Kinh sư (tức Đại an phủ Kinh sư), có trách nhiệm trông coi tất cả công việc ở Kinh sư Thăng Long.

Theo Nhân vật chí của Phan Huy Chú thì Nguyễn Trung Ngạn còn là một nhà ngoại giao giỏi. Ông đã đi sứ sang Trung Quốc, và năm 1324, bằng lý lẽ đanh thép, sắc sảo, Nguyễn Trung Ngạn đã làm cho viên sứ thần ngạo mạn của triều Nguyên là Mã Hợp Mưu phải kính nể khuất phục, xuống ngựa đi bộ vào kinh thành Thăng Long. Ông còn là nhà chính trị sáng suốt, công tâm, biết chăm lo tới đời sống nhân dân; nhà làm luật; nhà sử học. Ngoài ra, Nguyễn Trung Ngạn đã có công theo vua Trần đi đánh dẹp vùng biên cương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Về trước tác, Nguyễn Trung Ngạn có viết cuốn Thực lục, ghi chép việc Trần Minh Tông năm 1329, khi đã làm Thái thượng hoàng, đi đánh quân Ngưu Hống, và cùng với Trương Hán Siêu biên soạn bộ Hình thư, bộ Hoàng triều đại điển.

Về thơ, Nguyễn Trung Ngạn có Giới Hiên thi tập (Tập thơ của Giới Hiên). Cũng theo Phan Huy Chú (Văn tịch chí), nguyên bản Giới hiện thi tập thất lạc đã lâu. Phan Huy Ôn (chú ruột Phan Huy Chú) đi thu thập số thơ của Nguyễn Trung Ngạn tản mác ở các nhà được 80 bài, làm thành sách Giới Hiên thi cảo. Giới Hiên thi cảo hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài văn bản này, thơ Nguyễn Trung Ngạn còn được bảo lưu trong nhiều thi tuyển xưa như Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển...

Khi bình luận thơ Nguyễn Trung Ngạn, Phan Huy Chú đã lấy thơ thời Thịnh Đường làm chuẩn mực và quả là nhà bác học Phan Huy Chú có con mắt thẩm định thơ thật tinh tế qua những bài ông chọn trích vào Văn tịch chí cùng lời nhận xét rằng thơ Nguyễn Giới Hiên “vừa có khí mạnh mẽ, vừa thanh nhã, đẹp đẽ”:

Nhất thủy bạch tòng thiên thượng lạc,

Quần sơn thanh đáo hải môn không.

(Qua cửa Thần Phù)

(Một dòng nước trắng từ trên trời rơi xuống,

Mấy ngọn núi xanh chạy dài đến cửa biển không cùng)

Nhất thốc lâu đài tàng thế giới,

Tử thời hoa điểu biệt nhân gian.

(Qua chùa Yên Tử)

(Một dãy lâu đài giấu bên trong cả vũ trụ,

Bốn mùa hoa, chim tách biệt với thế gian)

Thơ Nguyễn Trung Ngạn rất giàu hình tượng mà thường là những hình tượng kỳ vĩ của núi sông, trời, đất:

Vân đào tuyết lãng tử man man,

Chi trụ trung lưu ngật nhất san..

Càn khôn noãn phá hồng mông hậu,

Nhật nguyệt bình phù hiệu diểu gian...

(Hồ Động Đình)

(Bốn bề mông mênh làn sóng bạc,

Đột ngột một quả núi như cột đá giữa dòng.

Trời đất như quả trứng vỡ ra sau thời hồng hoang,

Mặt trời, mặt trăng như bèo nổi giữa khoảng không bất ngất)

Vào đầu đời Trần Minh Tông, Nguyễn Trung Ngạn được cử đi sứ sang Trung Quốc và trong cuộc đi sứ này, ông đã sáng tác khá nhiều thơ mô tả cảnh vật trên lộ trình từ Việt Nam tới Trung Quốc, đặc biệt là các danh thắng của Trung Quốc như hồ Động Đình, lầu Nhạc Dương..., bày tỏ ý thức trách nhiệm, nỗi nhớ nhà, nhớ nước của người sứ thần.

Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Mạc Đĩnh Chi, Đinh Củng Viên, Phạm Tông Mại là những nhà thơ đã phát triển một đề tài mới trong văn học đời Trần, đó là đề tài Thơ đi sứ, với những nội dung phong phú, những xúc cảm mới lạ. Lần đầu tiên, có thể nói như vậy, phong cảnh đất nước Trung Hoa hùng vĩ, đẹp đẽ xuất hiện trong thơ Việt Nam một cách đậm đà, sâu sắc đầy gợi cảm.

Những bài thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn được đời sau truyền tụng nhiều là Động Đình hồ, Nhạc Dương lâu...

Nhưng hay nhất trong thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn có lẽ là bài Ung Châu và bài Khâu Ôn dịch (Trạm Khâu ôn). Bài Khâu Ôn dịch thể hiện tư tưởng yêu chuộng hòa bình, muốn sống trong tình huynh đệ với các nước láng giềng:

Văn tận Thiên Hà tẩy giáp binh,

Miếu đường vô ý sự biên chinh.

Giang sơn hữu hạn phân Nam Bắc, H

ồ Việt đồng phong các đệ huynh...

(Kéo hết nước sông Thiên Hà rửa sạch áo giáp và vũ khí,

Ở triều đình ta không muốn có đánh nhau nơi biên giới.

Núi sông đã có giới hạn phân chia rõ Nam, Bắc.

Người Hồ, người Việt cùng giống nhau về phong hóa, đều là anh em...)

Còn Ung Châu là bài thơ hoài cổ, hoài niệm về một chiến tích lịch sử anh hùng của dân tộc:

Hào kiệt tiêu ma hận vị lưu,

Đại giang y cựu thủy đông lưu.

Quảng Tây hình thắng vô đa cảnh,

Lĩnh ngoại phồn hoa độc thử châu.

Cố lũy tinh kỳ thê lạc chiếu,

Không sơn cổ giác tống thâm thu.

Tòng quân lão thú tằng kinh chiến,

Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu.

Dịch thơ:

Hào kiệt tiêu mòn, hận chửa nguôi,

Như xưa sông lớn chảy về xuôi.

Quảng Tây cảnh đẹp không nhiều lắm,

Lĩnh ngoại, phồn hoa châu ấy thôi.

Ngưng nắng cờ tinh im trước lũy,

Tiễn thu kèn trống vắng bên đồi.

Lính già từng trải mùi chinh chiến,

Nghe nói Nam chinh thảy rã rời.

Ung Châu của Nguyễn Trung Ngạn là một trong những bài thơ hoài cổ hay nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
  • Xuất bản sách "Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo"
    “Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo” là nhan đề cuốn sách được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc (Bài 1)
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời cho tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
  • Hà Nội: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
    Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025. Trong đó, Thành phố thể hiện 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, để quá trình thực hiện đảm bảo đoàn kết, thống nhất, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân.
  • Hà Nội triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 14/5/2025 về Triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Trung Ngạn – một hồn thơ hào phóng, giàu khí phách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO