Văn hóa – Di sản

Nguyễn Huy Oánh – từ làng quê Trường Lưu đến Kinh thành Thăng Long

Đoàn Ánh Dương 29/11/2023 11:05

Nguyễn Huy Oánh húy là Xuân, tên chữ là Kính Hoa, hiệu Lựu Trai và Thạc Đình, là danh nho có đóng góp lớn cho sự nghiệp triều chính và văn hóa thời Lê trung hưng, đồng thời cũng là người khởi dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Ông sinh năm Vĩnh Thịnh thứ chín (Quý Tỵ, 1713) tại làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, Can Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh); thuộc thế hệ thứ mười của dòng họ Nguyễn Huy từ phương Bắc về đây lập nghiệp. Ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ có hai dòng họ Nguyễn nổi tiếng danh giá: dòng Nguyễn Trường Lưu gắn với các tên tuổi Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Hổ và Nguyễn Tiên Điền với Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du; song các gia tộc này đều có sự nghiệp hiển hách tại đất kinh kỳ.

nguyen-huy-oanh.png
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh).

Năm Long Đức thứ nhất (Nhâm Tý, 1732), Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu kỳ thi Hương nhưng phải 16 năm sau, khoa thi năm Cảnh Hưng thứ chín (Mậu Thìn, 1748) ông mới đỗ Thám hoa, mở ra con đường hoạn lộ. Năm Kỷ Ty (1749), ông được phụng sai làm Tham mưu đạo Thanh Hoa, năm sau, làm Hiệp đồng Nghệ An, phối hợp với Phạm Đình Trọng dẹp loạn Nguyễn Hữu Cầu. Như vậy là từ một thư sinh, Nguyễn Huy Oánh đã khởi nghiệp bằng võ quan. Gần mười năm sau, Đinh Sửu (1757), ông mới được về kinh giữ các chức văn quan trong tòa Đông các khi đã kinh qua các chức Đề điệu kì thi Hương năm Quý Dậu (1753) xứ Hải Dương, Yên Quảng và Tán trị thừa chính Sơn Nam. Năm Kỷ Mão (1759), tức tròn mười năm trong đời quan chức, Nguyễn Huy Oánh mới chính thức được triệu về kinh kỳ, được ban thêm chức Tri binh phiên, làm Nội giảng kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Hơn mười năm sau đó, Nguyễn Huy Oánh đã có nhiều cơ hội để thi thố và tỏ rõ năng lực của mình trước văn võ bá quan nơi cung đình. Nhờ tài ứng đối với sứ giả nhà Thanh năm Tân Tỵ (1761), bốn năm sau, Nguyễn Huy Oánh được triều đình cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, khi về được phong tước Bá. Đến năm Mậu Tý (1768), thăng Hữu thị lang Bộ Công. Tuy vậy, suốt mười năm tiếp đó, ông đồng thời đảm nhiệm vai trò của cả văn quan và võ tướng, rong ruổi chinh phạt phương nam, dẹp giặc bể ở Thanh Hoa, Sơn Nam, Hải Dương, rồi giặc núi ở Thái Nguyên, Cao Bằng. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), đánh dấu sự đổ vỡ của thể chế chính trị đương thời, Nguyễn Huy Oánh mượn cớ về quê chịu tang mẹ (bà kế Trần Thị Cung, 1703-1781) sống đời ẩn sĩ, triều đình tặng phong Thượng thư Bộ Công. Thời gian này, ông cho xây dựng thư viện Phúc Giang ở quê, mở trường dạy học và tập trung vào trứ tác. Nguyễn Huy Oánh thọ bệnh mất năm Kỷ Dậu (1789), đúng vào năm Nguyễn Huệ dẹp loạn trong giặc ngoài, dựng nên triều đại Tây Sơn.

Điểm qua một kinh lịch dạn dày như trên để thấy Nguyễn Huy Oánh đã thực hiện “chí nam nhi” của mình xuất sắc như thế nào. Suốt hai mươi năm gắn bó với kinh kỳ, Nguyễn Huy Oánh đã xác định vị thế của mình trong cương vị nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà giáo dục và nhà thơ. Đặc biệt, trong cương vị nhà thơ, ông là người có tham góp vào phong trào cải cách văn thể sôi động đương thời (theo Nguyễn Kim Sơn, cải cách văn thể gắn với tâm thái sĩ phu được manh nha từ sắc lệnh năm Chính Hòa thứ 14 (Quý Dậu, 1693), được Bùi Sĩ Tiêm cổ động vào khoảng ba mươi năm sau trong tờ khải dâng chúa Trịnh (Tân Hợi, 1731), thu hút được Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Huy Oánh, Vũ Thạnh, Nguyễn Tông Quai, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm,... tham gia). Cải cách văn thể gắn với tinh thần thực học, phục vụ kinh thế đã có tác động rất lớn đến nho phong sĩ khí đương thời. Đọc thơ văn Nguyễn Huy Oánh, dễ thấy cái tinh thần đổi mới văn chương sĩ khí ấy. Thơ Nguyễn Huy Oánh khoáng hoạt, phóng túng, dồi dào tình ý, đặc biệt ít câu nệ vào thi luật. Ông còn sáng tác nhiều ở thể thơ lục bát dân tộc, đáng chú ý là viết cả lục bát bằng chữ Nôm và Hán. Bài Tổng ca với 470 câu thơ lục bát chữ Hán, mở đầu cho 120 bài thơ nhật trình trong tập Phụng sứ Yên Kinh là một trường hợp hy hữu trong văn học thời trung đại. Sự nhuần nhuyễn trong bút pháp và phóng khoáng trong tâm ý là vẻ đẹp độc đáo của bài ca này. Tất cả cho thấy sự vượt lên những câu chấp về mặt hình thức, lề lối là một điểm nổi bật của văn chương Nguyễn Huy Oánh.

Có thể nói, tác động của phong khí kinh kỳ và tâm thái sĩ phu trong trào lưu cải cách văn thể là rất rõ ràng. Nó khiến cho những lựa chọn xuất xử của Nguyễn Huy Oánh luôn vượt lên được sự trồi sụt của đời sống văn hóa chính trị phức tạp khi ấy. Bởi thời gian sau khi đi sứ lập công (trong hai năm 1765 - 1766), được phong tước Bá, thăng Hữu thị lang Bộ Công, tiếp tục chinh chiến trải Nam ra Bắc suốt cả thập kỷ, là thời gian Nguyễn Huy Oánh được nhà Chúa trọng dụng nhất, công nghiệp hiển hách nhất thì cũng là lúc xã hội có nhiều bất ổn nhất. Ta đều biết, từ 1771 đến 1775, phong trào Tây đã khuynh đảo các thế lực khác, đánh chiếm kinh thành Phú Xuân, từ 1777 đến 1785 từng bước đánh bật chúa Nguyễn vào phía Nam, làm tan rã tập đoàn phong kiến Đàng trong; đến 1789, đánh bại tập đoàn Lê - Trịnh ngoài Bắc, quét sạch quân Xiêm và quân Thanh xâm lược cùng dư đảng, dựng lên chính quyền của những người áo vải. Nội trong phủ Chúa, sự tranh đoạt quyền lực cũng diễn ra liên miên, tiếp sau vụ án Canh Tý là loạn kiêu binh, đỉnh điểm của sự hỗn loạn ở kinh kỳ. Chỉ đến khi này Nguyễn Huy Oánh mới cáo quan về quê, nhà Chúa tặng phong Thượng thư Bộ Công vì công trạng. Thậm chí, năm sau, triều đình có đề nghị ông trở lại, nghĩa là nhà Chúa vẫn cần ông đưa vai gánh đỡ nhưng ông làm bài khải từ chối chức Tham tụng nhất quyết xin về. Ông ở quê lập thư viện Phúc Giang, dành tâm sức cho việc dạy học và trước thuật đến cuối đời, gần như ngoảnh mặt với các sự biến chính trị. Nếu không có tâm thái tự tại được bồi đắp bởi các sinh hoạt văn hóa kinh kỳ, đặc biệt là trào lưu cải cách văn thể, Nguyễn Huy Oánh khó có thể tìm thấy được một cuộc sống an nhiên như thế. Song hơn cả vậy, sách Nguyễn thị gia tàng, còn cho ta thấy sự ưu thời mẫn thế của Nguyễn Huy Oánh khi về quê mở trường dạy học. Gia phả viết: “Các danh sĩ có tiếng nhiều người học cửa ông. Thi đỗ cao và làm quan đồng triều có hơn ba mươi vị. Kể như Trương Văn Quỹ (Thanh Nê), Trần Công Xán (Yên Vĩ), đều là bậc tham dự chính sự; Phạm Nguyễn Du (Thạch Động), Phạm Quý Thích (Hoa Đường), là những người nổi danh văn học. Trong thì có các vị phiên đạo, ngoài có các quan thừa hiến, đâu cũng gặp học trò ông. Đến những kẻ thành danh, từ Giải nguyên, Tri huyện, Tri phủ, Giám sinh thì có rất đông” (dẫn theo Lại Văn Hùng). Hóa ra, chuyển từ hoạt động chính trị sang hoạt động văn hóa qua đường giáo dục là một sách lược của Nguyễn Huy Oánh (như cách La Sơn phu tử làm), một con đường hữu hiệu dẫn tới mục đích chấn chỉnh nho phong sĩ khí mà cải cách văn thể hướng tới. Đó là một lựa chọn đúng đắn mà không phải bậc uyên hậu thì không thể dễ dàng quyết đoán được.

Trong số các sáng tác của Nguyễn Huy Oánh, Nghĩ Quy lai phú giữ một vị thế đặc biệt. Được sáng tác ước khoảng năm Canh Tý (1780), Nghĩ quy lai phú đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời xông pha của ông. Trước đấy, dường như Nguyễn Huy Oánh đã phụng sự nhà Chúa bằng tinh thần tự nhiệm giữa lúc sĩ khí Bắc Hà đang suy vi nghiêm trọng, và ông cũng đã “toại chí” với những gì mình làm được. Vậy mà, gần như ngay phút chốc, ông vứt bỏ mọi lợi quyền, cả sự đổ nát của vương triều mà bấy lâu ông một lòng phụng sự để về vườn một cách an nhiên. Nghĩ quy lai phú nằm giữa ranh giới ấy, hùng hồn tuyên ngôn cho một thái độ sống khác đời và trái người như phần lớn tâm sự trong văn thơ ông.

Xét ở hoàn cảnh ra đời, bản thân sự “phỏng theo” Đào Tiềm của Nguyễn Huy Oánh đã là một sai lệch. Đào Tiềm viết Quy khứ lai từ khi thấy: “Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyền sự hương lý tiểu nhân đa” (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!). Nghĩa là ở Đào Uyên Minh, cái lý của sự ra về là tình yêu với thiên nhiên cây cỏ được náu trong cái cớ của việc minh định rạch ròi giữa bậc đại phu và tiểu nhân giữa đời. Mở đầu Quy khứ lai từ, ông viết:

Quy khứ lai hề, điền viên tương vu, hồ bất quy!

Ký tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi?

Ngộ dĩ vãng chi bất gián, tri lại giả khả truy.

Thực mê đồ kỳ vị viễn, giác kim thị nhi tạc phi.

(Về đi thôi hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao không về?

Đã tự đem lòng cho hình sai khiến, sao còn một mình đau thương?

Hiểu dĩ vãng không can nổi, biết tương lai có thể theo,

Chưa thực đi xa trên đường mê, thấy hôm nay phải còn hôm qua trái)

(Trần Trọng San dịch)

Còn với Nguyễn Huy Oánh, khi ông lui về trí sĩ, là lúc bản thân ông đang làm thượng quan, còn triều chính mục ruỗng đang cần người gánh vác. Ở đây có mấy vấn đề nảy sinh. Nếu chỉ là thượng quan không thôi, trong lúc triều chính vĩnh thịnh, thì đến tuổi mà tháo lui là phù hợp. Nhưng với một người luôn “chỉ huyền ái quốc trung quân niệm” (chỉ đeo đẳng một nỗi niềm ái quốc trung quân - Toại chí hành), thì ra về giữa lúc triều chính nghiêng đổ lại là không phù hợp.

Nguyễn Huy Oánh minh định cho lẽ xuất xử của mình bằng chữ thời. Mở đầu Nghĩ Quy lai phú, ông viết:

Cao nhân tri vi,

Quân tử kiến cơ (ki);

Tuy thiên hạ tư lão thành chi khứ,

Nãi minh triết thích xử thời chi nghi.

(Bậc cao nhân thấu lẽ huyền vi,

Người quân tử thấy khi cơ biến.

Trong thiên hạ đã là bậc lão thành thì nên lui về,

Bậc minh triết ứng xử phù hợp theo thời)

(Phạm Văn Ánh dịch)

Nhưng “ứng xử phù hợp theo thời” là thế nào? Cả bài phú là sự lý giải của ông về quan niệm ấy.

Đầu tiên là những ước nguyện phù hợp khi tuổi già đến. Sau cả một chặng đường dài chí thú cùng thi phú kiếm cung, nay mắt mờ chân chậm, phấn chấn hư hao thì người ta mong ước được trở về nhà, vui thú với thiên nhiên mà di dưỡng tính tình:

Ái ngô đinh hề, luyến ngô lư,

Hữu điền nhất triền hề, xuân canh thu liễm;

Hành niên lục thập hề, phát lạc xỉ sơ,

Phát lạc xỉ xơ hề, cổ vũ dĩ quyện;

Xuân canh thu liễm hề, chiên chúc khả dư,

Chiên chức khả dư hề, tính tình dật.

(Tiếc cái đỉnh của ta chừ, quyến luyến với ngôi nhà tranh của ta,

Có khoảnh ruộng chừ, mùa Xuân thì cày bừa, mùa Thu thì thu hoạch;

Tuổi sáu mươi chừ, tóc rụng răng thưa,

Tóc rụng răng thưa chừ, phấn chấn đã giảm;

Xuân cày bừa, Thu thu hoạch chừ, cháo loãng cũng dư.

Cháo loãng cũng dư chừ, tính tình phóng khoáng)

Muốn vậy, rõ ràng phải có cái ngạo nghễ của người khinh thường công danh phú quý để sống theo sở nguyện. Nếu không rũ bỏ được quá khứ vàng son, không thoát khỏi những giàm buộc phận vị thì lựa chọn hành tàng luôn trở nên khó khăn. Với Nguyễn Huy Oánh:

Trung thu hảo tước hề, bất ngã năng mi,

Đại nhã năng quan hề, bất ngã năng khuất.

Bất năng khuất hề, nhậm ngã tự nhiên,

Nhậm ngã tự nhiên hề, cao đạo khâu viên.

(Trung thu rót chén rượu ngon chừ, không thể ràng buộc được ta;

Tài cao, quan giỏi chừ, không thể làm ta khuất phục.

Không để làm ta khuất phục chừ, để ta được tự nhiên;

Để cho ta theo lẽ tự nhiên chừ, ruổi rong nơi vườn gò)

Chữ thời đến đây đã được đẩy cao thêm một nấc, từ chỗ phù hợp với lẽ ứng xử xã hội nhân sinh thành thuận theo lẽ tự nhiên. Có sự ùa vào của cảm quan Lão - Trang trong quan niệm của tác giả. Suốt cả một đoạn phú dài thể hiện niềm hứng thú với thiên nhiên, dễ thấy sự gặp gỡ giữa nhân sinh quan của Nguyễn Huy Oánh và Đào Bành Trạch:

Ngụ hình vũ nội phục kỷ thời, hạt bất uỷ tâm nhiệm khứ lưu?

Hồ vi hoàng hoàng, dục hà chi?

Phú quý phi ngô nguyện, để hương bất khả kỳ,

Hoài lương thần dĩ cô vãng, hoặc thực trượng nhi vận tỷ.

Đăng động cao dĩ thư khiếu, lâm thanh lưu nhi phú thi.

Liêu thừa hoá dĩ quy tận, lạc phù thiên mệnh phục hề nghi?

(Gửi hình trong vũ trụ được bao lâu, sao không thả lòng mặc ý ở đi?

Tại sao còn thắc mắc, muốn đi đâu?

Giàu sang chẳng phải điều ta nguyện, chốn đế hương không thể ước ao,

Nghĩ buổi sáng đẹp trời một mình dạo chơi, hay dùng gậy làm cỏ vun.

Lên bãi đông, ngâm nga thư sướng, đến dòng suối trong làm bài thơ,

Thuận theo biến hoá về chốn tận cùng, vui mệnh trời, còn nghi ngờ chi?

(Quy khứ lai từ)

Cả hai ông đều có niềm vui được chăm luống cúc, nấu trà mai, uống rượu thưởng trăng; được dạo quanh thôn xóm tìm bạn bô lão bàn chuyện ruộng vườn, quây quần bên cháu con dưới mái nhà tranh ăn bữa cơm đạm bạc... Đó là cái lẽ “tri túc” (biết đủ dừng) của những bậc cao khiết. Và khi đạt được điều đó thì đâu còn màng đến lợi danh phú quý:

Ý thành tâm quảng hề, di dưỡng thiên chân;

Ngã phúc tiện tiện hề, ngã sắc hân hân.

(Ý thành tâm khoáng đạt chừ, di dưỡng tính trời;

Bụng ta phề phệ chừ, thần sắc ta tươi vui)

Thuận theo lẽ trời, thuận theo lẽ tự nhiên tất là hợp thời. Nhưng để ứng xử được như thế lại là cả một vấn đề. Có lẽ, những vấn đề thế thái nhân sinh chưa cho Nguyễn Huy Oánh quên đời để đạt được cái tâm hư của Đạo, cái tâm thanh thản của ông già trồng Cúc đất Tầm Dương. Cũng có lúc ông chia sẻ với người ẩn sĩ đồng hương ở núi Lạp Phong, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp:

Sơn lâm chung định nguyên vô dị,

Quân tử thời trung tố vị hành.

(Giản Lạp Phong điên ẩn, I)

(Kẻ nơi sơn lâm và kẻ chốn triều đình vốn không khác nhau,

Bậc quân tử lúc đúng thời cứ hành xử theo vị thế của mình)

(Gửi ẩn sĩ núi Lạp Phong, bài I - Trần Hải Yến dịch)

Bởi ông cảm nhận được rõ phận vị của con người khi bị ném vào giữa trần ai. Ngày trước, khi nhà vua cần một sứ quan, ông đem hết tài năng thi thư ra cống hiến; khi trở về, vua cần một dũng tướng, thì ông cũng nhanh chóng “xếp bút nghiên theo việc binh đao”. Với ông đấy là trách nhiệm của bậc tôi trung đối với nhà vua, là ý thức tự nhiệm của kẻ sĩ với vương triều mình phụng sự. Quá khứ ấy không hẳn đã bớt hào quang khi ông soạn phú, theo tấm gương xưa, chọn lối đi về:

Niệm tích sách danh ư trường ốc,

Cánh tư du nghệ ư cổ văn.

Học hải từ lâm, dụng công ngư lạp;

Nghiên điền bút lỗi, trước lực canh vân.

(Ngẫm xưa bài văn sách nổi danh nơi trường ốc,

Lại nghĩ từng dụng công học cổ văn.

Biển học rừng từ, dụng công săn bắn,

Nghiên ruộng bút cày, dốc sức cày bừa)...

Rõ ràng, Nguyễn Huy Oánh, trong lúc thấy không thể đem tài mình ra phục vụ trực tiếp cho vương triều, như một lý do của việc xin về, vẫn muốn được dùng tài ấy. Trời cho được một chút tài, ông tự hào về điều đó, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ tới việc “giắt lưng dành để tháng ngày chơi”. Nguyễn Huy Oánh vẫn không bước qua được ranh giới của mẫu nhà Nho hành đạo để trở thành một ẩn sĩ hay nhà Nho tài tử. Riêng điều này đã làm nên một Nguyễn Huy Oánh biệt lệ so với sĩ phu đương thời. Nhưng ông có lối đi riêng, kiên định với lối đi ấy và có lẽ trong một khuôn khổ nào đấy, đã có ý nghĩa: dùng chính kiến thức quảng bác của mình để mở trường dạy học, thu thập thi thư, trau dồi phong khí cho lớp học trò. Ông ngẫm nghĩ: Phú quý phi sở kỳ,/ Vãn nhi di đốc vi thư si./ Thư nhi si hề, nhật nguyệt minh;/ Thụ đồ hành thiện hề, hựu thùy tranh. Dữ hạo khí vi đồ hề, bất đạo dẫn nhi thọ;/ Dĩ thiện môn vi sự hề, vô giang hải nhi thanh (Giàu sang chẳng hạn kỳ,/ Đến già lại càng ham mê sách./ Ham mê sách chừ, nhật nguyệt sáng soi;/ Dạy học trò làm điều thiện chừ, nào ai tranh./ Noi cùng khí hạo nhiên chừ, không cần có sự dẫn dắt mà được thọ;/ Đem thiện để hành sự chừ, chẳng sông biển cũng trong xanh). Thư viện Phúc Giang, những trước tác và nhiều môn sinh tài năng là kết quả của niềm tin và lựa chọn ấy. Và như thế, ứng xử hợp thời với Nguyễn Huy Oánh là ở đâu, trong hoàn cảnh nào, dù đương vị hay cáo lui trí sĩ vẫn phải bám chặt với đời, cống hiến cho đời.

Tính từ khi Nguyễn Huy Oánh soạn Nghĩ Quy lai phú đến khi ông qua đời (1789), trong khoảng chục năm, danh tiếng của thư viện Phúc Giang là không nhỏ. Ngoài việc đương thời ông được phong làm Uyên phố hoằng dụ Đại vương, gần nửa thế kỷ sau đó, ông còn được nhà Nguyễn sắc phong làm Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần. Phải chăng ở Nguyễn Huy Oánh, khi lựa chọn lui về cư sĩ, ông đã không chỉ ôm ấp giấc mộng được người đời biết đến như một bậc ẩn sĩ lo đời, luôn mong muốn giảng truyền chính học, như tuyên ngôn của ông trong bài phú: Hưởng thiên chi thọ, thể Càn chi trinh; Thử ngô sở dĩ đắc kiêm lại ẩn chi danh (Hưởng thọ trời ban, thể theo chính bền của quẻ Càn;/ Đó là cái sở dĩ giúp ta mang danh là bậc quan lại ẩn cư). Âm hưởng của những sinh hoạt văn hóa nơi đất kinh kỳ có lẽ vẫn còn sâu nặng trong lòng Nguyễn Huy Oánh, ý hướng phấn phát nho phong, trau dồi thực học có lẽ vẫn là niềm trăn trở khôn nguôi trong những suy tính lúc ông về “nhàn”, khiến thân nhàn nhưng tâm không nhàn. Chính vì thế, với Thăng Long, Nguyễn Huy Oánh không chỉ là người đã làm cho phong khí kinh kỳ trở nên tốt đẹp khi ở, mà ngay cả khi xa, ông vẫn là người không ngừng phát dương cho phong khí ấy, qua khí tiết của ông, và qua các thế hệ học trò hiển đạt của ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
    Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Nguyễn Huy Oánh – từ làng quê Trường Lưu đến Kinh thành Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO