Văn hóa – Di sản

Nguyễn Gia Phan – danh y thời Tây Sơn

Lê Trần Đức 27/11/2023 16:57

Gia Phan nguyên tên là Nguyễn Thế Lịch, quê ở làng Yên Lũng, xã Dưỡng An, huyện Từ Liêm, đạo Sơn Tây (nay là xã An Khánh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội), Nguyễn Gia Phan sinh năm 1748, mất năm 1817, thọ 70 tuổi.

nguyen-gia-phan.jpg
Tranh minh họa quân Tây Sơn tiến công.

Ông là con thứ của Xứng thọ hầu Nguyễn Thế Xứng, cháu nội của Thiếu bảo Khâm quận công Nguyễn Thế Khoan. Ông rất thông minh, văn chương lỗi lạc. Từ lúc lên 10 tuổi, ông được Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh dìu dắt thêm về văn học và sau gả con gái cho. Năm 19 tuổi, ông đỗ Hương thi, năm 26 tuổi, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) đời Cảnh Hưng. Sau khi đỗ, năm 1775, ông được bổ nhiệm làm Cấp sự hộ khoa, rồi sung chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây.

Ông xuất thân từ một gia đình nho y, nối nghiệp ba đời làm thuốc, nên ông thông hiểu nghề y rất sớm. Năm 1772, ông đã biên soạn quyển Tiểu nhi khoa và quyển Phụ nhân điều lý phương pháp.

Trong khi làm quan ở Sơn Tây, ông thường vẫn được triệu về triều chữa bệnh cho Trịnh Sâm (chúa Trịnh) và cung phủ. Năm 1777, nhân Sơn Tây có dịch lan rộng, ông đã cho chế thuốc chống dịch được kết quả. Cùng năm ấy, theo chỉ dụ của phủ chúa, ông đã soạn hai quyển sách Thai tiền điều dưỡng phương pháp, Thai sản điều lý phương pháp để dùng trong cung. Sau về triều, ông giữ chức Nội phủ phiên hậu quản viện hữu đội thị nhưng thị trà ở Thái y viện. Rồi ông được thăng chức Hữu thị lang Bộ Binh và phong tước Hoàng phong bá, sau đổi sang Hồng lô tự khanh. Đến đời Lê Chiêu Thống, ông làm Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng.

Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc diệt chúa Trịnh. Nguyễn Gia Phan về quê làm thuốc. Sau cuộc binh hỏa ở kinh đô năm 1789, bệnh dịch phát sinh ác liệt. Ông lại có dịp chữa các vụ dịch năm 1789 và 1791, đã cứu được rất nhiều người.

Ông được vua Quang Trung triệu vào kinh đô Phú Xuân (Huế) làm việc. Cuối năm 1791, ông đã vào nhận chức. Ông làm Thượng thư Bộ Lại dưới đời Cảnh Thịnh. Có hồi ông đã phối hợp với Thái y viện về việc chống dịch cho nhân dân ở các địa phương. Ông phục vụ triều Tây Sơn đến năm 1802, và được phong tước Trung thọ hầu. Khi Gia Long lên ngôi, ông cùng Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bị bắt, giải về Phú Xuân, rồi lại giải trở lại Thăng Long, đem ra đánh ở Văn Miếu năm 1803. Nguyễn Gia Phan đã bị đánh 3 roi vào mông, còn Ngô Thì Nhậm thì bị Đặng Trần Thường là bạn học cũ, do tư hiềm phục thù, dùng roi hèo đánh vào hông rồi thối gan mà chết.

Được thả, Nguyễn Gia Phan về làng Đại Mỗ, chuyên làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Năm 1805, Gia Long triệu ông vào Huế chữa bệnh cho mẹ, sau chữa khỏi, Gia Long có ý bổ dụng ông nhưng ông từ chối.

Ông có soạn quyển Thiệp lý sự trạng ghi những việc trải qua của đời mình.

Về văn học, không thấy có trước tác riêng, nhưng tục truyền ông làm thơ cũng nhanh, thơ Nôm của ông mộc mạc, tuy nhiên cũng có hình ảnh.

Về y học, trong khi làm quan, Nguyễn Gia Phan thường vẫn tham gia chữa bệnh. Nhưng từ khi ông về nghỉ (1802) ông đã dành cả 15 năm cuối đời mình cho việc phục vụ sức khỏe nhân dân và nghiên cứu trước tác y học. Năm 1814, ở địa phương xảy ra một vụ dịch ác liệt, ông đã tận tình cứu chữa cho nhân dân qua khỏi. Cùng năm ấy, ông đã chỉnh lý xong các bộ sách của ông biên soạn:

1. Liệu dịch phương pháp toàn tập về bệnh truyền nhiễm.

2. Lý âm phương pháp thông lục về phụ khoa và sản khoa.

3. Hộ nhi phương pháp tổng lục về nhi khoa.

Ba tác phẩm trên hiện còn ở Thư viện khoa học xã hội, còn quyển Y gia phương pháp tổng lục về y lý trị liệu, bị thất lạc.

Nguyễn Gia Phan làm thầy thuốc nổi tiếng cả ở Đàng Ngoài, Đàng Trong. Con cháu ông đời nào cũng có người kế tục nghề y cho đến ngày nay. Hiện còn những câu đối ở nhà thờ ông ghi lại truyền thống y học lâu đời của dòng họ này:

- Quận công đức thụ phân thùy ấm

(Cây đức quận công xòe bóng mát)

- Tiến sĩ phương chi tịnh thác căn

(Cành thơm tiến sĩ cậy mầm xưa)

Đôi câu đối khác:

- Quất tinh bá phương danh tự Nam tự Bắc

(Từ Bắc chí Nam, khắp nẻo thơm danh giếng quất)

- Chi lan sầm mỹ ấm nhi tử nhi tôn

(Kìa con này cháu, sum vầy rợp bóng chi lan)

Ở địa phương, người ta còn kể những câu chuyện về tài nghệ chuyên môn của Nguyễn Gia Phan. Trong đó có câu chuyện Nguyễn Gia Phan đã giải quyết một trường hợp vợ vua Lê (không rõ vua nào) đẻ khó như sau: vợ vua khi lâm bồn, bị đau quằn quại kéo dài mà không đẻ được, mặc dù các bà đỡ và các thầy thuốc được tin dùng nhất của vua đã đều thi thố mọi cách. Nguyễn Gia Phan được triệu vào. Ông bảo sản phụ ngồi lên và truyền lệnh cho quân hầu đặt hai đồng tiền ở hai bên bà ta, một bên là tiền đồng, một bên là tiền kẽm. Thầy thuốc Gia Phan bảo bà ta làm theo cách hướng dẫn: xoay người sang bên này bốc một đồng tiền kẽm bỏ sang bên kia, rồi lại xoay người sang bên kia bốc một đồng tiền đồng bỏ sang bên này, cho đến khi hai đồng tiền đã hoàn toàn chuyển vị trí cho nhau. Nhờ phép vận động ấy, vợ vua đã đẻ được. Qua việc này ta cũng có thể thấy được Nguyễn Gia Phan đã vận dụng những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân có tác dụng làm cho sản phụ chăm chú vào việc bốc tiền bên nọ qua bên kia mà bớt cơn đau, đồng thời động tác vặn mình đều đặn này khiến cơ bụng ẹp xuống mà thúc đẩy thai ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Tác giả không dùng lối sờ vuốt hay cho uống thuốc mạnh có hại.

Nguyễn Gia Phan đã thừa kế y học cổ truyền, tổng hợp nhiều kinh nghiệm của sách xưa, nhưng ông vẫn có những nhận thức riêng theo thực tiễn, với tinh thần độc lập suy nghĩ.

Trong trước tác y học, Nguyễn Gia Phan đã có những sáng tạo thực tiễn. Quyển sách chuyên đề về ôn dịch Liệu dịch phương pháp toàn tập soạn năm 1814 đã bao gồm cả các bệnh sốt rét rừng (chướng ngược) và bệnh hoàng ôn (vàng da truyền nhiễm), khác với các sách xưa, những bệnh này thường xếp vào nội khoa. Trong sách đông y, thường chỉ gọi bệnh vàng da là hoàng đảm (hoàng là màu vàng, đảm là bệnh do mật) nhưng ở đây, tác giả đã dùng một tên riêng là “Ôn hoàng” và “Hoàng ôn” (ôn là ôn dịch có tính truyền lây, hoàng là hoàng đảm bệnh vàng da). Liên hệ với bệnh viêm gan do siêu vi trùng trong Tây y được Botkin, nhà bác học Liên Xô phát hiện có tính lây truyền năm 1880, chúng ta thấy tác giả Việt Nam cũng đã có những nhận thức thực tiễn, với những điều kiện lịch sử hạn chế.

Nguyễn Gia Phan là một nhà y học có khoa bảng, đã phục vụ triều Hậu Lê 11 năm và triều Tây Sơn 10 năm. Dưới triều Lê, trong khi giữ chức Chánh sứ đạo Sơn Tây, ông đã chỉ đạo việc chống dịch cho nhân dân. Về triều, tuy giữ chức Thị lang ở Bộ Binh, nhưng với sự tín nhiệm của phủ chúa, ông kiêm cả việc trông coi thuốc men trong cung. Tuy vậy, ông đã nhìn xa, thấy triều đình phong kiến đến lúc suy tàn, ông kiếm cớ xin nghỉ về nhà làm thuốc. Nguyễn Gia Phan là người thức thời mẫn thế, ông lại được dịp phục vụ nhân dân một cách thiết thực trong việc chống dịch, khỏi cơn tai biến. Ông đã làm nghĩa vụ “nhân thuật” thay thế cho y tế nhà nước phong kiến bất lực và tan rã.

Vì vậy, ông được triều Quang Trung tin dùng. Dưới triều này, việc lãnh đạo y tế và thuốc men là do Nguyễn Hoành nắm toàn quyền. Nguyễn Hoành, người ở Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đã cùng 2 con tham gia phong trào Tây Sơn. Ông đã tổ chức Nam dược cục, tập hợp các nhà lão y nghiên cứu thuốc Nam, soạn quyển Nam dược 500 vị. Ông và hai con ông (một người là rể Nguyễn Nhạc) đã bị quân nhà Nguyễn ở Thanh Hóa bắt giết (Theo gia phả họ Nguyễn do cụ Nguyễn Minh Cầu, cháu 8 đời của Nguyễn Hoành tàng trữ). Nguyễn Quang Tuân tức La Khê, nguyên Thái y viện đại sứ triều Lê được chuyển sang giữ chức Tá lệnh sứ. Nguyễn Quang Tuân người làng La Khê (nay là Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), trú ở thôn An Ninh hạ, đã soạn La Khê phương dược. Nguyễn Gia Phan nắm chính sự (Thượng thư Bộ Lại) đã kết hợp chỉ đạo y tế địa phương về chống dịch cho nhân dân.

Về sự nghiệp y học, Nguyễn Gia Phan đã có công tổng hợp các phương pháp chữa bệnh cổ truyền của Đông y, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, nhất là tổng kết đường hướng trị bệnh hoắc loạn thổ tả, bệnh vàng da truyền nhiễm và bệnh sốt rét ác tính (chướng lệ). Tác giả đã cho chúng ta thừa kế những đặc điểm về quan sát biện chứng, những kinh nghiệm vận dụng cổ phương, và học tập đức tính cần cù trong việc biên soạn sách, tinh thần trách nhiệm của một người thầy thuốc chân chính đối với tính mạng nhân dân, cũng như của một nhà trí thức yêu nghề, yêu khoa học có nghĩa vụ giúp ích cho xã hội và ý thức đóng góp cho đời sau./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Từ 1/1/2025, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
    Xe kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có biển báo dấu hiệu nhận biết đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Gia Phan – danh y thời Tây Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO